Ngô Vương Quyền là phim ngắn lấy bối cảnh lịch sử ở Đại La Thành năm 938 do nhóm HDR (gồm 3 thành viên 9x: Đinh Hoàng Long, Vũ Thanh Phương, Ngô Hải Vương) thực hiện.
Ngô Vương Quyền là phim ngắn lấy cảm hứng từ một sự kiện lịch sử có thật. Theo giới thiệu của nhóm thực hiện: “Một số tình tiết được hư cấu thêm nhằm tạo sự kịch tính”.
Tác phẩm là đồ án của các bạn HDR (lớp X2009E1 khóa VFX, Học viện Kỹ xảo Điện ảnh và Hoạt hình MAAC), với mong muốn “khắc họa lại một phần nào đó về thời xa xưa, khi mà những chuyện kể về ông cha ta chỉ được truyền miệng hay viết lên giấy, thì nay được hình ảnh hóa cụ thể hơn”.
Ngô Vương Quyền bắt đầu từ việc nhận thấy nỗi lo gìn giữ non sông của vua Ngô Quyền quá lớn, danh tướng của ông là Kiều Công Hãn đã cùng ngồi lại và chơi với ông một ván cờ. Những bước đi của từng quân cờ như mô phỏng cuộc xâm lược của quân Nam Hán. Từ đó Ngô Quyền đã nảy ra những kế sách để đánh bại quân địch. Bổ trợ đắc lực cho kịch bản là các yếu tố như bố cục quay, âm thanh và các hiệu ứng kỹ xảo được nhóm kỳ công chăm chút (khâu âm thanh hậu kỳ được nhóm thực hiện cùng Aurae Studio của Pháp).
Trong phim ngắn này, nhóm thực hiện sử dụng diễn viên thật để quay (NSƯT Phạm Huy Thục vai Ngô Quyền, nghệ sĩ Nguyễn Hòa An vai Kiều Công Hãn, Lê Minh Sang vai Hoằng Tháo) chứ không hoàn toàn sử dụng hình vẽ, nhằm giúp khán giả có thể quan sát được cảm xúc và tâm lý của nhân vật chân thật hơn. “Ngô Vương Quyền sử dụng hình ảnh 3D (trừ phần giới thiệu mở đầu) lồng ghép cùng các nhân vật là diễn viên đóng thật để đạt hiệu quả về góc quay nhiều hơn. Nhóm xác định từ đầu phim ngắn Ngô Vương Quyền sẽ được quay với kỹ thuật của phim điện ảnh chiếu rạp nên mọi vấn đề về kỹ thuật đều được tính toán kỹ lưỡng”, Đinh Hoàng Long, trưởng nhóm HDR cho biết.
Theo Hoàng Long, ban đầu nhóm định làm phim cổ tích Việt Nam. Tuy nhiên sau khi “nhìn tới nhìn lui”, nhận thấy phim lịch sử Việt Nam còn ít nên nhóm quyết định chọn làm về Ngô Quyền (cố vấn lịch sử: nhóm Đại Việt Cổ Phong).
‘Vì có giới hạn về thời lượng cũng như kinh phí, nhóm không thể làm trọn vẹn cả trận đánh Bạch Đằng năm 938 nên quyết định lồng ghép trận đánh vào một màn đánh cờ giữa Ngô Quyền và Kiều Công Hãn, tạo nên một câu chuyện tiền truyện trước trận đánh lịch sử thay vì cứ kể theo tuyến tính như một cuốn sách giáo khoa”, Long nói, và chia sẻ thêm: “Điều duy nhất mà nhóm mong muốn mang đến cho khán giả là một tác phẩm phim ngắn lịch sử Ngô Vương Quyền với cách kể mới lạ, hình ảnh, âm thanh sống động hơn. Mặc dù nhóm biết vẫn còn thiếu sót, hạn chế nhưng nếu không đi những bước đầu tiên thì sẽ không thể có các dự án tiếp theo”.
Nguồn: Thanh Niên