HỌC VIỆN KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH & HOẠT HÌNH MAAC
Là câu nói mà chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã từng nhìn qua một lần ở đâu đó trên mạng xã hội. Người ta vẫn thường dùng câu nói này để khích lệ những người trẻ đi theo đam mê của họ, biến sở thích của mình thành công cụ hái ra tiền. Nhưng có một sự thật đáng buồn là chẳng mấy ai đủ can đảm để đi theo những khát khao của bản thân, bởi vì người trẻ hiện nay, nếu không gồng mình gánh trên vai những áp lực vô hình từ xã hội thì cũng sống vì kì vọng của người khác. Chính vì thế, để thành công từ đam mê, bạn không thể chỉ có mỗi đam mê mà còn cần rất nhiều sự dũng cảm, kiên nhẫn và quyết tâm để theo đuổi đến cùng.
Những người thuộc thế hệ trước thường bị chê là lỗi thời nhưng khác với con cháu của mình, họ có thể sống mà không cần bất kì lời khuyên nào từ mạng xã hội. Dù ở thời đại nào đi nữa, cuộc sống vẫn có những con người ý thức được mình muốn gì và sẵn sàng làm mọi thứ để phát triển bản thân kể cả việc từ bỏ Đại học, bỏ cả những công việc dễ dàng hái ra tiền, bởi vì họ biết rằng chẳng bao giờ là quá trễ để cùng đam mê của mình tạo nên kì tích.
Trần Đình Hoàng là một trong số đó.
Năm 2001, Trần Đình Hoàng trở thành cậu sinh viên năm nhất của chuyên ngành Thiết kế nội thất thuộc Đại học Mỹ thuật Tôn Đức Thắng. Nhưng trong đôi mắt của một con người thực tế, bốn năm dường như là khoảng thời gian quá dài chỉ để đi đi về về ở giảng đường Đại học. Nghĩ là làm, anh từ bỏ Thiết kế nội thất và đăng kí khóa học Đồ họa đa truyền thông của trường Đại học Khoa học Tự nhiên vì những tiềm năng trong công việc mà chuyên ngành này mở ra trước mắt. Anh tự nhận rằng: “Đó giờ mình học gì cũng không tốt, chỉ riêng đồ họa học rất nhanh”.
Trong quá trình học tập, Hoàng chưa bao giờ bỏ qua một cơ hội nào để có thể thực hành những gì mà anh được học ở trường. Song song với việc lên lớp, anh nhận làm hàng tá những công việc khác nhau như cắt decal, thiết kế, in ấn, làm web, v.v… như chính lời bộc bạch: “Vừa học được cái gì của thầy cô là anh đem ra ngoài ứng dụng liền”.
Ở thời điểm bấy giờ, thiết kế, in ấn decal là một trong những ngành nghề hot kiếm ra rất nhiều tiền, nhưng sau khi tốt nghiệp, Hoàng vẫn quyết định từ bỏ những công việc đó để theo đuổi niềm đam mê từ lâu với bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Với những kiến thức cơ bản về dựng phim được học trong hai năm ở trường, Hoàng bắt đầu sự nghiệp mơ ước của mình với vai trò là một Editor. Từ MV ca nhạc, phim truyền hình cho đến video đám cưới, anh chấp nhận làm không công để tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, vì anh quan niệm rằng “sinh viên muốn làm được việc sau khi ra trường thì trong quá trình học phải tự va chạm và trải nghiệm vì kiến thức mà trường lớp đem đến cũng chỉ vừa đủ, còn lại thì mình phải tự tìm cách vận dụng và phát triển. Chẳng ai học ra là có thể làm giỏi liền được, chúng ta chỉ có thể tự trông cậy vào bản thân của mình mà thôi.”
Sau hai năm làm Editor, Hoàng mong muốn thử thách bản thân mình ở một vị trí cao hơn và cần nhiều hiểu biết về mặt đồ họa, kỹ xảo. Năm 2005, anh xin vào Alive Interactive – một công ty chuyên làm 3D cho các game của nước ngoài. Ở đó, anh vừa học, vừa làm trong một môi trường quốc tế chuyên nghiệp, tiếp tục ứng dụng những gì mà mình đã biết và trau dồi thêm những kiến thức mới từ các chuyên gia trong 6 năm. Chưa dừng lại ở đó, những kỹ năng về kỹ xảo của Hoàng tiếp tục được “mài dũa” nhiều hơn khi anh gia nhập My Vertex. Tại đây, Hoàng bắt đầu làm phim hoạt hình cho các phòng chiếu 4D vốn là những dự án đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật chuyên môn.
Ít ai biết rằng Trần Đình Hoàng tự mình học hỏi, nỗ lực phát triển bản thân trở thành một người làm kỹ xảo giỏi trong 10 năm kể từ ngày tốt nghiệp chỉ vì một lần “lỡ duyên” với điện ảnh. Ở khoảng thời gian làm Editor, anh từng liên hệ với một số đạo diễn quen biết đang bắt đầu làm phim để tìm kiếm một cơ hội cộng tác. Nhưng ở thời điểm đó, kỹ năng của Hoàng còn khá yếu dù anh học rất tốt bộ môn 3D ở trường. Vì vậy, Hoàng đã không thể đáp ứng được những yêu cầu công việc từ phía đạo diễn đưa ra lúc bấy giờ. Với tính cách của mình, dĩ nhiên anh không vì thế mà từ bỏ, Hoàng đã lấy lần “lỡ duyên” đó làm động lực cho 10 năm không ngừng vươn lên. Anh vừa làm việc miệt mài, vừa rèn luyện những kỹ năng, vừa học hỏi những điều mới mẻ cho tới một ngày cảm thấy rằng mình đã được “trang bị” đầy đủ sự từng trải về mọi mặt, anh mới có đủ dũng khí để quay lại nói với vị đạo diễn năm xưa rằng: “Anh, bây giờ em làm được rồi!”. Từ đó, Hoàng bắt đầu bén duyên với điện ảnh Việt, trở thành người làm VFX cho các bộ phim đình đám trong nước.
Với những người có mục tiêu và hoài bão từ rất trẻ như Trần Đình Hoàng, họ luôn mong muốn có được điều gì đó của riêng mình. Sau khoảng thời gian dài lăn lộn trong nghề, anh cùng bạn thân là đạo diễn Đoàn Nhất Trung, người làm nên thành công của bộ phim ăn khách “Cua Lại Vợ Bầu” mở một công ty chuyên cho thuê thiết bị mang tên Bầu House. Bên cạnh đó, anh còn thành lập HETA – Công ty chuyên về CGI và làm kỹ xảo VFX cho các bộ phim điện ảnh. HETA không chỉ là cột mốc giúp Hoàng khẳng định sự nghiệp của mình, đó còn là nơi để anh vun đắp cho những tài năng VFX trong tương lai. Bằng giọng nói từ tốn, Hoàng chia sẻ về “đứa con tinh thần” đầy tâm huyết của anh rằng: “Anh cảm thấy mình đã làm đủ lâu rồi, đã đến lúc để anh tạo ra một nơi, lát một con đường dài và chắc chắn dành cho các bạn trẻ đam mê kỹ xảo.”
Anh có thể chia sẻ một chút về bộ phim đầu tiên đã đưa anh vào con đường làm VFX?
Sự nghiệp làm VFX của anh bắt đầu bén duyên từ phim điện ảnh “Nhà Có Năm Nàng Tiên” cách đây khoảng 7, 8 năm. Kể từ đó cho đến nay, anh đã tham gia làm kỹ xảo cho khoảng 30, 40 bộ phim Việt chiếu rạp. Anh vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên được gọi ra hiện trường. Thật sự, anh bị choáng ngợp khi nhìn thấy một đoàn phim lớn như vậy. Lần đó, anh làm hiệu ứng cho chị Việt Hương khi chị đá chai nước vào giỏ. Diễn viên không thể tự mình làm được việc đó mà phải nhờ đến kỹ xảo can thiệp. Vì thế, anh ra hướng dẫn chị cách đá như thế nào để làm kỹ xảo cho đẹp nhất. Anh từng tìm hiểu nhiều về đoàn phim nhưng khi được trải nghiệm thực tế thì thật sự rất khó tả, vì vậy mà cảm giác đó vẫn theo anh tới tận bây giờ.
Khi nhận một dự án mới, anh thường tìm nguồn cảm hứng ở đâu để thực hiện kỹ xảo cho dự án đó?
Mỗi lần nhận một dự án mới, anh và đạo diễn sẽ gặp nhau để trao đổi về ý tưởng, kịch bản và những mong muốn mà họ dành cho bộ phim. Khi anh ngồi nghe những vị đạo diễn nói chuyện về tác phẩm của mình, sự say mê của họ với điện ảnh của họ đã đem đến cho anh nguồn cảm hứng và động lực để hoàn thành thật tốt dự ánđó.
Sau mỗi dự án được hoàn thành, điều tuyệt vời nhất mà anh có được là gì?
Điều khiến anh cảm thấy tuyệt nhất chính là cảm giác được cống hiến với nghề, được góp sức và trở thành một phần của bộ phim. Anh hạnh phúc khi được làm việc với mọi người và được học thêm nhiều điều từ những đồng nghiệp mới.
Anh tâm đắc với dự án nào nhất trong quá trình làm nghề của mình?
Hầu như những người theo đuổi VFX là vì đam mê và yêu thích, nên dự án nào cũng như “đứa con tinh thần” của anh cả. Phim nào anh cũng chăm chút kỹ càng và trân trọng chứ không có cái thương nhất hay cái thương nhì. Một khi đã nhận là anh sẽ cố gắng hết sức có thể để khiến nó trở nên hoàn hảo nhất
Bộ phim nào gây cho anh nhiều khó khăn nhất? Đã có bao giờ anh gặp khó khăn đến mức muốn bỏ cuộc chưa? Anh đã làm gì để vượt qua những khó khăn trong công việc?
Mỗi phim đều có những cái khó khác nhau, nên anh cũng không thấy dự án nào làm khỏe nhất hay dự án nào làm cực nhất. Nhưng nhờ sự thay đổi không lặp đi lặp lại qua từng bộ phim mà anh có thêm nhiều kiến thức mới, giúp bản thân mình trở nên tốt hơn.
Những phim Việt Nam thường không có nhiều thời gian chuẩn bị. Do đó, việc chạy theo deadline của phim nhiều khi cũng gây ra không ít khó khăn cho anh, vì mình có thể sẽ không làm được chỉn chu như ý muốn với quỹ thời gian hạn hẹn như vậy. Khi đó, anh buộc phải gia tăng số lượng nhân sự làm VFX với mình, có khi phải gấp 3, 4 lần bình thường thì mới có thể chạy đúng deadline mà bên phía sản xuất đưa ra.
Theo anh, công đoạn khó nhất trong quá trình làm kỹ xảo cho một bộ phim điện ảnh là gì?
Làm kỹ xảo thì không có công đoạn nào đặc biệt khó, nhưng phần mà anh tham gia nhiều nhất đó là sau khi đạo diễn lên ý tưởng, anh sẽ cùng họ suy nghĩ để triển khai ý tưởng đó để có thể hiện thực hóa đúng với ý đồ của họ nhất. Kết hợp mọi thứ từ cách quay, cách diễn đạt của diễn viên cho đến sự hỗ trợ của các đạo cụ, mình mới ra được những cảnh quay ưng ý, từ đó làm kỹ xảo mới đẹp. Còn lại phần hậu kỳ sau khi đóng máy là công việc chính của anh. Kỹ xảo thì chỉ có đúng một yêu cầu, đó là mình phải làm đẹp nhất có thể để thỏa mãn được yêu cầu mà đạo diễn đưa ra và đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ cơ bản của khán giả.
Anh suy nghĩ thế nào về việc một bộ phận khán giả Việt chê kỹ xảo điện ảnh do Việt Nam làm ra khá là giả?
Điều này không sai, bởi vì khán giả luôn là người chấm điểm và nhận xét công bằng nhất. Họ không cần biết bạn làm như thế nào, họ chỉ nhìn thấy xấu là xấu, đẹp là đẹp. Có những phim Việt khi hoàn thành không đáp ứng được mong muốn từ phía sản xuất, thì việc họ nhận những ý kiến chê bai từ khán giả thì cũng là chuyện bình thường. Trên thị thường hiện nay cũng có nhiều team làm VFX, nên đôi khi những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm đã vô tình làm ảnh hưởng đến các anh em lâu năm trong ngành, cũng như thị trường phim Việt nói chung. Anh cũng mong là sau này, các nhà sản xuất sẽ chọn lọc kỹ càng hơn để nâng cao chất lượng của bộ phim của mình, vì thật sự chẳng ai muốn phim của mình bị chê bai. Nhiều khi các nhà sản xuất không biết hoặc là họ không tìm được người làm VFX chuyên nghiệp, điều đó dẫn đến những hạt sạn không đáng có làm phim của họ bị đánh giá.
Theo anh thì các nhà sản xuất phim Việt cần phải cải thiện điều gì để có thể nâng cao chất lượng của các bộ phim chuyên về kỹ xảo và “đập tan” định kiến đó?
Để có thể nâng cao chất lượng về mặt kỹ xảo cho phim Việt, anh nghĩ các nhà sản xuất cần phải dành cho phần hậu kì nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó còn là về kinh phí. Với những hãng nước ngoài khi công chiếu phim ra toàn thế giới, họ sẽ có doanh thu cao, từ đó, hãng sẽ có kinh phí để xây dựng một team lớn lên đến vài trăm người để làm kỹ xảo. Cá nhân anh cảm thấy đó là điều khó khăn cho các ê kíp làm phim Việt khi các tác phẩm điện ảnh vốn chỉ phát hành trong nước. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể xây dựng một team nhỏ để làm điều đó. Nhưng bù lại thì các anh em trong ngành của Việt Nam cũng rất giỏi khi có thể làm tốt trong điều kiện khó khăn như vậy. Nếu sau này thị trường mở rộng, điều kiện tốt hơn thì chắc chắn phim Việt sẽ còn phát triển.
Anh nghĩ trong bao nhiêu năm nữa, các ê kíp Việt Nam sẽ có thể làm ra những bộ phim mang tầm quốc tế?
Anh nghĩ đây là chuyện không sớm thì muộn, theo anh biết thì hiện tại, có nhiều anh chị trong ngành đang muốn đem phim Việt giới thiệu ra nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng có nhiều đạo diễn Việt đã đem phim chiếu ở thị trường quốc tế nhưng vì các tác phẩm này chưa được đầu tư đúng mức nên phim chưa gây được tiếng vang lớn. Ngoài ra, từ trước đến nay, Việt Nam cũng có không ít tác phẩm tham dự Liên hoan phim, nên anh nghĩ chỉ một thời gian ngắn nữa, mình sẽ có bước tiến đáng kể trên trường quốc tế.
Trong những nhân vật kì cựu thuộc ngành điện ảnh mà anh từng cộng tác, ai là người để lại cho anh nhiều ấn tượng cũng như học hỏi được nhiều nhất?
Nói về đạo diễn phim điện ảnh thì tính tới bây giờ, anh đã làm việc chung cùng với khoảng vài chục người. Mỗi người đều có cái hay và đặc trưng riêng để anh có thể học hỏi.
Ví dụ, đạo diễn Nhất Trung thì hiền, tốt và vô cùng nhẫn nại, anh chưa bao giờ thấy anh Nhất Trung nổi giận trên trường quay. Anh Lý Hải thì hòa đồng và thương ê kíp, còn anh đạo diễn Lưu Huỳnh là một người khó tính, cầu toàn.
Trong quá trình làm nghề của mình, anh cũng may mắn được cộng tác với những đạo diễn thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Ai cũng yêu cầu khắt khe nhưng với những đạo diễn lớn tuổi, họ cần sự tỉ mỉ nhiều hơn, họ cũng kỷ luật, làm việc theo từng bước cụ thể, rõ ràng. Các đạo diễn trẻ cũng vậy nhưng họ làm việc theo phong cách nhanh, gọn, lẹ. Những người lớn thường họ sẽ có xu hướng bảo vệ quan điểm của mình, còn những người trẻ thì họ sẵn sàng trao đổi, cùng nhau xây dựng ý tưởng mà cả hai cùng thống nhất. Thật sự mà nói thì để thuyết phục một đạo diễn lớn tuổi đi theo hướng mà mình mong muốn sẽ khó hơn so với một đạo diễn trẻ, lớp trẻ thường suy nghĩ thoáng và dễ chấp nhận hơn.
Mỗi đạo diễn đều có tính cách và yêu cầu công việc khác nhau, nên sau mỗi lần tiếp xúc và cộng tác, anh đều học hỏi được thêm rất nhiều thứ. Với những người trẻ, anh học được sự nhanh nhẹn và hoạt bát trong cách làm việc. Với lớp đạo diễn lớn hơn, sự kiên định và đôi khi có phần cố chấp của họ khiến anh phải ngẫm nghĩ. Bây giờ có thể mình sẽ thấy họ cố chấp nhưng tới một lúc nào đó, mình sẽ nhận ra là “Ồ sự kiên định này thật tuyệt vời!”. Nếu như không có những người như họ thì sẽ không có những sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.
Suy nghĩ của anh về VFX đã thay đổi như thế nào trong hành trình làm nghề 10 năm qua?
VFX đang ngày càng phát triển, các đạo diễn bây giờ cũng đang bắt đầu đưa nhiều kỹ xảo hơn vào các bộ phim của mình. Ngoài ra so với trước đây, các nhà đầu tư cũng chịu chi hơn cho quá trình làm hậu kì. Dù mình đang làm phim theo thể loại gì đi nữa thì hầu như phim nào hiện nay cũng có các cảnh làm VFX. Nhiều cảnh xem thì thấy bình thường như thật ra đều có sự nhúng tay của kỹ xảo.
Lúc trước, chi phí cho công đoạn hậu kỳ VFX khá khiêm tốn, các nhà sản xuất xem đó như là khoản phát sinh trong quá trình làm phim. Nhưng bây giờ, người ta đã và đang nhìn thấy được hiệu quả từ VFX giúp cho một bộ phim hoàn hảo hơn, đẹp hơn, nên anh nghĩ trong tương lai, các nhà làm phim sẽ cân nhắc và đầu tư nhiều kinh phí hơn cho việc làm kỹ xảo.
Nếu không làm VFX, anh nghĩ bây giờ mình đang làm ngành nghề gì?
Có thể là anh vẫn làm dựng phim hoặc là 3D Modeler hay lập trình viên.
Chẳng phải ai làm VFX cũng có thể trở thành một giảng viên và người ta hay nói rằng, muốn làm một công việc nào, anh cũng cần phải có cái duyên với nghề đó. Cái duyên giữa thầy Hoàng và MAAC có thể gói gọn trong ba chữ “đúng thời điểm”. Thầy Hoàng gặp anh Dũng – Giám đốc của MAAC ở khoảng thời gian mà học viện còn chưa được thành lập, họ biết nhau qua một cuộc gặp gỡ cùng đạo diễn Võ Thanh Hòa và các anh em làm nghề VFX khác. Lúc đó, mong muốn về một ngôi trường chuyên đào tạo về kỹ xảo điện ảnh cũng đã được chia sẻ.
Là một người luôn mang quan niệm rằng “nào giờ anh không có nhận lời dạy, vì mình làm còn không có thời gian nữa nói chi là đi dạy”, thầy Hoàng hẳn sẽ từ chối cơ hội trở thành giảng viên của MAAC nếu nhận được lời mời ở thời điểm chỉ mới gặp Giám đốc của học viện. Nhưng chỉ sau đó một năm, thầy đã chính thức đứng lớp bộ môn VFX bởi vì đây là lúc mà “anh cảm thấy đã tới lúc chia sẻ lại những kiến thức của mình cho các bạn trẻ và chỉ cho các bạn hướng đi nào là đúng”. Tự học, tự làm VFX trong 10 năm qua, Trần Đình Hoàng sau bao thăng trầm với nghề bây giờ có đủ kinh nghiệm và tự tin để trở thành người truyền lửa cho thế hệ học viên tài năng của MAAC.
Vì sao anh lại chọn MAAC thay vì các học viện đào tạo VFX khác ở Việt Nam?
Chương trình học ở MAAC rất bài bản và đầy đủ. Bên cạnh đó, anh thấy việc được tiếp xúc với các giảng viên là những người đang trực tiếp làm nghề là điều vô cùng quan trọng. Vì ở thời còn đi học, không phải lúc nào anh cũng có cơ hội được gặp gỡ và nghe những trải nghiệm thực tế từ chính những người làm VFX.
MAAC hiện tại có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của anh?
Với anh, MAAC giống như một dự án làm phim. Khi nhìn các bạn trẻ đam mê và tìm tòi về mọi thứ ở MAAC, anh thấy lại hình ảnh ngày xưa của mình cách đây 20 năm. Bên cạnh việc chia sẻ những kiến thức của mình, anh cũng học hỏi được nhiều điều khác nhau từ những bạn học viên của MAAC. Mỗi lần lên lớp, anh đều hi vọng sau này, các bạn sẽ trở thành những đồng nghiệp của mình trong tương lai, để ngành VFX của Việt Nam sẽ ngày càng dồi dào về nguồn nhân lực.
Theo anh, một học viên cần có những kỹ năng nào để có trở thành một người làm VFX giỏi?
Điều đầu tiên mà một học viên cần để có thể trở thành một người làm VFX giỏi trong tương lai chính là lòng đam mê và sự tận tâm với nghề. Khi mình có đam mê và sự yêu thích thì công việc nào cũng trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng. Nói chung là làm gì cũng vậy, mình phải giữ được ngọn lửa đam mê ngay từ ngày đầu tiên cho đến khi kết thúc. Anh nghĩ đó là điều tiên quyết và quan trọng nhất.
Nói về VFX thì cần cù là một chuyện nhưng bên cạnh đó mình cũng cần phải có khiếu. Có khiếu là như thế nào? Đó là bạn phải thích, nhanh nhẹn và hiểu về nó cặn kẽ thì bạn mới làm được. Cũng giống như chuyện nếu bạn muốn trở thành một vận động viên cử tạ, bạn cần phải thật khỏe, bạn yếu ớt quá thì làm sao nâng tạ được? Bạn muốn làm vận động điền kinh thì bạn cần phải chạy nhanh. VFX cũng vậy, bạn phải có khiếu, hiểu vấn đề một cách nhanh nhẹn thì bạn mới giỏi. Nhiều khi mình thích nhưng lại không biết và không hiểu thì sẽ rất khó để có thể theo đuổi nó một cách trọn vẹn.
Anh có lời khuyên nào dành cho các sinh viên đang theo học ngành kỹ xảo điện ảnh của MAAC không?
Thứ nhất là các bạn phải đam mê. Nếu các bạn bị ba mẹ ép buộc hoặc đi học để giết thời gian thì nên dừng lại. Vì như vậy là các bạn đang tự làm lãng phí thời gian của mình, phí tài nguyên của trường và phí cả công sức của thầy cô. Một là đam mê, hai là siêng năng trau dồi, chỉ cần hai điều kiện đó thôi thì các bạn chắc chắn sẽ theo đuổi được ngành VFX trong tương lai.
Theo anh, sự thành lập của MAAC đóng vai trò gì đối với nền điện ảnh Việt Nam nói chung?
Với anh, MAAC có cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi, học viện còn chú trọng đầu tư máy móc hiện đại để có thể hỗ trợ học viên một cách tốt nhất trong quá trình học tập ở trường. Chưa kể là hệ thống chương trình rất rõ ràng và bài bản, đưa học viên đi theo một lộ trình đúng đắn từ cơ bản đến nâng cao. Bên cạnh đó, MAAC không chỉ có chuyên gia nước ngoài mà còn có các giảng viên đang là những người làm VFX tại Việt Nam. Bởi vì ở ngành này, những kiến thức từ thực tế là vô cùng quan trọng. Anh nghĩ một môi trường như MAAC nên được nhân rộng, vì đây là một nơi rất tốt để đào tạo cũng như cung ứng nguồn nhân lực dồi dào với kỹ năng giỏi cho ngành VFX nói riêng và cả thị trường đồ họa nói chung của Việt Nam.
Anh biết anh Hoàng qua bộ phim “49 Ngày” khi anh làm phó đạo diễn, còn anh Nhất Trung làm đạo diễn chính. Hoàng là người giúp anh nhận ra rằng nếu như những người có chuyên môn cao về VFX và CGI đến hiện trường giám sát thì câu chuyện làm kỹ xảo ở Việt Nam không còn khó khăn như trước đây nữa. Kỉ niệm đáng nhớ nhất giữa anh với Hoàng là khi tụi anh cùng cộng tác với nhau trong phim “Hoán Đổi”. Lúc đó, ê kíp có thực hiện hai cảnh quay ở Hồ Tràm, một cảnh là lúc Nhã Phương và Việt Hương bị lốc cuốn và cảnh còn lại là quay greenkey ở trong căn nhà hoang. Mọi người có thể xem phân đoạn này ở đầu trailer phim “Hoán Đổi” để thấy rằng đây là cảnh vô cùng cực và kì công.
Trước giờ ở Việt Nam hầu như chưa có phim nào có cảnh lốc cuốn người bay lên và tụi anh là những người đầu tiên làm cảnh quay này. Trong quá trình quay phim, tụi anh cùng nhau học hỏi, anh được anh Hoàng hỗ trợ rất nhiều ở phần hậu kỳ của “Hoán Đổi”. Đây cũng là tác phẩm mà anh luôn tự hào khi được thử sức ở một bộ phim nặng về kỹ xảo như vậy. Những kinh nghiệm quý giá từ “Hoán Đổi” sẽ đi theo anh trong suốt quãng đường làm đạo diễn sau này.
Sau khi phim đóng máy, anh Hoàng sẽ nhận file từ anh để bắt đầu công việc làm kỹ xảo. Xét về hiệu quả, sản phẩm mà anh Hoàng làm ra thường sẽ đạt từ 95% hay thậm chí là 99% như mong muốn của anh cho các cảnh quay đó.
Có vài lần anh Hoàng đem máy lên ngồi gần tụi anh để làm việc, lúc đó anh thấy rằng, anh Hoàng rất nghiêm túc, nhanh, gọn và hiệu quả. Đó là những gì mà anh thấy được ở anh Hoàng ở khía cạnh công việc. Còn anh Hoàng ở ngoài đời thì cực kì nhiệt tình, dễ thương và giỏi giao tiếp. Làm việc với anh Hoàng không hề áp lực vì anh ấy luôn tạo cảm giác thân thiện, thoải mái cho người khác. Chưa bao giờ anh nghe anh Hoàng nói những câu kiểu “Thôi, cái đó không được đâu”, “Đừng làm như vậy”, “Ai mà làm như vậy”, v.v… Bởi vì đó là những câu nói dễ khiến cho những người làm nghệ thuật như mình tụt hứng. Anh Hoàng không chỉ là người đem lại những sản phẩm chất lượng mà đối với những vấn đề về tinh thần, tạo bầu không khí thoải mái để cùng nhau làm ra những món ăn về nghệ thuật tốt nhất cho khán giả, anh Hoàng luôn là số một!
Cuối cùng, đối với anh, ba tính từ chính xác nhất để miêu tả về anh Hoàng đó là vui vẻ, dễ thương và hiệu quả.
Trong quá trình học với thầy Hoàng, em nghĩ phương pháp dạy học song song, dạy tới đâu làm tới đó của thầy rất dễ tiếp thu và gần gũi. Với tính cách thân thiện và vui vẻ, em chưa bao giờ thấy thầy nổi giận, nếu như có bạn nào làm hoài không được thì thầy sẽ tới tận nơi để chỉ bạn đó. Nếu em là người làm sai thì thầy cũng chỉ bảo em tận tình cho đến khi em làm tốt mới thôi.
Từ thầy Hoàng, em học hỏi được rằng mình cần phải tập trung hết sức, dồn 200% công lực mỗi khi bắt tay vào làm việc. Em nghĩ rằng được thầy dạy chính là điều tuyệt vời nhất khi học tập ở MAAC. Thầy Hoàng như một người định hướng, người chỉ đường, không chỉ đem đến cho tụi em kiến thức bổ ích mà còn đem lại nhiều niềm vui cho mọi người.
Lần đầu tiên gặp thầy Hoàng, chị cảm thấy thầy là một người rất thân thiện, vui vẻ và quan tâm đến học viên của mình. Ở lớp, không phải bạn nào cũng có xuất phát điểm giống nhau, có một và cũng có những bạn thì chỉ biết những cái cơ bản, nhưng thầy Hoàng luôn dạy từ từ, kỹ càng, hướng dẫn từng bước một để tất cả mọi người cùng nắm được bài. Ai hỏi gì thầy cũng chỉ, lúc nào thầy cũng tạo không khí vui vẻ, hay cười đùa nên các bạn ai cũng mê học lớp của thầy.
Ngoài những kiến thức được thầy chia sẻ ở những lần lên lớp và kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chị còn ngưỡng mộ khi biết thầy có công ty riêng để phát triển sự nghiệp. Bởi vì tự đứng ra thành lập một cái gì đó của riêng mình là điều mà chẳng phải người giỏi nào cũng làm được. Chưa kể là dù bận rộn đến mấy nhưng thầy vẫn cố gắng sắp xếp đến trường giảng dạy. Một điều nữa là thầy còn đem đến cơ hội cho các bạn được về công ty của thầy để làm việc, dù các bạn vẫn chỉ là những người mới chập chững vào nghề.
Sau này khi hoàn thành khóa học ở MAAC, chị nghĩ điều mình sẽ nhớ nhất chính là sự kết nối mà thầy tạo ra với các học viên của mình. Không phải ai giỏi cũng có thể đi dạy và không phải ai đi dạy cũng có đủ chuyên môn, chị thấy thầy Hoàng đang có đủ cả hai điều đó. Đối với chị, thầy Hoàng vừa là thầy vừa là bạn, sau này biết đâu còn có thể là đồng nghiệp hay sếp nữa thì sao.
HỌC VIỆN KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH & HOẠT HÌNH MAAC
Chi nhánh Công ty cổ phần đào tạo ứng dụng Aprotrain (TP Hà Nội)
212 – 214 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP HCM