Vào ngày 18.11 vừa qua, buổi giao lưu ngành công nghiệp VFX và 3D Animation giữa 3 nước Việt Nam – Pháp – Thái Lan đã chính thức khép lại trọn vẹn với những thông tin cực hot về thị trường ngành hậu kỳ bên ngoài quốc tế, mang lại cho đại diện các Studio Việt Nam cũng như các Artist nhiều giá trị bổ ích.
Đồng tổ chức bởi trang thông tin Vietnam VFX-Animation, Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC và AIOI Studios, buổi talkshow “Building a strong VFX & Animation Industry in Vietnam – France – Thailand” đã diễn ra thành công rực rỡ vào ngày 18.11 vừa qua với sự tham gia của gần 50 Artist và đại điện các Studio trong lĩnh vực VFX & Animation.
Với mong muốn tạo ra những “cú bắt tay” quốc tế nhằm phát triển ngành VFX & Animation tại Việt Nam ngày càng phát triển vượt bậc, buổi hội thảo vinh dự có sự góp mặt của các diễn giả nhiều năm kinh nghiệm trong ngành gồm: anh Yann Marchet (đại diện Visual Effects Vendors Association – Pháp), chị Onmadee Purapati (đại diện Board Member of Thai Animation and Computer Graphics Association – Thái Lan) và anh Thierry Nguyễn (Owner/VFX Supervisor tại Bad Clay Studio). Ngoài ra, sự kiện cũng có sự tham gia của đại diện đến từ các đơn vị đồng hành như: anh Jeremy Segay (Tùy viên nghe nhìn – Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội/Viện Pháp), anh Đinh Trí Dũng (Giám đốc Học viện MAAC), anh Võ Huy Giáp (Đại diện Vietnam VFX-Animation/Giám đốc đào tạo Học viện MAAC).
Mở đầu chương trình, anh Jeremy – Đại diện Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội/Viện Pháp và cũng là cầu nối để tạo ra buổi giao lưu giữa 3 quốc gia có đôi lời phát biểu khai mạc: “Pháp rất hào hứng và có được nhiều lợi ích từ lĩnh vực Animation và VFX đầy năng động. Khoảng 20 năm nay, lĩnh vực Animation và VFX đã phát triển vô cùng mạnh mẽ. Chúng tôi muốn cung cấp cho các bạn nhiều hơn một ví dụ về cách một quốc gia có thể phát triển lĩnh vực Animation và VFX của mình. Đây là lý do tại sao chúng tôi cũng mời Thái Lan tham gia sự kiện này.
Mục đích của Talkshow này trước tiên là giới thiệu hệ sinh thái và bối cảnh của lĩnh vực VFX & hoạt hình ở Pháp và Thái Lan. Nhưng điều thứ hai và quan trọng hơn là trình bày cách thức tổ chức của ngành ở 2 quốc gia đó là Pháp và Thái Lan cũng như phối hợp chặt chẽ với chính quyền để phát triển và lớn mạnh hơn nữa.
Hy vọng buổi tọa đàm này sẽ truyền cảm hứng và góp phần xây dựng một ngành VFX và Animation vững mạnh tại Việt Nam.”
Tiếp lời anh Jeremy, Anh Võ Huy Giáp – Đại diện Vietnam VFX-Animation/Giám đốc đào tạo Học viện MAAC cũng chia sẻ: “Hơn 10 năm qua, các Artist Việt Nam đã làm việc không ngừng nghỉ, giúp cho nền công nghiệp VFX tại Việt Nam lớn mạnh và khẳng định được chất lượng với thế giới. Hiện nay, nhiều đơn vị đã và đang làm việc với quốc tế để tạo ra các sản phẩm chất lượng cho họ, mang lại giá trị kinh tế cao và tạo nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ.
Pháp và Thái Lan cũng là thị trường lớn về ngành VFX, họ mong muốn biết nhiều hơn, chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội việc làm với các Studio tại Việt Nam. Đó là mục tiêu của chương trình của ngày hôm nay.”
Trong hội thảo, các diễn giả đã từng bước chia sẻ tình hình thị trường VFX & Animation quốc gia của mình và tiềm năng phát triển cũng như hé lộ một số cách thức tổ chức và sự hỗ trợ từ phía chính phủ nước sở tại.
Thị trường VFX & Animation tại Pháp: “Bùng nổ” – Cầu nhiều nhưng cung hạn hẹp
Đại diện các Studio đến từ Pháp là anh Yann Marchet – Đại biểu chung của PIDS Enghien và là đại diện của France VFX – hiệp hội các nhà cung cấp hiệu ứng hình ảnh thúc đẩy chất lượng của Pháp trên khắp thế giới. Mang những thông tin hấp dẫn nhất từ ngành công nghiệp VFX & Animation của Pháp đến với Việt Nam, bên cạnh tinh thần chia sẻ kiến thức và học hỏi lẫn nhau, bản thân anh Yann Marchet cũng mong muốn mở ra những sự hợp tác có lợi cho cả đôi bên.
Sơ lược về thị trường VFX & Animation tại Pháp
Về tình hình thị trường ngành VFX & Animation hiện tại, anh Yann cho biết: “Pháp là một trong những thị trường đang bùng nổ với ngày càng nhiều dự án được thực hiện tại đây, kể cả tự sản xuất lẫn nhận outsource. Hiện thị trường này đang sản xuất và đồng sản xuất khoảng hơn 300 phim mỗi năm, ngày càng có nhiều dự án phim sử dụng nhiều shot quay kỹ xảo trên các nền tảng trực tuyến lớn. Ngoài ra, với những sự hỗ trợ tuyệt vời từ chính phủ dành riêng cho nền điện ảnh cũng như sản xuất hậu kỳ, Pháp đã tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn đối với các tác phẩm quốc tế”.
Tiền năng việc làm “tràn trề” vừa là cơ hội và cũng là thách thức đối với ngành hậu kỳ nước Pháp. Bởi lẽ, dự có nhiều cũng cần phải có đội ngũ Artist nhiều và chất lượng tương tự. Ông Yann cho biết thêm: “Trong 10 năm qua, số lượng việc làm trong VFX & Animation đã tăng gấp đôi (khoảng 15.000 cơ hội việc làm) và chúng tôi cần tăng gấp đôi lực lượng lao động trong 5 năm tới nếu muốn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.”
Sự hỗ trợ của chính phủ Pháp dành riêng cho ngành hậu kỳ
Theo anh Yann, trước đây, ngành VFX tại Pháp không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ, các đề xuất trợ giúp dường như không được xem xét kỹ lưỡng. Lý do bởi vì các studio riêng lẽ chưa thể truyền tải được những thông điệp tích cực đến với các cơ quan có thẩm quyền.
Vì vậy, vào năm 2017, ngành VFX tại Pháp quyết định thành lập một tổ chức, đó là France VFX. Anh Yann chia sẻ: “Nhiệm vụ của ngành VFX chính là cần phải truyền tải những thông điệp tốt đẹp tới chính quyền để nhận được những sự hỗ trợ. Đặc biệt phải khiến cho họ thấy rằng sự hỗ trợ này nhằm giúp các nhà cung cấp VFX của Pháp trở nên hấp dẫn và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Một trong những điều quan trọng cần làm đó là tăng cường hiệu quả của Hoàn thuế cho sản xuất quốc tế. Hiện nay, chúng tôi được giảm giá 40% nếu chi tiêu 2 triệu Euro cho VFX ở Pháp và 40% này sẽ được dành cho các khoản chi tiêu khác.
Đó là một lý do tuyệt vời để thuyết phục các nhà sản xuất rằng họ nên quay ở Pháp, đồng thời thực hiện VFX ở Pháp để được hoàn thuế 40%.”
Sự “khởi sắc” của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Pháp cũng phần nào cho các Artist cũng như các Studio có mặt trong sự kiện biết được cơ hội việc làm rộng mở nếu các nhà sản xuất Việt Nam bắt tay với thị trường màu mỡ này.
Ngoài ra, sự khan hiếm nguồn lực của ngành hậu kỳ Pháp cũng mang lại cho các Artist Việt Nam nhiều cơ hội để đảm nhiệm những dự án tầm cỡ quốc tế.
Thị trường VFX & Animation tại Thái Lan: Ngành công nghiệp được xem là sự lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu
Chị Onmadee Purapati (Cherry) là đại diện của ngành VFX tại Thái Lan sẽ chia sẻ trong buổi tọa đàm VFX & Animation. Là thành viên hội đồng quản trị của TACGA, chị sẽ chia sẻ tình hình thị trường ngành VFX & Animation ở Thái Lan cũng như đem đến một số lời mời hợp tác tiềm năng cùng TACGA.
Đôi nét về TACGA – Thai Animation and Computer Graphics Association
Được thành lập từ năm 2006, TACGA là hiệp hội thương mại được tham gia bởi hơn 70 đơn vị làm VFX, Animation, Motion Graphic và Character Licensing trên toàn Thái Lan. “TACGA hoạt động với sứ mệnh đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan khác trong và ngoài nước, Xây dựng tiêu chuẩn nguồn nhân lực VFX, hoạt hình và chất lượng dịch vụ, nội dung theo tiêu chuẩn quốc tế. Đó là lý do vì sao tôi có mặt tại sự kiện này”, chị Cherry phát biểu.
Về những hoạt động nổi bật của TACGA, chị Cherry cho biết: “Tháng trước, TACGA đã làm việc cùng với Đại sứ quán Pháp tại Bangkok để tổ chức một sự kiện tuyệt vời có tên là Beyond Animation Festival, bao gồm các buổi chiếu phim hoạt hình chọn lọc của Pháp và Thái Lan, giải thưởng, masterclasses & nói chuyện về animation, comics và NFT.
Hàng năm, chúng tôi cũng tham gia Asian Animation Summit, một sự kiện chào hàng được tạo ra để thúc đẩy hợp tác sản xuất và đồng tài trợ ở châu Á Thái Bình Dương.
Và chúng tôi cũng tham gia các Liên hoan phim Quốc tế trên khắp thế giới như FilmArt ở Hồng Kông, MIPCOM ở Pháp, SIFF ở Thượng Hải và AFM ở Hoa Kỳ.
Rất nhiều hội thảo trực tuyến về các chủ đề khác nhau như VFX, Animation, AR/VR, Game trending,… được TACGA tổ chức và tham gia. Hy vọng chúng tôi có thể mời các hãng phim từ Việt Nam và Pháp tham gia cùng chúng tôi vào năm tới.”
Thị trường VFX & Animation tại Thái Lan: Số lượng Studio giảm đáng kể từ khi đại dịch, nhưng “qua cơn bĩ cực” cũng “đến hồi thái lai”
Theo chị Cherry, lượng Studio thuộc lĩnh vực VFX & Animation tại Thái Lan giảm đáng kể trong vài năm qua kể từ đại dịch: “Phần lớn các studio VFX & Animation của Thái Lan thực hiện các dịch vụ gia công phần mềm và hầu hết là các studio quy mô nhỏ khoảng 10-50 nhân viên, không nhiều những studio cỡ trung bình với số lượng hơn 100 nhân viên và càng cực kỳ ít studio lớn cỡ hơn 200 nhân viên.”
Về sự ảnh hưởng của dịch COVID cũng như dấu hiệu phát triển sau dịch, chị Cherry cho biết thêm: “Các nhà phân phối chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, giá trị thị trường năm 2021 giảm 18% so với năm 2020 và giảm 60% so với năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do gián đoạn truyền thông từ giải trí gia đình đến Internet Streaming.
Ngược lại, giá trị thị trường outsource tăng trưởng liên tục lên 2,864 triệu Bath vào năm 2021 được đóng góp từ nhu cầu ngày càng tăng và tác động tích cực của trạng thái bình thường mới của COVID như sản xuất trực tuyến.
Theo Bộ Thương mại, năm 2020, ngành công nghiệp nội dung số của Thái Lan trị giá khoảng 5,6 triệu USD, trong đó 4,3 triệu USD là từ ngành truyền hình và điện ảnh.
Và nó được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp nội dung kỹ thuật số đang nở rộ sau đại dịch.”
Việc đào tạo và phát triển nhân tài trong ngành VFX & Animation tại Thái Lan cũng được đánh giá cao. “Thái Lan có lực lượng lao động có tay nghề cao và cạnh tranh với hơn 30 trường đại học cung cấp các khóa học liên quan, đào tạo ra khoảng 2.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm.
Hoạt hình và nội dung số được coi là những lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu ở Thái Lan, nơi chúng tôi có nguồn cung lao động tuyệt vời để phát triển”, chị Cherry nhận định.
Thị trường VFX & Animation tại Việt Nam: Đang ở giai đoạn sơ khai và dần phát triển
Đại diện các Studio đến từ Việt Nam trong buổi giao lưu lần này là anh Thierry Nguyễn – Owner/VFX Supervisor tại Bad Clay Studio. Dưới lăng kính của một người đứng đầu Studio về VFX & Animation cũng như là Artist đã làm việc lâu năm, anh Thierry cũng đưa ra một số nhận định về tình hình ngành hậu kỳ tại thị trường Việt Nam.
“Đầu tiên, tôi muốn cảm ơn anh Yann, chị Cherry, anh Jeremy và đại diện Vietnam VFX Animation, Học viện MAAC đã tổ chức buổi hội thảo đầy bổ ích này. Tôi và các Artist tại Việt Nam đều vô cùng hào hứng khi được gặp gỡ người trong ngành và mong muốn được biết thêm những thông tin về ngành ở các thị trường khác ngoài Việt Nam.”
Giới thiệu về Studio hiện đang làm việc, anh Thierry chia sẻ: “AIOI tuy mới thành lập nhưng nền tảng của chúng tôi đã được xây dựng vững chắc bởi sự kết hợp giữa kinh nghiệm và kiến thức phong phú của 4 công ty gồm: Anh Tễu Studio (từ Việt Nam), Bad Clay Studio (từ Việt Nam), COCOA (từ Hàn Quốc) và Vantri (người hỗ trợ của chúng tôi tại Việt Nam từ Hàn Quốc).
Trong đó, Bad Clay Studio là một trong những VFX Studio nổi bật với hơn 10 năm kinh nghiệm, cung cấp sản xuất VFX cho hơn 30 phim Việt Nam như: Hai Phượng, Trạng Tí, Người Bất Tử, Hồn Papa Da Con Gái,… Ngoài ra, 2 năm trở lại đây, Bad Clay cũng đã hợp tác với Netflix và các nền tảng khác để cung cấp sản phẩm VFX, nổi bật với các phim: All of us are dead, Sweet Home, The Devil Judge,…”
Các studio VFX & Animation tại Việt Nam cần kết hợp để tạo ra một tổ chức – Cùng nhau tạo ra tiếng nói chung của ngành
Dù Việt Nam là một trong những thị trường hậu kỳ màu mỡ và được các Studio hàng đầu quốc tế đánh giá cao, thế nhưng trên thực tế ngành VFX & Animation đang chỉ ở bước sơ khai, còn nhiều tiềm lực để phát triển. Và anh Thierry Nguyễn cho rằng buổi gặp gỡ với đại diện Studio quốc tế ngày hôm nay chính là điểm chạm để các Studio Việt Nam nhận ra điểm thiếu sót của mình. Anh Thierry cho biết: “Đến nay tôi làm việc ở Việt Nam đã được 10 năm và chúng ta chưa có sự hợp tác nào như sự hợp tác mạnh mẽ như Pháp hay Thái Lan. Trong sự kiện này, tôi có thể nhận ra một vài điểm quan trọng mà Việt Nam còn thiếu sót.
Tôi nghĩ, chúng ta cần có một tổ chức toàn ngành giống Pháp và Thái Lan. Tổ chức này sẽ phát triển của ngành tốt hơn, hỗ trợ và thúc đẩy hệ thống giáo dục, tìm kiếm tài năng trong ngành.”
Nhờ vào các thông tin thực tế của thị trường Pháp và Thái Lan, anh Thierry cũng rút ra được một số ý kiến giúp ngành hậu kỳ Việt Nam ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó bao gồm các yếu tố:
➤ Xây dựng hệ thống giáo dục vững mạnh: Thế hệ trẻ yêu thích ngành VFX & Animation tại Việt Nam sở hữu kỹ năng tốt ngay từ khi được đào tạo từ ghế nhà trường. Hầu hết khi vào các Studio họ có thể làm việc ngày chứ không cần đào tạo thêm. Vì vậy, xây dựng nền móng giáo dục trong ngành vững chắc là yếu tố cần thiết để xây dựng ngành công nghiệp hậu kỳ tại Việt Nam.
➤ Tăng cường hợp tác giữa các Studio: Tạo mối quan hệ hợp tác và gắn kết giữa các Studio để có thể đồng hành cùng nhau trong nhiều dự án lớn được quốc tế.
➤ Tạo một hiệp hội chính thức: Dựa trên khuôn mẫu của France VFX, các Studio tại Việt Nam cần mở ra một hiệp hội chính thức, có đại diện quốc tế, từ đó sẽ dễ dàng liên kết với chính phủ Việt Nam.
➤ Xin hỗ trợ từ chính phủ cũng như các bộ cục liên quan để giảm thuế cho VFX và rạp chiếu phim để thu hút sự đầu tư quốc tế (một số quốc gia ở châu Á đã bắt đầu thực hiện điều này).
Quả thật ngành VFX & Animation nói riêng cũng như ngành công nghiệp hậu kỳ nói chung tại trường Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu và đang có chiều hướng phát triển tích cực. Để làm được điều này, ngoài việc hội nhập quốc tế, chúng ta cần phải liên kết các Studio trong nước để tạo nên một khối thống nhất vững mạnh.
Đánh giá cao việc xin hỗ trợ chính phủ để thúc đẩy ngành hậu kỳ phát triển và mong muốn các studio VFX & Animation tại TP.HCM gắn bó với nhau như hiệp hội của Pháp, Thái Lan, mang khách hàng từ nước ngoài về nhiều hơn cũng như dễ dàng giới thiệu các local studio ra ngoài thế giới, mở ra những cơ hội mới trong tương lai, anh Võ Huy Giáp cũng đưa ra thắc mắc: “Thị trường Pháp và Thái Lan đã nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ như thế nào? Từ những năm đầu tiên khi hiệp hội các studio được thành lập, thị trường VFX & Animation đã nhận được sự hỗ trợ với mức chi phí như thế nào?”
Đánh giá đây là một câu hỏi hay, anh Yann hào hứng chia sẻ: “Đối với thị trường Pháp, những nhà làm phim và hậu kỳ có tâm thế vô cùng thoải mái vì đã được hỗ trợ rất nhiều từ phía chính phủ, chẳng hạn như Trung tâm Điện ảnh quốc gia Pháp. Bên cạnh đó, những studio cá nhân, từ lớn đến nhỏ cũng tạo điều kiện cho nhau, từ đó hình thành nên một cộng đồng VFX & Animation vững mạnh. Có thể nói, ngành hậu kỳ ở Pháp đang ở một thế cân bằng, nhận được sự hỗ trợ giữa chính phủ lẫn hỗ trợ tư nhân – tức các studio tự hỗ trợ lẫn nhau.
Về chi phí, tất cả những sự kiện về phim ảnh & hậu kỳ sẽ được hỗ trợ bởi các đối tác lẫn các bộ phận chính phủ có liên quan. Phần còn lại sẽ được các studio cùng đóng góp để tạo ra một event cho hiệp hội. Việc hỗ trợ chi phí không chỉ dừng lại ở hiện kim, mà còn là sự hỗ trợ về khâu tổ chức như âm thanh, ánh sáng, trang thiết bị, sảnh sự kiện, hội trường,…”
Hứng thú với phần trao đổi của các vị diễn giả, Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng có một thắc mắc cần giải đáp: “Thị trường phim ảnh và sản xuất hậu kỳ tại Việt Nam bị giới hạn chi phí khá nhiều. Vậy làm sao để giúp việc sản xuất phim ảnh tốt hơn cũng như có thêm nguồn lực nào để nâng cao chất lượng hơn?”
“Để có thể tạo ra một bộ phim chất lượng với chi phí đầu tư hạn chế, ngoài việc tiết kiệm tối đa chi phí, nhà sản xuất phim hoàn toàn kêu gọi hợp tác với một số tổ chức, các công ty hậu kỳ để đồng sản xuất tác phẩm. Thậm chí, với một dự án thú vị, đạo diễn Việt Nam hoàn toàn có thể tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác từ các Studio quốc tế”, anh Yann cho biết.
Đồng tình với anh Yann, chị Cherry bổ sung: “Tôi cũng nghĩ rằng chúng ta nên tìm thêm đối tác để tìm kiếm sự tương đồng về ý tưởng làm phim cũng như sự đam mê phim ảnh. Điều này sẽ giúp bạn đạt được sự hợp tác phù hợp, thực hiện dự án có lợi cho đôi bên.”
Tạm kết
Cầu tiến và hội nhập chính là yếu tố quan trọng để ngành VFX & Animation tại thị trường Việt Nam ngày càng vững mạnh, tạo dấu ấn trên bản đồ ngành hậu kỳ toàn cầu. Chắc hẳn buổi tọa đàm: “Building a strong VFX & Animation Industry in Vietnam – France – Thailand” chính là sự khởi đầu để các chương trình hợp tác quốc tế tiếp theo được diễn ra, góp phần đưa ngành hậu kỳ Việt Nam được hội nhập quốc tế, vươn cao và bay xa.
Cuối cùng, hãy nhìn lại những khoảnh khắc đáng nhớ của talkshow: “Building a strong VFX & Animation Industry in Vietnam – France – Thailand” tại đây: