Nằm trong chuỗi bài viết truyền cảm hứng từ câu chuyện đến với niềm đam mê của các học viên nữ đang theo học các chuyên ngành Kỹ xảo Điện ảnh (VFX), Hoạt hình 3D, Thiết kế Game tại Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC, ở số phỏng vấn lần này, chúng ta hãy cùng nhau gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ đến từ MAACster Phan Vũ Yến Nhi, học viên đang theo học chuyên ngành Kỹ xảo Điện ảnh (VFX).
PHAN VŨ YẾN NHI LÀ AI?
Phan Vũ Yến Nhi (Kanon PN) hiện tại đang là học viên chuyên ngành Kỹ xảo Điện ảnh (VFX) tại Học viện MAAC. Yến Nhi vốn có niềm đam mê với phim ảnh từ bé, cộng với trí tò mò, thích tìm hiểu và khám phá cách thức tạo nên những góc quay, hiệu ứng chuyển cảnh đẹp mắt, cách xử lý âm thanh mượt mà hay các hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt trông giống y như thật. Tuy nhiên, cho đến khi chính thức trở thành sinh viên ngành Đạo diễn phim Truyền hình và tham gia học tập tại trường đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, được tiếp xúc nhiều hơn với các kiến thức về quy trình sản xuất phim ảnh, Yến Nhi dần phát hiện ra niềm đam mê của bản thân đối với VFX là vô cùng lớn. Đặc biệt, khi bắt đầu có những trải nghiệm nhất định từ công việc thực tế tại agency với vai trò là một editor, Yến Nhi lại càng được thôi thúc để tìm hiểu và khám phá sâu hơn về ngành công nghiệp VFX với mong muốn bản thân có thể làm được nhiều hơn nữa. Bén duyên với MAAC qua thông tin chia sẻ từ một người bạn chung trường đại học, Yến Nhi quyết định “đầu tư” thêm hai năm để tham gia học tập chuyên ngành VFX. Trong năm 2021 vừa qua, Yến Nhi đã vinh dự được góp mặt trong đội ngũ của Opim Digital, tham gia làm kỹ xảo cho nhiều bom tấn Netflix xứ Hàn ăn khách như: Squid Game, Hellbound, So Not Worth It, Reflection On You,…
MÌNH CÓ NIỀM YÊU THÍCH VÀ TÒ MÒ ĐỐI VỚI KỸ XẢO TỪ NHỎ
Đầu tiên, Yến Nhi có thể giới thiệu ngắn gọn về bản thân mình cho mọi người được biết bạn là ai không?
Chào mọi người, mình tên là Yến Nhi. Sau 4 năm hoàn thành việc học ở trường Sân khấu – Điện ảnh, chuyên ngành Đạo diễn, mình đã dành ra 2 năm đi làm để trải nghiệm công việc thực tế. Sau đó, mình quyết định tham gia chương trình học VFX tại MAAC để thỏa mãn niềm yêu thích về Kỹ xảo của bản thân. Đó là hành trình đầu tiên mình bước vào con đường Kỹ xảo chuyên nghiệp.
Những người xung quanh Yến Nhi cảm nhận bạn là một con người như thế nào?
Mình là một người sống khá nội tâm, ít nói và rất hiếm khi bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài. Chỉ đối với những người thân thiết mình mới cởi mở và dễ chia sẻ hơn. Đối với người mới gặp, mình thường khá ngại nói chuyện.
Lần đầu tiên bạn biết mình thích kỹ xảo là khi nào? Điều gì đã khiến bạn quyết định theo học ngành này dù trước đó bạn đang theo học ngành đạo diễn?
Niềm yêu thích kỹ xảo của mình xuất phát từ sở thích xem phim. Lúc nhỏ khi xem phim mình cứ thắc mắc không biết vì sao người ta lại có thể cắt cảnh qua lại mà âm thanh vẫn mượt mà như vậy? Tại sao trên phim người ta có thể tạo ra được những hiệu ứng hay đến vậy? Vì sao họ có thể quay được cảnh đầu người rơi xuống, máu bắn ra nhìn thật đến vậy? Rồi khi mình mày mò để bắt chước làm các hiệu ứng như vậy thì lại không làm được. Sau này khi có cơ hội, mình bắt đầu đi hỏi người này, người kia để làm. Trải qua quá trình học 4 năm đại học ngành đạo diễn, mình bắt đầu nhận ra bản thân muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về kỹ xảo. Khi tìm hiểu nhiều hơn, mình muốn đi sâu vào nó. Và khi thực sự đi sâu rồi, mình cảm thấy rất hứng thú. Đó là lý do mình quyết định dành hai năm để học chuyên sâu về ngành Kỹ xảo Điện ảnh tại MAAC. Có thể nói, tính đến thời điểm hiện tại, kỹ xảo điện ảnh là lĩnh vực mà mình dành sự yêu thích và thời gian cho nó nhiều nhất.
Vì sao bạn đã có niềm yêu thích đối với kỹ xảo từ sớm như vậy nhưng lại không quyết định học chuyên sâu về lĩnh vực này luôn?
Lúc chọn ngành đạo diễn mình cũng đã tìm hiểu về mảng kỹ xảo. Tuy nhiên, lúc đó mình cũng còn khá ngây thơ, cứ nghĩ rằng học ngành này sẽ được học chuyên sâu về kỹ xảo. Tuy nhiên, ngành Đạo diễn chủ yếu đào tạo về công tác đạo diễn, chỉ đạo diễn xuất và tổng quát về những kiến thức xã hội kỹ thuật quay dựng, kỹ xảo. Ngoài ra, các nơi đào tạo về lĩnh vực này cũng rất ít ở thời điểm đó nên sự tiếp cận đối với mình cũng khá hạn chế. MAAC Vietnam thì lại chưa có mặt. Nên nếu mà học chuyên về ngành này sau tốt nghiệp THPT thì cũng chỉ có thể đi du học thôi.
TƯƠNG LAI DO CHÍNH MÌNH QUYẾT ĐỊNH VÀ TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM
Bạn có gặp phải khó khăn, trở ngại nào khi quyết định lựa chọn đi theo ngành kỹ xảo hay không?
Gia đình mình ngay từ đầu không có đồng ý cho mình theo học ngành này, nhưng cũng không phản đối quyết liệt. Bởi vì gia đình mình cũng có người theo ngành nghệ thuật nên ba mẹ mình hiểu rằng đây là ngành có tính chất đào thải rất cao, bản thân phải không ngừng phát triển và nâng cao kỹ thuật thì mới có thể sống tốt trong ngành này.
Khi mình quyết định theo ngành này, ba mẹ mình có nói là: “Nếu con muốn theo ngành này thì cứ theo. Thành công được thì tốt, còn không thành công thì hãy tự chịu trách nhiệm. Tương lai của con là do con quyết định.”
Cơ duyên nào đã giúp bạn biết đến MAAC và quyết định lựa chọn nơi đây để đầu tư cho việc học của mình?
Lúc mình quyết định theo học ngành đạo diễn ở trường Sân khấu – Điện ảnh, mình cảm thấy muốn học thêm về VFX nhưng chương trình học ở đây chưa đủ. Những gì được học chưa thực sự đáp ứng đủ mong muốn của mình. Do đó, mình quyết định đi tìm trường để học. Khi nói chuyện với Hoàng Long (Long là bạn học cùng trường Sân Khấu – Điện ảnh với mình) thì được biết ở MAAC có đào tạo về ngành kỹ xảo điện ảnh. Sau đó, mình đã lên website của trường để tìm hiểu thêm thông tin. Sau khi tìm hiểu xong, mình cũng có một khoảng thời gian cân nhắc khá kỹ càng. Sau đó, khi đã hoàn thành chương trình học ngành đạo diễn, mình đã quyết định đăng ký vào học ở Học viện MAAC. Tính đến thời điểm hiện tại, mình đã hoàn thành xong hai học kỳ đầu tiên tại MAAC.
Được biết, ngoài việc học ở MAAC, bạn còn đang tham gia làm việc tại Opim Digital. Vậy thời điểm bạn bắt đầu vào Opim là khi nào?
Khi mới vào học ở MAAC, mình có nhìn thấy thông tin tuyển dụng trainee của Opim Digital. Mình nghĩ rằng đây chính là cơ hội tốt nên đã quyết định apply. Nhờ kinh nghiệm tích lũy qua các dự án lúc đi làm ở agency và khả năng làm việc trên các phần mềm như After Effects, Premiere, mình đã được nhận vào Opim với vị trí intern (thực tập sinh).
ÁP LỰC THÌ LÚC NÀO CŨNG CÓ NHƯNG CƠ HỘI LÀ THỨ QUAN TRỌNG CẦN NẮM BẮT!
Năm 2021 vừa qua, Yến Nhi đã có cơ hội tham gia thực hiện kỹ xảo cho các dự án phim quốc tế đình đám như: Squid Game, Hellbound, Jirisan, So Not Worth It,… Những thành tích này khiến bạn cảm thấy thế nào?
Thực ra ngay từ đầu, mình không được biết là mình đã làm cho các dự án mang tầm cỡ quốc tế đâu do tính chất bảo mật thông tin của dự án. Trong lúc được giao source để làm, mình và mọi người trong team gặp áp lực rất lớn về mặt deadline. Khách hàng cũng rất kỹ tính. Bất kỳ một shot nào mắc lỗi sai dù nhỏ xíu họ cũng sẽ yêu cầu sửa lại toàn bộ. Đến khi phim được chiếu, sếp báo là mình có tên trên phần credit thì lúc đó thực sự rất bất ngờ. Nếu lúc đầu mà biết trước mình được làm cho dự án quốc tế như vậy thì có lẽ áp lực sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Liệu với những thành công khá tự hào như thế ở độ tuổi còn rất trẻ, bạn có cảm thấy hài lòng về bản thân mình không?
Sau những thành công bước đầu đó, mình biết rằng bản thân cần phải nỗ lực hơn nữa, cần phải rèn luyện thêm để nâng cao tay nghề chứ chưa phải lúc để dừng lại. Bởi vì mình ý thức được rằng các dự án về sau sẽ càng ngày càng khó, đòi hỏi kỹ thuật càng cao.
Sau khi được tham gia các dự án tầm cỡ quốc tế như vậy, đối với bạn thì áp lực nhiều hơn hay cơ hội nhiều hơn?
Cơ hội nhiều hơn chứ! Áp lực thì chắc chắn ai cũng phải có. Còn cơ hội thì mình phải nắm bắt. Mình nghĩ rằng, những nền tảng của các dự án như thế này sẽ là bước đệm để mình tân tiến cho dự án cá nhân trong tương lai. Song song với công việc hiện tại, mình sẽ phát triển thêm các kế hoạch cá nhân khác. Mình muốn xây dựng profile của bản thân đẹp hơn để có nhiều cơ hội tốt hơn trong thời gian tới.
Mục tiêu, dự định của Yến Nhi trước khi tham gia thực hiện kỹ xảo cho các bom tấn Netflix và sau đó có gì khác biệt không?
Mục tiêu trước giờ mình luôn suy nghĩ đến đó là xây dựng nền móng thật chắc cho bản thân để phát triển phim ảnh ở Việt Nam. Trong tương lai, mình mong muốn có được công ty của riêng mình. Có thể mình sẽ làm song song hai mảng đạo diễn và VFX luôn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mình muốn tập trung phát triển kỹ năng của bản thân qua nhiều dự án, mở rộng vòng quan hệ kết nối với các anh, chị trong nghề.
CON GÁI LÀM KỸ XẢO: HÃY CỨ MẠNH DẠN THEO ĐUỔI NẾU ĐÓ LÀ ĐAM MÊ
Trước khi quyết định theo đuổi ngành Kỹ xảo, bạn có biết nhân sự nữ trong ngành này khá ít không?
Mình biết là cả hai ngành mình đang học là đạo diễn và VFX đều khá ít nữ. Tuy nhiên, nói sao nhỉ, chắc vì đó là niềm đam mê nên mình quyết định theo đuổi, mặc kệ ý kiến của những người xung quanh. Trước đây, khi chưa học ở MAAC, mình đã đi làm khoảng 1, 2 năm cho các agency. Công việc lúc đó lương cũng khá cao nhưng mà làm được một thời gian mình cảm thấy chưa thỏa mãn. Vì vậy, mình quyết định tìm đường đến với kỹ xảo. Mình giống như bị “nghiện” VFX vậy đó, không cho mình làm là mình cảm thấy rất khó chịu.
Tại Học viện MAAC, số lượng học viên nữ cũng khá ít so với nam. Bạn cảm thấy việc mình là học viên nữ có gì áp lực hay cảm thấy e ngại không?
Không hề luôn. Bản thân mình cảm thấy VFX là lĩnh vực đòi hỏi phải làm việc nhóm rất nhiều nên chắc chắn không có sự phân biệt giữa nam và nữ đâu. Dù ở môi trường học tập hay làm việc, thái độ của mình mới là quan trọng nhất. Riêng ở công ty mình đang làm việc, sếp cũng luôn luôn mong muốn các nhân sự nam hay nữ đều đạt được trình độ ngang nhau. Ngoài ra, do ngành này khối lượng công việc cũng khá nhiều mà nhân sự thì ít, có người “support” hoàn thành công việc là tốt lắm rồi!
Bạn suy nghĩ gì khi sự chênh lệch về số lượng giữa nam và nữ trong ngành VFX? Điều này có khiến bạn lo ngại về những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai của mình và của phái nữ nói chung hay không?
Mình thấy không có vấn đề gì cả. Có nữ thì càng vui hơn thôi. Với lại ngành này không ai có thể làm việc độc lập một mình được mà phải làm theo team. Khối lượng công việc sẽ chia đều cho tất cả mọi người. Có shot nào khó quá không làm được thì mọi người sẽ hỗ trợ nhau hoặc sếp sẽ là người trực tiếp làm luôn. Ở trong môi trường học cũng vậy, mình cũng không gặp phải bất kỳ khó khăn nào chỉ vì mình là nữ. Thậm chí, là con gái thì sẽ được các bạn nam ưu ái hơn một chút nữa.
Mặc dù cơ hội đối với lĩnh vực VFX là như nhau đối với tất cả mọi người. Nhưng có bao giờ bạn băn khoăn vì sao các bạn nữ lại khá “kén chọn” ngành này hay không?
Theo ý kiến và trải nghiệm cá nhân, mình thấy ngành này cũng khá cực đối với nữ giới. Chẳng hạn như công ty mình, những ngày tăng ca thường phải làm đến tận 11, 12 giờ đêm. Khối lượng công việc cũng nhiều và áp lực, hầu như lúc nào cũng trong tình trạng phải chạy deadline. Đối với các bạn nữ đã có gia đình hoặc muốn dành thời gian nghỉ ngơi, mua sắm, tận hưởng cuộc sống thì sẽ rất khó khăn. Ngay cả bản thân mình cũng vậy, thời gian gặp gỡ ba mẹ rất ít mặc dù mình ở chung nhà. Bởi vì thường mình đi làm về đến nhà là ba mẹ ngủ mất rồi. Cuối tuần mình cũng thường xuyên ở trong phòng để làm việc nên ít khi có thời gian cho gia đình.
Mình nghĩ đó là những lý do chính khiến các bạn nữ e ngại khi lựa chọn theo đuổi ngành VFX.
Lĩnh vực VFX đang khan hiếm nguồn nhân sự, đặc biệt nhân sự nữ. Điều này cũng vô tình tạo ra một số áp lực nhất định cho các bạn nữ yêu thích phim ảnh, kỹ xảo khi cân nhắc có nên theo đuổi ngành này hay không. Từ trải nghiệm của bản thân, bạn có lời khuyên nào dành cho các bạn nữ có niềm đam mê với VFX giống mình không?
Các bạn hãy cứ tự tin lên! Hãy mạnh dạn theo đuổi đam mê của mình. Trước đây, khi mình lựa chọn đi theo ngành này, ba mẹ cũng không chắc chắn tin tưởng mình sẽ theo nổi ngành này hay không nhưng mình tin vào khả năng của bản thân. Đối với mình, nếu muốn biết có thành công hay không thì trước tiên bạn phải làm cái đã. Như có câu nói mình được nghe thế này “làm chưa chắc đã thành công nhưng không làm thì chắc chắn sẽ không thành công.” Vì vậy, các bạn đừng sợ những lời nói của người khác. Lời khuyên là của họ nhưng cơ hội lại là của mình. Trừ khi chính bạn nghi ngờ thực lực của bản thân, còn không thì hãy mạnh dạn tiến lên.
Bạn đã có dự định, kế hoạch cụ thể nào cho bản thân trong học tập và công việc sắp tới chưa?
Trước tiên thì mình muốn hoàn thành xong đồ án tốt nghiệp ở trường Sân khấu – Điện ảnh. Sau đó, mình muốn tập trung nhiều hơn vào việc phát triển các dự án cá nhân, tìm kiếm các nhà đầu tư. Song song đó, mình cũng sẽ cố gắng cân bằng giữa việc học tại MAAC và học hỏi nhiều hơn ở công ty hiện tại. Ngoài ra, mình cũng đang đi từng bước để hướng đến mục tiêu thành lập công ty sau này.
Ở thời điểm hiện tại, mức độ hài lòng của bạn với bản thân mình là bao nhiêu trên thang điểm 10?
Hiện tại, mình cũng chỉ tương đối hài lòng thôi, mình còn phải phấn đấu nhiều. Nếu mà cho điểm thì chắc là 6/10 đi. 4 điểm còn lại mình sẽ để dành cho các kế hoạch công việc trong tương lai. Nói chung, còn thở thì còn làm, đến khi nào đạt được mục tiêu đặt ra thì thôi.
Cảm ơn Yến Nhi đã dành thời gian tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay! Chúc bạn sẽ ngày càng thành công hơn nữa trên con đường mà mình đã lựa chọn.