VISUAL EFFECTS – VFX
VISUAL EFFECTS LÀ GÌ?
Visual Effects-VFX (Kỹ xảo điện ảnh) là quá trình thực hiện và xử lý các hiệu ứng hình ảnh, dựa trên sự kết hợp với các cảnh quay thật được thực hiện trên phim trường. Việc ứng dụng VFX vào các tác phẩm điện ảnh giúp đoàn làm phim tiết kiệm được một khoảng thời gian và chi phí khổng lồ, cũng như góp phần hạn chế những nguy hiểm có thể xảy ra đối với diễn viên. Tóm lại, nói một cách dễ hiểu, VFX làm cho những điều không có thật trở nên thật nhất, còn nói một cách hoa mỹ hơn, VFX giúp các nhà sản xuất hiện thực hóa những điều không tưởng mà có khi đến bạn cũng không thể tưởng tượng.
CÁC THỂ LOẠI VFX
CGI (COMPUTER GENERATED IMAGERY)
CGI – Computer Generated Imagery là thuật ngữ chung để mô tả những kỹ thuật VFX được tạo ra bằng phần mềm máy tính. CGI được sử dụng để chỉ các hình ảnh đồ họa máy tính, có thể dưới dạng 2D hoặc 3D, tuy nhiên, CGI thường được biết đến gắn liền với 3D VFX.
Tạo hình 3D (3D Modeling) là quy trình được nhắc đến nhiều nhất trong CGI. Đây là quá trình tạo ra bản 3D của bất kỳ vật thể, bề mặt hay bối cảnh môi trường xung quanh nào trong phim ảnh hoặc các video. CGI VFX được nhận biết dễ dàng nhất khi các nghệ sĩ sử dụng chúng để tạo ra những thứ không có thật, chẳng hạn như hình ảnh về quái vật. Bên cạnh đó, kỹ thuật này còn được ứng dụng để tạo nên những khung cảnh vô cùng tinh tế và chân thật, đó có thể là hình ảnh một sân vận động đầy ắp đám đông cổ vũ, một khu rừng hay bất kỳ nơi nào mà đoàn làm phim không thể quay một cách trực tiếp. Ngoài ra, CGI còn có thể khiến cho một diễn viên trông trẻ hơn tuổi thật, như nhân vật của Robert De Niro trong tác phẩm The Irishman.
COMPOSITING
Compositing còn được biết đến với tên gọi “chroma keying” (tách phông xanh), đây là quy trình kết hợp các cảnh quay thật trên phim trường với những hình ảnh được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau thông qua VFX, giúp người xem có cảm giác như thể chúng đều được thực hiện trên cùng một góc quay, màu sắc và ánh sáng. Kỹ thuật VFX này yêu cầu những cảnh quay phải được thực hiện trên phông nền xanh (xanh lá cây hoặc xanh dương), sau đó các nghệ sĩ VFX sẽ sử dụng những kỹ thuật chuyên biệt và phức tạp hơn để cắt ghép và loại bỏ một màu nhất định từ các cảnh quay trực tiếp.
MOTION CAPTURE
Motion Capture (gọi tắt là Mocap), được biết đến là công nghệ bắt chuyển động của người hoặc vật. Đây là quy trình ghi lại những chuyển động rồi đưa vào máy tính xử lý, sản phẩm được tạo ra cuối cùng là những hình ảnh chuyển động do máy tính tạo ra. Công nghệ Motion Capture dựa chủ yếu vào những cảm biến hoặc các bộ đồ bắt chuyển động được gắn trên người diễn viên nhằm mục đích ghi lại các chuyển động một cách chính xác và chân thật nhất. Tuy nhiên, phương pháp này không chỉ được áp dụng trên diễn viên mà còn được dùng để ghi lại chuyển động của camera, giúp cho các hình ảnh và nhân vật nhận được cái nhìn cận cảnh và cụ thể hơn từ các góc quay của camera.
Những bộ phim được thực hiện dựa trên công nghệ Motion Capture có thể kể đến như The Hobbit, Chappie hay Warcraft.
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP
Với sự đa dạng và rộng lớn của thế giới Kỹ xảo điện ảnh – VFX, đây hứa hẹn sẽ là mảnh đất mang lại nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn dành cho các bạn trẻ. Dấn thân vào lĩnh vực đầy tiềm năng này, luôn có sẵn một bảng danh sách dài những vị trí công việc đang chờ đợi bạn đảm nhiệm: Compositor (Chuyên viên xử lý hậu kỳ), Camera Tracker (Bắt camera), Match Moving Artist (Chuyên viên bắt chuyển động mô hình 3D với vật thể trong cảnh quay thật), Matte Painter (Họa sĩ vẽ bối cảnh), Roto Artist (Chuyên gia xử lý cắt lớp ảnh), ,…
Về bản chất, một quy trình sản xuất VFX vô cùng phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự tự tìm tòi, nghiên cứu của người nghệ sĩ. Để có thể tìm hiểu sâu hơn về các nhiệm vụ và vị trí trong một team VFX, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của Học viện Kỹ xảo Điện ảnh và Hoạt hình MAAC Việt Nam:
>>> Khám phá các vị trí quan trọng không thể thiếu trong team VFX
ANIMATION
ANIMATION LÀ GÌ?
Animation là một phương pháp mà các chuỗi hình ảnh tĩnh khác nhau xuất hiện liên tục tạo ảo giác chuyển động. Hiểu đơn giản Animation là nghệ thuật tạo chuyển động bằng hình ảnh. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Animation không chỉ như thế, đây là kỹ thuật thổi hồn cho những thứ vô tri vô giác, dù chỉ là một hòn đá, bức tượng, hay ngọn cỏ ven đường. Trong hoạt hình truyền thống, hình ảnh đa phần được vẽ bằng tay trên các tấm celluloid (tấm giấy bóng trong suốt dùng để vẽ hay tô màu các đối tượng trong quy trình sản xuất hoạt hình vẽ tay truyền thống), sau đó được chụp lại và trưng bày trên phim. Ngày nay, hầu hết các hình ảnh này đều do máy tính tạo ra.
CÁC THỂ LOẠI ANIMATION
Khái niệm tạo chuyển động bằng những hình ảnh thực chất đã được con người tìm thấy từ khoảng 5000 năm trước. Tuy nhiên, cho đến giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thì ngành công nghiệp Animation mới được nhen nhóm phát triển bắt nguồn từ các kỹ thuật, công nghệ xử lý hình ảnh khá đơn sơ.
Trải qua chiều dài lịch sử hình thành cùng sự nỗ lực sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ, ngành công nghiệp hoạt hình đã chứng kiến sự ra đời của nhiều thể loại Animation khác nhau.
TRADITIONAL ANIMATION (Hoạt hình truyền thống)
Hoạt hình truyền thống hay còn được biết đến với tên gọi Hoạt hình cổ điển trên tấm celluloid , đây là phương thức Animation chủ đạo, nguyên thủy nhất trong ngành công nghiệp hoạt hình, được cho là nền tảng của những hình thức Animation khác được phát triển về sau.
Hình ảnh được tạo ra bằng phương thức này xuất phát từ đôi bàn tay khéo léo của các Animator. Các hình ảnh vẽ tay được thực hiện trên các tấm celluloid trong suốt, từ đây, người người nghệ sĩ phải mất từ 12 – 24 tiếng để tạo ra các chuyển động thông qua việc nối liền các hình ảnh với nhau. Vì vậy, quá trình sản xuất một bộ phim Animation giai đoạn này diễn ra vô cùng phức tạp và tốn nhiều công sức.
STOP MOTION ANIMATIONS (Hoạt hình tĩnh vật)
Cũng giống với phương thức hoạt hình truyền thống, Stop Motion Animations (Hoạt hình tĩnh vật) là một trong những thể loại tồn tại lâu đời nhất trong ngành công nghiệp Animation. Đây là kỹ thuật làm phim hoạt hình mà các nhân vật phải được dựng lên theo từng động tác, chụp hình và ghép thành một bộ phim hoàn chỉnh. Tuy nhiên, bản chất của Stop Motion Animation là một khái niệm bao quát, gồm nhiều phân nhánh khác nhau như: clay motion (sử dụng đất sét), cut out (sử dụng hình ảnh cắt dán)…
COMPUTER ANIMATION
2D Animation (Hoạt hình 2D)
Phương thức hoạt hình 2D xuất hiện cùng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật digital, các hình ảnh chuyển động được tạo ra bằng phương thức này đạt đến sự linh hoạt và hiệu quả nhờ việc sử dụng máy tính trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, về bản chất, hoạt hình 2D không có quá nhiều khác biệt so với hoạt hình truyền thống.
Nhiều thập kỷ trở lại đây, người hâm mộ điện ảnh trên thế giới đã được chứng kiến vô số những tác phẩm hoạt hình 2D xuất sắc, “làm mưa làm gió” khắp các phòng vé. Đó là các tác phẩm thể loại anime của Nhật Bản: My Neighbor Totoro, Spirited Away,… các series hoạt hình 2D nổi tiếng như: Samurai Jack, Rick and Morty,… hay phim hoạt hình điện ảnh The Lion King (1994),…
3D Animation (Hoạt hình 3D)
3D Animation (Hoạt hình 3D) là kỹ thuật vẽ và tạo hình ảnh chuyển động trong không gian ba chiều được thực hiện thông qua việc render (kết xuất) từ mô hình 3D trên máy tính. Phương thức hoạt hình 3D đặc biệt phổ biến trong khoảng hai thập kỷ gần đây cùng với sự phát triển của công nghệ CGI. Yoshiaki Nishimura – nhà sản xuất của studio hoạt hình Ghibli (Nhật Bản) đã phát biểu: “Nếu như hoạt hình 2D là sự phát triển (extension) của hội họa, thì hoạt hình 3D là sự phát triển của điêu khắc (mô hình 3D). Do vậy, những gì mà chúng có thể truyền tải, cũng hoàn toàn khác nhau”. Nhân vật được tạo ra từ 3D Animation vô cùng đẹp mắt, mượt mà và có một chiều sâu nhất định, mang đến cho người xem cảm giác chân thật, sống động và gần gũi nhất.
Sự thành công vào năm 1995 của bộ phim Toy Story được xem là khởi nguồn mang 3D Animation trở nên thân thuộc hơn với phần đông khán giả. Sau này, ngày càng có nhiều tác phẩm hoạt hình 3D xuất sắc đã được trình làng và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ người xem như: Frozen 2, Up, Minions,…
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP
Hiện nay, Animation ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp giải trí trên toàn thế giới. Vì vậy, khi lựa chọn dấn thân vào sự nghiệp đầy tiềm năng này sẽ có rất nhiều vị trí nghề nghiệp đang chờ đợi bạn: 2D/3D Animator (Chuyên gia diễn hoạt 2d/3D), Lighting Artist (Chuyên gia về ánh sáng), Rigging Artist (Chuyên gia tạo hệ thống chuyển động cho mô hình 3D), Texturing Artist (Chuyên gia tô màu và làm vật liệu cho mô hình 3D),…
TỔNG KẾT SỰ KHÁC NHAU CƠ BẢN GIỮA VFX VÀ ANIMATION
KẾT
Tuy tồn tại nhiều điểm khác biệt, nhưng trên thực tế, khoảng cách giữa VFX và Animation ngày càng được kéo lại gần nhau hơn. Ngày nay, VFX luôn đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của các tác phẩm Animation. Chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên khi bắt gặp những hiệu ứng hình ảnh vốn thuộc về VFX xuất hiện trên các thước phim hoạt hình, hoặc những hình ảnh 3D được làm từ nền tảng của Animation lại càng ngày có mặt nhiều hơn trong các bộ phim có người thật đóng. Nếu chỉ đơn thuần là những hình ảnh chuyển động thì các bộ phim sẽ trông thật nhàm chán, chính vì thế mà sự cộng hưởng giữa VFX và Animation mang đến nhiều bứt phá sáng tạo bất ngờ và độc đáo, mang một hơi thở mới mẻ, hiện đại biến những hình ảnh vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng trở nên sống động trước mắt người xem.