Trở thành Specialist bằng năng lực chuyên môn vững chắc hay theo đuổi con đường đa nhiệm với vị trí Generalist – nỗi băn khoăn thường trực của nhiều bạn trẻ trên hành trình xây dựng sự nghiệp VFX. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để tìm thấy câu trả lời thỏa đáng nhất cho bản thân nhé!
VFX Specialist là gì?
VFX Specialist thường tập trung phụ trách một phân mảng chuyên môn riêng biệt, điều này đồng nghĩa rằng họ sẽ sở hữu kỹ năng và sự am hiểu sâu sắc đối với một phần mềm, một công cụ hoặc khía cạnh cụ thể nào đấy trong tổng thể quy trình sản xuất VFX. Các VFX Specialist có khuynh hướng lựa chọn phát triển chuyên sâu dành cho một phân mảng nhất định như Compositing, Modeling, 3D, v.v… Đồng thời, họ còn được ví như vị “chuyên gia” ở lĩnh vực mà bản thân theo đuổi.
Nhờ vào nền tảng vững chắc đối với những vấn đề chuyên môn, VFX Specialist có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà bản thân phụ trách và tiến tới các vị trí cao hơn trong ngành. Tuy nhiên, đôi khi họ cũng gặp phải một số hạn chế liên quan đến kiến thức hoặc kinh nghiệm vượt ngoài phạm vi chuyên môn.
VFX Generalist là gì?
VFX Generalist tập hợp những cá nhân với khả năng đảm nhận và xử lý nhiều tác vụ khác nhau của quy trình sản xuất VFX. Họ không nhất thiết phải sở hữu kiến thức chuyên sâu hoặc kinh nghiệm tập trung vào một phân mảng cụ thể tương tự các VFX Specialist. Tuy nhiên, VFX Generalist cần đến năng lực hiểu biết toàn diện về tổng thể quy trình, kỹ năng quản lý cũng như khả năng thích nghi linh hoạt để đáp ứng yêu cầu và tính chất riêng biệt của mỗi dự án.
VFX Generalist có xu hướng phát triển tốt trong môi trường đội nhóm vì họ sẽ hỗ trợ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, cung cấp sự giúp đỡ tối đa dành cho từng giai đoạn sản xuất, kết nối thành viên và xóa bỏ khoảng cách giữa các bộ phận. Với bối cảnh ngành công nghiệp VFX hiện nay, đây là yếu tố quan trọng góp phần cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao.
Tìm hiểu thêm về những vị trí quan trọng của team VFX tại đây.
Specialist và Generalist: Nhà tuyển dụng đang tìm kiếm điều gì?
Đề cập đến chủ đề các studio đang thật sự tìm kiếm điều gì ở đội ngũ Artist, Mark Pullyblank – Head of Animation Department tại CG Spectrum, người sở hữu kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực VFX cho biết: “Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn đang tìm kiếm hoặc định hướng bản thân theo đuổi vị trí nghề nghiệp như thế nào.”
Trên thực tế, hầu hết công ty hoặc studio quy mô nhỏ sẽ cần đến đội ngũ Artist có sự am hiểu tổng quan đối với nhiều bộ phận của quy trình VFX. Trong khi đó, những công ty và studio danh tiếng hơn đòi hỏi bạn phải sở hữu kiến thức, cũng như năng lực chuyên sâu đối với lĩnh vực cụ thể, điều này phù hợp nếu bạn chỉ mong muốn tập trung vào một phân mảng riêng biệt.
Bàn về vấn đề này, Lead FX Artist nổi tiếng Greg Hird-Rutter bày tỏ quan điểm: “Tôi tin rằng ngay cả với những VFX Generalist thì họ vẫn sở hữu một kỹ năng hoặc vai trò nào đó mà bản thân yêu thích và mong muốn được làm nhiều hơn. Nếu bạn nhận ra rằng mình cần tập trung chuyên môn vào một lĩnh vực cụ thể thì bạn có thể tìm đến các studio lớn hơn, đó là môi trường phù hợp để bạn phát triển.”
Theo lời khuyên từ Greg, nếu bạn dự định ứng tuyển vị trí Generalist trong các studio nhỏ thì bên cạnh việc thể hiện sự hiểu biết rộng rãi của bản thân đối với nhiều kỹ năng, bạn cũng cần cho thấy thế mạnh chuyên môn cụ thể ở một phân mảng nhất định như FX, Compositing, Modeling, Lighting, v.v… Với trường hợp bạn yêu thích trải nghiệm môi trường làm việc tại các studio VFX hoặc công ty sản xuất game AAA danh tiếng, bạn nên tập trung vào một khía cạnh chuyên môn, cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn thật sự mong muốn làm gì và bạn giỏi về điều gì.
Vì thế, trước khi quyết định đặt trọn vẹn kỹ năng của mình một công việc nào đó trong quy trình làm VFX, các bạn cần trải nghiệm thật nhiều để biết được mình thật sự phù hợp hay yêu thích công việc nào. Anh Giáp Võ (Giám đốc Đào tạo Học viện MAAC) đã dành cho các bạn trẻ lời khuyên rằng: “Đầu tiên, các bạn hãy trở thành một Generalist để biết càng nhiều càng tốt. Vì khi trải qua thời gian làm việc nhất định, bạn sẽ hiểu rõ tính chất của các vị trí và cân nhắc lựa chọn giữa việc làm một Generalist ở cấp bậc lãnh đạo, quản lý hoặc trở thành một chuyên gia (Specialist) thật xuất sắc ở một vị trí nào đó.”
Generalist & bộ 3 bệ phóng quan trọng
Như đã đề cập, ngay cả VFX Generalist cũng cần sở hữu năng lực chuyên sâu đối với một phân mảng cụ thể, đó là thế mạnh của họ trong toàn bộ quy trình sản xuất. Danh sách dưới đây tập hợp một số vị trí chuyên môn hỗ trợ bạn có “cú chạy đà” hoàn hảo trên hành trình trở thành VFX Generalist:
- Environment Artist: khi đảm nhận vai trò Environment Artist, bạn sẽ được trang bị kỹ năng về 3D Modeling và Digital Matte Painting;
- Rigging Artist: trong nhiệm vụ của Rigging Artist, bạn có cơ hội làm quen với công việc của một 3D Animator và Character FX Artist, đây là các vị trí bổ trợ cho vai trò Rigging;
- 3D Modeler: Texture Artist và Look-dev Artist là hai vị trí chuyên môn có mối liên hệ gần nhất với 3D Modeler, do đó bạn cần bổ sung kiến thức về hai lĩnh vực vực này để làm tốt hơn vai trò 3D Modeler.
Francisco Alvarez – Lead Modeler tại Digital Domain chia sẻ: “Nếu bạn đang đảm nhận vai trò 3D Modeler, sự hiểu biết về Texture và Look-dev có thể mang đến cho bạn nhiều ưu thế. Điều này cho phép bạn điều chỉnh quy trình làm việc nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác của các giai đoạn. Hầu hết studio ở cả lĩnh vực phim ảnh và sản xuất game đều đánh giá cao những cá nhân như vậy.”
Tạm kết
Dù lựa chọn hướng phát triển trở thành VFX Specialist hay VFX Generalist, đội ngũ Artist đều phải đảm bảo sở hữu cho riêng mình một thế mạnh hoặc kỹ năng chuyên môn nhất định. Trên hành trình chinh phục nấc thang nghề nghiệp của Generalist, bộ ba vị trí Environment Artist, Rigging Artist và 3D Modeler sẽ trở thành xuất phát điểm tuyệt vời, mang đến cho bạn nhiều lợi thế hơn so với các vị trí khác. Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất vẫn nằm ở việc bạn thật sự mong muốn điều gì và định hướng phát triển bản thân như thế nào trong ngành công nghiệp VFX.
Nguồn tham khảo: cgspectrum.com