Bạn khao khát trở thành một Game Artist (Họa sĩ game) và muốn góp sức mình vào sự phát triển của các công trình thế giới ảo trong game? Vậy bạn sẽ cần đến một bộ kỹ năng kết hợp mức độ sáng tạo cao và kiến thức kỹ thuật đấy. Cùng MAAC điểm qua Top những kỹ năng cứng và mềm mà bạn cần trau dồi nếu muốn thử sức với công việc của một Game Artist ngay bên dưới đây.
Một Game Artist sẽ làm những gì?
Nhiệm vụ của một Game Artist (Họa sĩ Game) đó là hình dung ra được mục đích sáng tạo của tựa game và đồng thời hiện thực hóa các ý tưởng mà Game Designer (Thiết kế Game) đã đề ra. Cụ thể, Game Artist đóng vai trò mô hình hóa đối tượng và biến chúng thành một hình dạng nhất định. Một Game Artist cũng có thể đảm nhận luôn cả vai trò tạo artwork quảng bá cho trò chơi, cũng như bất kỳ tài liệu nào về Marketing của trò chơi đó.
Xem thêm: Game Designer, Game Artist và Game Developer khác nhau như thế nào?
Vậy một Game Artist sẽ cần những kỹ năng mềm gì?
Điều quan trọng nhất đối với một Game Artist đó là bạn phải có một niềm đam mê cháy bỏng dành cho game, sau đó là một tư duy thẩm mỹ sắc bén cùng khả năng biến những hình ảnh trở nên sống động hệt như ngoài đời thực.
Tư duy thẩm mỹ
Sự hiểu biết thấu đáo về ngôn ngữ hình ảnh là kiến thức căn bản mà bất kỳ nhà sáng tạo nào cũng cần phải có. Cũng như việc nắm bắt tốt hình dạng, không gian, phối cảnh, ánh sáng, bố cục, tỷ lệ và cân bằng được xem là khả năng thiên phú đối với vai trò của một họa sĩ game.
Về cơ bản, bạn sẽ cần phải có niềm yêu thích tự nhiên đối với các yếu tố trực quan trong nghệ thuật. Các artist luôn vẽ, phác thảo và thể hiện bản thân thông qua nhiều phương tiện trực quan khác nhau. Mặc dù hầu hết các trò chơi đều được xây dựng theo lối hoạt hình 3D nhưng không có nghĩa rằng background 2D sẽ bị cho là thừa thải hay không cần thiết, vì đây chính là cơ sở và nền tảng truyền thống của tất cả các thể loại animation về sau này.
Khả năng làm việc nhóm tốt
Xuyên suốt quá trình phát triển game, Game Artist sẽ cùng làm việc với các Game Programmer (Lập trình game) và Game Designer (Thiết kế game) để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo nhất có thể. Vì vậy, việc sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt sẽ rất cần thiết khi làm việc với các đồng đội hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng như hiểu hơn về áp lực của các bộ phận sản xuất khác. Ngoài ra, việc giải quyết vấn đề trong nhóm cũng rất quan trọng, và bộ phận sáng tạo cần làm việc tốt với các bộ phận kỹ thuật khác nhằm đạt được các mục tiêu sản xuất chung.
Nguồn ảnh: iStockPhoto
Hiểu biết sâu sắc về hành vi và giải phẫu (anatomy) con người
Một Game Artist cần có khả năng quan sát nhạy bén hành vi của con người và thế giới nói chung để có thể tái tạo chúng trong môi trường ảo. Một họa sĩ trò chơi có nghiên cứu diễn xuất và chuyển động sẽ nắm giữ lợi thế rất lớn, vì bạn có thể kiểm soát hầu hết các hành động diễn ra bên trong trò chơi của mình. Để tạo ra các nhân vật thì việc hiểu rõ cấu trúc cơ xương của con người và động vật là rất cần thiết. Các họa sĩ sẽ dùng kiến thức giải phẫu của mình để phác thảo, sau đó đem đi tái tạo để khớp với các chuyển động của nhân vật. Theo đó, từ biểu cảm khuôn mặt đến cảm xúc của đối tượng đều sẽ được thể hiện một cách chân thực nhất có thể.
Bên cạnh đó, sự nhạy cảm đối với hành vi nhân vật cũng sẽ tác động đến hiệu quả tương tác của người trải nghiệm. Việc khơi gợi cảm xúc người chơi là một trong những yếu tố mạnh mẽ của gameplay – đây là điều kiện tối quan trọng trong việc giúp các game thủ quyết định quay lại trò chơi và hòa nhập được với thế giới bên trong trò chơi đó.
Một bộ não tưởng tượng đầy sống động
Là một họa sĩ trò chơi, bạn và nhóm phát triển game đều được xem là “đấng sáng tạo” của thế giới mà người chơi bị cuốn vào trong đó. Ngoài ra, việc có thể “bỏ trốn khỏi thực tại” để tiến vào thế giới tưởng tượng của trò chơi cũng là một phần lý do khiến cho tựa game trở nên thu hút đối với người dùng.
Nếu bạn đam mê làm việc trong lĩnh vực phát triển game, bạn sẽ phải hiểu được tầm quan trọng của một vùng trời khác mà trò chơi điện tử mang lại. Bạn phải yêu thích việc biến hình ảnh thông thường thành các incarnation chuyển động và đồng thời là “người hâm mộ” của nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh (visual storytelling).
Nguồn ảnh: Gameiino
Những kỹ năng kỹ thuật nào cần thiết cho một Game Artist?
Về mặt kỹ thuật, một họa sĩ trò chơi phải thành thạo cả phần mềm 2D và 3D. Trong quá trình phát triển trò chơi, bạn có thể được yêu cầu render mô hình 3D, lý thuyết màu sắc, minh họa, kiểu chữ, thiết kế giao diện và tạo các cấp độ, đồng thời có khả năng làm việc theo phong cách nghệ thuật vector.
Hiểu biết về quy trình sản xuất
Điều quan trọng của họa sĩ game là phải hiểu quy trình của một trò chơi điện tử và nắm rõ các bước cho từng nhiệm vụ, từ việc lưu công việc ở định dạng, độ phân giải, kích thước phù hợp cho đến các quy ước đặt tên tệp. Ngoài ra, lưu trữ và bảo trì thư viện hình ảnh cũng đòi hỏi tính “logic” của một Game Artist. Điều này đơn giản là vì quá trình phát triển trò chơi có thể mang tính quyết định đối với các dự án lớn và thể hiện được thói quen chuyên nghiệp của một họa sĩ game.
Thành thạo phần mềm 2D & 3D
Các Game Artist được kỳ vọng phải thành thạo các nền tảng phần mềm hoạt hình 3D, cũng như có khả năng biến hình ảnh 2D và concept art thành mô hình 3D chân thực. Tất cả các họa sĩ trò chơi đều phải rành sử dụng bộ ứng dụng Adobe Creative Suite, bao gồm Photoshop, Illustrator và Flash, cũng như các phần mềm 3D như Maya và Blender. Ngoài ra, kỹ năng làm việc với ActionScript và/hoặc FLEX cũng sẽ mang lại một lợi thế khác.
Có nền tảng tốt
Bằng đại học không phải là điều kiện bắt buộc, nhưng nền tảng về mỹ thuật, đồ họa và hoạt hình là yếu tố tuyệt nhiên cần phải có cho một Game Artist. Tất nhiên, bạn có thể tự học nhưng chắc chắn đó sẽ là con đường khá đơn độc và khó khăn rất nhiều. Hơn nữa, xác suất làm được những điều trên đối với một người mới bắt đầu là rất thấp vì bạn khó thể nào định hình được bản thân nên xuất phát từ đâu cho phù hợp, mà trên hết, bạn sẽ khó tìm được người giải đáp cặn kẽ cho những thắc mắc học thuật của mình. Vì vậy, trên cuộc hành trình trở thành một họa sĩ trò chơi, bạn có thể sẽ cần đến sự trợ giúp của các đơn vị đào tạo để có được môi trường thuận lợi cho việc học tập của mình. Trong đó, Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC sẽ là địa điểm mà bạn không thể bỏ lỡ.
Xem thêm: Chương trình đào tạo Game Art & Design tại MAAC
Có những cơ hội nghề nghiệp nào khi trở thành một Game Artist?
Làm một họa sĩ trò chơi có rất nhiều triển vọng nghề nghiệp. Tùy thuộc vào sở thích và thế mạnh của mỗi nhà làm game mà lĩnh vực chuyên ngành của họ sẽ khác nhau. Các game studio luôn mở cửa đón chào các họa sĩ để lấp đầy đội ngũ thực hiện một loạt những vị trí sau đây:
- Lighting Artist
- Game Level Design
- 3D VR Background Artist
- Game Asset Creator
- 3D Game Animator
- 3D Modeling Artist
- Texturing Artist
- Rigging Artist
Tạm kết
Nói tóm lại, để trở thành một Game Artist xuất chúng, việc thành thạo các công cụ, phần mềm là điều vô cùng quan trọng. Ngoài ra, song song với việc nắm kiến thức cơ bản về hoạt hình thì bạn cũng cần sở hữu trí tưởng tượng phong phú, đa dạng, cũng như có con mắt chuyên nghiệp, nhạy bén trong quá trình thiết kế. Cuối cùng, nếu có sở trường làm việc nhóm trong các quy trình sản xuất phức tạp thì đây chắc chắn là một điểm cộng lớn dành cho bạn đấy.
Bất kỳ con đường nào cũng đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng, mà đặc biệt ở ngành nghệ thuật thì càng cần đến một “bộ óc” nhạy bén và có tính thẩm mỹ cao. Vậy để trở thành một Game Artist thì chỉ có kiến thức sách vở thôi là không đủ, mà thay vào đó, bạn cần trau dồi thêm rất nhiều kỹ năng bằng cách đăng ký các khóa học, tự học và tự thực hành hàng ngày để rèn luyện tư duy thông qua những tutorial trên YouTube và nhiều nguồn miễn phí khác.
Ngoài ra, cần phải biết rằng, sẽ luôn có những thiên tài với tầm nhìn độc đáo đến mức khiến bạn ngỡ mình khó mà bì kịp với họ. Thế nhưng, bằng cách không ngừng học hỏi và mài giũa, bạn sẽ ngày càng nâng cao tay nghề bản thân và dần trở thành phiên bản Game Artist “hàng thật giá thật” như những gì bạn mong muốn. Hy vọng các thông tin trên sẽ đem lại những giá trị hữu ích cho bạn. Nếu mong muốn trở thành một nhà làm game chuyên nghiệp thì đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo được cập nhật hàng tuần tại MAAC bạn nhé!
Nguồn tham khảo: cgspectrum
Tâm Cửu