Thế giới hậu kỳ khốc liệt đằng sau những thước phim đẹp trên màn ảnh rộng

Cuộc chạy đua của RÒM đã để lại rất nhiều xúc động trong lòng khán giả. Không chỉ bởi đề tài phim khai thác những góc khuất đầy gai góc, ít ai để ý giữa chốn Sài Gòn hoa lệ mà còn là hành trình kéo dài 8 năm đằng đẵng của cả một ekip trẻ và máu lửa. Ngày 31.10.2020, RÒM có duyên “chạy” đến điểm tiếp theo mang tên Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC trong chương trình MAAC ExpertTalk#9: RÒM – POST-PRODUCTION | Cán cân NGHỆ THUẬT và KỸ THUẬT trong phim điện ảnh.


Sự quay trở lại của Đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy cùng hai gương mặt vô cùng đặc biệt – Colorist Bùi Công Anh và D.I.T Đạt Trần đã mang đến những câu chuyện hậu kỳ (Post-Production) hấp dẫn chưa từng được bật mí ở bất cứ chương trình nào để thắp lên ngọn lửa đam mê điện ảnh không có điểm dừng của những con người phi thường.

RÒM – POST-PRODUCTION: ĐẰNG SAU NHỮNG CÚ ĐÓNG MÁY LÀ CÂU CHUYỆN HẬU KỲ GIAN NAN

RÒM đã được công chiếu rộng rãi trên toàn quốc sau nhiều năm bôn ba. Đây là niềm tự hào khôn xiết của ekip làm phim nói riêng và những người yêu mến điện ảnh nước nhà nói chung khi hiếm hoi lắm Việt Nam mới có được một bộ phim được giải thưởng cao nhất của LHP quốc tế Busan 2019 (New Currents).

 

Đạo diễn Trần Thanh Huy tại Liên hoan phim Busan 2019

Sau những cú đóng máy tưởng chừng là kết thúc của hành trình quay, chỉ còn chờ đợi khâu xử lý hậu kỳ, kiểm duyệt và công chiếu là hoàn thành. Nhưng đó có thể chỉ là quá trình sản xuất của những bộ phim thương mại thông thường. Riêng đối với RÒM, bộ phim đã được xác định ngay từ đầu là một “cuộc chiến đấu” và những người đồng hành với bộ phim đến cuối cùng được gọi là những “chiến binh”.

Trong MAAC ExpertTalk#9: RÒM – POST-PRODUCTION, D.I.T Đạt Trần đã có những chia sẻ ban đầu về quá trình sản xuất phim:

“Trong quá trình sản xuất RÒM, ekip phải vừa quay – dựng, vừa xin tài trợ kinh phí, vừa gửi các đơn vị sản xuất lớn duyệt. Vì vậy, nhiệm vụ của anh Bùi Công Anh rất nặng. Lúc nào anh cũng phải dựng song song phim để đáp ứng cho hai mục đích. Một là ráp các source quay lại để tạo sequence cho từng cảnh phim. Hai là dựng bản demo hoàn chỉnh để đưa cho các nhà sản xuất.”

Điều đáng ngạc nhiên là những nhân sự sản xuất RÒM trong giai đoạn ban đầu chỉ có Đạo diễn Trần Thanh Huy, Đạo diễn hình ảnh Nguyễn Khắc Nhật, Nguyễn Phúc Vinh và orist Bùi Công Anh. Những nhân sự còn lại, bằng cơ duyên đặc biệt, họ tham gia vào dự án với nhiều vai trò khác nhau, giúp bộ phim trở nên hoàn chỉnh. Anh D.I.T Đạt Trần là một minh chứng. Không phải là người đồng hành cùng RÒM ngay từ những ngày đầu khởi quay, anh biết đến dự án phim thông qua lời giới thiệu của anh Nguyễn Khắc Nhật.

Anh Đạt chia sẻ: “Từ ngày bấm máy đầu tiên khoảng tháng 6/2016 mình chưa tham gia vào dự án. Nhưng trước đó mấy tháng, mình có gặp anh Nguyễn Khắc Nhật. Anh Nhật có chia sẻ với mình rằng anh có dự án phim độc lập, mời mình tham gia. Đó là thời điểm mình bắt đầu nhen nhóm ý định sẽ tham gia vào dự án RÒM. Sau đó khoảng mấy tháng, mình gặp anh Công Anh. Mình và anh có chia sẻ về dự án phim RÒM mà đang tham gia, anh Công Anh nói với mình rằng anh đang cần một Kỹ thuật viên giám sát hình ảnh Kỹ thuật số ở ngoài hiện trường. Mình đã bén duyên với vị trí D.I.T của dự án phim RÒM từ đó.”

 

Anh D.I.T Đạt Trần tại MAAC ExpertTalk#9

Dự án phim RÒM được thực hiện trong khoảng 8 năm, phát triển từ ý tưởng phim ngắn “16:30” trước đó của Đạo diễn Trần Thanh Huy. Toàn bộ quá trình quay của bộ phim RÒM sau đó chỉ gói gọn trong 89 ngày. Thế nhưng, quá trình xử lý hậu kỳ lại mất đến hơn 4 năm kéo dài từ 6/2016 đến 7/2020, 32 bản dựng, qua nhiều công đoạn chuyển file, chỉnh màu, làm âm thanh vô cùng phức tạp. Dịch chuyển qua nhiều quốc gia, từ Việt Nam sang Thái Lan, rồi sang Pháp, sau đó quay trở về lại Việt Nam để xử lý lại toàn bộ một lần nữa trước khi chính thức mang sang Busan – Hàn Quốc để tham dự Liên hoan phim.

THÁCH THỨC CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ CHỈNH MÀU

Để làm nên những thước phim giàu cảm xúc, đậm chất “đời” của từng hoàn cảnh sống trong RÒM phải kể đến vai trò vô cùng quan trọng của người nghệ sĩ chỉnh màu.

Mỗi gam màu, mỗi biểu cảm, ánh nhìn, giọt mưa hay chuyển động nhanh chậm của đồ vật trong phim đều thể hiện những trường ý nghĩa khác nhau. Những chi tiết rất nhỏ, thậm chí chỉ lướt qua trong tích tắc nhưng tổng hòa lại sẽ góp phần tạo nên những trải nghiệm trọn vẹn cho người xem.

Anh Bùi Công Anh được xem là một trong những nhân vật bí ẩn đứng sau sự thành công của RÒM, đóng một vai trò vô cùng quan trọng mà chỉ duy nhất trong MAAC ExpertTalk#9, mọi người mới thực sự biết được sự nỗ lực đóng góp âm thầm của một người nghệ sĩ chỉnh màu như anh.

   

Anh Bùi Công Anh được biết đến với vai trò là người nghệ sĩ chỉnh màu vô cùng tài năng cho phim điện ảnh RÒM

Cũng theo thông tin được chia sẻ bởi anh Bùi Công Anh, cả quá trình on-set của phim RÒM trên hiện trường chỉ vỏn vẹn 89 ngày. Tuy nhiên, có một điều thách thức cực kỳ lớn đối với người nghệ sĩ chỉnh màu đó là các cảnh quay được thực hiện cùng lúc bởi nhiều loại máy quay phim và quay trong nhiều thời điểm khác nhau. Để xử lý những cảnh quay đó trong phần hậu kỳ, anh Công Anh phải xử lý từng điểm sáng, tạo nên một sự thống nhất hoàn chỉnh. Quá trình này được xem là thành công khi người xem tin rằng cảnh quay đó là liền mạch, tiếp diễn trong cùng một thời điểm.

Chia sẻ chi tiết hơn về thách thức này, anh Công Anh cho biết:

“Có những phân cảnh chỉ xuất hiện tích tắc khoảng vài chục giây trên màn ảnh. Chẳng hạn như phân cảnh Ròm và Phúc leo lên chiếc xe lam, đi một đoạn rồi nhảy xuống. Trên thực tế, cả quá trình quay cảnh đó được chia ra làm rất nhiều lần quay khác nhau và được quay bằng nhiều loại máy. Khi về xử lý hậu kỳ, việc căn chỉnh ánh sáng là vô cùng phức tạp. Để đạt được độ chính xác, mình đã phải đo từng điểm sáng ở source quay cuối của máy này với điểm sáng ở source quay đầu của máy quay khác, cứ lần lượt như vậy từ đầu đến cuối.”

Qua những chia sẻ của orist Bùi Công Anh về quá trình xử lý ánh sáng hậu kỳ cho phim RÒM, chúng ta mới thấy hết được những khó khăn, thách thức mà chỉ có những người thực sự đủ tâm và đủ tầm mới có thể gắn bó với phim từ những ngày đầu như vậy. Trên thực tế, công việc của anh Bùi Công Anh chỉ là một công đoạn trong một chuỗi nhiều giai đoạn xử lý khác. Quá trình chuyển file để xử lý cũng lại là một “cuộc chiến” đáng nể của cả ekip làm phim.

HÀNH TRÌNH 02 THÁNG CHUYỂN FILE SOURCE QUAY

Một trong những phần đáng được quan tâm về Thách thức của quá trình POST-PRODUCTION chính là quá trình chuyển file xử lý cho phim. 

Đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết:

“Một trong những thách thức rất lớn trong quá trình làm phim RÒM đó chính là chuyển file từ DaVinci Resolve sang Final Cut Pro 7, rồi lại chuyển lại sang Final Cut Pro X. Điều đáng nói là khi chuyển file từ Final Cut Pro 7 lên Final Cut Pro X, mình phát hiện hai phần mềm này không tương thích với nhau, bắt buộc ekip phải làm lại toàn bộ subtitle cho các source quay để chuyển sang Thái Lan xử lý tiếp. Cả quá trình chuyển file mất khoảng 02 tháng.”

 

Đạo diễn Trần Thanh Huy trong lần thứ hai ghé thăm Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC 

Thách thức chưa dừng lại ở đó khi Đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ thêm rằng, sau khi chuyển file sang Thái Lan cho anh Lee Chatemetikool để xử lý tiếp từ bản dựng số 8 đến bản dựng số 16. Sau khi con số bản dựng lên đến 23, anh Lee quyết định rút khỏi dự án.

“Lee không dựng tiếp, xin rút khỏi dự án. Sau khoảng 10 lần sang Thái để làm với anh Lee, mình quyết định mang RÒM về lại Việt Nam.” Đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết. Tuy nhiên, sự rút lui của Lee đối với anh Huy là một sự cần thiết và “có lợi” cho phim. Bởi theo quan niệm của anh, khi một người đạo diễn cảm thấy không thể tiếp tục với dự án phim đang làm thì nên rút lui sớm. Nếu cố gắng đến cuối cùng và bị đuối sức, mình sẽ phá hỏng toàn bộ dự án đó.

D.I.T ĐẠT TRẦN: NGƯỜI ĐƯỢC VÍ NHƯ NHÀ QUẢN LÝ THƯ VIỆN TÀI BA

Quá trình làm POST-PRODUCTION cho RÒM gặp muôn vàn khó khăn và trở ngại. Trong số đó, việc quản lý kho dữ liệu các source quay và file xử lý hậu kỳ là vô cùng nhọc nhằn.

Quá trình quay RÒM sử dụng đến 7 máy quay phim khác nhau, 40 TB dữ liệu, 32 bản dựng chính thức và rất nhiều bản dựng phụ không được đặt tên. Bằng cách nào để ekip sản xuất hậu kỳ có thể quản lý một cách khoa học kho dữ liệu đồ sộ như vậy? Đó chính là vai trò của D.I.T Đạt Trần.

Trong suốt quá trình sản xuất RÒM, anh Đạt Trần được xem là người kết nối giữa đạo diễn, người quay phim và tổ thư ký ghi chép hiện trường một cách vô cùng chặt chẽ. Bất kỳ mọi phát sinh, thay đổi nào trong quá trình quay, anh Đạt Trần cũng đều có thể tính toán và lưu dữ liệu một cách chính xác, khoa học, tạo sự thuận tiện tối ưu cho những người làm công việc hậu kỳ. Công việc của anh Đạt Trần được ví như một người quản lý thư viện tài năng.

Không chỉ dừng lại ở vai trò là một D.I.T (Digital Imaging Technician – Kỹ thuật viên hình ảnh kỹ thuật số), anh Đạt Trần còn hỗ trợ làm subtitle cho phim RÒM trong giai đoạn bộ phim đang trong quá trình hoàn thiện để gửi đi tham dự LHP Busan.

RÒM được xem là một phần thanh xuân đặc biệt của anh D.I.T Đạt Trần

ĐẠO DIỄN TRẦN THANH HUY: NGƯỜI SÁNG TẠO GỐC CỦA NHỮNG SÁNG TẠO ĐẶC BIỆT

Người đạo diễn thực sự có năng lực là người không chỉ thuần thục về mặt kỹ thuật, giỏi về mặt nghệ thuật mà còn phải là người có năng lực phát huy những điểm sáng về sức mạnh nội tại của mỗi cộng sự. Trần Thanh Huy là một đạo diễn như thế! Anh luôn muốn những người cộng sự có thể phát huy tối đa sự sáng tạo của riêng họ dựa trên những sáng tạo gốc ban đầu của anh.

 

Chia sẻ từ Đạo diễn Trần Thanh Huy về quá trình làm sáng tạo cho phim RÒM

Có thể nói, POST-PRODUCTION của RÒM không chỉ là một giai đoạn sản xuất nữa mà đó là một cuộc “chiến đấu” thực sự. Đạo diễn Trần Thanh Huy chiến đấu vì đứa con tinh thần, chiến đấu vì lý tưởng và niềm đam mê điện ảnh không ngừng. Anh cũng là người kết nối những cộng sự trẻ tuổi, luôn dành một tình yêu lớn cho nền điện ảnh Việt để họ được làm việc cùng nhau, trưởng thành cùng nhau và đưa tác phẩm mang đậm hồn Việt vươn tầm thế giới.

RÒM đã thành công trong mắt những nhà thẩm định LHP Busan, thành công trong lòng công chúng, khán giả và những người yêu mến điện ảnh nước nhà. Không hẳn vì đề tài phim quá táo bạo mà còn là hành trình sản xuất giống như những cuộc chạy đua không ngừng nghỉ của một ekip dành cả sức trẻ để sống cùng RÒM.

Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC tin rằng, sự ghé thăm lần này của ekip RÒM tại MAAC ExpertTalk#9 đã làm thỏa mãn những người trẻ đang ấp ủ khát vọng tạo ra những sản phẩm điện ảnh mang đậm dấu ấn cá nhân, hướng về một tương lai vươn tầm thế giới. MAAC hy vọng rằng đây là bước đệm vững chắc để giúp các bạn tiến xa hơn trên con đường chinh phục giấc mơ gia nhập ngành Điện ảnh đầy triển vọng.

 

Các khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn trẻ tham dự MAAC ExpertTalk#9

Nếu bạn muốn bắt đầu giấc mơ chinh phục lĩnh vực Điện ảnh, Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC là bệ phóng giúp bạn từng bước hiện thực hóa giấc mơ của bản thân. Chương trình đào tạo ngành Kỹ xảo Điện ảnh tại MAAC được phát triển bởi tập đoàn Aptech Ấn Độ, lộ trình học chuyên sâu cùng những chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ mang đến cho các bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực Điện ảnh một môi trường học tập lý tưởng.

Trong tương lai, Học viện MAAC sẽ còn tổ chức thường xuyên các chương trình đặc biệt thú vị khác về các lĩnh vực Game, 3D Animation, Broadcast Design, VFX. Các bạn đừng quên theo dõi fanpage MAAC Vietnam để không bỏ lỡ các sự kiện hấp dẫn tiếp theo nhé!

SIGN UP FOR FREE

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ