3D Artist có cần phải biết lập trình hay không? Trong bài viết này, hãy cùng MAAC giải đáp những nỗi băn khoăn mà người trẻ thường đối diện khi lựa chọn dấn thân vào lĩnh vực 3D nói chung nhé!
Lập trình có phải là kỹ năng bắt buộc đối với 3D Artist?
Trên thực tế, lĩnh vực 3D Animation (hoạt hình 3D) không bắt buộc người Artist phải sở hữu kỹ năng lập trình. Tuy nhiên, trên hành trình phát triển sự nghiệp, không ít 3D Artist đã nhận ra sự cần thiết của kỹ năng lập trình đối với công việc hằng ngày, cũng như con đường thăng tiến dài lâu.
Ngành công nghiệp Kỹ xảo Điện ảnh – Hoạt hình 3D và Gaming là tổ hợp cân bằng giữa tính sáng tạo và yếu tố kỹ thuật. Do đó, tùy thuộc vào định hướng và mục tiêu nghề nghiệp mà người Artist sẽ đưa ra các quyết định cho riêng bản thân.
Mối quan hệ giữa Code và 3D
Ngôn ngữ lập trình (Programming Languages) sử dụng thuật toán để tạo ra hoạt ảnh thông qua hệ thống lệnh. Ví dụ, bạn có thể di chuyển vật thể (Object) từ trái sang phải bằng việc thực hiện các dòng mã hóa (Code). Đồng thời, cũng có thể xác định cách di chuyển, tốc độ di chuyển và loại chuyển động của vật thể thông qua việc ứng dụng ngôn ngữ lập trình.
Bên cạnh đó, những tham số được tích hợp trong ngôn ngữ lập trình Python còn cho phép một dòng Code thực hiện một vài nhiệm vụ khác nhau trong mỗi lần lặp lại. Vì vậy, khi nhắc đến sự liên hệ giữa lập trình và 3D, thông thường sẽ đề cập đến tính tương trợ lẫn nhau của chúng.
Trên thực tế, ngành công nghiệp Kỹ xảo Điện ảnh – Hoạt hình 3D và Gaming ngày nay phát triển chủ yếu dựa trên các công cụ, phần mềm đồ họa máy tính. Mỗi phần mềm cũng tích hợp một ngôn ngữ lập trình riêng như: Blender sử dụng Python, Maya trang bị Mel, Houdini tích hợp Vex, v.v… Đặc biệt, Animation được xem như một hình thức mã hóa (Code) nâng cao. Các giai đoạn trong quy trình sản xuất Hoạt hình 3D: Modeling, Rigging, Animation, Rendering, v.v… đều sở hữu mối gắn kết nhất định với công việc mã hóa.
Do đó, mặc dù kỹ năng lập trình không phải là yêu cầu bắt buộc đối với 3D Artist nhưng là “tài sản” hữu ích giúp mỗi người gia tăng sự hiểu biết sâu sắc về quy trình làm việc, dễ dàng thăng tiến trên hành trình sự nghiệp.
Vì sao mã hóa (Code) cần thiết đối với 3D Artist?
Tăng cường khả năng giải quyết các vấn đề kỹ thuật
3D không chỉ giới hạn ở địa hạt sản xuất phim ảnh, chúng còn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển các tựa game và nhiều lĩnh vực của đời sống như y tế, kiến trúc, giáo dục, v.v… Khi tham gia vào những dự án, 3D Artist không đơn thuần đảm nhận vẻ đẹp thẩm mỹ cho sản phẩm mà còn phải am hiểu nhất định về công việc mã hóa, nhằm mục đích có thể thuận lợi trao đổi cùng lập trình viên – những người phụ trách kỹ thuật chính trong mỗi dự án.
Sở hữu nền tảng về lập trình giúp người 3D Artist thấu hiểu hơn về các hạn chế và vấn đề mà đội ngũ lập trình viên đang gặp phải. Khi tường tận, 3D Artist cũng dễ dàng đối thoại, đưa ra những phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề phát sinh một cách phù hợp. Từ đó, đảm bảo cân bằng yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật trong quá trình phát triển dự án.
Scripting Language (Ngôn ngữ Script) chính là mã hóa (Code)
Nếu đam mê Gaming và ấp ủ giấc mơ trở thành 3D Artist trong các dự án Game đình đám, bạn nhất định phải trang bị nền tảng về lập trình. Bởi lẽ, hầu hết công cụ phát triển trò chơi (Game Engines) hiện đại ngày nay đều yêu cầu đội ngũ Artist phải sở hữu nền tảng kiến thức cơ bản về một loại ngôn ngữ lập trình đơn giản, mang tên Scripting Language (Ngôn ngữ Script).
Mặc dù ngôn ngữ Script trong các tựa game hiện nay không phức tạp so với trước kia. Tuy nhiên, với tư cách 3D Artist, đây là kỹ năng cần thiết giúp họ có thể tạo ra các nhân vật hay assets trong game một cách phù hợp hoặc chí ít là có thể làm việc một cách trôi chảy với Developer hoặc Scripting Designer.
Kích thích khả năng sáng tạo và rút ngắn thời gian làm việc
Khác với suy nghĩ của số đông về công việc mang tính lặp đi lặp lại nhàm chán, lập trình yêu cầu cao ở tính sáng tạo nhằm tối ưu hóa các tác vụ được đề ra. Điều này giúp ích rất nhiều đối với sự phát triển của một 3D Artist. Bởi lẽ, trên cương vị Artist, bạn phải liên tục suy nghĩ, quan sát và hình dung các đối tượng xung quanh cuộc sống, chia nhỏ vấn đề thành từng mục tiêu cụ thể như hình dáng, màu sắc, ánh sáng, chuyển động, v.v…
Nếu sở hữu kỹ năng lập trình, 3D Artist có thể dễ dàng mô phỏng hóa những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh, tạo thành “tài sản” của riêng bản thân. Đồng thời, tư duy quan sát và tối ưu hóa của người lập trình viên cũng giúp 3D Artist liên tục suy nghĩ khác đi, nỗ lực tìm giải pháp độc đáo cho các nhiệm vụ hay vấn đề đang đối mặt. Từ đó, đẩy nhanh quy trình, rút ngắn thời gian hoàn thành công việc.
Tạm kết
Tóm lại, Code và 3D như thể tượng trưng cho hai phương diện kỹ thuật và nghệ thuật trong quá trình sản xuất các sản phẩm 3D. Những nhà phát triển (Developer) và nghệ sĩ (Artist) phải liên tục làm việc, bổ trợ lẫn nhau nhằm tạo ra các sản phẩm tuyệt vời. Do đó, kỹ năng lập trình không phải là yêu cầu bắt buộc đối với 3D Artist. Tuy nhiên, tùy thuộc vào định hướng sự nghiệp mà mỗi Artist sẽ tự đưa ra quyết định có cần thiết phải trang bị kỹ năng lập trình cho mình.
Nguồn tham khảo: 3DF
Bài viết: Diệu Ngô