Trong mọi ngành nghề, kể cả ngành sáng tạo, việc xây dựng nên các tác phẩm đều cần dựa trên một nền tảng cơ sở vững chắc. Nghệ thuật cũng vậy, không phải cứ nghệ thuật là tuỳ hứng đâu, tất cả đều dựa trên các nguyên tắc.
Nếu bạn đang vẽ một bức tranh, các nguyên tắc sẽ giúp bạn định hình bố cục, màu sắc, cấu trúc, hình dạng, v.v. cho nhân vật hoặc các vật thể. Tương tự, khi sáng tạo tác phẩm với hàng loạt hình vẽ khác nhau như truyện tranh, game hay phim ảnh thì các nguyên tắc sẽ rất hữu ích trong việc tạo ra sự thống nhất về mặt bố cục tổng thể, cũng như định hình cách xây dựng các đối tượng và truyền tải được câu chuyện chung.
Shoshana Wall – chuyên gia VFX đã từng gắn liền với các “siêu phẩm” Hollywood như Mad Max: Fury Road, Ant-Man, John Wick: Parabellum, Game of Thrones, Christopher Robin,… đã chia sẻ về những nguyên tắc nghệ thuật cơ bản dành cho các 3D Animator và VFX Artist như sau:
6 nguyên tắc nghệ thuật cơ bản là gì?
6 nguyên tắc nghệ thuật cơ bản là những quy tắc mà các Artist cần tuân theo trong quá trình sáng tạo, bao gồm giải phẫu (anatomy), phối cảnh (perspective), hình dạng (form) và cấu trúc (structure), nguyên lý ánh sáng (lighting & shadow), màu sắc (color) và bố cục (composition). Mỗi quy tắc hoặc thành phần đều góp phần tạo nên tính tác động trực quan tổng thể đối với tác phẩm của bạn. Thông qua sự tương tác và giao thoa lẫn nhau, chúng sẽ giúp các Artist tạo ra vô số tác phẩm vừa mang đậm tính sáng tạo vừa đạt được tính chân thực và gợi tả cao.
Giải phẫu
Khi vẽ người, động vật hoặc thực vật thì việc nắm được nguyên lý giải phẫu là điều vô cùng cần thiết. Việc xác định được cách thức hoạt động của cơ thể người, tỷ lệ và các khớp nối, v.v. sẽ giúp bạn minh hoạ, điêu khắc hoặc tạo hoạt ảnh cho các tư thế và chuyển động một cách chân thực hơn. Ví dụ như cách đi bộ, nhảy qua hàng rào hoặc cầm nắm một đồ vật nào đó trên bàn chẳng hạn. Tương tự, điều này cũng diễn ra đối với quá trình tạo động thực vật trong tác phẩm của bạn.
Phối cảnh
Phối cảnh thường được sử dụng để biến một bức tranh hai chiều (được vẽ trên giấy hoặc màn hình) mang lại cảm giác ba chiều. Ví dụ: Theo các quy tắc phối cảnh, đối tượng càng xa thì càng nhỏ hơn. Do đó, nếu muốn vẽ phối cảnh của một diễn giả trên sân khấu đang nói chuyện trước khán phòng thì bạn cần vẽ hàng ghế đầu lớn nhất và giảm dần kích thước cho loạt hàng ghế đằng sau.
Khi áp dụng các nguyên tắc cơ bản của phối cảnh vào trong tác phẩm, bạn có thể chọn một trong hai cách dưới đây:
- Phối cảnh 1 điểm tụ/ tuyến tính/ chính diện (one-point/linear perspective): Tạo 1 điểm trên bức tranh và đặt các đường kẻ để hướng đối tượng về cùng điểm đó.
- Phối cảnh không gian/ theo độ sâu của khí quyển (aerial perspective): Sử dụng bầu không khí để làm giảm độ hiển thị của các vật thể ở xa người xem.
Hình dạng và cấu trúc
Về bản chất, mọi vật thể đều là sự kết hợp của các hình khối căn bản như hình vuông, hình tròn và hình tam giác (tương ứng theo dạng ba chiều là khối hộp, khối cầu và khối lăng trụ tam giác). Hình dạng và cấu trúc có nhiệm vụ biến các hình phẳng trở nên chân thực hơn, mang lại cảm giác sống động về chiều rộng lẫn chiều sâu cho vật thể.
Chẳng hạn như những bản phác thảo ban đầu của các kịch bản phân cảnh (storyboard), các họa sĩ thường dùng hình trụ và hình cầu để thể hiện nhân vật, thay vì vẽ ra mọi đường cong trên cơ thể của chúng. Sau đó, ở các bản tiếp theo của phân cảnh, họ bắt đầu chi tiết hóa đặc điểm bằng cách sử dụng những hình khối cơ bản này để làm nền tảng cho đối tượng.
Tương tự, concept art và hình minh họa cũng thường bắt đầu bằng hàng loạt hình dạng cơ bản trước khi được thêm thắt chi tiết để cho ra hình thù dễ nhận biết hơn.
Nguyên lý ánh sáng
Một cách khác để biến các hình phẳng trở nên chân thực hơn là áp dụng quy luật ánh sáng. Trong mọi hình thức nghệ thuật hoạt hình, cách ánh sáng chiếu vào đối tượng và nơi chúng đổ bóng sẽ giúp thể hiện sự chuyển động của đối tượng đó, hoặc thể hiện góc nhìn từ phía người xem.
Ánh sáng và bóng tối có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ví dụ: Ánh sáng chiếu vào một vật thể sẽ tạo ra lớp bóng phía sau vật thể đó, hoặc ở phía đối diện với vật thể được chiếu sáng (chẳng hạn như khi ánh đèn chiếu vào một bên mặt của nhân vật). Theo đó, các họa sĩ kỹ thuật số cũng có thể sử dụng sự phân chia ánh sáng trong các tông màu để thể hiện tính chân thực và gần xa của bức vẽ, đồng thời qua đó gửi gắm tâm trạng hoặc ý nghĩa nhất định cho tác phẩm của mình.
Màu sắc
Một kỹ năng cơ bản khác trong hội họa là làm chủ màu sắc. Điều này bao gồm cả việc chọn màu và truyền tải cảm xúc muốn thể hiện thông qua các màu sắc đã chọn.
Các họa sĩ truyền thống và kỹ thuật số cần nắm vững những quy tắc cơ bản về pha trộn màu, bao gồm hiểu rõ bánh xe màu sắc và cách đạt được sắc độ chính xác để tái tạo ra ngoài đời thật hoặc thiết lập tâm trạng cho tác phẩm của mình.
Lý thuyết màu sắc có thể được phân loại dựa trên ba đặc tính như:
- Tông màu (Hue): là tổ hợp 12 tông màu cơ bản trên bánh xe màu sắc, giúp thiết lập chủ đề tổng thể cho toàn bộ tác phẩm của bạn.
- Độ bão hòa màu (Saturation): cách màu sắc hiển thị sự sống động, phong phú dưới các điều kiện ánh sáng khác nhau. Độ bão hòa càng cao thì màu càng rực rỡ và ngược lại.
- Giá trị màu (Value): thể hiện mức độ sáng tối của màu, xác định lượng ánh sáng mà vật thể hấp thụ hoặc phản xạ. Dựa theo quang phổ kéo dài từ đen đến trắng, đối tượng có tông màu càng trắng thì giá trị màu càng cao.
Bố cục
Bố cục là cách bạn sắp xếp và kết hợp các yếu tố khác nhau, bao gồm đường nét, hình dạng, màu sắc, không gian, cấu trúc, kết cấu và cách phối hợp tất cả với nhau để tạo nên diện mạo hoặc hiệu ứng tổng thể cho tác phẩm của mình. Bố cục cũng được áp dụng trong các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, viết lách, nhiếp ảnh, minh họa, làm phim hoạt hình và kỹ xảo điện ảnh.
Dưới đây là một số quy tắc hoặc hướng dẫn mà bạn có thể cân nhắc cho cách trình bày bố cục của mình:
- Quy tắc một phần ba: Tưởng tượng bạn sẽ chia tác phẩm của mình theo lưới 3×3, khi đó, giao điểm của các đường thẳng sẽ là nơi bạn đặt (các) chủ thể của mình.
- Đơn giản hóa: Nếu không theo đuổi chủ nghĩa hiện thực, bạn có thể cân nhắc sử dụng phương pháp này. Ví dụ: để vẽ một đám đông phía sau nhân vật chính, bạn có thể vẽ những cái bóng đại khái hình người thay vì thêm thắt nhiều chi tiết như nhân vật chính.
- Quy tắc số lẻ: Thông thường, số lẻ đem lại cảm giác thực tế hơn số chẵn. Điều này nghĩa là khi vẽ một khung cảnh có ba hay năm con chim trông sẽ thật hơn so với hai hay bốn con.
Lời kết
Nếu bạn đang theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật thì các nguyên tắc nghệ thuật cơ bản sẽ được áp dụng cho hầu hết mọi thứ bạn tạo ra. Do đó, nó thường được so sánh như những định luật vật lý của thế giới sáng tạo.
Mặc dù không ít các tác phẩm nghệ thuật đi chệch khỏi sáu nguyên tắc này, song, đây vẫn là những yếu tố cần thiết giúp định hình diện mạo của nhân vật, đạo cụ, môi trường và cách thể hiện câu chuyện trong các tác phẩm của bạn. Theo đó, việc nắm những nguyên tắc này sẽ rất hữu ích khi học và nghiên cứu các loại hình sáng tạo như Minh họa kỹ thuật số (Digital illustration), Concept Art, Hoạt hình 2D (2D animation), Hoạt hình 3D (3D Animation) và Tạo mô hình 3D (3D Modeling), v.v.
Nguồn thông tin: cgspectrum