Disney Television Animation đã có thời gian dài hình thành và phát triển với nhiều thành công vượt bậc. Chưa cần xét đến mảng Hoạt hình chiếu rạp, bạn cũng có thể học được rất nhiều bài học chỉ với mảng Hoạt hình truyền hình của “gã khổng lồ” này.
Disney Television Animation là một phần của The Walt Disney Company, chuyên sản xuất các chương trình hoạt hình cho truyền hình. Được thành lập vào năm 1984 dưới sự lãnh đạo của Michael Eisner, Disney Television Animation đã trở thành một trong những hãng sản xuất hoạt hình truyền hình hàng đầu trên thế giới.
Với trụ sở tại Burbank, California, Disney Television Animation đã tạo ra nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng và kinh điển, bao gồm DuckTales, Chip ‘n Dale: Rescue Rangers, Darkwing Duck, Gargoyles, và Kim Possible. Họ cũng thường hợp tác với các đơn vị khác của The Walt Disney Company,như Disney Channel và Disney Junior để tạo nên các series hoạt hình phổ biến khác dành cho trẻ em.
Ngoài ra, Disney Television Animation cũng đã tham gia vào việc sản xuất các bộ phim hoạt hình điện ảnh, như The Little Mermaid, Aladdin và The Lion King. Những bộ phim này đã mang lại thành công vang dội tại phòng vé và được yêu thích bởi khán giả trên khắp thế giới. Với sứ mệnh tạo ra các chương trình hoạt hình chất lượng và mang tính giáo dục, giải trí, Disney Television Animation tiếp tục đóng góp vào ngành công nghiệp hoạt hình và là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa của The Walt Disney Company.
Cùng MAAC khám phá 5 điều mà bạn có thể học từ các series hoạt hình truyền hình của Disney Television Animation ngay bên dưới này nhé!
1. Nắm bắt sự đổi mới và sáng tạo trong hoạt hình
Năm 1984, Disney Television Animation chính thức được ra đời, đem đến những cột mốc quan trọng trong bối cảnh của thị trường hoạt hình lúc bấy giờ. Được thành lập trong thời kỳ tái cơ cấu đáng kể dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành Michael Eisner, Disney Television Animation bắt đầu hành trình xác định lại các tiêu chuẩn của phim hoạt hình truyền hình.
Ở thời kì này, hoạt hình Disney đặc trưng bởi một bước đi táo bạo. Đó là sử dụng độc quyền các phân đoạn wrap-around (*) của chất liệu có sẵn để tạo nên các nội dung hoạt hình nguyên bản mới (original content). Các nhà sản xuất của Disney Television Animation đã bắt đầu một cuộc hành trình tham vọng nhằm khẳng định mình trong làng hoạt hình truyền hình, không chỉ bằng việc tạo ra các dự án mới mẻ mà còn với việc thách thức các tiêu chuẩn và kỳ vọng của ngành công nghiệp này.
Một trong những ví dụ đáng chú ý nhất là phim Adventures of the Gummi Bears và The Wuzzles. Với hai series truyền hình này, Disney Television Animation chính thức “chào sân” công chúng, đây cũng là minh chứng cho các cam kết các đổi mới của họ. Các series này không chỉ nhằm mục đích giải trí cho trẻ em; chúng còn cho thấy sức mạnh của sự sáng tạo và vượt qua các ranh giới mà Disney Television Animation đang hướng tới.
Bên cạnh đó, bằng việc mạo hiểm khai thác những khía cạnh mới ở các series đầu tiên, Disney Television Animation đã chứng minh rằng việc đầu tư một cách mạnh mẽ vào hoạt hình để nâng cao chất lượng có thể mang lại lợi nhuận đáng kể, thách thức quan điểm phổ biến ở thời điểm đó rằng các loạt phim hoạt hình truyền hình thường là các dự án có ngân sách thấp.
Đối với các nhà làm phim hoạt hình ngày nay, tinh thần tiên phong cho sự đổi mới và sáng tạo trong ngành hoạt hình của Disney Television Animation là một bài học quan trọng. Vì điều đó khuyến khích tư duy thử nghiệm và vượt ra khỏi ranh giới thông thường, cho dù là trong cách kể chuyện, thiết kế nhân vật hay kỹ thuật hoạt hình ở thời điểm bấy giờ. Nắm bắt những đổi mới trong quá trình sáng tạo, như Disney Television Animation đã làm trong những năm đầu thành lập là điều vô cùng cần thiết và đáng học hỏi đối với bất kỳ ai muốn tạo ra tác động lâu dài trong thế giới hoạt hình, nơi không ngừng đổi thay và phát triển từng ngày.
(*) Wrap-around: Các phần kết nối hoặc phần mở đầu/cuối được thêm vào để kết nối với các phần đã tồn tại trước đó, thường là các phim hoạt hình hoặc chương trình truyền hình khác. Các phần wrap-around thường được sử dụng để giới thiệu, kết nối hoặc giải thích nội dung của các phần chính thuộc series.
2. Thích nghi với công nghệ mới
Disney Television Animation không ngừng tìm kiếm và thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong mọi khía cạnh của sản xuất hoạt hình. Việc này giúp họ tạo ra các câu chuyện mới mẻ và phong phú, thu hút sự chú ý của khán giả. Đặc biệt, hãng phim có khả năng thích ứng với những thay đổi công nghệ, đây cũng là nền tảng cho sự phát triển theo suốt chiều dài lịch sử của Disney Television Animation. Đặc biệt, khả năng thích ứng này được thể hiện rõ nhất là khi hãng chuyển đổi từ kỹ thuật hoạt hình truyền thống sang kỹ thuật số. Ví dụ như việc Disney đã áp dụng Adobe Flash trong loạt phim The Buzz on Maggie. Quá trình chuyển đổi này không chỉ là một biện pháp tiết kiệm chi phí, nó còn đem đến những thay đổi đáng kể trong phương pháp sản xuất, cho phép thử nghiệm nhiều hơn và linh hoạt hơn trong việc phát triển nhiều phong cách hoạt hình khác nhau.
Bên cạnh đó, sự chuyển đổi về mặt công nghệ kỹ thuật cũng dẫn đến những cải tiến về mặt thiết kế nhân vật và môi trường trong các loạt phim như American Dragon: Jake Long và The replacements mùa thứ hai. Với những ưu điểm được thể hiện một cách rõ rệt, việc chuyển sang hoạt hình kỹ thuật số đã đem đến những hiệu quả, giúp Disney tiết kiệm chi phí và nhân lực, đồng thời mang đến cho các nhà làm phim hoạt hình của hãng những cơ hội để thử nghiệm các phong cách và cách kể chuyện mới.
Việc Disney Television Animation sử dụng Flash cho việc làm hoạt hình được xem là một cách tiếp cận có tư duy tiến bộ, khi điều này giúp cân bằng giữa chi phí với nhu cầu đổi mới. Đối với các nhà làm phim hoạt hình ngày nay, ví dụ này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo kịp những tiến bộ công nghệ. Việc tích hợp các công cụ và phương pháp mới vào công việc của họ là rất quan trọng, đặc biệt khi ngành hoạt hình sẽ còn phát triển nhanh chóng trong tương lai.
Chưa kể việc chuyển đổi sang các nền tảng và công cụ kỹ thuật số có thể giúp quy trình làm việc hiệu quả hơn, giảm chi phí sản xuất và khả năng tạo ra các hoạt ảnh phức tạp và ấn tượng hơn. Đó cũng là lý do mà khi công nghệ tiến bộ, các nhà làm phim hoạt hình phải luôn có khả năng thích ứng và cởi mở, đảm bảo công việc của họ không chỉ phù hợp mà còn vượt qua ranh giới của những gì có thể làm được trong hoạt hình.
3. Tạo nội dung hấp dẫn và nhân vật đáng nhớ
Disney Television Animation đã tạo ra một loạt các nhân vật độc đáo và đáng nhớ, từ các anh hùng vĩ đại đến những nhân vật phản diện đầy tính biểu tượng. Cách kể chuyện cũng như sáng tạo nhân vật bậc thầy hãng phim này đã trở thành một chuẩn mực trong ngành hoạt hình.
Điều này được minh chứng qua sự thành công của series DuckTales khi bộ phim không chỉ mang tính giải trí mà còn trở thành một hiện tượng trong văn hóa. DuckTales được chuyển thể từ loạt phim phiêu lưu Duck Universe của Carl Barks, Disney đã đưa những nhân vật như Scrooge McDuck, Huey, Dewey và Louie lên màn ảnh nhỏ và đưa chúng trở thành những nhân vật mang tính biểu tượng qua nhiều thế hệ.
Ngoài DuckTales, Disney Television Animation tiếp tục phát huy truyền thống này với những loạt phim đáng nhớ khác. Các series như The New Adventures of Winnie the Pooh và Chip ‘n Dale Rescue Rangers càng thể hiện rõ hơn khả năng của hãng trong việc tạo ra những câu chuyện hấp dẫn cùng với những nhân vật đi vào lòng người.
Những series này không chỉ tập trung vào những nhân vật quen thuộc mà Disney cũng đã mở rộng thế giới của phim, giới thiệu thêm những nhân vật mới để tăng thêm chiều sâu và sự đa dạng cho các bộ phim nổi tiếng của mình. Cách kể chuyện và phát triển nhân vật từ Disney là một bài học thiết yếu cho các nhà làm phim hoạt hình và chủ xưởng phim. Qua các bộ phim của mình, Disney đã cho thấy sức mạnh của những câu chuyện lôi cuốn và các nhân vật đã gây được tiếng vang với công chúng như thế nào.
Trong lĩnh vực hoạt hình, nội dung và các nhân vật đóng một vai trò vô cùng quan trọng, là trái tim và tâm hồn của một bộ phim. Một series thành công là một series có thể tạo ra tác động về mặt cảm xúc trong khoảng thời gian dài. Đó là lý do vì sao các bộ phim biểu tượng của Disney vẫn còn giữ được sức hút cho đến ngày nay. Với các nhà làm phim hoạt hình nếu thật sự tham vọng phát triển trong lĩnh vực này, bạn có thể học hỏi các phương pháp phát triển nội dung và nhân vật từ các series của Disney Television Animation. Khi đã thấm nhuần cách mà những câu chuyện được xây dựng khéo léo và các nhân vật được phát triển tốt, đó là lúc bạn có thể tạo ra những bộ phim hoạt hình không chỉ thu hút khán giả mà còn đọng lại trong ký ức của họ.
Việc Disney Television Animation tập trung vào câu chuyện và nhân vật này không chỉ nhằm duy trì sự chú ý của khán giả; nó còn hướng đến mục tiêu cao cả hơn là tạo ra một di sản gồm những câu chuyện và nhân vật đáng nhớ đã định hình nên một thế hệ. Các nhà làm phim hoạt hình được khuyến khích tham khảo các tác phẩm của Disney Television Animation không chỉ để học cách làm phim, mà đó còn là cơ hội để bạn học cách kể những câu chuyện có thể truyền cảm hứng và thậm chí giáo dục khán giả ở mọi lứa tuổi thông qua những bộ phim của mình.
4. Phát triển quan hệ đối tác và tạo nên nhiều nguồn tài nguyên mới
Sự phát triển của Disney Television Animation theo thời gian cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác và đưa công việc kinh doanh ra ngoài màn ảnh nhỏ. Ví dụ như sự hợp tác với bộ phận nội bộ – Walt Disney Imagineering đã đem đến cơ hội tạo ra các thiết kế nhân vật hoạt hình cho Disneyland Resort và Walt Disney World. Điều này thể hiện tính linh hoạt và ứng dụng rộng rãi của hoạt hình ở những mảng kinh doanh khác. Những cú bắt tay như vậy không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh của Disney Television Animation mà còn gia tăng thêm trải nghiệm dành cho khách hàng tại các công viên giải trí của Disney.
Cách tiếp cận này cho chúng ta thấy rằng giá trị của quan hệ đối tác, cũng như việc mạo hiểm thâm nhập vào các lĩnh vực mới mà Disney Television Animation đã và đang làm. Cho dù đó là cộng tác với bộ phận sáng tạo khác hay đưa sản phẩm vào trong những lĩnh vực khác, những dự án này có thể mang tính rủi ro ở thời điểm ban đầu nhưng lại mở ra những cơ hội để phát triển và đổi mới cho Disney Television Animation về lâu về dài.
Chính vì thế, các nhà làm phim hoạt hình nên sẵn sàng hợp tác và khám phá những lĩnh vực mới mà hoạt hình có thể ứng dụng mới trong nghề của họ, vì điều đó có thể giúp bạn mở rộng phạm vi kinh doanh, và cũng là cơ hội đưa các tác phẩm “viral” hơn trong mắt công chúng.
5. Tôn vinh sự đa dạng
Trong những năm gần đây, Disney Television Animation đã tập trung phát triển sự đa dạng và tính toàn diện trong các dự án của mình. Họ tạo ra một loạt các nhân vật với nền tảng văn hóa, dân tộc và tính cách đa dạng. Các nhân vật này có thể đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, mang theo các giá trị và truyền thống riêng biệt. Việc này không chỉ làm giàu thêm màu sắc cho câu chuyện mà còn giúp khán giả hiểu và đồng cảm với những người có nền văn hóa khác nhau.
Ví dụ như các Amphibia và The Owl House đã có những thay đổi đáng kể theo hướng kể chuyện, cũng như tuyến nhân vật trở nên mới lạ và toàn diện hơn. Động thái này được cho là hướng tới những trải nghiệm đa dạng và phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả trên toàn cầu.
Là một người đang làm việc trong lĩnh vực hoạt hình, việc nắm bắt được sự đa dạng trong quá trình phát triển kịch và nhân vật là rất quan trọng. Bởi vì nó sẽ góp phần tạo ra nội dung có sức ảnh hưởng tới nhiều đối tượng, dù cho khán giả đó có ở những quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, họ đều sẽ cảm được thông điệp mà bạn muốn thể hiện. Do đó, hãy học hỏi và tham khảo thật nhiều để có thể tạo ra những câu chuyện không chỉ mang tính giải trí, mà thông qua đó, người xem còn có thể học được nhiều điều hơn mà họ có thể nghĩ. Đó là cách mà Disney Television Animation đang làm và bạn cũng hoàn toàn có thể làm được như vậy.
Xem thêm: Disney “comeback” với 2D Animation và những điều bạn có thể học hỏi
Nguồn tham khảo: Business of Animation
Bông Cải