Sáng ngày 25 & 26/9/2021, Online Workshop: Digital Art – Điêu khắc kỹ thuật số do Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC và Hệ thống Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia đồng tổ chức đã diễn ra trong không khí vô cùng náo nhiệt. Buổi chia sẻ nhận được sự hưởng ứng và tương tác nhiệt tình từ các bạn trẻ yêu thích mỹ thuật & sáng tạo. Không chỉ có cơ hội tìm hiểu về khái niệm cũng như tính ứng dụng của Digital Art, các bạn còn nhận được sự hướng dẫn chi tiết từ anh Khôi Nguyễn về các thao tác tạo ra mô hình 3D trên phần mềm ZBrush.
DIGITAL ART LÀ GÌ?
Digital Art (Mỹ thuật số) là phương pháp sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong quá trình sáng tạo các sản phẩm nghệ thuật và được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau như: y tế, giáo dục, đồ họa, phim ảnh,…
Digital Art – Xu hướng tất yếu của sáng tạo (Ảnh: Creative Bloq)
Mỹ thuật truyền thống (Traditional Art) đề cao tính nghệ thuật nguyên bản thông qua đôi bàn tay của người nghệ sĩ và những chất liệu sáng tác thủ công như: giấy, mực, màu vẽ,… Với mỹ thuật số (Digital Art), nhờ việc tích hợp nhiều công cụ hỗ trợ hiện đại, Digital Art không chỉ đảm bảo tính nghệ thuật của tác phẩm mà còn giúp người nghệ sĩ thuận tiện hơn trong quá trình sáng tác.
ỨNG DỤNG ĐA DẠNG CỦA DIGITAL ART
Từ những lợi ích sẵn có kết hợp với nhu cầu giải trí và học tập trên thiết bị điện tử ngày càng gia tăng, Digital Art dần trở thành mảnh đất màu mỡ giúp người làm sáng tạo có thêm cơ hội khẳng định tài năng ở đa dạng lĩnh vực như: Game, Kỹ xảo điện ảnh (VFX), Giáo dục,…
Concept Art trong tác phẩm TRON – Sự kết hợp giữa Digital Art và Game Design (Ảnh: Behance)
Game – Mảnh đất màu mỡ của Digital Art
Đối với lĩnh vực game, tính ứng dụng của Digital Art có thể nhận biết dễ dàng thông qua các hình ảnh đồ họa về môi trường, nhân vật, cây cối, vũ khí,… và đây là phần việc do 3D Production Designer đảm nhận. Ngoài ra, anh Khôi Nguyễn chia sẻ thêm: “Thông thường khi nghĩ về thiết kế game, mọi người sẽ nghĩ đến Game Designer đầu tiên. Tuy nhiên, việc thiết kế game tồn tại 2 khái niệm riêng biệt, đó là Game Designer và Game Production Designer.”
Game Designer – Người tạo ra quy tắc, bối cảnh trò chơi trong game (Ảnh: Adweek)
Game Designer không đảm nhận nhận phần Artwork, vai trò của Game Designer nằm ở việc sáng tạo câu chuyện, thiết kế quy tắc trò chơi, bối cảnh đặt nhân vật, cách thức di chuyển và tương tác với đồ vật của nhân vật trong game. Thậm chí, Game Designer còn phải sở hữu kiến thức nhất định liên quan đến IT và lập trình.
Game Production Designer – người đảm nhận phần hình ảnh và nghệ thuật trong game (Ảnh: Pixune)
Còn với các Game Production Designer, công việc chính là tạo ra các Art Game để hỗ trợ cho những bạn làm Code. Tại Việt Nam, các công ty chuyên về code game đã có từ rất lâu trước đó. Tuy nhiên, những công ty thực hiện art game lại khiêm tốn hơn. Theo nhận định từ anh Khôi Nguyễn: “Hiện tại, mảng công việc này đang có nhu cầu nhân lực rất cao, đặc biệt trong lúc tình hình diễn biến phức tạp, mọi người ở nhà và chơi game nhiều hơn. Ngoài ra, số lượng game mobile phát hành ngày càng nhiều, các dòng game indie, nhu cầu outsource và freelance cho các công ty nước ngoài trong thời gian dài xuất hiện liên tục.”
Kỹ xảo điện ảnh (VFX) & 3D Animation (Hoạt hình 3D) – Lĩnh vực không thể tách rời của Digital Art
Thời điểm hiện tại, Kỹ xảo điện ảnh (VFX) được ứng dụng rất nhiều vào lĩnh vực Truyền thông & Giải trí, đặc biệt là trong phim ảnh. Công nghệ CGI là minh chứng tiêu biểu nhất cho việc ứng dụng kỹ thuật số vào quá trình sản xuất phim, việc bắt chuyển động và tạo cử động cho nhân vật đã trở thành phần không thể tách rời của các bom tấn điện ảnh thế giới. Theo lời anh Khôi Nguyễn, các mô hình CGI sẽ được mô phỏng trên máy tính và tiến hành xử lý hiệu ứng kỹ xảo, đây là phần việc thuộc về Digital Artist, 3D Artist và VFX Artist.
Các bạn có thể biến Digital Art trở thành công cụ tạo ra việc làm cho bản thân. Cụ thể: “Các bạn có thể thực hiện sculpt mô hình 3D trên phần mềm ZBrush, sau đó đem in ra, tiến hành sơn và trang trí mô hình. Những công ty về boardgame có thể sẽ cần đến các set war game như thế, bạn có thể đem bán cho họ và tự kiếm thêm thu nhập cho chính mình.” – Anh Khôi Nguyễn chia sẻ.
Ví dụ về sản phẩm in mô hình 3D: Set war game “Add-on – Ogres Bloodsail Island” được mở bán trên các trang web quốc tế (Ảnh: Kickstarter)
Giáo dục và Y học – Tiềm năng mới cần khai phá
Trước đây, tính ứng dụng của Digital Art đối với lĩnh vực giáo dục và y học còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, đặc biệt tại các quốc gia phát triển thì Digital Art dần trở nên phổ biến trong giáo dục và y học, vai trò của kỹ thuật 3D trong môi trường giảng dạy và nghiên cứu về y học ngày càng quan trọng.
App Human Anatomy – Ứng dụng của công nghệ 3D Anatomy hỗ trợ việc nghiên cứu và giảng dạy y học (Ảnh: Human Anatomy)
Điển hình, trước buổi phẫu thuật thường cần đến những chương trình mô phỏng giải phẫu. Lúc này, kỹ thuật 3D được ứng dụng nhằm xây dựng các mô hình Anatomy (giải phẫu) giúp các sinh viên dễ dàng học tập và nghiên cứu.
QUY TRÌNH SẢN XUẤT 3D – ĐIỀU NHẤT ĐỊNH PHẢI BIẾT TRONG DIGITAL ART
Quy trình sản xuất 3D Digital Art sẽ trải qua ba giai đoạn: Pre-Production (Tiền kỳ), Production (Sản xuất), Post-Production (Hậu kỳ). Giai đoạn Pre-Production đóng vai trò lên ý tưởng chính và truyền tải thông điệp chung của sản phẩm đến đội nhóm, công việc của 3D Artist diễn ra chủ yếu tại quá trình Production.
Đối với giai đoạn Production, bước Layout có nhiệm vụ sắp xếp và phân chia bối cảnh trong từng khung ảnh, từng shot hình. Các Object (vật thể) ở bước Layout chỉ là những vật thể thô, mang tính chất đại diện. Tuy vậy, Layout đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình Production, là giai đoạn nền tảng, “xương sống” cho các bước triển khai tiếp theo. Sau Layout, bước R&D sẽ thực hiện nghiên cứu quy trình và chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm giúp các thao tác kỹ thuật phía sau được dễ dàng thực hiện.
Quy trình sản xuất 3D
Modelling (Tạo hình), Texture (Làm vật liệu), Rigging (Gắn khung xương) và Lighting (Ánh sáng) được xem là những bước cực kỳ quan trọng trong quy trình 3D Production. Modelling đóng vai trò dựng hình khối, Texture sẽ vẽ và tạo hình các vật liệu khác nhau trên bề mặt Object (vật thể), Rigging có nhiệm vụ gắn khung xương để tạo nên các chuyển động cho nhân vật. Sau đó, nhân vật được diễn hoạt (Animation) và đánh sáng cùng nhiều hiệu ứng kỹ xảo khác. Cuối cùng là bước Render nhằm kết xuất mô hình nhân vật vừa được thực hiện.
Tại thị trường Việt Nam, người Modeller (Chuyên gia tạo hình) thường sẽ đảm nhiệm cả phần Texture. Tuy nhiên, tại thị trường quốc tế hoặc các công ty sở hữu quy trình làm việc tiêu chuẩn nước ngoài, Modelling và Texturing do hai người khác nhau đảm nhiệm, tương tự, Rigging và Animation cũng được tách biệt nhau.
TRẢI NGHIỆM ĐIÊU KHẮC KỸ THUẬT SỐ VỚI PHẦN MỀM ZBRUSH
ZBrush được biết đến là phần mềm chuyên dùng trong lĩnh vực hội họa và điêu khắc kỹ thuật số, đóng vai trò số hóa ý tưởng sáng tạo. Đây được xem là một trong những phần mềm tạo ra các mô hình 3D tốt nhất trên thế giới thời điểm hiện tại. Với Zbrush, các 3D Artist có thể thoải mái thể hiện ý tưởng thông qua các công cụ khác nhau.
Sản phẩm do anh Khôi Nguyễn thực hiện bằng phần mềm Zbrush
Về giao diện, anh Khôi Nguyễn cho rằng ZBrush sở hữu cách bố trí tương đối lạ lẫm so với Maya hay 3ds Max. Giao diện của phần mềm Zbrush về cơ bản gồm có: Menu, Quick launch, thanh điều hướng cho mô hình (di chuyển, xoay,…), Color Draw Channel, Carve/Deposite Draw, Tool (File, Export File, Load File,…), Tool setting parameters and functions (quản lý mô hình và chức năng từng công cụ), 3D View Navigation (Hỗ trợ xem bản vẽ), Brush, Stroke, Shape, Texture, Material Selector (Làm giả vật liệu), Color Selector (Bảng màu), Window Document.
Giao diện phần mềm Zbrush
Tại buổi workshop, với sự hướng dẫn từ anh Khôi Nguyễn, người sở hữu hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực 3D, các bạn học viên đã có cơ hội trải nghiệm và làm quen với các kỹ thuật khác nhau của phần mềm ZBrush thông qua việc tạo mô hình lỗ chân lông trên cơ thể người. Với từng bước thực hiện, từ lựa chọn brush đến cách tạo trục cho vật thể, anh Khôi đều cố gắng hướng dẫn chi tiết và đơn giản, giúp các bạn học viên có được góc nhìn chân thực nhất về từng thao tác trong ZBrush.
Mở đầu, anh Khôi hướng dẫn học viên về cách sử dụng và tương tác với vật thể trong Zbrush. Phần mềm hoạt động theo mô hình giả lập chương trình, các khối mặc định trong Zbrush đều sở hữu một thông số kỹ thuật kèm theo, do đó nếu muốn dễ dàng thao tác kéo, thả, di chuyển trên vật thể, các bạn cần sử dụng công cụ Make PolyMesh3D Tool. Sau bước này, anh Khôi dần đi sâu hơn vào chi tiết và hướng dẫn các bạn học viên từng bước nhỏ để tạo ra mô hình lỗ chân lông hoàn chỉnh.
Hướng dẫn thao tác vật thể trong Zbrush
Hướng dẫn từng bước tạo mô hình lỗ chân lông trên phần mềm Zbrush
Q&A CÙNG ANH KHÔI NGUYỄN
Câu hỏi: Làm sao để thể hiện rõ cảm xúc của nhân vật ở quá trình sculpt khuôn mặt?
Đối với anh, anh sẽ bắt đầu Sculpt tổng thể gương mặt, nhìn ra được nét mặt của nhân vật, sau đó, anh sẽ phá đối xứng. Thông thường, biểu cảm sẽ bị tác động rất lớn bởi yếu tố ánh sáng, các bạn có thể tìm kiếm những tấm ảnh chụp xoay góc đèn 360 độ trên khuôn mặt, từng góc đèn sẽ có những ảnh hưởng khác nhau đến biểu cảm và cảm xúc của nhân vật.
Theo anh quan sát, một số lỗi các bạn thường mắc phải khi làm nhân vật. Thứ nhất, đó là ánh sáng không tốt, điều này sẽ ảnh hưởng đến 50% kết quả của sản phẩm. Thứ hai, các bạn thiếu tập trung vào đôi mắt, không mang đến cảm giác tự nhiên và thổi hồn cho đôi mắt nhân vật. Bên cạnh đó, cảm xúc trên gương mặt phụ thuộc vào đặc trưng của từng người, do đó mình phải LookDev rất nhiều, mỗi lần thay đổi hãy chịu khó Render và so sánh với nguồn sáng cuối cùng mà bạn mong muốn mọi người nhìn thấy. Các bạn có thể dùng gương soi để xem biểu cảm trên gương mặt, đôi mắt, chân mày của nhân vật trông như thế nào.
Câu hỏi: Em nên học gì và nắm chắc điều gì để làm tốt về 3D?
Trong lĩnh vực 3D có nhiều chuyên ngành và định hướng khác nhau, nếu thiên về việc làm environment (môi trường) thì các bạn có thể tập trung học về Maya, nếu muốn chuyên về character (nhân vật) thì các bạn nên tìm hiểu trước về tỷ lệ nhân vật, tập dựng từng phần trên cơ thể nhân vật. Riêng ba phần mềm Maya, ZBrush, Blender sẽ được sử dụng nhiều nhất, đây được xem là bộ 3 gối đầu giường của các 3D Artist.
Câu hỏi: 33 tuổi bắt đầu theo đuổi 3D có quá muộn hay không?
Có 3 điều các bạn cần xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Thứ nhất, đó là xuất phát điểm của bạn từ đâu, chuyên ngành của bạn ở thời điểm hiện tại có mối liên hệ như thế nào với 3D. Thứ hai, cần phải xem xét khả năng về mỹ thuật, cảm nhận nghệ thuật của các bạn có ổn hay không. Thứ ba, động lực thật sự để các bạn chuyển ngành là gì. Sau khi tổn g hợp những yếu tố này, bản thân sẽ tự trả lời được câu hỏi mình có nên chuyển ngành hay không. Và nhất định đừng sợ khó khăn khi chuyển ngành, bởi vì mọi thứ chủ yếu đều nằm ở chính chúng ta.
Câu hỏi: Làm sao có thể cân bằng giữ công việc chính thức và việc thực hiện các dự án cá nhân?
Đối với anh, việc làm freelance giúp anh linh động thời gian, có thể dễ dàng sắp xếp các công việc, quan trọng nhất vẫn làm đảm bảo đúng thời hạn và tiến độ của dự án với khách hàng. Nếu các bạn làm việc tại công ty thì thời gian hạn hẹp hơn. Tuy nhiên, hãy xem việc thực hiện các dự án cá nhân như một thói quen của người nghệ sĩ 3D. Các bạn nên xây dựng kỷ luật, dành quỹ thời gian cụ thể trong ngày để thực hành các dự án nhằm giúp ích và tô điểm cho portfolio cá nhân của các bạn.