Ngành công nghiệp sản xuất trò chơi điện tử được chia ra thành 2 mảng lớn, đó là Mỹ thuật (Game Art) và Lập trình (Game Development). Nếu muốn trở thành một Game Artist giỏi, bạn cần phải hiểu rõ các giai đoạn sản xuất game và một số vị trí chủ chốt trong mảng Game Art. Tất cả đều sẽ được trình làng trong cẩm nang Game Art & Design dành cho người mới Kỳ 4 ngay sau đây!
3 giai đoạn chính để sản xuất và phát hành tựa game hoàn chỉnh
Để sản xuất một tựa Game cần trải qua 3 giai đoạn hoàn chỉnh, gồm: Pre-Production (tiền kỳ), Production (sản xuất) và Post-Production (hậu kỳ). Tùy các thể loại game sẽ có những vị trí và cách thức làm việc khác nhau, tuy nhiên hầu hết các quy trình đều trải qua 3 giai đoạn này.
» Pre-Production (Tiền kỳ):
Tiền kỳ là giai đoạn vô cùng quan trọng, làm tiền đề cho sự phát triển ý tưởng của một trò chơi, các công việc trong giai đoạn này bao gồm:
- Bàn luận và thống nhất cốt truyện hoàn chỉnh
- Xây dựng tuyến nhân vật phù hợp với cốt truyện
- Tạo storyboard
- Thiết kế các thử thách tăng cấp bậc và cách hoạt động của trò chơi
- Lập bảng chi phí
- …
Game Designer là những người thực hiện và chịu trách nhiệm phần tiền kỳ. Sau khi hình thành và phát triển tất cả các công đoạn trên, họ cần tổng hợp thành một bộ tài liệu ghi chép đầy đủ ý tưởng và cách thức thực hiện để các thành viên ở những giai đoạn sau, cụ thể là các Game Artist thực hiện hóa ý tưởng và bám sát các yêu cầu ban đầu.
» Production (Sản xuất):
Giai đoạn sản xuất chiếm phần lớn thời gian và tài nguyên trong quá trình tạo ra một trò chơi điện tử. Mọi công đoạn đều phải đảm bảo tính tối ưu hóa và hạn chế sai sót nhiều nhất có thể. Các nhiệm vụ ở mảng Art cần thực hiện trong khâu sản xuất bao gồm: Modeling, Animation, Texturing, Lighting, FX,… và mảng Development sẽ bắt đầu thực hiện song song.
Ở giai đoạn này, vị trí “xương sườn” của toàn bộ game là những người lập trình game, hỗ trợ kỹ thuật (Tech Artist). Họ sẽ đi xuyên suốt quy trình làm game để đảm bảo được sự liên kết và xử lý những lỗi có thể xảy ra trong quá trình làm game.
Vào cuối giai đoạn sản xuất, bộ phận Test game sẽ liên tục kiểm tra và phản hồi những vấn đề cần khắc phục trước khi tung ra thị trường. Một sản phẩm hoàn thiện là sản phẩm ổn định, đầy đủ các tính năng và không có lỗi.
» Post-Production (Hậu kỳ):
Thông thường giai đoạn hậu kỳ thuộc về bộ phận Marketing của nhà phát hành game. Từ giai đoạn sản xuất đã có thể dần hé lộ những chi tiết trong game với khán giả công chúng, nhưng hậu kỳ mới là lúc đội ngũ Truyền thông hoạt động mạnh mẽ nhất. Thời điểm này, các tựa game sẽ xuất hiện trên nhiều đầu báo, tạp chí, blog hay review của các youtuber, streamer,…
Đây cũng là giai đoạn mà nhà phát triển game (Game Developer) sẽ tiếp tục cải thiện trò chơi trong những trường hợp có lỗi mới. Thông thường, nhà phát hành sẽ ra mắt trước các bản dùng thử để khán giả trải nghiệm và phản hồi những lỗi phát sinh. Sau đó các nhà lập trình game sẽ sửa chữa đồng thời ra mắt thêm các tính năng mới để giữ chân và thu hút thêm người chơi.
Các vị trí không thể thiếu trong quy trình sản xuất Game Art
Như đã đề cập trên, ngành công nghiệp sản xuất trò chơi điện tử được phân chia thành hai mảng lớn là Game Art và Game Development. Khi trải nghiệm một trò chơi bất kỳ, tất cả những gì hiển thị như chuyển động của nhân vật, bối cảnh, vũ khí hay trang phục,… đều thuộc về phần Game Art.
Tất cả các công việc của Game Artist thuộc giai đoạn sản xuất trong chu trình làm game, đều được thực hiện sau quá trình lên ý tưởng, luật lệ và cách vận hành trò chơi của Game Designer.
Dưới đây là các vị trí quan trọng trong mảng Game Art:
» Concept Artist
Concept Artist chịu trách nhiệm chính về phong cách và giao diện của một trò chơi. Họ là người đưa ra những phác thảo đầu tiên về bối cảnh, tuyến nhân vật, môi trường chính trong Game. Bản phác thảo đầu tiên của Concept Artist giúp các nghệ sĩ 3D, nhà sản xuất, lập trình viên có thể hiểu được tổng thể trò chơi đó sẽ trông như thế nào.
» 3D Modeler
Modeling trong game gồm 2 mảng chính: Character (Nhân vật) và Environment (Môi trường). Các mô hình 3D như nhân vật, môi trường, vật phẩm, xe cộ, vũ khí,… được tạo ra bằng các phần mềm dựng hình 3D chuyên dụng như: ZBrush, Maya, 3Ds Max,… Đặc biệt, 3D Modeler là những người có khả năng cân bằng các chi tiết hình ảnh với những hạn chế của công nghệ Game.
» 2D/3D Texture Artist
Được hiểu đơn giản là tạo chất liệu, tô màu cho mô hình 3D để biến hóa mô hình ban đầu (là các hình khối màu xám) trở nên sống động.
» Rigger
Rigging là quá trình gắn xương cho nhân vật và những đồ vật, cảnh vật cần chuyển động trong game. Đây là vị trí vô cùng quan trọng có liên quan mật thiết đến giai đoạn Animation (làm chuyển động). Những người làm Rigging sẽ làm cho nhân vật và đồ vật chuyển động theo như mong muốn bằng các phần mềm chuyên dụng.
» Animator
Để tạo ra được các chuyển động như đi, đứng, chạy, nhảy,… hay thể hiện các sắc thái vui vẻ, đau buồn, mệt mỏi,… của nhân vật, các nghệ sĩ Animator sẽ điều khiển bảng hệ thống khung xương mà các Rigger đã xây dựng ở giai đoạn Rigging. Các nghệ sĩ diễn hoạt sẽ tạo ra chuỗi chuyển động cho nhân vật để tạo nên những hành động, tương tác phù hợp với câu chuyện muốn kể.
» Lighting Artist
Các mô hình 3D sau khi đã có đủ hình dạng, màu sắc cùng khả năng chuyển động sẽ được đưa vào môi trường chung và thêm các chi tiết ánh sáng (lighting). Lighting Artist sẽ chịu trách nhiệm xây dựng môi trường ánh sáng, cách đặt đèn cho các vật thể trong môi trường sao cho hợp lý và đảm bảo được yếu tố mỹ thuật theo từng ý nghĩa riêng.
» VFX Artist
Thêm các hiệu ứng chuyển động của khói, nước, vụ nổ hoặc siêu năng lực của nhân vật vào trò chơi bằng các phần mềm chuyên dụng trong kỹ xảo là nhiệm vụ chính của một VFX Artist.
Tạm kết
Phía trên là thông tin về quy trình sản xuất game và các vị trí quan trọng trong mảng Game Art. Đây là những kiến thức cơ bản mà những người mong muốn trở thành Game Artist như bạn không thể không biết đến. Hy vọng bài viết sẽ đem lại cho bạn nhiều giá trị bổ ích và đừng quên quay trở lại ở những kỳ tiếp theo, cẩm nang Game Art & Design vẫn còn nhiều thông tin hấp dẫn đang chờ bạn khám phá.
Xem thêm: Khóa học thiết kế đồ họa game
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN NGÀNH HỌC GAME ART & DESIGN MIỄN PHÍ TẠI ĐÂY
———————
Tổng hợp cẩm nang Game Art & Design dành cho người mới các kỳ (cập nhật liên tục):
» Kỳ 1: Game Designer, Game Artist và Game Developer khác nhau như thế nào?
» Kỳ 2: Games NFT Việt Nam vươn tầm thế giới – Nhân lực là bài toán quan trọng hàng đầu
» Kỳ 3: Học Game Art & Design cần điều kiện gì? Bắt đầu từ đâu?