Tổng quan về quy trình sản xuất và các vị trí mấu chốt trong một dự án phim hoạt hình 3D là điều mà các bạn trẻ không thể không biết đến nếu muốn gia nhập ngành. Và tất cả các kiến thức trên sẽ được liệt kê đầy đủ trong cẩm nang 3D Animation dành cho người mới kỳ 4 dưới đây!
3 giai đoạn trong quy trình sản xuất 3D Animation (3D Animation Pipeline)
Tùy theo quy mô của dự án và số lượng Artist tham gia thực hiện, quy trình sản xuất phim hoạt hình ở mỗi Studio có thể khác nhau. Tuy nhiên, để dự án diễn ra suôn sẻ và đi đến kết quả cuối cùng một cách hoàn hảo, mỗi đơn vị sản xuất phim hoạt hình 3D đều phải đi qua 3 khâu chính, đó là Pre-Production, Production và Post-Production.
» Pre-Production
Pre-Production là giai đoạn nghiên cứu về ý tưởng, kịch bản cũng như lập kế hoạch cơ bản cho toàn bộ dự án. Thông thường, giai đoạn này được đảm nhiệm bởi hai nhóm chính: Một là nhóm làm về câu chuyện, thiết kế storyboard, các hình ảnh dưới dạng tĩnh 2D; hai là nhóm lên kế hoạch bao gồm lên ngân sách dự trù, kêu gọi tài trợ và lên timeline thực hiện.
Giai đoạn Pre-Production càng được thực hiện một cách kỹ lưỡng và tỉ mỉ từng chi tiết thì giai đoạn Production sẽ càng thuận lợi và suôn sẻ hơn.
» Production
Ở giai đoạn Production, toàn bộ asset về hình ảnh, nhân vật ở Pre-Production sẽ được các Artist thực hiện dưới định dạng 3D. Sau khi các asset được kết hợp với nhau (compositing) và kết hợp với các hiệu ứng kỹ xảo (VFX) nếu có, bản nháp đầu tiên của dự án sẽ được ra đời trong giai đoạn này.
Trong thời gian thực hiện các công việc ở giai đoạn Production, các Artist cần đảm bảo chất lượng cũng như thời gian để đảm bảo được tiến độ của dự án. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng vì chất lượng kết quả cuối cùng ở Production sẽ quyết định sự thành công của toàn bộ dự án.
» Post-Production
Đây là giai đoạn cuối cùng trong quy trình sản xuất phim hoạt hình 3D, bao gồm các công đoạn về xử lý hậu kỳ như chèn nhạc, tinh chỉnh màu sắc, lồng tiếng,…
Những vị trí quan trọng trong team 3D Animation
Tương ứng với 3 giai đoạn chính trong quy trình sản xuất phim hoạt hình 3D chúng ta cũng sẽ có nhiều vị trí để đảm nhiệm các vai trò riêng biệt. Tất cả kết hợp với nhau mới có thể tạo nên một sản phẩm hoạt hình 3D hoàn chỉnh.
Dưới đây là các vị trí không thể thiếu trong một team sản xuất 3D Animation:
» Layout Artist
Khi nhà sản xuất đồng ý với ý tưởng đã được trình bày, nhà làm phim hoạt hình sẽ bắt tay vào giai đoạn Production (Sản xuất). Lúc này đây, Layout Artist sẽ làm việc chung với nhóm Pre-Production (Tiền sản xuất) và chuyển Storyboard 2D sang Animatic 3D. Layout Artist luôn được ví như người mở đầu câu chuyện hoạt hình bởi sự sáng tạo và cách phác thảo ý tưởng. Điều này sẽ giúp cho đạo diễn và cả ekip sản xuất hình dung rõ nhất câu chuyện mà họ sẽ kể.
Các Layout Artist sẽ chuẩn bị các hình khối để thể hiện nhân vật trong bộ phim và cách đặt vị trí chuyển động của camera. Từ cách đặt góc quay của camera, Layout Artist sẽ giúp cho nhóm làm Animation hiểu được tâm trạng và cách thể hiện nhân vật. Layout Artist còn chịu trách nhiệm thu thập ý kiến của đạo diễn và hiệu chỉnh lại những phần còn lỗi giúp các chuyển động mượt mà hơn.
Người đạo diễn nhìn vào phần Layout sẽ xác định được thời gian của một cảnh quay, chuyển động của camera và hành động của nhân vật trong bối cảnh đó. Như vậy, việc gắn kết ý tưởng giữa đạo diễn và nhóm sản xuất đã được rõ ràng.
» Modeling Artist
Đây là quá trình xây dựng và tạo hình các nhân vật, đạo cụ và bối cảnh trong môi trường 3D bằng các phần mềm như Maya, Substance Painter, 3Ds Max, Zbrush,… Kết quả của quá trình này là các mô hình 3D ở dạng thô màu xám.
Vì tất cả những thứ xuất hiện trong môi trường 3D đều cần phải được tạo mới chứ không có sẵn, nên Modeling cũng chính là bước đầu tiên trong quy trình sản xuất 3D.
» Texturing Artist
Tiếp nối công việc của Modeling Artist, Texturing Artist sẽ là người tạo vật liệu trở nên sống động hơn và mô tả rõ mô hình 3D đó cụ thể là gì. Điểm đặc biệt của Texturing chính là được quyền quyết định chất liệu cho vật thể, chẳng hạn như vải, da, gỗ hay kim loại,…
» Rigger
Rigging là quá trình gắn khung xương vào mô hình 3D để tạo chuyển động. Đây là vị trí cực kỳ quan trọng trong quy trình làm 3D Animation. Các Rigger sẽ biết cách để làm các khớp nối cử động theo những hành động và biểu cảm nhân vật như mong muốn.
» 3D Animator
Người làm Animation (Diễn hoạt) đóng vai trò giống như một diễn viên. Nếu diễn viên thật sẽ biết diễn xuất ra sao, biểu hiện trên gương mặt như thế nào để truyền đạt điều muốn nói thì Animator sẽ diễn hoạt điều đó lên các vật thể 3D, làm cho những vật thể này chuyển động. Ví dụ: lá chuyển động theo hướng gió, nhân vật chạy nhảy, con rắn uốn éo bò trên mặt đất,…
» Lighting Artist
Sau khi mô hình 3D đã có đầy đủ màu sắc và chuyển động mượt mà, thì quá trình thực hiện Lighting (Ánh sáng) cho phim đóng vai trò quan trọng tạo nên sự lôi cuốn cho khán giả khi xem. Bởi các chi tiết ánh sáng sẽ dễ dàng diễn tả câu chuyện đang kể theo như kịch bản và trở nên có chiều sâu.
Ví dụ: Nếu mô ngôi nhà 3D đó có cửa ra vào làm bằng kính thì khi tạo ánh sáng, Lighting Artist sẽ làm cho ánh sáng phản chiếu vào gương.
» Rendering Artist
Sau khi tạo ánh sáng, chúng ta cần kết xuất file kết quả làm việc (Rendering) để xem thành phẩm. Với file kết xuất, người làm Render cần xác định cài đặt độ phân giải, chất lượng hình ảnh,….
Lời kết
Các thông tin trên cũng đã khép lại kỳ 4 của cẩm nang 3D Animation dành cho người mới. Có thể thấy, một quy trình sản xuất phim hoạt hình 3D sản xuất gồm 3 bước cần có nhiều vai trò khác nhau. Nắm rõ các vị trí trên có thể giúp bạn nhận ra công việc mình yêu thích, từ đó dễ dàng lựa chọn định hướng phát triển theo hướng tổng thể (Generalist) hoặc chuyên sâu (Specialist) mà không cần phải mất nhiều thời gian tìm hiểu các nhóm công việc khác.
Hy vọng bài viết này sẽ đem lại cho bạn nhiều thông tin bổ ích, đừng quên theo dõi các bài viết hấp dẫn tiếp theo luôn được cập nhật hàng tuần nhé!
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN NGÀNH HỌC 3D ANIMATION MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY
———————
Tổng hợp cẩm nang 3D Animation dành cho người mới các kỳ (cập nhật liên tục):
» Kỳ 1: Animation là gì? Phân biệt 3D Animation và Animation truyền thống
» Kỳ 3: Ngành hoạt hình 3D – Cơ hội nào dành cho người không giỏi vẽ tay?