Cùng là franchise kinh dị về quái vật không gian, cùng được đầu tư kinh phí, song Alien: Romulus đã có cú vượt mặt ngoạn mục trước A Quiet Place: Day One. Đặc biệt, tác phẩm còn được xem là sự “phục hưng” trọn vẹn cho series huyền thoại Ailen – biểu tượng của dòng phim kinh dị ngoài không gian trong văn hoá đại chúng.
Cho đến tháng 8, năm 2024 có thể được xem là một năm thành công của các franchise khi những dòng phim được mong chờ đều có màn comeback xuất sắc, vượt ngoài mong đời của khán giả thế giới. Từ Dune: Part Two, Godzilla x Kong: The New Empire, A Quite Place: Day One, Inside Out 2, Despicable Me 4, Deadpool & Wolverine,… và mới nhất là Alien: Romulus đều đạt được những thành tích ấn tượng, về cả doanh thu, độ phổ biến lẫn điểm bình chọn của các nhà phê bình và khán giả.
Cơn ác mộng Xenomorph đã trở lại và tàn hại hơn xưa (Nguồn: IMDb)
Sự tái hiện “đỉnh chóp” những giá trị cốt lõi của phiên bản tiền nhiệm
Khác với Alien: Covenant (2017) hay những phiên bản đáng thất vọng khác, đã phải hứng chịu mọi chỉ trích của người hâm mộ vì đã huỷ hoại sự kinh hoàng cốt lõi của series Alien nói chung và giống loài Xenomorph nói riêng, Alien: Romulus đã có những lựa chọn thông minh để fan ruột nhận ra đây là bộ phim tiếp nối Alien (1979) và Aliens (1986) huyền thoại.
Nữ chính Rain không chỉ đặc biệt, mà còn thừa hưởng nhiều yếu tố từ Ellen Ripley của quá khứ (Nguồn: IMDb)
Đầu tiên, là sự trở lại của một Final Girl chất lượng. Nhân vật chính Rain sở hữu rất nhiều ưu điểm và phong cách của Ellen Ripley – nhân vật chính của hai phần phim gốc và được mệnh danh là Final Girl xuất sắc nhất mọi thời đại. Không nhất thiết phải xây dựng lại một nhân vật y hệt, bộ phim tạo nên một nhân vật có lý trí, có sự phản ứng hợp lý, có lý tưởng và có một trái tim nhân hậu đáng được khán giả cảm thông và cổ vũ xuyên suốt bộ phim. Đây là điều mà hai phần phim gốc đã làm được với Ellen Ripley, và giờ được tái hiện trọn vẹn với Rain.
Ellen Ripley và Alien (1979), Aliens (1986) đã có “người thừa kế” xứng đáng (Nguồn: The Reporter)
Hưởng ứng cùng những đặc điểm trên, đó là các Easter Eggs (Trứng Phục Sinh) liên kết giữa các phần phim với nhau qua những tạo hình nhân vật, câu thoại và motif truyền thống của loạt phim. Tất cả “Trứng” đều được phân bổ tinh tế, không quá vồ vập để khiến phim trở thành một ổ trứng hỗn loạn, mà vừa đủ để khiến những fan trung thành vỡ oà khi nhận ra những tình tiết quen thuộc, ”signature” của riêng loạt phim. Đó có thể là cảnh nhóm bạn trẻ lần đầu tiếp cận trạm tàu Phục hưng với hình dáng tương tự như đầu của một Xenomorph, hay những tình tiết cuối phim vốn đã được “spoil” từ đầu phim, cách xử lý và đối đầu với chủng Xenomorph và các Face-hugger,… Mọi thứ đều duyên dáng và tự nhiên, chẳng cần đến sự gượng ép sai lầm mà nhiều bộ phim trong franchise đã vấp phải.
Sự đầu tư về kỹ xảo và những ảnh hưởng đến thiết lập bối cảnh của phim ảnh
Khoản kinh phí 80 triệu USD dành cho Alien: Romulus dường như đã được đầu tư đúng đắn vào các đầu mục cần thiết. Bộ phim không sở hữu những gương mặt gạo cội đình đám, mà thay vào đó là các diễn viên trẻ tài năng, mang đến làn gió mới cho một “người kế nhiệm” đủ cứng cỏi để khẳng định chất lượng của mình chứ không đơn thuần chỉ biết tiếp nhận những thành công của phần tiền nhiệm. Thay vào đó, khoản chi phí dành cho Kỹ xảo điện ảnh – VFX của phim trở nên đáng giá hơn bao giờ hết.
Bối cảnh đầy bức bách của hệ sao Jackson góp phần thiết lập nên nền tảng tâm lý nhân vật đầy thuyết phục (Nguồn: IMDb)
Các Establish Shot (cảnh thiết lập không gian) trong phim mô tả các phân đoạn, hồi chuyển của bộ phim đều vô cùng ấn tượng. Như khung cảnh ngột ngạt, bí bách của hệ hành tinh Jackson thiếu bóng mặt trời; hay trạm không gian liên khu Romulus – Remus chết chóc hoang tàn; cả vũ trụ rộng lớn nhưng bí ẩn với hiểm nguy chực chờ;… tất cả đều được xử lý tinh vi, chọn lựa những màng lọc màu sắc hợp lý và khắc hoạ một thế giới tương lai đáng sợ mà chắc chắn nhân loại không hề mong đợi.
VFX cũng được áp dụng thành công trong việc tái khắc hoạ sự khủng khiếp của Xenomorph và bọn Face-hugger đi kèm – những phản diện sừng sỏ của phim. Điểm khác biệt của Alien: Romulus so với phần gốc là để cho Xenomorph lộ diện từ khá sớm, chính vì thế, phần kỹ xảo của bộ phim cần khắc hoạ nỗi kinh hoàng này đặc sắc nhất có thể để đảm bảo độ kinh dị của thể loại phim. Và Alien: Romulus đã đáp ứng được điều đó – để trở nên khác biệt với những phần phim thất bại.
Kỹ xảo VFX đã được tối ưu hoá nhằm mang đến một thế giới ngoài không gian đáng sợ, kinh hoàng (Nguồn: IMDb)
Sau cùng, công nghệ CGI cũng được ứng dụng để mang một số gương mặt then chốt của loạt phim trở lại cùng khán giả và dẫn dắt mạch truyện phim theo hướng dễ hiểu (mà không giả trân) nhất. Nếu đạo diễn Fede Álvarez và biên kịch Rodo Sayagues đã bắt tay làm nên một cốt truyện chặt chẽ, hay ho, thì phần kỹ xảo đã góp phần hiện thực hoá mọi ý tưởng tuyệt vời để cho ra đời một sản phẩm hoàn thiện, và “phục hưng” nỗi kinh hoàng vĩ đại của thể loại Sci-fi dành tặng khán giả toàn cầu.
Hình ảnh khát khao thoát khỏi chiếc lồng của tập đoàn Weyland-Yutani được gửi gắm từ đầu phim, được khắc hoạ liên tục xuyên suốt bộ phim qua nhiều tình tiết đã được giải toả đầy thoả mãn với khoảnh khắc cuối phim. Và đó cũng là sự ẩn dụ cho khao khát được “thoát” khỏi những phần prequel, sequel tràn lan vô tội vạ được tạo nên chỉ để ăn theo thương hiệu Alien đình đám của khán giả trên thế giới – cuối cùng cũng thành sự thực với Alien: Romulus. Đây có thể không phải là một tuyệt tác kịch trần, phấp phới trên đỉnh nhân loại, song là một món quà mà Xenomorph, các “Alien-con” xứng đáng nhận được sau gần bốn thập kỷ thương hiệu này gieo rắc nỗi kinh hoàng không gian lên nền điện ảnh đại chúng.
Phương Trinh