Một bộ phim hay không nhất thiết phải được đầu tư mạnh về kỹ xảo, nhưng một bộ phim có chất lượng hình ảnh đẹp mắt cùng nhiều cảnh quay hoành tráng, mãn nhãn thì không thể thiếu sự góp mặt của các hiệu ứng đặc biệt. 10 bộ phim sở hữu số lượng kỹ xảo khủng nhất trong lịch sử điện ảnh dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của hiệu ứng kỹ xảo trong một tác phẩm điện ảnh top đầu.
I. Kỹ xảo hình ảnh: Thành tố không thể thiếu trong các tác phẩm điện ảnh
Kỹ xảo Điện ảnh (Visual Effects – VFX) từ lâu đã trở thành yếu tố gần như không thể thiếu trong bất kỳ một bộ phim điện ảnh hay sản phẩm nghe nhìn nào. Nhờ có sự hỗ trợ của tiến bộ khoa học và công nghệ, kỹ thuật tạo hiệu ứng kỹ xảo cũng ngày càng trở nên đa dạng, phức tạp. VFX ngày càng trở nên quan trọng, gần như không thể thiếu được trong quá trình hiện thực hóa các ý tưởng trở thành các hình ảnh chuyển động đầy hấp dẫn.
Nhờ có VFX, các nhà sáng tạo thời hiện đại gần như không còn bất kỳ rào cản nào trong việc biến những ý tưởng “điên rồ” trở thành các tác phẩm nghệ thuật, nơi con người có thể thưởng thức, chiêm ngưỡng và thậm chí là tương tác với thế giới ảo đó.
Xem thêm: Định nghĩa VFX và vai trò của VFX trong ngành công nghiệp hậu kỳ
Đối với bộ môn nghệ thuật thứ bảy, sự can thiệp của kỹ xảo hình ảnh đã giúp cho hàng loạt bộ phim đưa khán giả bước vào những chiều không gian giả tưởng đầy mê hoặc, nơi mà ai cũng đã từng tin rằng tất cả chỉ diễn ra trong trí tưởng tượng.
Không ai biết các kỹ thuật tạo hiệu ứng đặc biệt cho phim ảnh chính thức có mặt vào thời điểm nào. Có thể ở thời kỳ đầu, việc vận dụng kỹ xảo còn khá khó khăn và phức tạp nên chưa được chú ý nhiều. Cho đến khi sự thành công của bom tấn Star Wars (tựa Việt: Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao), bộ phim có số lượng cảnh quay hiệu ứng đặc biệt tăng vọt so với các bộ phim cùng thời đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ của các nhà làm phim. Mặc dù sau đó, nhiều cái tên đình đám khác đã vượt mặt Star Wars trên đường đua kỹ xảo hình ảnh cả về số lượng lẫn chất lượng.
Theo thống kê của upcomingvfxmovies, tính đến năm 2022, phim sở hữu số lượng kỹ xảo nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh đã vượt qua khỏi con số 4500 shots, thuộc về “Baahubali: The Beginning” – một bộ phim sử thi của điện ảnh Bollywood được công chiếu năm 2015.
Bám sát theo sau ở thứ hạng số hai là “Son of Sardaar” do nhà Pixon sản xuất, phim sử dụng tổng cộng 3800 shots VFX. Vị trí thứ ba thuộc về “Ra.One” với 3500 shots VFX. Vị trí thứ tư vừa bị chiếm sóng bởi tác phẩm mới toanh ra mắt vào giữa tháng 12/2022 do James Cameron làm đạo diễn – “Avatar: The Way of Water”, phim hiện đang sở hữu tổng cộng 3250 shots VFX.
Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Captain America: Civil War (3000 shots), Avengers: Age of Ultron (3000+ shots), Zack Snyder’s Justice League (2800 shots), Guardians of the Galaxy (2750 shots), Valerian and the City of a Thousand Planets (2734+ shots) và Black Adam (2700 shots).
Chúng ta cần phải lưu ý rằng, số lượng VFX được thống kê bao gồm cả những shot SFX, CGI và không có sự phân biệt về độ phức tạp của chúng. Số liệu căn cứ vào các cảnh quay thô có sử dụng hiệu ứng đặc biệt trong phim.
Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về 10 tựa phim sở hữu số lượng kỹ xảo nhiều nhất theo thống kê của Upcomingvfxmovies.
1. Baahubali: The Beginning (Sử thi Baahubali)
Năm phát hành: 2015
Số lượng VFX: 4500+ shots
Ngân sách: 18 triệu USD
Nếu bạn nghĩ điện ảnh Hollywood chính là tuyệt đỉnh của nhân loại thì cũng chưa chắc đâu. Bên cạnh vai trò là thị trường gia công (outsourcing) VFX lớn nhất nhì thế giới, điện ảnh Bollywood cũng rất gì và này nọ. Minh chứng chính là bom tấn Baahubali: The Beginning (tựa Việt: Sử thi Baahubali) hiện đang là cái tên đứng đầu danh sách phim có số lượng kỹ xảo khủng nhất trên cầu với hơn 4500 shots.
Baahubali: The Beginning thuộc thể loại hư cấu giả tưởng, được trích từ hai cuốn sử thi Amar Chitra Katha và Chandamama. Nội dung phim kể về cuộc chiến đấu đầy hấp dẫn và hoành tráng giữa hai anh em Baahubali và Bhallaladeva để giành lấy ngai vàng của vương quốc Mahishmathi.
Sử thi Baahubali là một trong những bộ phim có kinh phí đầu tư đắt đỏ nhất trong lịch sử điện ảnh Ấn Độ với con số lên đến 18 triệu USD. Được biết, đây cũng là bộ phim đầu tiên của Bollywood sử dụng máy quay ARRI Alexa XT – thiết bị quay vốn chỉ được kinh đô điện ảnh Hollywood dùng cho các bom tấn triệu đô.
Phần hiệu ứng hình ảnh (VFX) của phim được thực hiện bởi các Artist thuộc công ty KK Senthil Kumar. Bằng sự tưởng tượng phong phú, hỗ trợ của công nghệ và bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ, bom tấn sử thi của Ấn Độ đã mang đến cho khán giả thế giới màn trình diễn hình ảnh mãn nhãn, mở ra những khung cảnh hùng vĩ, huyền bí và cuộc chạm trán đầy bi hùng không thua kém gì các bom tấn ăn khách hàng đầu của điện ảnh Hollywood. Nhà sản xuất cho biết họ đã thuê đến 600 nghệ sĩ đồ họa và 17 studio để hoàn thiện phần kỹ xảo cho phim.
Sau hơn bảy năm phát hành, đứa con tinh thần của nhà làm phim SS Rajamouli vẫn đang là đối thủ đáng gờm của nhiều siêu phẩm đình đám khác, kể cả tượng đài được cho là dẫn đầu thời đại về mặt công nghệ như Avatar.
2. Son of Sardaar (Con Trai Của Sardaar)
Năm phát hành: 2012
Số lượng VFX: 3800 shots
Ngân sách: 5 triệu USD
Son of Sardaar (Con Trai Của Sardaar) lại là một bom tấn điện ảnh Ấn Độ sở hữu số lượng kỹ xảo khủng, vượt xa nhiều bom tấn của Hollywood. Phim chính thức ra mắt vào năm 2012 với ngân sách đầu tư chỉ khoảng 5 triệu USD. So với “quán quân” Sử thi Baahubali thì con số này không hề đáng kể nhưng phim lại sở hữu số lượng VFX cực kỳ ấn tượng lên đến 3800 shots. Được biết, studio đảm nhiệm phần kỹ xảo cho Son of Sardaar là Pixon với sự hỗ trợ của khoảng hơn 60 VFX Artist.
Son of Sardaar thuộc thể loại phim hài tâm lý, được xây dựng theo mô tuýp kể chuyện xen lẫn trình diễn âm nhạc. Nội dung phim xoay quanh những biến cố, xung đột diễn ra với nhân vật nam tên Jaswinder khi anh trở lại quê nhà của mình. Mặc dù là bộ phim sở hữu số lượng VFX khủng nhưng không quá phức tạp. Phần kỹ xảo của phim chủ yếu tập trung ở các pha hành động, rượt đuổi, chạy trốn của nhân vật chính.
Thay vì tập trung vào làm nổi bật về yếu tố kỹ thuật, phim mang đến cho khán giả một câu chuyện cuốn hút pha lẫn tiếng cười. Theo ghi nhận, doanh thu phim mang về trên toàn cầu đạt khoảng 25 triệu USD.
3. Ra.One
Năm phát hành: 2011
Số lượng VFX: 3500 shots
Ngân sách: 21 triệu USD
Là bộ phim hành động viễn tưởng của Mỹ với kinh phí đầu tư lên đến 21 triệu USD, Ra.One là cái tên thứ ba trong lịch sử điện ảnh ghi danh vào bảng vàng về số lượng hiệu ứng đặc biệt được sử dụng trong phim.
Mặc dù ra mắt từ những năm 2000 nhưng Ra.One đã được nhà sản xuất đầu tư VFX rất mạnh tay với khoảng 3500 shots cho tổng thời lượng phát hành dài hơn 2.5 tiếng. Prime Focus và Alien Sense là hai studio đảm đương phần kỹ xảo chính cho Ra.One.
Nội dung chính của Ra.One kể về một lập trình viên tên Shekhar, theo gợi ý từ con trai mình, anh ta đã thiết kế ra một trò chơi hành động mà ở đó, nhân vật phản diện mạnh hơn nhân vật chính. Trò chơi được đón nhận rất nồng nhiệt cho đến khi gặp phải sự cố. Sau khi đối mặt với những lời chỉ trích từ con trai và chủ nhân của mình, Shekhar đã tạo ra một nhân vật có sức mạnh vô địch, bất khả chiến bại có tên là Ra.One. Để rồi sau đó, Ra.One đã xâm nhập được vào thế giới thực và giết chết Shekhar.
Dù có cốt truyện đơn giản nhưng điều khiến cho Ra.One có số lượng kỹ xảo lớn như vậy là do chủ đề phim lấy bối cảnh chính là thế giới giả tưởng và công nghệ. Đặc biệt là phần mô phỏng thế giới trong game và cuộc truy lùng của nhân vật ảo Ra.One trong thế giới hiện thực. Đây là một trong những bộ phim có phần “visual” vô cùng đã mắt với nhiều pha hành động gay cấn khiến khán giả không thể rời mắt.
Đáp lại công sức đầu tư kỹ xảo khá hoành tráng, Ra.One cũng đã nhận về mức doanh thu khoảng 40 triệu USD trên toàn cầu.
4. Avatar: The Way of Water (Avatar: Dòng Chảy Của Nước)
Năm phát hành: 2022
Số lượng VFX: 3250 shots
Ngân sách: 460 triệu USD
Avatar: The Way of Water là phần nối tiếp của cực phẩm Avatar 1 ra mắt lần đầu tiên vào năm 2009. Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng bom tấn của James Cameron đã nhanh chóng phá vỡ nhiều kỷ lục về mặt công nghệ, ngân sách đầu tư và cả doanh thu. Đáng chú ý, trong vòng chưa đầy một tuần, bộ phim đã nhanh chóng leo lên vị trí thứ tư trong danh sách phim có số lượng VFX cao nhất mọi thời đại.
Avatar 2 là bộ phim có số lượng kỹ xảo chiếm đến 99,99% thời lượng. Chỉ có duy nhất hai cảnh phim không có yếu tố kỹ xảo. Trong tổng số 3250 shots VFX có 3240 cảnh quay VFX do Weta Digital thực hiện, trong đó có đến 2225 cảnh liên quan đến nước. Để hoàn thành khối lượng VFX khổng lồ với mức độ phức tạp cao như vậy, Avatar phần hai đã phải huy động sự tham gia của hơn 1000 Artist.
Eric Saindon – Chuyên gia giám sát kỹ xảo hình ảnh tại Weta cho biết: “Có khoảng 1.600 mô phỏng hiệu ứng (simulation) khác nhau được thực hiện, bao gồm các mô phỏng dòng chảy của sóng trên đại dương, sóng tương tác với nhân vật, sóng tương tác với môi trường, màng nước mỏng chảy xuống da, chuyển động của tóc khi bị ướt, khúc xạ ánh sáng dưới nước,… Tất cả đều được thực hiện một cách chính xác về mặt vật lý.”
Theo ghi nhận của Box Office Mojo, Avatar 2 đã vượt mốc doanh thu 600 triệu USD trên toàn cầu chỉ sau một tuần đầu tiên công chiếu. Trong đó, doanh thu ở thị trường Bắc Mỹ là hơn 197 triệu USD và thị trường quốc tế là hơn 460 triệu USD, nhanh chóng leo lên vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng danh sách phim có doanh thu cao nhất toàn cầu năm 2022.
5. Captain America: Civil War (Captain America: Nội Chiến Siêu Anh Hùng)
Năm phát hành: 2016
Số lượng VFX: 3000 shots
Ngân sách: 250 triệu USD
Captain America: Civil War là bom tấn siêu anh hùng của Mỹ, ra mắt vào năm 2016. Đây là phần phim tiếp theo của Captain America: Kẻ báo thù đầu tiên (2011) và Captain America 2: Chiến binh mùa đông (2014), đồng thời cũng là phim điện ảnh thứ 13 mở đầu giai đoạn thứ ba trong series Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
So với các siêu phẩm mới phát hành gần nhất của Marvel thì phần chất lượng kỹ xảo của Captain America (2016) chắc chắn không thể bì kịp, thậm chí còn có kha khá lỗi kỹ thuật có thể nhìn thấy bằng mắt thường nếu quan sát kỹ. Thế nhưng, chúng ta không thể phủ nhận rằng với mức độ chịu chi cực lớn lên đến 250 triệu USD, sử dụng 3000 shots kỹ xảo, bom tấn của Nội Chiến Siêu Anh Hùng đã chiêu đãi khán giả toàn cầu một bữa tiệc thị giác cực kỳ thỏa mãn.
3000 shots VFX được phân chia cho khoảng 12 studio thực hiện với sự tham gia của hơn 600 nghệ sĩ. Cụ thể, các studio đảm nhiệm phần kỹ xảo của Captain America: Civil War gồm có: Industrial Light & Magic (637 shots, 220 Artist), RiseFX (300 shots, 120 Artist), Luma Pictures (200 shots), Double Negative, Animal Logic , Image Engine, Lola Post, Method Studios, Trixter, Prime Focus, RiseFX và Crafty Apes.
Một trong những phần kỹ xảo đáng chú ý của phim phải kể đến màn tái tạo lại hình ảnh của nhân vật Tony Stark do Robert Downey Jr. đảm nhiệm. Đội ngũ Artist của Lola VFX phải hoạt động hết công suất để biến hình ảnh nam diễn viên 51 tuổi “hồi xuân” về đúng tuổi thật của nhân vật trong nguyên tác.
Chỉ sau gần ba tuần từ khi chính thức khởi chiếu, bom tấn Captain America: Civil War đã đạt doanh thu khổng lồ hơn 750 triệu USD trên toàn cầu. Tính đến tháng 12/2022, tổng doanh thu trên toàn cầu của phim đã vượt mốc 990 triệu USD và đang trên đường chinh phục cột mốc 1 tỷ USD doanh thu trong năm tới.
6. Avengers: Age of Ultron (Avengers: Đế Chế Ultron)
Năm phát hành: 2015
Số lượng VFX: 3000+ shots
Ngân sách: 279,9 triệu USD
Avengers: Age of Ultron là phần tiếp theo của siêu phẩm The Avengers (Biệt Đội Siêu Anh Hùng) ra mắt năm 2012, sản xuất bởi Marvel Studios và chịu trách nhiệm phân phối bởi Walt Disney. Đây cũng chính là phần phim thứ 11 trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU).
Xếp ở vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng các tựa phim có số lượng VFX cao nhất mọi thời đại, Đế Chế Ultron cũng là một trong những bom tấn được chi rất mạnh tay với số vốn đầu tư lên gần 280 triệu USD, cao hơn cả Captain America: Civil War (2016). Theo thông tin ghi nhận từ nhà sản xuất, bối cảnh trong phim được thực hiện ở cả bốn châu lục.
Avengers: Age of Ultron được ghi nhận có hơn 3000 shots kỹ xảo, được thực hiện chủ yếu bởi Industrial Light & Magic (810 shots – 425 Artist), Double Negative, Luma Pictures, Method Studios, Animal Logic và Lola Visual Effects.
Phần 2 của Avengers, bộ phim từng khuynh đảo các phòng vé toàn cầu với doanh thu lên tới 1,3 tỷ USD không chỉ tăng quy mô, tăng mức độ các cảnh hành động kỹ xảo mà còn thêm nhiều nhân vật mới như cặp song sinh Quicksilver/Scarlet Witch, Vision và một đối thủ xứng tầm với cả đội: Ultron.
7. Zack Snyder’s Justice League (Liên Minh Công Lý Phiên Bản Của Zack Snyder)
Năm phát hành: 2019
Số lượng VFX: 2800 shots
Ngân sách: 70 triệu USD
Nếu như Marvel có nhóm Avengers hay X-Men thì DC nổi tiếng với Justice League. Zack Snyder’s Justice League – bom tấn hành động siêu anh hùng khuấy động năm 2019 sau nhiều “drama” nổ ra kèm theo sự mong đợi của người hâm mộ.
Ban đầu Zack Snyder’s Justice League được giới thiệu với tên gọi ngắn gọn hơn – Justice League vào năm 2017. Tuy nhiên, bộ phim đã bị Warner Bros cắt xén quá đà khiến cho tác phẩm trở thành một thảm họa và buộc phải thay đạo diễn mới vào phút cuối. Sau một thời gian dài, HBO Max ra quyết định rót vốn cho Zack Snyder để hoàn thành kịch bản gốc năm xưa.
Nội dung chính của phim xoay quanh câu chuyện về Batman và Wonder Woman tập hợp các siêu anh hùng khác, lập nhóm Justice League nhằm đánh bại ác nhân Steppenwolf và chủ nhân của hắn (Chúa tể Darkseid), ngăn chặn Steppenwolf tìm được ba khối Mother Box – thiết bị có khả năng thâu tóm cả hành tinh, khiến trái đất diệt vong.
Phim có kinh phí đầu tư khá lớn lên đến 70 triệu USD. Phần kỹ xảo hình ảnh được ưu ái với khoảng 2800 shots và được thực hiện bởi các studio tên tuổi như: Weta Digital (800 shots), Scanline VFX (1000 shots). Riêng 1000 shots do Scanline VFX thực hiện đã có đến 400 Artist tham gia.
Phiên bản của Zack Snyder được khán giả nhận xét có nhiều pha hành động đẹp mắt, được đầu tư chỉn chu về hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt. Ngoài các cảnh chiến đấu có sẵn trong bản 2017 được kéo dài, đẩy kịch tính tốt hơn, khán giả còn được chiêu đãi bằng những tình tiết mới do kịch bản được mở rộng ra thêm.
Một trong những điểm cộng khác trong Justice League là lối quay slow-motion (chuyển động chậm) đặc trưng của Zack Snyder, giúp nâng tầm các pha hành động của nhân vật.
8. Guardians of the Galaxy (Vệ Binh Dải Ngân Hà)
Năm phát hành: 2014
Số lượng VFX: 2750 shots
Ngân sách: 170 triệu USD
Guardians of the Galaxy là một bộ phim điện ảnh lấy đề tài siêu anh hùng dựa trên một đội siêu anh hùng giả tưởng cùng tên của Marvel Comics, được đạo diễn bởi James Gunn – đồng biên kịch với Nicole Perlman.
Nội dung phim kể về cuộc phiêu lưu của anh chàng đạo tặc không gian Peter Quill sau khi anh ta vô tình đánh cắp một quả cầu bí ẩn từ Ronan – tên bạo chúa vũ trụ. Số phận đưa đẩy Peter gặp gỡ những nhân vật dị thường như sát thủ Gamora, chồn hương Rocket, người cây Groot,… Không có sao hạng A, không có đạo diễn tên tuổi, Guardians of the Galaxy được ví như một “canh bạc” với kinh phí đầu tư lên đến 170 triệu USD.
Nhờ sự chú trọng về mặt phát triển kịch bản, chi tiền mạnh tay để thực hiện phần kỹ xảo hình ảnh với khoảng 2750 shots VFX để tạo nên một siêu phẩm đúng nghĩa, bộ phim đã được khán giả toàn cầu đón nhận và thu về loạt thành tích đáng nể.
Phim được giới phê bình khen ngợi về kịch bản, chỉ đạo, diễn xuất, nhạc phim, hiệu ứng hình ảnh và các pha hành động đỉnh cao. Tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 87, Vệ Binh Dải Ngân Hà xuất sắc nhận được đề cử cho hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất và Hóa trang xuất sắc nhất.
Phần kỹ xảo của phim có sự tham gia góp sức của các studio tên tuổi như: MPC (857 shots), Framestore (633 shots), Sony Pictures Imageworks (88 shots), Industrial Light & Magic, Luma, Method Studios,…
Trước khi công chiếu, Guardians of the Galaxy được cho rằng sẽ thu về khoảng 70 triệu USD. Nhưng với 94 triệu USD sau bốn ngày đầu tiên ra mắt, bộ phim đã vượt qua kỷ lục cũ về doanh thu của The Bourne Ultimatum lập được năm 2007 với 69,2 triệu USD. Cuối năm 2022, doanh thu phim được ghi nhận đã vượt qua con số 772 triệu USD.
9. Valerian and the City of a Thousand Planets (Valerian Và Thành Phố Ngàn Hành Tinh)
Năm phát hành: 2017
Số lượng VFX: 2734+ shots
Ngân sách: 170 triệu USD
Là một tác phẩm điện ảnh khoa học viễn tưởng được thực hiện bởi đạo diễn người Pháp Luc Besson có tư duy và tầm nhìn cởi mở bậc nhất thời đại, Valerian and the City of a Thousand Planets từng được kỳ vọng sẽ trở thành bom tấn điện ảnh sánh ngang hàng với các siêu phẩm hàng đầu Hollywood. Đó cũng là lý do vì sao bộ phim được đầu tư với kinh phí cực khủng lên đến 170 triệu USD.
Nội dung chính của phim được xây dựng dựa trên bộ truyện châu Âu Valérian and Laureline. Valerian and the City of a Thousand Planets lấy bối cảnh thế giới tương lai xa ở thế kỷ 28, xoay quanh bộ đôi đặc vụ Valerian và Laureline ở trạm vũ trụ Alpha. Trong giấc mơ, Valerian thấy một giống loài hiền hòa đang đối mặt với diệt vong. Anh cùng Laureline lên đường giải cứu những người này và dần phát hiện ra nhiều bí mật trong vũ trụ. Bên cạnh đó, hai đặc vụ trẻ còn phải đối mặt với câu hỏi về tình cảm thật sự của họ dành cho nhau.
Phần lớn kinh phí được đầu tư vào phần kỹ xảo hình ảnh nhằm đẩy chất lượng hình ảnh lên cao nhất, sánh ngang với các bom tấn của Hollywood. Tổng cộng có đến hơn 2734 shots kỹ xảo trong Valerian Và Thành Phố Ngàn Hành Tinh.
Đạo diễn Luc Besson từng chia sẻ trên New York Times rằng: “Phim có khoảng 45 cảnh quay thường và 2734 cảnh quay có yếu tố kỹ xảo. Về cơ bản, chỉ có ba nhân vật hoàn toàn do người đóng, còn lại là CGI.”
Quá trình xử lý khối lượng kỹ xảo lớn và phức tạp của phim được giao cho khoảng 2000 Artist, chủ yếu thuộc studio DNEG (Double Negative), MCP, Scanline VFX và Rodeo FX.
Phần kỹ xảo của phim được khá nhiều khán giả liên tưởng đến Avatar (2009) khi đạo diễn cũng xây dựng một bộ tộc người mới, họ có ngoại hình, cách giao tiếp và những nghi thức đặc thù. Thế giới giả tưởng kỳ ảo, cuốn hút trong Valerian and the City of a Thousand Planets là sự kết hợp giữa hiệu ứng kỹ xảo và kỹ thuật motion capture (ghi lại chuyển động). Bộ phim đưa khán giả bước vào thế giới sci-fi đầy mê hoặc, nơi những câu chuyện không tưởng về thì tương lai diễn ra ngay trước mắt.
Dù được đầu tư hoành tráng với phần kỹ xảo hình ảnh cực khủng nhưng tình hình doanh thu của phim không mấy khả quan. Phim thu về khoảng 225 triệu USD toàn cầu nhưng so với mức đầu tư quá lớn 170 triệu USD nên đây chưa phải là tác phẩm thành công về mặt thương mại.
10. Black Adam
Năm phát hành: 2022
Số lượng VFX: 2700 shots
Ngân sách: 290 triệu USD
Đứng cuối trong danh sách 10 bom tấn sở hữu số lượng VFX khủng nhất là Black Adam, bom tấn phản anh hùng mới ra mắt vào tháng 10/2022 của nhà Warner Bros. Picture. Đây là một trong những siêu phẩm được người hâm mộ kỳ vọng sẽ tạo ra được những đột phá về cách phát triển nội dung và đặc biệt là phần đầu tư mạnh tay vào phần kỹ xảo hình ảnh.
Không để khán giả phải thất vọng, phim được đầu tư với mức kinh phí thuộc “hạng sang”, ước tính khoảng 290 triệu USD. Số lượng kỹ xảo trong phim chiếm 2700 shots, được thực hiện chủ yếu bởi Weta Digital, Digital Domain, Double Negative (DNEG), Lola Visual Effects và Scanline VFX.
Nội dung Black Adam xoay quanh Teth Adam – người được ban tặng sức mạnh vô song của sáu vị thần Ai Cập. Gần 5.000 năm sau khi bị cầm tù, Teth Adam được giáo sư Adrianna Tomaz giải cứu. Amanda Waller (giám đốc tổ chức A.R.G.U.S) và chỉ huy Task Force X cùng nhau thành lập đội siêu anh hùng Justice Society of America nhằm chống lại Teth Adam. Tuy nhiên, một thế lực nguy hiểm khác đột nhiên xuất hiện khiến Adam và đội Justice Society of America phải hợp tác để ngăn chặn.
Từng có nhiều kinh nghiệm với thể loại hành động, đạo diễn Jaume Collet-Serra mang đến những trải nghiệm thị giác tuyệt vời trong Black Adam. Những phân cảnh chiến đấu và thi triển sức mạnh của các siêu anh hùng diễn ra với tần suất dày đặc, chiếm hai phần ba thời lượng của phim. Đây cũng là phần được khán giả cộng điểm cho Black Adam nhiều nhất. Nội dung phim đơn giản, dễ hiểu cộng với phần xử lý kỹ xảo đẹp mắt, chân thực và đặc biệt là “mid credits” hé lộ sự trở lại của nhân vật siêu anh hùng, hứa hẹn một tương lai đầy bất ngờ trong vũ trụ DC. Black Adam đã thực sự vượt qua được rất nhiều bom tấn khác và chiếm trọn tình cảm từ khán giả toàn cầu.
Theo ghi nhận của Box Office Mojo, Black Adam đã thu về hơn 390 triệu USD doanh thu trên toàn cầu tính đến cuối tháng 12/2022. Đây là một con số khá khả quan sau hơn 02 tháng công chiếu.
Tạm kết
Trên đây là 10 tác phẩm điện ảnh hiện đang sở hữu số lượng kỹ xảo nhiều nhất trên toàn cầu. Chúng ta thấy rằng, không phải tất cả các bộ phim sử dụng VFX càng nhiều thì phim sẽ càng tốt hay đạt được mức doanh thu xứng tầm. Sự thành công của một bộ phim phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau và kỹ xảo hình ảnh chỉ đóng vai trò là nhân tố hỗ trợ quan trọng, giúp các nhà làm phim hiện thực hóa các ý tưởng một cách hiệu quả nhất.
Bạn có thể tham khảo thêm danh sách thống kê số lượng VFX trong các bom tấn điện ảnh toàn cầu tại đây.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp