Một nhà làm phim hoạt hình thực thụ nhất định sẽ cần đến cả kiến thức, kỹ năng và tầm nhìn. Thay vì chú ý đến các kỹ thuật làm phim như mọi khi, bài viết này sẽ tập trung vào những khía cạnh tâm lý nhiều hơn để các tác phẩm hoạt hình của bạn trở nên sâu sắc và thu hút người xem một cách hiệu quả.
Có những bộ phim đặc biệt xoay quanh nhân vật chính, lại có những bộ phim hướng đến toàn bộ cốt truyện nhiều hơn. Cũng như, một số bộ phim được xây dựng với các gam màu sặc sỡ và hình khối đơn giản, trong khi, số khác lại được trau chuốt tỉ mẩn và sử dụng bảng màu dịu mắt cùng với sự sắp đặt khôn khéo hơn.
Vậy, những điều này đều được cố ý xây dựng theo một concept riêng hay chỉ vì các Animator gật đầu một cái liền đưa vào phim ảnh mà chẳng cần đến quá nhiều sự cân nhắc? Nếu bạn muốn trở thành một Animator “hàng thật, giá thật” nhiều hơn là một người chỉ thành thạo công cụ thiết kế, bài viết này sẽ tổng hợp cho bạn một số kiến thức thú vị mà không một phần mềm máy tính nào tiết lộ cho bạn trước đây.
Sơ lược lại về quy trình xây dựng hoạt hình
Trong quy trình sản xuất hoạt hình, cốt truyện và hình ảnh được xem là những yếu tố chủ chốt quyết định sự thành bại của một bộ phim. Do đó, nếu cân bằng hai điều này một cách hiệu quả, tác phẩm của bạn sẽ giữ được nhiệt trên thị trường một thời gian dài.
Xây dựng cốt truyện là một phần nằm trong giai đoạn tiền sản xuất của quy trình tạo hoạt hình 3D, bao gồm 5 công đoạn như sau:
- Triển khai ý tưởng: Mọi thứ đều bắt đầu từ một sáng kiến thú vị và mới lạ. Từ đó, bạn mới có thể phát triển lên thành chủ đề, nội dung chính, kịch bản và nhân vật,…
- Sáng tạo câu chuyện: Ở giai đoạn này, bạn có thể thỏa sức bứt phá giới hạn sáng tạo của bản thân và viết ra mọi viễn cảnh mà bạn mong muốn xuất hiện trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên, lưu ý rằng, việc thiết lập một số quy tắc nhất định cho bộ phim vẫn rất cần thiết, vì điều này sẽ giúp cho câu chuyện giữ được tính nhất quán và tránh trở nên phi lý hoặc thiếu đi sự mạch lạc.
- Viết kịch bản: Sau khi dựng xong câu chuyện, bạn cần giúp nhà sản xuất hiểu được chính xác những gì sẽ xảy ra trong thế giới mà mình sáng tạo, bao gồm chuyển động và cử chỉ của nhân vật, môi trường, thời gian, hành động và đối thoại,… Kịch bản càng chi tiết, mọi người càng hình dung câu chuyện một cách rõ ràng hơn.
- Dựng storyboard: Để dễ dàng bám sát diễn biến câu chuyện, storyboard là một bước quan trọng mà bạn không được phép bỏ qua. Một storyboard chỉn chu sẽ cho bạn biết nội dung nào lên hình hiệu quả và nội dung nào không, từ đó giúp bạn lập kế hoạch phù hợp cho từng cảnh quay, góc quay, và đồng thời điều chỉnh lại các phân đoạn sao cho hiệu quả.
- Tiến hành: Sau khi storyboard đã đâu vào đấy, đây là giai đoạn mà bạn tập trung xây dựng hình ảnh và diễn hoạt nhân vật, thêm thuyết minh và hội thoại, phối nhạc và căn chỉnh thời gian,…
Thế nào là một câu chuyện hướng về nhân vật?
Hầu như mọi câu chuyện đều có nhân vật, nhưng không phải câu chuyện nào cũng hướng về nhân vật. Những câu chuyện hướng về nhân vật sẽ tập trung nhiều hơn vào sự phát triển tâm lý của họ và lý do tại sao họ đưa ra lựa chọn và quyết định của mình. Do đó, việc thấu đáo tâm lý khi thiết kế nhân vật sẽ khiến cho mọi diễn biến trong hành động của nhân vật trở nên rõ ràng và rành mạch hơn.
My life as a Zucchini (2016) là một ví dụ tiêu biểu cho việc nhân vật dẫn dắt toàn bộ câu chuyện. Sau khi Courgette được đưa vào trại trẻ mồ côi, khán giả đều cảm thấy bồn chồn và lo lắng cho cảm nhận của nhân vật trong nhiều tình huống khác nhau. Bởi chính góc nhìn của Courgette và cách cậu điều điều khiển câu chuyện thông qua sự tương tác của mình với những đứa trẻ khác đã trở thành tâm điểm chú ý của hầu hết người xem.
Một câu chuyện hướng về nhân vật thường trả lời cho những câu hỏi sau:
- Nhân vật đang vật lộn với điều gì?
- Xung đột trong cuộc sống của nhân vật là gì?
- Cuộc sống của nhân vật sẽ có những chuyển biến nào khi mọi thứ thay đổi?
- Nhân vật sẽ có phản ứng như thế nào?
- Nhân vật có tự mâu thuẫn với chính mình trong những hoàn cảnh khác nhau không?
Các tip để viết một câu chuyện hướng về nhân vật
- Đối với những câu chuyện mà nhân vật là yếu tố dẫn dắt, điều quan trọng nhất là tạo ra được kiểu nhân vật đem lại cho khán giả cảm giác gần gũi, có thể kết nối và đôi khi có nét tương đồng với họ. Ở những câu chuyện này, động lực và hành trình phát triển của nhân vật cần được khắc họa một cách kỹ lưỡng và sâu sắc.
- Nếu bạn muốn viết một câu chuyện hướng về nhân vật, đừng quên xây dựng một cốt truyện vững vàng và có chiều sâu cho các nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính.
- Việc thêm vào một chút bí ẩn hoặc phức tạp cho câu chuyện cũng là điều đáng để cân nhắc. Vì mọi người thường bị thu hút bởi những nhân vật có nhiều khía cạnh về tâm lý, tính cách và hành động khó lường.
- Xu hướng chung của đại đa số công chúng đều thích sự quật cường, tự tin và chủ động trong cuộc sống. Do đó, hãy cân nhắc việc xây dựng một hình tượng nhân vật mạnh mẽ và tích cực. Thay vì chờ đợi phép màu, họ sẽ tự giải quyết các vấn đề của mình và chủ động tương tác với những sự kiện diễn ra xung quanh cuộc sống.
Thế nào là một câu chuyện tập trung vào cốt truyện?
Ở các câu chuyện tập trung vào cốt truyện (plot), bạn cần dành nhiều sự chú ý cho các hành động và sự kiện diễn ra. Việc xây dựng hành trình phát triển của các nhân vật vẫn rất cần thiết, nhưng xung đột và những gì xảy ra bên ngoài mới là điều quan trọng hơn. Lord of The Rings của J. R. R. Tolkien là một ví dụ điển hình. Thông thường, dạng câu chuyện này sẽ trả lời cho những câu hỏi sau:
- Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
- Nhân vật sẽ phải đối mặt với những trở ngại gì?
- Làm thế nào là các nhân vật đứng dậy sau khó khăn?
- Các nhân vật đang phấn đấu vì điều gì?
Mẹo để viết một câu chuyện tập trung cốt truyện
- Câu chuyện của bạn rất có thể sẽ phức tạp với nhiều thăng trầm diễn ra liên tục để đưa khán giả đi từ hết bất ngờ này sang bất ngờ khác. Do đó, hãy lập kế hoạch và kịch bản một cách cẩn thận dựa trên trục truyện có sẵn, tránh việc “biến tấu” quá đà, để lại nhiều lỗ hổng hoặc vô tình khiến câu chuyện diễn ra miên man không hồi kết.
- Bất kể nhân vật là ai và điểm yếu của họ là gì, hãy nhớ rằng các sự kiện diễn ra xung quanh mới là yếu tố chính giúp thay đổi hành vi và số phận của nhân vật.
- Tạo cốt truyện high-concept, tức một cốt truyện chứa đựng những điều thú vị và dễ xem, với cái mới được xây dựng hoặc phát triển dựa trên cái sẵn có, chẳng hạn như các bộ phim chuyển thể hoặc remake. Yếu tố này dễ dàng mang đến những thành công về mặt thương mại và tiếp cận khán giả một cách rộng rãi hơn. Những câu chuyện này nên rõ ràng và đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề.
- Thêm vào những cú “plot twist” để gây bất ngờ cho khán giả và giúp câu chuyện không bị đơn điệu.
Thế nào là ngôn ngữ hình dạng?
Hình dạng được dùng để mô tả vẻ ngoài của nhân vật và ngôn ngữ của chúng nhằm thể hiện vì sao nhân vật lại được vẽ với những hình thù như thế. Chẳng hạn như, cơ thể của Pikachu là một hình tròn với đôi tai hình tam giác; hay chú mèo Garfield với cái đầu hình tròn và cơ thể hình bầu dục. Bên cạnh đó, nhân vật Gru trong Despicable Me có chiếc mũi và cằm góc cạnh, cũng như cơ thể được tạo ra từ nhiều hình dạng hình học khác nhau. Vậy, những điểm khác biệt này chỉ đơn giản là vô tình hay còn ẩn chứa dụng ý nào sau đó?
Kỳ thực, mỗi hình dạng đều mang những thông điệp riêng và đem lại sức ảnh hưởng không ít đến với tâm trí khán giả. Không phải tự nhiên mà có những nhân vật được vẽ bằng các hình tam giác, hình vuông, hay hình tròn… Đó là vì tùy vào dáng hình được tạo, nhân vật sẽ tỏa ra những nguồn năng lượng và cảm nhận khác biệt cho người xem.
Và đó được gọi là ngôn ngữ hình dạng. Nói cách khác, chúng được biết đến như một loại concept giúp truyền đạt ý nghĩa thông qua các hình dạng phổ biến.
Hình dạng chính là nền tảng cơ bản của thiết kế đồ họa. Bằng cách chọn ra những hình có khả năng khơi gợi phản ứng mong muốn, các nhà thiết kế có thể tác động đến cảm nhận của người xem và truyền tải nhiều thông điệp thông qua các hình dạng đó. Bằng cách gián tiếp thực hiện điều này, họ khiến người xem bị cuốn vào trong câu chuyện một cách vô cùng tự nhiên mà đôi khi không nhận ra sự sắp đặt hình ảnh có trong bộ phim đó.
“Sự thành công của storytelling (cách kể chuyện) và visual marketing (tiếp thị hình ảnh) phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta khéo léo sử dụng hình dạng và màu sắc, vì đó là cách người xem cảm nhận mọi thứ trong câu chuyện của bạn.”
Bên cạnh thị trường điện ảnh, phim hoạt hình cũng được áp dụng rất nhiều trong lĩnh vực tiếp thị. Là những người làm phim hoạt hình, chúng ta cần cho ra các tác phẩm giúp khắc họa câu chuyện thương hiệu một cách sáng tạo và gợi lên phản ứng mong đợi từ khán giả của khách hàng.
Đừng quên rằng, để thu hút ấn tượng đầu tiên của người xem về nhân vật, bạn chỉ có vỏn vẹn từ 7 đến 12 giây. Vì vậy, trong quá trình thiết kế nhân vật, điểm này cần được chú ý rất kỹ lưỡng.
Hình tròn, hình bầu dục và hình elip
Khi nhìn thấy một hình khối không có bất kỳ góc cạn h hay mũi nhọn nào, bạn nghĩ nó đang ám chỉ sự mềm mại, nhẹ nhàng hay lòng dũng cảm, ngoan cường?
Không chỉ riêng hình tròn, bầu dục hay elip, mà những hình có đường cong nói chung đều có khuynh hướng tượng trưng cho sự thống nhất, hòa bình, lòng tốt và nữ tính. Theo đó, chúng có thể được áp dụng lên các nhân vật nam để khiến họ trông dịu dàng, nhu hòa và vui vẻ hơn.
So với các hình dạng khác, những hình dạng này trông mềm mại, thân thiện và dễ gần hơn, vì chúng tiếp cận người xem bằng tất thảy sự đầy đủ và trọn vẹn của mình.
Ngoài ra, hình tròn thường rất dễ thu hút sự quan tâm, do đó, bạn sẽ luôn bắt gặp các trang web sử dụng biểu tượng và logo có hình dạng này.
Hình tam giác
Hình tam giác thường mang lại cảm giác về sự chuyển động, nhanh nhẹn, tốc độ, ổn định và sức mạnh. Ví dụ với nút phát nhạc, hình tam giác hướng về bên trái biểu thị cho sự tiến triển, tiếp tục. Mặt khác, hình tam giác còn được xem như một hình dạng mang tính che chở, mạnh mẽ và được sử dụng rộng rãi trong xây dựng kiến trúc, áp dụng nhiều nhất đối với các loại cầu đường và mái nhà.
Còn trong phim hoạt hình, hình tam giác thường được sử dụng để mô tả các nhân vật phản diện vì chúng có thể khiến nhân vật trông nghiêm khắc, khó đoán hoặc nguy hiểm.
Hình vuông và Hình chữ nhật
Các đường thẳng và góc vuông thể hiện cho người xem một cảm giác an toàn và vững chãi. Tuy nhiên, hình vuông và hình chữ nhật cũng là những hình đầu tiên dễ khiến ta cảm thấy nhàm chán nhất. Đó là lý do vì sao những thiết kế có hình chữ nhật và vuông đều rất được chú ý trong việc đổ bóng và tô màu để giúp chúng vừa trông sống động vừa thêm nổi bật hơn.
Không giống như hình tròn, hình vuông và hình chữ nhật toát lên vẻ nam tính nhiều hơn là nữ tính, vì chúng được dùng để thể hiện sự kỷ luật, đáng tin cậy và sức mạnh thể chất. Do đó, các nhân vật nữ nếu mang đặc tính của những hình dạng này thường trông mạnh mẽ, rắn rỏi và độc lập.
Hình ngũ giác, hình lục giác và hình bát giác
Hầu hết các Designer và Animator đều cố gắng giữ mọi thứ đơn giản và truyền đạt ý tưởng theo cách dễ dàng nhất. Do đó, những hình dạng có nhiều hơn 4 cạnh thường không được sử dụng nhiều trong các dự án thiết kế bởi tính phức tạp của chúng; và đó cũng là lý do vì sao chúng ta thường chỉ tìm thấy các hình ngũ giác, lục giác, bát giác và các hình dạng phức tạp khác ở trong những câu đố hoặc infographic.
Hình dạng trừu tượng
Cách tốt nhất để thể hiện một cảm giác hoặc concept phức tạp là thông qua những hình dạng trừu tượng. Kiểu hình này rất phù hợp để thể hiện những ý tưởng mới hoặc khiến cho nhân vật của bạn thoát khỏi những quy chuẩn hình học thông thường.
Ý nghĩa của màu sắc
Có thể bạn đã biết, chúng ta thường vô thức tiết lộ bản thân thông qua nhiều màu sắc khác nhau. Có những người thích mặc quần áo có tông chủ đạo là đen, một số khác thích những trang phục đa dạng màu sắc, và cũng có những người chỉ cảm thấy thoải mái khi mặc các màu tương phản, v.v. Như Tiến sĩ Max Luscher – một nhà tâm lý học người Thụy Sĩ chuyên nghiên cứu tầm ảnh hưởng của màu sắc đối với hành vi con người cho biết:
“Nhận thức của chúng ta về màu sắc là khách quan, nhưng sở thích của chúng ta lại mang tính chủ quan. Điều này có nghĩa là mọi người bộc lộ bản thân một cách vô thức thông qua màu sắc mà không có sự can thiệp của các lựa chọn có ý thức.”
Tương tự hình dạng, mỗi màu sắc đều tượng trưng cho những ý nghĩa riêng, giúp thể hiện cảm xúc hoặc tính chất của các nhân vật và môi trường. Chẳng hạn như:
- Màu đỏ: Đam mê, Tình yêu, Giận dữ.
- Màu cam: Năng lượng, Hạnh phúc, Sức sống.
- Màu vàng: Hạnh phúc, Hy vọng, Lừa dối.
- Màu xanh lá cây: Khởi đầu mới, Sự phong phú, Thiên nhiên.
- Màu xanh dương: Bình tĩnh, Trách nhiệm, Buồn bã.
- Màu tím: Sáng tạo, Uy quyền, Giàu có.
- Màu đen: Bí ẩn, Thanh lịch, Nham hiểm.
- Màu xám: Tâm trạng, Bảo thủ, Trang trọng.
Việc tìm ra màu sắc thích hợp cho nhân vật, thương hiệu hay bất kỳ biểu tượng nào cũng luôn là một vấn đề nan giải. Nhiều cuộc thăm dò cho thấy, việc lựa chọn màu sắc hoàn hảo chiếm đến 60% thành công hay thất bại của một sản phẩm hoặc dịch vụ. Vì thế, nếu chọn hoạt hình là phương tiện quảng bá cho thương hiệu của bạn thì hãy lưu ý đến sự lựa chọn màu sắc có trong bộ phim hoạt hình đó, vì điều này có thể tác động trực tiếp đến cảm xúc và nhu cầu của khán giả, từ đó khiến họ tìm đến sản phẩm và dịch vụ của bạn nhiều hơn.
Một sự thật thú vị rằng, bên cạnh việc nắm vững các nguyên lý màu sắc, Designer và Animator còn dựa vào trực giác của bản thân để tìm ra đâu là những màu sắc phù hợp với sản phẩm và dự án của mình.
Thông thường, một nhân vật chỉ nên có khoảng ba màu cơ bản. Nếu bạn vượt quá con số này, bạn cần phải nhận thức được lý do vì sao mình lại làm như vậy, vì bạn không thể ngẫu nhiên pha trộn quá nhiều màu sắc mà không có bất kỳ ý đồ gì.
Phim hoạt hình dành cho trẻ em có gì khác biệt so với phim hoạt hình dành cho người trưởng thành?
Đối với khán giả nhí (từ 7 tuổi trở xuống), càng đơn giản càng tốt
Về mặt tâm lý, trẻ em có xu hướng bị hấp dẫn bởi những màu sắc tươi sáng và rực rỡ vì chúng giúp kích thích thị giác và thu hút sự chú ý một cách tự nhiên. Màu sắc được sử dụng cho phim hoạt hình và chương trình dành cho thiếu nhi cần phải mang lại cảm giác thích thú và vui nhộn. Về hình dạng, trẻ em cũng thường yêu thích những hình đơn giản và dễ nhận biết, chẳng hạn như hình tròn, hình vuông và hình tam giác, hơn là những hình thù trừu tượng và mang tính phức tạp hơn.
Phim hoạt hình dành cho trẻ em cũng cần được thiết kế một cách khéo léo để hỗ trợ cho sự phát triển của não bộ. Do đó, phim hoạt hình của trẻ em sẽ chủ yếu xoay quanh một chủ đề nhân văn, trọng điểm và dễ nhớ, đi kèm theo đó là các chuyển động đơn giản, âm thanh đa dạng cùng với thời lượng ngắn hơn.
Đối với khán giả thiếu niên hoặc người trưởng thành, thỏa sức sáng tạo
Ở phim hoạt hình dành cho độ tuổi trưởng thành, các nhà làm phim có nhiều không gian để thể hiện ý tưởng và sức sáng tạo của bản thân. Họ có thể sử dụng đa dạng hình thù từ đơn giản đến cầu kỳ, và đồng thời có nhiều sự lựa chọn về màu sắc cho tác phẩm của mình hơn.
Về nhân vật, hoạt hình dành cho người lớn thường có thiết kế chân thực và tỉ mỉ, với nét mặt tinh tế hơn và ngôn ngữ cơ thể phản ánh sự phức tạp của cuộc sống trưởng thành.
Tạm kết
Không chỉ dừng lại ở kỹ thuật đồ họa mà người tạo ra hoạt hình còn phải biết mình đang làm phim cho đối tượng nào, vì mục đích gì và tại sao lại đưa ra lựa chọn về hình dạng và màu sắc này mà không phải là hình dạng hay màu sắc kia. Để mỗi một thước phim đều được thể hiện một cách sâu sắc và ý nghĩa, bạn sẽ cần phải liên tục đặt ra câu hỏi “Vì sao” trước khi bắt tay vào một công đoạn nào đó. Mục đích của điều này là để tất cả những gì bạn xây dựng đều có cấu trúc chặt chẽ và liên hệ mật thiết với nhau, tránh cho việc đi lệch khỏi mạch truyện chính và khiến người xem bối rối với nội dung truyền tải của bạn.
Nguồn: Dream Farm Studio
Tâm Cửu