Ngày 14/12/2019 vừa qua, Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình – MAAC (Maya Academy of Advanced Cinematics) vừa diễn ra sự kiện Expert Talk #2 với chuyên đề “Bức tranh tương lai của nền công nghiệp phim hoạt hình” thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, các bạn trẻ có niềm đam mê yêu thích và muốn theo đuổi lĩnh vực Hoạt hình – đang phát triển mạnh mẽ đặc biệt tại Châu Á.
Sự kiện diễn ra với sự tham gia của các diễn giả đến từ các “ông lớn” trong nền công nghiệp sản xuất phim hoạt hình như Toon Boom, Vintata Studio, Armada Studio. Thông qua những trao đổi thú vị về chuyên môn và câu chuyện nghề từ các chuyên gia, sự kiện không chỉ giúp các bạn có cái nhìn toàn cảnh về ngành công nghiệp Hoạt hình thế giới mà còn nắm được những kiến thức thị trường. Để từ đó, các bạn có thể lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp trong lĩnh vực, mở ra một tương lai tươi sáng cho thế hệ sản xuất phim Hoạt hình trẻ tại Việt Nam.
Bắt đầu cho sự kiện là phần giới thiệu về Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC cũng như các khóa học tại học viện bởi anh Đinh Trí Dũng – Giám đốc Học viện và anh Subhajeet Adhikary – Trưởng phòng Đào tạo.
“Có 1 điều rất mừng là ngày càng có nhiều bạn trẻ có niềm đam mê với kỹ xảo Hoạt hình, đó là 1 phần cơ sở về niềm tin, cùng với sự phát triển của nên công nghiệp, sự chuyên nghiệp và truyền lửa của các Studio hiện nay mà chúng ta đang có thì anh tin chắc chắn rằng chúng ta sẽ có một nền công nghiệp Hoạt hình rực rỡ và có những sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong tương lai” – anh Dũng nhận định.
Nối tiếp sự kiện là những chia sẻ đầy chân thành và chuyên sâu về chuyện trong nghề, về các dự án đã thực hiện và sắp triển khai sắp tới anh Nguyễn Thanh Hùng và anh Nguyễn Phước Sang, đại diện của của Vintata Studio – xưởng phim sản xuất bởi người Việt dành cho người Việt.
Đôi nét về Vintata, anh Nguyễn Thanh chia sẻ: “Được thành lập từ năm 2016 đến nay, Vintata đã cho ra đời những series hoạt hình, trong đó có thể kể đến loại series 40 tập “Monta trong dải ngân hà kì cục” đã được đăng tải trên Youtube, và dự kiến trong năm 2020, Vintata Studio sẽ cho ra mắt bộ phim với định dạng 1 phim dài tập”.
Ngoài ra, anh cũng có những lời gửi gắm đến các bạn trẻ đang theo đuổi niềm đam mê sản xuất phim Hoạt hình: “Để bắt đầu theo đuổi ngành Animation, điều đầu tiên chính là các bạn phải có sự yêu thích đối với phim hoạt hình, có niềm đam mê với việc làm phim và một yếu tố thiết yếu nữa là các bạn phải thích vẽ. Có thể là vẽ không đẹp, chưa đẹp, nhưng chúng ta có thể trao dồi từ từ và bằng các khóa học thông qua các trung tâm đào tạo chuyên sâu về Animation, các video clip hướng dẫn trên mạng và dành thời gian tự học…”
Không khí trở nên hào hứng và vui nhộn với phần giới thiệu về Toon Boom –“gã khổng lồ” đi đầu trong sản xuất kỹ thuật vẽ phần mềm Đồ họa Hoạt hình thế giới từ 2 diễn giả, ngài Valentin Collignon và ngài Aymeric Pons.
“Được thành lập từ năm 1994, Toon Boom đã góp phần thay đổi nền công nghiệp phim Hoạt hình 2D khi hợp tác với các hãng phim hàng đầu trên thị trường thế giới: Disney Television Animation, Nelvana, Universal, Fox, Xilam, Ubisoft,…để tạo ra các sản phẩm khẳng định được thương hiệu trên thị trường hiện nay.”
Không chỉ có thêm những hiểu biết về phần mềm đồ họa Hoạt hình Toon Boom, các bạn có mặt tại sự kiện còn có cơ hội được tiếp cận với một trong những chủ đề đang được quan tâm hàng đầu – cơ hội phát triển và tiềm năng của ngành công nghiệp phim Hoạt hình ở hiện tại và trong tương lai qua những video và hình ảnh thống kê số liệu đến từ các diễn giả.
Về câu hỏi liệu nền công nghiệp Hoạt hình của Việt Nam có thể bắt kịp được với quốc tế hay không, anh Valentin Collignon đưa ra nhận định: “Các studio đến từ Việt Nam như Armada hay Vintata, hiện nay đều cần nhân viên có chuyên môn cao và được đào tạo bài bản trong lĩnh vực làm phim hoạt hình, nhưng hầu hết sẽ cảm thấy khó khăn trong việc tìm một trung tâm dạy học bài bản và có một giáo trình chất lượng bài bản và cụ thể đúng hướng, nên có thể thấy rõ việc này ảnh hưởng ít nhiều đến việc phát triển nhóm đối tượng “animator” đủ khả năng tham gia vào công tác làm phim Hoạt hình.”