Tạo ra một showreel đủ chất lượng để phô bày kỹ năng và các dự án đã thực hiện là cách tốt nhất để Animator tìm được một công việc hoạt hình với mức lương cao.
Đối với hầu hết các chuyên gia bên ngoài lĩnh vực sáng tạo, một bản CV phô bày được những kỹ năng, kinh nghiệm kèm theo đó là một đơn xin việc được trình bày kỹ càng là những giấy tờ quan trọng để có được một công việc phù hợp. Thế nhưng, đối với những nhà làm phim hoạt hình, để ứng tuyển vào các studio đang hoạt động trong lĩnh vực yêu cầu bạn phải sở hữu một showreel đủ chất lượng để giới thiệu kỹ năng và các dự án hoạt hình trước đó.
Trước khi đi vào các bước để tạo ra một Showreel hiệu quả, bạn cần phải hiểu được showreel là gì.
Showreel là gì?
Theo Studio Pigeon, showreel là một video ngắn giới thiệu những tác phẩm hay nhất của những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật, trong đó bao gồm cả Animator – Nhà làm phim hoạt hình. Các animator sử dụng showreel để tiếp thị bản thân tốt hơn, phô bày kỹ năng với khách hàng của mình, khiến bản thân nổi bật hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Biết cách tạo ra một showreel hấp dẫn sẽ giúp bạn xác định được điểm khác biệt của bản thân đối với các animator khác. Có rất nhiều lưu ý để tạo ra showreel của riêng bạn, từ việc lựa chọn nội dung nào nên đưa vào showreel hoặc nhạc nền xuyên suốt video cho đến các hiệu ứng chuyển tiếp giữa các sản phẩm. Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau điểm qua các bước cụ thể giúp bạn tạo ra một showreel hiệu quả, nếu bạn có ý định tiến sâu vào lĩnh vực hoạt hình, các bước hướng dẫn dưới đây là dành cho bạn.
Các bước tạo Showreel hiệu quả dành cho Animator
Bước 1: Xác định rõ ràng mục tiêu tạo ra showreel
Theo Creative Lives in Progress, bước đầu tiên để có thể tạo ra một showreel ấn tượng chính là bạn biết rõ được mục đích và lý do mình nên thực hiện đoạn showreel này. Xác định mục tiêu rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quyết định sáng tạo của bạn.
Hãy nhớ rằng, điểm chính của việc thực hiện một showreel chính là thuyết phục khách hàng hoạt hình tiềm năng của bạn hoặc một công ty hoạt hình mà bạn đang muốn làm việc. Bạn sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình nếu showreel của bạn không thể cung cấp thông tin một cách hiệu quả.
Do đó, trước tiên bạn cần phải xác định mục tiêu khi làm showreel. Bằng cách này, bạn có thể thu hút sự chú ý của khách hàng từ đầu đến cuối và truyền đạt một cách thuyết phục lý do tại sao họ nên lựa chọn bạn thay vì những animator khác.
Bước 2: Sắp xếp các dự án hoạt hình
Khi đã thiết lập được mục tiêu của mình, bước thứ 2 trong quy trình tạo showreel là sắp xếp các dự án đã thực hiện vào cùng một thư mục.
Howard Wimshurst – Một họa sĩ hoạt hình tự do cho biết, sắp xếp video là một trong những bước quan trọng để tạo nên một showreel ấn tượng. Sắp xếp các tệp sản phẩm của bạn vào một thư mục, bạn sẽ định vị được các dự án mà mình muốn đưa vào showreel một cách dễ dàng hơn.
Bạn có thể sắp xếp các dự án hoạt hình của mình bằng cách tạo ra một thư mục trên máy tính. Cách này cũng giúp bạn tổng hợp được các sản phẩm mình đã thực hiện và dễ dàng truy xuất, truy cập tiện lợi.
Bước 3: Chọn dự án hoạt hình nổi bật
Sau khi đã sắp xếp các đoạn phim hoạt hình của bạn vào một thư mục, bước thứ 3 trong quá trình tạo showreel cho animator chính là lựa chọn kỹ lưỡng các sản phẩm thể hiện tài năng của bạn trong lĩnh vực hoạt hình.
Sẽ rất tốt nếu như showreel chứa các sản phẩm mà bạn yêu thích. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng kỹ năng và kiến thức của bạn được phô bày rõ nét trong các tác phẩm, các hãng phim và khách hàng sẽ dựa vào đây để xem xét những gì mà bạn có thể mang lại cho họ.
Lĩnh vực hoạt hình có nhiều phong cách sáng tạo riêng biệt. Do đó, showreel của bạn cũng cần định vị được phong cách hoạt hình mà bạn yêu thích và mong muốn được phát triển trong tương lai. Nói cách khác, bạn chỉ nên giới thiệu những sản phẩm nổi bật nhất, phản ánh lĩnh vực hoạt hình mà bạn muốn theo đuổi chuyên sâu.
Chọn sản phẩm hoạt hình là bước cốt yếu khi làm showreel. Như Howard Wimshurst đã chia sẻ trong những video hoạt hình của anh ấy, đó là những gì bạn thể hiện trong showreel sẽ quyết định loại công việc hoạt hình mà bạn sẽ đảm nhiệm trong tương lai. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần phải điều chỉnh showreel của mình để phù hợp với vai trò mà bạn đang ứng tuyển.
Dù vậy, không có bất kỳ quy tắc nào cho animator khi thực hiện showreel. Bạn hoàn toàn có thể tạo ra showreel giới thiệu tất cả các sản phẩm nổi bật nhất của mình với đa dạng các thể loại hoạt hình khác nhau.
Bước 4: Tạo Storyboard (bảng phân cảnh) cho showreel
Sau khi thực hiện 3 bước trên, hãy tạo storyboard (bảng phân cảnh) để showreel của bạn trở thành một câu chuyện mạch lạc, gây ấn tượng với khách hàng và nhà tuyển dụng. Storyboard cho phép bạn hình dung từ đầu đến cuối showreel của mình và cũng cho phép bạn điều chỉnh thứ tự các dự án trước khi chỉnh sửa.
Thông qua storyboard, bạn có thể đánh giá được các sản phẩm hoạt hình của mình có truyền tải được câu chuyện hấp dẫn về con người bạn và lĩnh vực mà bạn muốn theo đuổi chuyên sâu hay không.
Bước 5: Chọn một phần mềm chỉnh sửa
Lựa chọn một phần mềm chỉnh sửa là bước tiếp theo để bạn biên tập showreel theo đúng với nhu cầu của mình.
Có rất nhiều phần mềm chỉnh sửa giúp bạn dễ dàng sản xuất showreel của mình một cách hiệu quả. Trong đó, Adobe Premiere Pro là một trong những trình chỉnh sửa video hàng đầu trong ngành và được hầu hết các Artist cũng như các Animator sử dụng.
Ngoài ra, Adobe cũng cung cấp phần mềm cho các nhà làm phim hoạt hình – Adobe After Effects. Adobe After Effects chuyên về đồ họa chuyển động, tạo hiệu ứng, văn bản, chỉnh sửa video cơ bản,…
Cả Adobe Premiere Pro và Adobe After Effects là 2 phần mềm chỉnh sửa có thể giúp bạn sản xuất showreel của mình một cách trôi chảy hơn.
Bước 6: Đem những gì tốt nhất lên đầu
Các hãng phim và khách hàng thường sẽ không có nhiều thời gian để xem trọn vẹn tất cả các showreel của các animator gửi về cho họ, trừ khi đó là những sản phẩm vô cùng xuất sắc, khiến họ bị ấn tượng. Đó là lý do vì sao bạn nên thu hút sự chú ý của người xem showreel của mình ngay từ 10 giây đầu tiên của video. Chỉ trong thời gian đó, khách hàng hoặc nhà tuyển dụng sẽ biết được liệu họ sẽ biết được có hợp tác với bạn hay không.
Howard Wimshurst gợi ý các nhà làm phim hoạt hình rằng nên đặt tác phẩm xuất sắc nhất của họ ở phần đầu tiên của showreel và đặt tác phẩm hay thứ hai ở phần cuối. Đó là vì để sản phẩm tốt nhất ở đầu sẽ tạo ra ấn tượng đầu tiên một cách tốt nhất và kết thúc bằng một tác phẩm xuất sắc khác cũng sẽ để lại dấu ấn mạnh mẽ cho người xem.
Hãy nhớ rằng, khách hàng hoặc nhà tuyển dụng có thể còn nhận được rất nhiều showreel từ người khác ngoài bạn. Vì vậy bạn phải cố gắng hết sức để showreel của mình trở nên đáng nhớ và đáng giá đối với họ.
Bước 7: Chọn một bản nhạc phù hợp
Lựa chọn bản nhạc thích hợp để kết nối các video trong showreel lại với nhau cũng là yếu tố gây hấp dẫn người xem. Việc thêm nhạc cũng thể hiện tính sáng tạo của bạn, tạo ra một chủ đề cho showreel.
Nên nhớ, bạn cần phải lựa chọn âm nhạc sao cho phù hợp với không khí và nhịp độ các video hoạt hình mà bạn đã lựa chọn. Tránh tình trạng thêm bản nhạc yêu thích của mình mà không suy nghĩ và đánh giá xem nó có phù hợp hay không.
Sự lựa chọn âm nhạc của bạn cho showreel không được làm người xem mất tập trung hoặc khó chịu. Thay vào đó, hãy nghĩ rằng âm nhạc chính là sự kết nối các video hoạt hình của bạn, mang lại tính thống nhất, chỉn chu.
Dù âm nhạc có thể giúp showreel của bạn trở nên hấp dẫn hơn, nhưng bạn phải đảm bảo rằng bạn không phụ thuộc quá nhiều vào nó. Theo CG Spectrum, có nhiều trường hợp khách hàng hoặc nhà tuyển dụng không bật âm thanh khi xem showreel. Vì vậy hãy đảm bảo rằng showreel của bạn thể hiện được tính thu hút ngay cả khi không có nhạc.
Free Music Archive là một thư viện nhạc trực tuyến cung cấp vô số bản nhạc mà bạn có thể sử dụng cho showreel của mình. Khi sử dụng nhạc của nghệ sĩ khác, hãy luôn ghi tên của họ đâu đó trong showreel.
Bước 8: Thêm chi tiết
Bạn nên nhớ thêm các chi tiết nhỏ nhưng cần thiết để đưa vào showreel của mình. Chẳng hạn như tên dự án của một video hoạt hình, chú thích, phần mềm đã sử dụng khi làm sản phẩm đó,… Những chi tiết nhỏ này cũng giúp khách hàng của bạn hoặc người xem khác hiểu được những gì họ đang xem.
Hãy cố gắng để chèn các chi tiết nhỏ này một cách thật sáng tạo, vì phông chữ và phong cách của bạn cũng nói lên được nhiều điều về bạn khi bạn là một Animator.
Bước 9: Tải lên Showreel của bạn
Bước cuối cùng trong quy trình tạo ra showreel của riêng bạn chính là cho cả thế giới biết về nó. Khi đã hài lòng với kết quả showreel của mình sau quá trình chỉnh sửa, bạn có thể tải thành quả lên các trang web hoặc mạng xã hội của chính bạn. Ưu điểm của việc này chính là khách hàng và nhà tuyển dụng sẽ không phải mất thời gian để tìm hiểu thêm về bạn và các dự án của bạn.
Một tùy chọn khác là gửi email showreel của bạn dưới dạng liên kết hoặc tệp đính kèm đến các hãng phim, khách hàng. Hãy đảm bảo rằng kích thước tệp nhỏ nhất có thể mà vẫn không giảm độ phân giải, vì khách hàng có thể tải xuống và xem showreel của bạn trực tiếp trên điện thoại của họ.
Vimeo và Youtube cũng là những kênh mà bạn có thể đăng tải showreel của mình. Theo Bloop Animation, mặc dù việc tải showreel lên Youtube có thể giúp bạn tiếp cận được nhiều người xem, thế nhưng đây có thể là một nền tảng kém chuyên nghiệp để giới thiệu tác phẩm của bạn. Ngược lại, Vimeo là một nền tảng có thể giúp bạn tải showreel của mình, tuy ít lượt xem hơn nhưng ưu điểm của Vimeo chính là có thể thay thế video trong cùng một URL (đường dẫn). Vì vậy khi cập nhật video giới thiệu, bạn có thể thay thế video trên Vimeo dễ dàng hơn.
Cuối cùng thì không thể thiếu các kênh truyền thông, mạng xã hội. Bạn có thể đăng tải showreel của mình lên Instagram hay Linkedin. Bằng cách này, nhiều người có thể xem được sản phẩm của bạn và liên hệ trực tiếp để hợp tác làm việc.
Lời khuyên về cách tạo một Showreel
Để tạo ra một showreel hấp dẫn không phải là việc có bao nhiêu sản phẩm xuất sắc là cứ cho vào. Bạn cần cân nhắc nhiều yếu tố từ số lượng sản phẩm, thời gian trên mỗi sản phẩm,… Dưới đây là một số lời khuyên về cách tạo một showreel mà bạn cần biết.
Giữ Showreel của bạn ngắn
Theo Creative Lives in Progress, một showreel cần phải dài khoảng 1 phút hoặc bạn có thể làm ngắn hơn. Lý do là vì các đoạn showreel dài hơn một phút có thể làm mất đi sự quan tâm của người xem.
Nếu các sản phẩm hoạt hình của bạn thể hiện cùng một nội dung hay phô bày cùng một kỹ năng của bạn, chỉ nên để một trong các sản phẩm đó để tránh dư thừa.
Quy định thời gian xuất hiện của mỗi sản phẩm hoạt hình
Đừng cắt ghép nhiều đoạn trong một sản phẩm hay sử dụng ảnh ghép để cho vào showreel. Hãy lựa chọn những đoạn ngắn của từng sản phẩm hoạt hình mà bạn đã thực hiện để cho vào showreel. Bằng cách này, bạn có thể phô bày được kỹ năng diễn hoạt của mình tốt hơn.
Kiểm tra quyền của bạn
Trước khi công khai showreel của bạn, hãy đảm bảo rằng tất cả các đoạn phim hoạt hình mà bạn thực hiện trong showreel đều là tác phẩm được phê duyệt, không vi phạm bản quyền. Nói cách khác, hãy chắc chắn rằng bạn có quyền sử dụng các sản phẩm có trong showreel để chia sẻ đến khách hàng và nhà tuyển dụng.
Tạm kết
Hãy nhớ rằng, showreel chính là cách tốt nhất để giới thiệu các kỹ năng và kiến thức chuyên môn về hoạt hình của bạn, đồng thời cũng là thứ để thu hút nhà tuyển dụng hoặc khách hàng tiềm năng.
Một điều cần nhớ tiếp theo chính là showreel sẽ luôn không ngừng phát triển và cần phải cập nhật liên tục. Do đó, bạn cần phải nâng cấp showreel của mình khi thấy phiên bản cũ không còn thể hiện được đúng với mục tiêu của bạn cho những công việc hoạt hình mà bạn mong muốn.
Hãy làm theo các bước trên để có thể tạo ra một tập trình chiếu sản phẩm hoạt hình của riêng bạn. Nên nhớ rằng, đầu tư thời gian và công sức để tạo ra một showreel chất lượng là chìa khóa để bạn mở ra những công việc hoạt hình được trả lương cao.
Lược dịch từ: Businessofanimation
Lê Hòa