Sinh viên lựa chọn học song ngành để được theo đuổi đam mê VFX-3D-GAMES

Đi theo hai từ “ổn định” để học tập một ngành nghề phổ biến tại các trường Đại học/Cao đẳng, song song đó nhiều bạn trẻ vẫn lựa chọn Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC để được sống với đam mê nghệ thuật của mình.

Việc học song song hai ngành hiện nay đang trở thành trào lưu của thế hệ trẻ. Trong thời đại công nghệ đòi hỏi sự đa năng và linh hoạt, nhiều bạn trẻ lựa chọn học song ngành để nâng cao kỹ năng của bản thân và mở rộng cơ hội phát triển sự nghiệp.

Nhiều trường hợp, các bạn lựa chọn việc học song ngành để tạo ra cầu nối giữa các lĩnh vực khác nhau, áp dụng kiến thức của cả hai vào mục tiêu nghề nghiệp của mình. Và bên cạnh đó, nhiều bạn học song ngành đơn giản là vì khi trải qua ngành nghề đầu tiên, bạn mới nhận ra được đâu là đam mê thật sự của mình và can đảm theo đuổi nó.

Những lý do phổ biến trên cũng chính là câu chuyện của một số Học viên đang theo học các ngành Kỹ xảo điện ảnh (VFX – Visual Effects), Hoạt hình 3D (3D Animation) và Thiết kế Game (Game Art & Design) tại Học viện MAAC. Các bạn đã học song song hai ngành học, dẫu ai cũng biết đây là một con đường không trải hoa hồng, nhưng các bạn vẫn quyết tâm “khổ trước” để rồi “sướng sau”. 

Ngay bây giờ, hãy cùng Học viện MAAC lắng nghe những chia sẻ đầy thú vị của các bạn học viên về câu chuyện học song ngành nhé!

Xin chào, đầu tiên các bạn hãy giới thiệu sơ nét về bản thân nhé!

Trọng Hiếu: Xin chào mọi người, mình là Nguyễn Trọng Hiếu, hiện mình đang học ngành 3D Animation tại MAAC. Song song với việc học ở MAAC, hiện mình đang theo học ngành Thiết kế đồ họa tại trường đại học FPT.

Thục Văn: Hi, mình là Trần Thục Văn, học viên kỳ 2 khóa Game Art & Design tại MAAC. Bên cạnh đó, mình cũng đang theo học ngành Thiết kế đồ họa tại một trường Đại học tại TP.HCM. Nhắc đến Thiết kế đồ họa thì chắc là mọi người đang nghĩ là mình học về art, mỹ thuật các thứ đúng không ạ? Nhưng không, thực tế thì “nó lạ lắm”, ngành mình học đi sâu về phần lập trình (cười).

Kiều Duyên: Chào mọi người, mình là Kiều Duyên, năm nay mình 21 tuổi. Mình hiện đang theo học ở học kỳ 2 tại MAAC ngành Thiết kế Game và cùng với đó là theo học tại Đại học Bách Khoa với chuyên ngành Kỹ thuật Hóa học.

Hành trình của bạn đến với ngành VFX/3D/GAMES bắt đầu từ đâu? Cơ duyên nào để bạn theo đuổi ngành học này?

Kiều Duyên: Xưa nay mình đã thích về thiết kế, nên khi học xong cấp 3 mình đã quyết định đi theo sở thích của mình. Đầu tiên mình lựa chọn một nơi để học Graphic Design, song song với đó là học một ngành Kỹ thuật ở một trường đại học khác theo định hướng của gia đình, và mình đã chọn ngành Hóa tại Bách Khoa.

Sau một thời gian học tập song song giữa Kỹ thuật Hóa và Graphic Design, cảm thấy việc học ở Bách Khoa khá nặng nên mình quyết định ngừng học Graphic Design ngay khi kết thúc học kỳ 1. 

Lại thêm một khoảng thời gian nữa, khi dần cảm thấy mình và Bách Khoa “không có liên quan gì với nhau lắm” nên mình đã có suy nghĩ sẽ quay trở lại nhóm ngành nghệ thuật mà mình yêu thích. Và thật may khi thời điểm mình có dự định rẽ ngành thì ngành Game trở nên bùng nổ. Do đó mình quyết định tìm đến MAAC để theo đuổi ngành Thiết kế Game. 

Trọng Hiếu: Trong quá trình học Thiết kế đồ họa tại FPT, mình có cơ hội được tiếp xúc với cả mảng 2D lẫn 3D. Và qua một thời gian dài học tập, mày mò các phần mềm để giải đáp bài tập, đồ án, mình cảm thấy mình đam mê và phù hợp hơn ở mảng 3D so với 2D.

Sau khi nhận ra sở thích thật sự, mình đã bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn, nghiên cứu nhiều hơn và quyết định bước chân vào MAAC để bắt đầu học 3D chuyên sâu.

Thục Văn: Mình tìm ra MAAC cũng là một kỳ tích vậy đó. Tương tự như khi mình tìm ra được kho báu một cách bất ngờ, không lường trước được vậy (cười). Mình vốn đã yêu thích việc thiết kế nhân vật Game từ trước, nhưng vẫn chưa tìm thấy môi trường phù hợp dành cho mình. Sau một lần vô tình tìm thấy MAAC trên facebook, sau đó ấn vào và được tư vấn nhiệt tình, và… một cách nhanh chóng mình có mặt ở MAAC để theo đuổi đam mê Game Art & Design. 

Với Trọng Hiếu và Thục Văn, ngành học của các bạn tại trường Đại học và ngành đang học tại MAAC có thể được xếp chung vào một nhóm ngành. Vậy việc học song song 2 ngành cùng hệ ngành này bổ trợ gì cho nhau?

Thục Văn: Có thể nói thì 2 ngành mình đang học tựa như một con sông lớn nhưng được chia thành 2 nhánh vậy đó. Nhiều khi để mình giỏi cả 2 thì chắc chắn không thể được, mình chỉ có thể gia giảm một ngành xuống ở mức vừa phải để ngành khác có thể “trồi” lên. 

Việc hai ngành học bổ trợ cho nhau thì cũng chỉ một phần nào đó. Ngành mình học ở đại học giúp mình có được kiến thức cơ bản về lập trình, chỉ cơ bản thôi chứ không thật sự phù hợp để mình có thể lập trình ra một “con game” hoàn chỉnh.

Trọng Hiếu: Khi bắt đầu theo đuổi ngành 3D, mình cũng nhận thức được rằng hai ngành mình đang theo học cũng có sự kết nối khắng khít với nhau ngay từ ban đầu. Bởi vì nếu như mình giỏi các kiến thức 2D, mình cũng sẽ dễ dàng áp dụng những kiến thức đó để phân tích và giải quyết một số vấn đề bên phần 3D. Nên khi học 3D rồi, mình có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức tốt hơn vì sở hữu sẵn nền tảng 2D. Ngược lại, kiến thức đã được tích lũy khi học 3D cũng giúp mình cảm thấy học 2D “dễ thở” hơn.

Vì vậy mình cảm thấy việc học song song 2 ngành tương tự nhau giúp mình phát triển được rất nhiều thứ, nổi bật là khả năng mỹ thuật và cả tư duy thiết kế. 

Còn với Kiều Duyên, lý do vì sao bạn quyết định theo học song ngành, theo một ngành hoàn toàn trái ngược với ngành ban đầu bạn theo học?

Kiều Duyên: Chắc là vì định hướng của gia đình. Thật ra trong suy nghĩ của gia đình thì ba mẹ vẫn mong muốn mình hoàn thành một ngành học ở trường đại học nào đó, để khi ra trường có được một tấm bằng, như vậy sẽ làm họ an tâm hơn. Nên khi quyết định theo đuổi đam mê với ngành làm Game, mình vẫn tiếp tục học ở Bách Khoa để hoàn thành cho xong chương trình học, sau đó sẽ tập trung phát triển nghề nghiệp từ đam mê.

Bạn đã gặp phải những thách thức gì khi học song ngành? Nếu có, bạn đã vượt qua nó như thế nào?

Kiều Duyên: Mình nghĩ là thách thức đầu tiên khi học song ngành chính là quản lý thời gian. Để cân bằng được cả hai và học cả hai ở mức ổn thì mình nghĩ khá khó. Lý do là vì lượng bài tập ở MAAC lẫn ở Bách Khoa đều khá nhiều và phức tạp. Nên mình phải tràn đều ra để học chứ không dồn lại 1 lúc. 

Thường thì mọi người sẽ chia ngày học nhưng với riêng mình sẽ chia theo tuần. Tuần này mình học Kỹ thuật Hóa ở Bách Khoa, tuần tiếp theo mình sẽ dành cho ngành Game ở MAAC. Cách sắp xếp như vậy đủ để mình nắm vững được kiến thức đã học và cũng không bị gò bó thời gian. 

Thục Văn: Với mình thì học song ngành cũng bình thường, 2-4-6 mình học ở đại học, 3-5-7 mình học ở MAAC. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn thi và làm đồ án của cả 2 ngành thì mình có gặp những trở ngại về thời gian cũng như khối lượng kiến thức cần tiếp thu khá nhiều. 

Thời gian đầu khi gặp tình trạng này mình có hơi khó khăn, nhưng quen dần thì mình cũng biết cách sắp xếp để làm trước 1 trong 2 bên để đến deadline thì hoàn thành nốt bên còn lại. Ở MAAC cũng có một số thầy cô dễ, cho thư thả deadline nên mình cũng thấy thoải mái hơn.

Nhiều người hỏi mình như vậy có áp lực thì không, mình trả lời không. Bởi mình thấy bất kỳ ngành nghề nào đi nữa, đặc biệt là ngành nghệ thuật thì bị deadline “dí” là chuyện bình thường, cứ “chill” với nó thôi (cười).

Vậy bên cạnh những thách thức, lợi thế của việc học song ngành là gì? Bạn đã tận dụng lợi thế đó như thế nào trong việc học?

Thục Văn: Mình nghĩ chắc lợi thế của mình đó chính là vừa biết được design, vừa biết chút chút về dev (lập trình). Nên khi cần nảy sinh ý tưởng cho game, mình có thể cân nhắc rằng ý tưởng này về mặt lập trình có thể làm được không, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp. 

Trọng Hiếu: Khi học song ngành thì lợi thế của mình chính là được tiếp cận với nhiều kiến thức hơn, chẳng hạn như viết kịch bản. Đơn giản là vì ngành 3D mình học ở MAAC với 2D học ở FPT có thể bổ trợ cho nhau.

Mình biết về mảng 3D nên có thể áp dụng kiến thức 3D đó vào những tác phẩm 2D của mình và ngược lại. Điều này sẽ giúp cho cả 2 ngành đều được phát triển từng ngày, sản phẩm làm ra cũng tốt hơn chứ không mảng nào yếu hơn mảng nào. Đây là lợi thế của mình khi học song song 2 ngành 2D và 3D.

Làm thế nào để bạn cân bằng được việc học giữa hai ngành? Bạn đã quản lý thời gian cũng như sắp xếp khối lượng kiến thức như thế nào để được học tập hiệu quả?

Thục Văn: Vì việc học tập ở trường đại học của mình cho phép mình được quyền lựa chọn môn học, đăng ký tùy ý ở mỗi học kỳ. Vì vậy mình có thể phân bổ được thời gian với lượng kiến thức sao cho hợp lý. 

Mình đã xác định ngay từ đầu là 3-5-7 sẽ dành toàn bộ thời gian để theo đuổi đam mê ngành Game tại MAAC, cứ học tập và vẽ thôi. Còn sang hôm sau sẽ “reset” lại từ đầu và tập trung vào học lập trình ở đại học. Bên đại học thì mình chỉ đang duy trì ở mức học vừa đủ, tiếp thu những kiến thức thầy cô đã dạy chứ không phải cố gắng để học chuyên sâu như các bạn. Điều này giúp mình thoải mái tâm lý để tập trung học tập và theo đuổi đam mê với ngành Game.

Trọng Hiếu: Khi bắt đầu học ngành 3D, mình đã xác định rằng mình sẽ phát triển sự nghiệp đối với lĩnh vực này. Do đó, mình sẽ hệ thống lại tất cả những kiến thức cần thiết và chuyên sâu hơn và dành thời gian học nhiều hơn. Còn đối với 2D, mình sẽ chỉ tập trung vào phần phát triển tư duy mỹ thuật, học những thứ căn bản, vừa đủ để mình áp dụng vào công việc chứ không nghiên cứu chuyên sâu.

So với các bạn đồng trang lứa, bạn có cảm thấy việc học song ngành mang lại cho bản thân lợi thế gì hơn không? Cụ thể đó là gì?

Kiều Duyên: Mình nghĩ rằng việc học song ngành cung cấp cho mình lượng kiến thức nhiều hơn, mình hiểu được nhiều kiến thức chuyên sâu hơn so với các bạn học cùng. 

Tiếp xúc với mấy bạn học cùng lớp và có chơi với bạn ngoài lớp, có nhiều thứ mình biết nhiều hơn mấy bạn, nhưng không phải do mình tìm hiểu nhiều mà là do những kiến thức từ môi trường đại học mang lại. Lấy ví dụ như ngành Kỹ thuật Hóa của mình thiên về hóa chất và kỹ thuật máy móc, thì khi cần thiết kế máy móc, thiết bị trong game để nhân vật trải nghiệm, mình cũng sẽ hiểu hơn về nguyên lý hoạt động cũng như cách thức thiết kế sao cho hợp lý.

Trọng Hiếu: Tuy thật sự việc học song ngành có hơi mất nhiều thời gian và khiến mình bận rộn, nhưng phải công nhận là nó có thể giúp mình tiếp thu nhiều kiến thức hơn so với bạn bè, mình có thể rèn luyện tư duy về mỹ thuật và biết cách sử dụng nhiều phần mềm khác nhau để liên kết cả hai lại trong một sản phẩm. Một điều thực tế là các bản thiết kế của mình đều có sự xuất hiện xen lẫn giữa 2D và 3D.

Trên thực tế, việc sử dụng các phần mềm thiết kế 2D để làm 3D thì không thể. Nhưng mình có thể dựng concept cho 2D, sau đó đem qua 3D để tiếp tục làm công việc của mình. Đó là cách để mình liên kết cả 2 kiến thức áp dụng vào bài tập cũng như công việc.

Hãy chia sẻ mục tiêu sự nghiệp của bạn trong tương lai nhé!

Thục Văn: Mình hy vọng rằng mình sẽ tốt nghiệp đúng hạn cả 2 ngành đang học và show ra được những sản phẩm nổi bật để gia đình biết. Thực tế thì ngành Game cũng khá mới, nên nhiều phụ huynh cũng nghi ngờ về tiềm năng đầu ra. Nên mình mong muốn rằng khi tốt nghiệp, bản thân sẽ sở hữu một portfolio hoành tráng và có thể “apply” vào các công ty về Game để bắt đầu theo đuổi đam mê.

Xa hơn thì mình mong muốn bản thân có đủ kỹ năng để làm việc freelance. Mình đã dự tính rằng sẽ đi làm ở công ty để tích lũy kinh nghiệm, làm đẹp portfolio và sau đó sẽ chính thức ra làm freelance.

Còn về việc “thỏa mãn” đam mê làm Game, mình muốn rằng sau này có thể tự tạo ra cho mình một con game mà trong đó là từng nhân vật, bối cảnh và câu chuyện đều do mình “định đoạt”. Hoặc nếu được thì có thể thêm một số “easter egg” (chi tiết gây điểm nhấn) vào các tựa game của người khác, để khiến những nhân vật game hoặc môi trường game đã được ra mắt trở nên thu hút hơn.

Kiều Duyên: Nghĩ gần thì mình mong muốn lĩnh hội được đủ kiến thức để làm việc tại các Studio Game, trở thành một phần để tạo ra những tựa game đang nổi trên thị trường. Còn mục tiêu dài hạn hơn, mình nghĩ không chỉ riêng mình mà tất cả những ai theo đuổi ngành Game đều mong muốn tạo ra những con game hay, có thể sản xuất rộng rãi ra thị trường.

Trọng Hiếu: Hiện tại thì mình vừa được tham gia vào lớp PROCLASS của Sparx* (A Virtuos Studio). Nên mình đang cố gắng để có thể học tập tốt và đậu được lớp học này để có thể nâng cao kỹ năng và tìm kiếm được những cơ hội việc làm mới. Và nếu nói về ước mơ lớn hơn thì mình mong muốn sau này bản thân mình có thể mở ra một Studio riêng để có thể thực hiện những dự án về 3D, tương tự như những studio mà mình yêu thích đang hoạt động.

Cuối cùng nếu có lời khuyên cho những bạn muốn học song ngành, vừa theo đuổi các ngành hậu kỳ như VFX-3D-GAMES, vừa học tập một ngành khác, bạn sẽ dành lời khuyên gì?

Thục Văn: Mình cảm thấy may mắn vì đã và đang trải qua 2 ngành học tại đại học và tại MAAC. Dù nó tách biệt rõ rệt, nhưng mình cảm thấy rằng nó cũng ít nhiều hỗ trợ qua lại cho nhau. Nên mình nghĩ rằng với những bạn lựa chọn học song song hai ngành có liên quan đến nhau, bạn cứ hãy mạnh dạn theo đuổi. Nếu có khả năng, hãy cố gắng học tốt cả 2 ngành để cơ hội việc làm được mở rộng hơn. Còn không, hãy xác định ngành nào mình thật sự mong muốn gắn bó trong tương lai và tập trung hơn vào nó.

Trọng Hiếu: Nếu như các bạn đã quyết định học song ngành, thì hãy xác định rõ đâu mới chính là ngành mà bạn muốn phát triển trong tương lai, từ đó mà phân chia thời gian học tập phù hợp.

Kiều Duyên: Việc học song ngành khá khó để mình có thể đảm nhiệm tốt được cả hai, dễ áp lực. Mình nghĩ rằng nếu các bạn quyết định học song ngành, vừa học ở trường đại học để gia đình an tâm và vừa theo đuổi đam mê với các ngành nghệ thuật khác, bạn hãy cố gắng thoải mái, đừng áp lực mình học tốt tất cả mọi thứ, chỉ cần vừa đủ là được. Dần dần thì mọi thứ cũng sẽ ổn. Hãy cố gắng lên nhé!

Cảm ơn các bạn đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Qua những chia sẻ đầy bổ ích, chắc chắn rằng các bạn trẻ khác sẽ có thêm nhiều góc nhìn bổ ích về câu chuyện học song ngành. Biết đâu được, nhờ vào đó mà các bạn mạnh dạn bước vào con đường học song ngành để có thể theo đuổi đam mê của chính bản thân mình.

SIGN UP FOR FREE

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ