HIFF 2024 | Tọa đàm “Hoạt hình và Kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu” – Cơ hội và thách thức dành cho các Nhà sản xuất phim hoạt hình trẻ tại Việt Nam – Phần 1

Ngày 8/4 vừa qua, trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF), đã diễn ra buổi tọa đàm quan trọng “Hoạt hình và kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu” thu hút sự quan tâm đông đảo của các nhà làm phim hoạt hình trẻ và các nhà đầu tư phim. 

Buổi Tọa đàm có sự góp mặt của các khách mời diễn giả là những nhân vật tên tuổi trong ngành tại Việt Nam cũng như thế giới như ông Ming Pan – Creative Director/ VFX Art Director/ Producer nổi tiếng Hollywood (Giám sát kỹ xảo của loạt phim Marvel) – Founder/Director tại Ming Creative Studios Inc. – Ming Creative Art Academy và Co-founder/Director/Producer tại Mixel Media; Thierry Nguyen – đồng sáng lập Bad Clay Studio – CEO của AIOI Studios; Lê Anh Dy – CEO blankNegatives – Chủ tịch VAVA; Phan Tuấn Anh – đồng sáng lập và là CEO của Animost; Ông Đinh Trí Dũng – Giám đốc Học viện MAAC – Phó Chủ tịch VAVA cũng là người điều hành phiên thảo luận.

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia đã cùng thảo luận và đưa ra các nhận định của mình về thị trường Việt Nam đầy tiềm năng đối với ngành Hoạt hình và Kỹ xảo bởi Việt Nam có nhiều người trẻ tài năng, nhiệt huyết với nghề và rất ham học hỏi, học nhanh.

Với chủ đề “Những cơ hội và thách thức của hoạt hình và kỹ xảo ở Việt Nam”, các diễn giả chia sẻ về những ưu và khuyết điểm của Việt Nam trong ngành công nghệ 3D-VFX. Đồng thời, đưa ra những lời khuyên cho việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ để củng cố sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực này.

Theo thống kê của VAVA, hệ sinh thái VFX và hoạt hình Việt Nam hiện có 102 studio khắp cả nước, gồm 24 ở miền Bắc, 10 ở miền Trung và 68 ở miền Nam. Đặc biệt, từ năm 2021 đến 2023, Việt Nam có 21 studio 3D-VFX mới. Chất lượng của ngành ở Việt Nam đang tăng từng ngày.

Theo số liệu năm 2023, có hơn 60% các studio 3D-VFX ở Việt Nam đang hợp tác với nước ngoài. VAVA nhìn nhận thẳng thắn vào vấn đề là Việt Nam đang có sự “chảy máu chất xám” ra nước ngoài. Chẳng hạn, hơn 30% làm việc với khách hàng châu Á (Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…), trong đó Hàn Quốc chiếm phần lớn. Còn 31% làm việc với khách hàng châu Âu.

Tuy nhiên, VAVA cũng ghi nhận tin vui là các công ty ở Việt Nam như Synapse, West World, Stone-V, Opim Digital… đang phát triển mạnh mẽ, trở thành những nhánh lớn với 100 – 150 nhân viên.

Theo ông Nguyễn Thierry – CEO của AIOI Studios – Việt Nam là một điểm đến thu hút trong ngành VFX với nhiều thế mạnh: Sự tăng lên về số lượng các studio; đội ngũ nhân lực nhỏ nhưng nhiều nhân tài; sự đổi mới và xuất hiện các ngành đào tạo về dựng phim, ứng dụng kỹ xảo trong điện ảnh ở nhiều trường đại học, học viện; nền văn hóa đặc sắc cho tiềm năng sáng tạo nội dung,…

Bên cạnh đó, một số thách thức về việc bắt kịp xu hướng thế giới và điều kiện kinh tế, ngân sách cũng được đề cập. Điển hình như, ông đã nhấn mạnh về việc cần cải thiện chất lượng giảng dạy và học tập kinh nghiệm, kỹ thuật mới từ các quốc gia trên thế giới.

Những cái khó mà ngành Hoạt hình và Kỹ xảo Việt Nam đang gặp phải là gì?

Ông Lê Anh Dy – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của blankNegatives kiêm Chủ tịch VAVA – cho biết ngoài các kỹ năng về chuyên môn, quy trình sản xuất, công nghệ thì khả năng giao tiếp, trao đổi và hiểu đúng, hiểu đủ trong quá trình làm việc chính là mấu chốt thành công. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề giao tiếp với đồng nghiệp khi thực hiện những dự án là rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như khách hàng là cần thuyết phục họ về tiềm năng của ngành VFX tại Việt Nam.

Ông cũng cho biết ngân sách của của Nhà sản xuất phim dành cho phần Hậu kỳ, Kỹ xảo có ảnh hưởng phần lớn đến các sản phẩm. Đây là vấn đề ngoài tầm kiểm soát và là sự giao tiếp giữa nhà sản xuất phim và người xem.

“Khán giả Việt hiện nay đã xem được các tác phẩm có kỹ xảo tốt, đẳng cấp từ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… Tuy nhiên, để làm được điều này, các phim có ngân sách đủ lớn và xứng đáng. Việt Nam có nhiều studio có năng lực tốt, nhưng sự hạn chế về ngân sách nên và quy trình làm việc chưa hiệu quả giữa Đạo diễn / Nhà sản xuất và VFX studios dẫn đến việc ít có phim có kỹ xảo ấn tượng. Tuy nhiên, chúng ta có thể bù đắp cho việc này bằng cốt truyện, kịch bản hay” – ông Lê Anh Dy cho biết.

Ông Thierry Nguyễn cũng nhìn nhận, nếu kịch bản phim tốt, cốt truyện tốt thì kỹ xảo sẽ góp phần giúp phim trở nên tốt hơn. Ngược lại, nếu phim kịch bản không tốt thì kỹ xảo có thế nào cũng không để lại ấn tượng cho người xem, trở nên vô hình thôi, không thể có tác dụng thêm được.

“Nhà sản xuất cũng phải hiểu rằng kỹ xảo cao cấp sẽ không đơn giản và cần nhiều chi phí hơn. Không phải Việt Nam không giỏi kỹ xảo mà vì nhiều lý do khác nhau” – ông Thierry Nguyễn nhận định.

Trước câu hỏi của một khán giả về kinh phí làm VFX, ông Thierry Nguyen khuyên “Nên khôn khéo chọn VFX phù hợp, coi lại số lượng cần bao nhiêu. Khi viết kịch bản phải biết bao nhiêu phần quay kỹ xảo. Kinh phí cho hàng nghìn shot rất tốn kém, do đó nên coi lại phim thuộc thể loại gì, có thể thành công không”.

Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng ngành VFX ở Việt Nam vẫn còn khá non trẻ so với các ngành khác. Để phát triển mạnh mẽ hơn, cần phải đào tạo nguồn nhân lực trẻ, tạo điều kiện cho sự đổi mới và khám phá tiềm năng sáng tạo trong lĩnh vực này.

XEM TIẾP PHẦN 2: HIFF 2024 | Tọa đàm “Hoạt hình và Kỹ xảo: Cơ hội thị trường toàn cầu” – Cơ hội và thách thức dành cho các Nhà sản xuất phim hoạt hình trẻ tại Việt Nam – Phần 2

Nguồn: Tổng hợp

SIGN UP FOR FREE

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ