Ngày 8/4/2024 vừa qua, trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF), đã diễn ra buổi tọa đàm quan trọng “Hoạt hình và kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu” thu hút sự quan tâm đông đảo của các nhà làm phim hoạt hình trẻ và các nhà đầu tư phim.
Tiếp nối chủ đề “Những cơ hội và thách thức của hoạt hình và kỹ xảo ở Việt Nam”, các chuyên gia cũng đã bàn luận về tiềm năng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của ngành Hoạt hình và Kỹ xảo tại thị trường Việt Nam và Quốc tế. Từ đó, các bạn trẻ tài năng sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn, đưa ra lựa chọn đúng đắn khi quyết định gắn bó lâu dài với ngành.
Tiềm năng ngành từ những cơ hội Đầu Tư và Hợp tác Quốc Tế
Nhiều đại biểu quốc tế tham dự buổi tọa đàm đã chỉ ra rằng, Việt Nam cần tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi vẫn duy trì được bản sắc văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó, rất nhiều nhà sản xuất phim quốc tế đang tìm kiếm đối tác Việt Nam để hợp tác trong các dự án hoạt hình và kỹ, nên đây chính là thời điểm vàng để các doanh nghiệp Việt Nam chủ động kết nối, quảng bá năng lực và tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế.
Tại phiên thảo luận 2 với chủ đề “Hợp tác quốc tế trong đào tạo và sản xuất Animation và VFX”, các diễn giả đã chia sẻ câu chuyện về sự hợp tác sản xuất với các hãng sản xuất của các nước trên thế giới trong lĩnh vực này. Ông Ming Pan – Giám đốc sáng tạo, nhà sản xuất VFX của Mixel Media, chia sẻ dự mà Studio của ông đang ấp ủ, mong rằng được làm tại Việt Nam.
Là người làm kỹ xảo cho các bộ phim Hollywood nổi tiếng trên thế giới như Marvel, X-Men,.. – ông Ming Pan, Giám đốc sáng tạo, Nhà sản xuất VFX của Mixel Media cho rằng, ngành kỹ xảo Việt Nam cần có cơ chế để đột phá vươn tầm thế giới. Trong đó, các nhà làm phim trẻ cần chú trọng đảm bảo ý tưởng, lựa chọn số lượng VFX phù hợp đồng thời kết hợp sự sáng tạo, tìm tòi
Ông Ming Pan giới thiệu các dự án phim Marvel do mình từng tham gia làm kỹ xảo, nổi tiếng nhất có lẽ là Avengers: Infinity War
Ông Ming Pan là giám đốc sáng tạo – nhà sản xuất VFX của Mixel Media, giám sát kỹ xảo của loạt phim Marvel và nhiều phim Mỹ nổi tiếng khác. Ông từng tham gia làm kỹ xảo cho những bộ phim Marvel hoặc siêu anh hùng, dị nhân như:
Avengers: Infinity War, Guardian of the Galaxy Vol.2, Doctor Strange, X-Men: Days of Future Past…;
The Secret life of Walter Mitty, Percy Jackson: Sea of Monsters, Snow White and the Huntsman…; phim Monkey King của Trung Quốc năm 2020..
Cơ hội và thách thức dành cho ngành Hoạt hình và Kỹ xảo Việt Nam
Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng đã bàn luận về cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của ngành Hoạt hình và Kỹ xảo tại thị trường Việt Nam và Quốc tế. Từ đó, các bạn trẻ tài năng sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn, đưa ra lựa chọn đúng đắn khi quyết định gắn bó lâu dài với ngành.
Theo đánh giá chung, nhu cầu tuyển dụng cho ngành dự kiến tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là các vị trí như họa sĩ 2D/3D, kỹ thuật viên VFX, animator, rigging artist, v.v. Tuy nhiên, ông Thierry Nguyễn – đồng sáng lập Bad Clay Studio- cho rằng ngoài khó khăn về chi phí, ngành này còn đang gặp khó trong công tác đào tạo vì người trẻ chỉ muốn học nhanh và kiếm tiền nhanh, với thời gian học tối đa 2 năm. Chính vì vậy, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động là điều mà không phải trung tâm đào tạo nào cũng có thể đạt được.
Ông nhận định rằng ngành VFX ở Việt Nam vẫn còn khá non trẻ so với các ngành khác. Để phát triển mạnh mẽ hơn, cần phải đào tạo nguồn nhân lực trẻ, tạo điều kiện cho sự đổi mới và khám phá tiềm năng sáng tạo trong lĩnh vực này.
Ông Lê Anh Dy khuyên: Các bạn trẻ muốn đi theo ngành hãy cho mình thời gian đủ lâu, ít nhất 2 năm. Nếu làm studio này 1 năm rồi nhảy qua studio khác làm thì học không đủ sâu, tốn công cho cả 2 bên”.
Ông Ming Pan trong chuyến ghé thăm Học viện MAAC để tham quan ngôi trường đào tạo của một số huyền thoại trong ngành
Ông Phan Tuấn Anh, đồng sáng lập, CEO của Animost Studio cũng cho rằng, người Việt Nam ham học hỏi các công nghệ, kỹ thuật mới nên việc đầu tư vào ngành VFX ở Việt Nam sẽ rất khả thi. Mặt khác, ngành kỹ xảo vẫn chưa có sự phát triển đột phá tương xứng với tiềm năng tại Việt Nam là vì những đóng góp của ngành vẫn chưa được biết đến rộng rãi, cũng như được cộng đồng ghi nhận.
Bên cạnh đó, những rủi ro về thị hiếu khán giả, việc bắt kịp xu hướng toàn cầu cùng điều kiện kinh tế, chi phí sản xuất vẫn là bài toán nan giải.
Ông cũng đưa ra các nhận định và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động bằng việc phối hợp với các trường, trung tâm đào tạo để cập nhật, cải thiện chất lượng giáo trình, nâng cao chuyên môn đội ngũ giảng dạy để sinh viên, học viên khi tốt nghiệp được trang bị tốt về kiến thức và kỹ năng tiệm cận với chuẩn cao nhất của ngành.
Các công ty kỹ xảo Việt Nam góp mặt trong nhiều bom tấn nước ngoài
Thông qua buổi tọa đàm thì ông Thierry Nguyễn cũng nhìn nhận về xu hướng hiện nay thì các nhà sản xuất Việt ngày càng không muốn chỉ làm “kỹ xảo thuê” cho các thị trường lớn như Hollywood hay Netflix, mà bắt đầu nỗ lực tạo dựng các sản phẩm sáng tạo riêng, thể hiện đậm nét văn hóa và kỹ thuật của Việt Nam. Ông cho rằng Studio AIOI, Bad Clay với quốc tế hay các sản phẩm Hollywood, Netflix thì họ chỉ là đơn vị làm thuê, vender (nhà cung cấp), đi bán chất xám nên việc được đóng góp về tầm nhìn, sáng tạo trong chính các dự án phim Việt Nam chính là điều mà họ hướng đến.
Có thể thấy, buổi tọa đàm đã mở ra những góc nhìn mới về tiềm năng và cơ hội phát triển cũng như những thách thức của ngành hoạt hình và kỹ xảo Việt Nam. Ngành công nghiệp sáng tạo này hứa hẹn sẽ có những bước tiến bùng nổ trong tương lai và có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nguồn: Tổng hợp