Ngành công nghiệp game Việt Nam: Những điều có thể bạn chưa biết!!??

Năm 2024 mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp game Việt Nam, khi những ước mơ, kỳ vọng và cơ sở thực tiễn dường như đều đang ủng hộ cho sức bật của thị trường này.

Tại sự kiện Gameverse 2024, Cố vấn phát triển thị trường quốc tế Game và Ứng dụng Phụ trách thị trường Đông Nam Á của Google – Zuy Nguyễn cho rằng: Hệ sinh thái game Việt Nam ngày một phát triển và sở hữu nhiều ưu thế, trong tương lai, mục tiêu của ngành công nghiệp này tại Việt Nam hoàn toàn có thể hướng đến lợi nhuận tỷ đô trong vài năm sắp tới.

Đây là tình hình thực tế của ngành công nghiệp game nước ta, cho thấy tiềm năng và những triển vọng mạnh mẽ không ngờ của một thị trường trẻ như Việt Nam. Trong những năm qua, từ Flappy Bird, người yêu thích game tại Việt Nam đã không ngừng chứng kiến sự ra đời của các sản phẩm game trên đa thể loại, đa nền tảng, cho thấy các nhà phát triển đều đang nỗ lực mang đến những tựa game chất lượng hơn từng ngày đến cộng đồng. 

Là một gamer “cứng”, bạn có biết rằng, chặng đường thăng tiến của ngành công nghiệp game Việt Nam đang rất rộng mở và ngày một trở nên tươi sáng, lạc quan hơn? Hãy cùng Học viện MAAC tham khảo những con số biết nói về ngành công nghiệp game Việt, từ đó hiểu thêm về những cơ hội phát triển của bạn với thị trường “trẻ” này nhé!

Theo Tuổi trẻ Online, Việt Nam hiện tại có khoảng 54,6 triệu người chơi game di động, con số tương đối đông đảo so với tỷ lệ dân số đất nước. Khác với thế hệ trước, từ Gen X, Gen Y và Gen Z, chúng ta đã được tiếp xúc với game khá sớm, đủ để hình thành nhận thức và được khơi gợi cảm hứng từ hình thức giải trí này.

Năm 2015, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực game là 7.000 người, đến năm 2021, con số lên đến 25.000 người, cho thấy một sự mở rộng mạnh mẽ. Tuy vậy, với tốc độ phát triển hiện tại, ngành game Việt Nam vẫn chưa thoát “cơn khát” nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chuyên môn cao nhằm tham gia các quá trình xây dựng, phát triển, điều phối, vận hành, phát hành và thậm chí là thương mại hoá để đảm bảo doanh thu và đà thăng tiến cho các sản phẩm chất lượng cao.

Theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông: 50% tựa game mobile (game trên thiết bị di động) được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam.

Những tựa game này thường được phát triển bởi đội ngũ người Việt, hoặc có sự tham gia của các nhà phát triển Việt Nam, hoặc có thể là được xây dựng bởi chính những studio độc lập tại Việt Nam. Các nhà phát triển Việt Nam cũng có nhiều ưu thế khi thực hiện, gia công các tựa game, mang đến các tác phẩm được cộng đồng quốc tế ưa chuộng.

Vẫn là một thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, có đến 50% studio về game thuộc top đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và cả Australia có nguồn gốc Việt Nam. Trong số những cái tên trên,  có thể kể đến Sky Mavis – doanh nghiệp được mệnh danh là “Kỳ lân công nghệ” của startup Việt, sau VNG và VNLIFE.

Việc các studio về game Việt Nam phát triển mạnh, tuy nhiên lại thường được xếp chung trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Australia thay vì được chỉ mục riêng là Việt Nam, là do các studio này thường đăng ký phát triển tại nước ngoài. Trong tương lai, mong rằng với chính sách đặt trọng tâm phát triển cho ngành công nghiệp game, các studio sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển mạnh mẽ ngay tại Việt Nam, mở ra những triển vọng rộng mở hơn cho các nhà phát triển, nhà thiết kế game trẻ tuổi.

Tiếp tục là một “làn sóng ngầm” len lỏi trong dòng phát triển của ngành công nghiệp game Việt Nam trên thị trường quốc tế, các số liệu ghi nhận đến 4% game được tải về từ các kho ứng dụng nổi tiếng đều được phát triển bởi bàn tay của các nhà thiết kế, nhà phát triển Việt Nam.

Trong con số 4% trên, có những cái tên đã được cộng đồng quốc tế yêu thích và tải về mạnh mẽ, như Free Fire, Caravan War, Metal Squad,… Các sản phẩm này vừa thuộc thể loại casual cho đến thể loại sinh tồn – đối kháng, cho thấy sức sáng tạo, khả năng nắm bắt thị trường của đội ngũ Việt Nam khi gia nhập đường đua phát triển game với quốc tế.

Ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử cho biết, cho đến năm 2024, Việt Nam đã có gần 200 công ty phát hành, sản xuất game trong nước. Con số trên khẳng định sự rộng mở của thị trường, cũng như cho thấy đường đua phát triển game đã khởi động mạnh mẽ, chào đón sự gia nhập của những nhân tài trẻ.

Trong lĩnh vực game, Việt Nam cũng tiếp tục ghi nhận nhiều công ty, doanh nghiệp, nhà phát triển xuất sắc. “Kỳ lân công nghệ” hàng đầu của Việt Nam cũng là một đơn vị sản xuất, phát hành game. Các đơn vị phát hành game tại Việt Nam cũng có sự cạnh tranh vươn lên về thị phần, góp phần đa dạng hoá thị trường. Khoảng 50% tựa game nổi bật trên thị trường quốc tế đều có sự tham gia của các nhà thiết kế, hoạ sĩ Việt. 

Có lẽ từ “phát triển” đã được dùng quá nhiều khi nói về ngành công nghiệp game tại Việt Nam, song chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để tiếp tục vươn cao, bay xa. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ ngành game thế giới, nhân lực Việt Nam sẽ cần nỗ lực trau dồi, nâng cao chuyên môn, nắm bắt thị hiếu của thị trường, khẳng định uy tín và thương hiệu game Việt Nam trước bạn bè quốc tế.

SIGN UP FOR FREE

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ