INSIDE OUT 2 VÀ HÀNH TRÌNH TRƯỞNG THÀNH CỦA KHÁN GIẢ TOÀN CẦU

Trở lại màn ảnh cùng khán giả toàn cầu sau 9 năm, Iside Out 2 từ Nhà Chuột Disney tiếp tục làm “cơn sốt” tại các phòng vé, phá vỡ nhiều kỷ lục về cả doanh thu lẫn độ “nóng” kể từ ngày ra mắt.

Điều lạ kỳ là sau chừng ấy năm, khán giả trên thế giới có thể đã lớn lên, cả nhân vật Riley của bộ phim cũng thế, song Inside Out 2 vẫn là một cuộc đồng hành ngoạn mục với toàn thể người xem. Bộ phim được đánh giá là có thể dành cho cả những người sẽ trưởng thành, những người đã trưởng thành, và những người đang “chật vật” để trưởng thành. 

Hôm nay, MAAC sẽ cùng các bạn lý giải công thức “ghi bàn” thành công trong lòng khán giả của Inside Out 2 nhé!

Cốt truyện: Sự đồng cảm mạnh mẽ về nội tâm con người

Khi những trailer đầu tiên và thông tin chính thức được công bố, người xem ngỡ là mình sẽ tiếp tục đơn thuần theo dõi nhân vật Riley trong quá trình dậy thì và trở thành người lớn của cô bé. Cốt truyện này dường như phổ thông, dễ hiểu, dễ tiếp cận và vô cùng an toàn cho một bộ phim vốn đã giành được nhiều thiện cảm của khán giả. 

Song Inside Out 2 đã bứt phá trong chính vòng an toàn ấy, bởi câu chuyện của Riley là một câu chuyện từ nội tâm của con người, thế nhưng nội tâm thì vô cùng phức tạp mà cũng dễ cảm thông và thấu hiểu không ngờ. Nhân vật Riley đã dậy thì từ đầu bộ phim, song hành trình trưởng thành của cô bé chỉ thực sự bắt đầu vào cuối phim. 

Những cảm xúc mới xuất hiện khi cô bé Riley bước vào tuổi “dậy thì”

Khi Riley đã chấp nhận những biến đổi mới mẻ của cô bé, những cảm xúc bên trong cũng đã trải qua một hành trình để bắt đầu “trưởng thành”. Bên cạnh việc xuất hiện thêm những cảm xúc mới mang nhiều thái cực hơn như Xấu hổ, Lo lắng, Ghen tỵ và Chán nản, thì chính trong những cảm xúc cũng xuất hiện các sắc thái đặc biệt hơn. Như Vui vẻ không chỉ là lạc quan trong mọi tình huống, mà vui vẻ còn là biết chấp nhận những khía cạnh khác của cuộc sống. Và niềm tin của con người không chỉ được cấu thành bởi những ký ức vui vẻ, mà còn là những vấp ngã, lỗi lầm, những tiêu cực giúp con người ta đa chiều và sâu sắc hơn.

Thiết kế nhân vật: Khi sự tinh tế làm nên thành công của tác phẩm

Được sản xuất bởi Pixar và có sự trợ lực phía sau từ Disney, Inside Out 2 chắc chắn sẽ làm tốt về mặt hình ảnh, đồ hoạ, sắc màu lẫn thẩm mỹ – đây là nhận định của hầu hết khán giả khi quyết định ra rạp xem phim. Sự đầu tư và kiên định với chất lượng góp phần tối ưu trải nghiệm của khán giả, điều này mọi nhà làm phim hoạt hình đều chú trọng và thực hiện, nên thành công ở mặt tạo hình của Inside Out 2 là điều hiển nhiên và không quá bất ngờ.

Bất ngờ thực sự mà Inside Out 2 mang đến cho khán giả “bùng nổ” khi những nhân vật mới của bộ phim xuất hiện và tham gia vào cốt truyện cho đến những giây cuối cùng. Mỗi một nhân vật đều thực sự hợp lý và vượt-ngoài-kỳ-vọng với tạo hình, tính cách, đặc thù lẫn cách mà họ góp phần xây dựng nên Riley tuổi dậy thì và cả mối liên kết với khán giả.

Những cảm xúc mới hình thành trong nội tâm cô bé Riley

Không phải tự dưng Lo lắng có một tạo hình rối bời, vì lo lắng ở đây không chỉ đơn thuần là một sự tự ti – như nhiều người đã lầm tưởng, mà còn là sự quá tải của những cảm xúc tồn đọng, dồn nén. Và chắc chắn, khi khán giả theo dõi những phản ứng, suy nghĩ, tương tác của mỗi nhân vật, họ đều nhận ra sự phù hợp không thể thay đổi của các nhân vật. Chẳng hạn, nếu không phải Lo lắng, ai mới là người thể hiện sự hỗn loạn tuyệt đỉnh của một cô bé tuổi teen đang đứng trước những vấn đề to tát như cái bánh trên bàn ăn đây?

Vấn đề xã hội: Thực trạng chung của những tâm hồn mong manh trong thế giới hiện đại

Cuối cùng, điều khiến cho Inside Out 2 nhận được sự yêu mến từ khán giả toàn cầu, đó là những liên tưởng đồng điệu dành cho tất cả mọi người trên thế giới. Có thể nhận ra tình yêu mến đó từ những phản ứng của các khán giả đã xem phim: không nhất thiết phải ngợi khen bộ phim một cách đao to búa lớn, chỉ cần một cái gật đầu chắc chắn khi hỏi về nhận xét.

Đó là mối liên kết đầy ấm áp giữa Buồn bã và Xấu hổ – những cảm xúc tưởng chừng như tiêu cực, nhưng thực tế lại tinh tế và chân thực nhất trong mỗi con người. Đó cũng có thể là bà Hoài niệm, luôn xuất hiện đầy ngẫu nhiên như những hồi ức bất chợt mà con người ta nhớ về khi yếu đuối. Hay dễ nhận thấy nhất, “ngục tù” thăm thẳm trong nội tâm con người chính là The Shadow, theo Sigmund Freud, phần tưởng chừng như tiêu cực nhất, có màu đen mịt mờ nhưng thực tế lại chứa đựng những điều mà ta tưởng rằng sẽ tươi đẹp lấp lánh nhất trong quá khứ. 

Cuối cùng, đó là sự “tích cực độc hại” mà mỗi người đều có thể vấp phải trên hành trình hướng đến một lối sống lành mạnh. Riley hay mỗi chúng ta chỉ là con người, lạc quan và vui vẻ không phải đích đến sau cùng để hạnh phúc, hạnh phúc là khi chúng ta chân thành với cảm xúc của mình và chấp nhận nó. 

Các Animator và Artist của Inside Out 2 đã dành rất nhiều thời gian để thiết kế nhân vật, đồng thời ưu ái cho sự đồng cảm giữa con người với con người để có thể chạm vào nội tâm của khán giả. Đây là một nước đi thông minh và xứng đáng được khán giả toàn cầu tiếp nhận, vì suy cho cùng, mỗi tác phẩm từ các nhà sáng tạo không chỉ để tôn vinh kỹ thuật công nghệ, mà là để họ cho ta thấy tâm hồn họ cũng đẹp đẽ và tươi sáng như thế nào.

SIGN UP FOR FREE

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ