Với sự dẫn dắt của đạo diễn Tomohiko Ito, nhiều bạn trẻ đã hiểu được quy trình làm nên một bộ phim hoạt hình chuẩn phong cách Nhật Bản là như thế nào!
Hôm 22/1 vừa qua, Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC đã tổ chức thành công lớp học online đặc biệt mang tên “Masterclass: Quy trình làm phim hoạt hình cùng Top Anime Director Tomohiko Ito” với sự tham gia của hơn 40 bạn trẻ tại TPHCM. Được biết trong những năm gần đây, hoạt hình Nhật Bản, đặc biệt là thể loại Anime có sức ảnh hưởng rất lớn đến thị trường châu Á. Bởi không chỉ gây ấn tượng với lối xây dựng nhân vật vô cùng sáng tạo, cốt truyện giàu ý nghĩa mà còn tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến hàng đầu thế giới.
Chính điều này đã khiến không ít các bạn trẻ cảm thấy thích thú và luôn muốn tìm hiểu về quy trình sản xuất một bộ phim hoạt hình chuẩn phong cách Nhật Bản. Hiểu được tâm ý đó, Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC phối hợp cùng Cục xúc tiến Văn hoá của Chính phủ Nhật Bản (Agency for Cultural Affairs, Government of Japan) đã tạo điều kiện cho những bạn có chung niềm đam mê về Anime gặp gỡ, giao lưu trực tuyến với đạo diễn Tomohiko Ito – người đứng sau hàng loạt bom tấn kinh điển, từng tạo ra nhiều “cú hit” cho điện ảnh thế giới như Sword Art Online The Movie (SAO), Death Note, Silver Spoon…
Trong buổi Masterclass, đạo diễn Tomohiko Ito đã giới thiệu rất chi tiết về quá trình tạo nên các phân cảnh đặc sắc trong bộ phim Sword Art Online The Movie (tựa đề tiếng Việt: Ranh giới hư ảo) như cách để tạo nên phân cảnh một vụ nổ, cách xây dựng nét vẽ để tạo nên biểu cảm theo mong muốn cho nhân vật,…
Bên cạnh đó, đạo diễn còn tiết lộ để có thể làm nên một bộ phim cần phải có sự hợp sức của rất nhiều người và mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành được. Trung bình mỗi bộ phim phải tốn 2 – 3 năm thực hiện. Còn đối với một bộ phim dài tập thì mỗi tập phải mất gần 1 năm để hoàn thành.
Đặc biệt, đối với đạo diễn Ito, anh không giống mọi người là sẽ đưa hiện thực vào trong game mà trái lại sẽ đưa game ra ngoài hiện thực. Mỗi dự án anh thường đặt câu chuyện lên hàng đầu nhưng cũng cần phải có nhân vật hấp dẫn thì câu chuyện mới thu hút người xem. Do đó, mỗi sản phẩm qua đôi bàn tay của đạo diễn Ito đều tạo nên hiệu ứng tích cực và nhanh chóng “cháy vé” mỗi khi cho ra mắt khán giả.
Để lại dấu ấn sâu đậm nhất có lẽ là bom tấn Sword Art Online The Movie (tựa đề tiếng Việt: Ranh giới hư ảo) được phát hành năm 2009. Bộ phim đã được khởi chiếu hơn 1.000 rạp trên toàn thế giới, và được sự đón nhận vô cùng nồng nhiệt từ người xem. Thậm chí, nó từng đứng thứ 20 trong Top 100 Anime hay nhất được khán giả bình chọn, do trang NHK công bố. Với sự thành công vượt bậc như thế đã phần nào chứng minh sự “mát tay” của đạo diễn Ito.
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ thắc mắc rằng, để có được thành công và sự đón nhận như thế thì giữa các yếu tố về nội dung câu chuyện, chất liệu hình ảnh, màu sắc, nhân vật,… thì đâu là yếu tố quyết định và quan trọng nhất? Đứng trước câu hỏi này, đạo diễn Tomohiko Ito chia sẻ: “Tôi xin nói đến những yếu tố mà tôi chú trọng đến. Tôi bắt đầu từ câu chuyện, nhưng muốn có câu chuyện cũng phải có nhân vật trong đó thật hấp dẫn và thú vị. Nếu chỉ có câu chuyện mà không có nhân vật thì cũng không làm được một bộ phim hay. Có một số điểm tôi thường hay chia sẻ với các bạn học sinh, đó là 3 trụ cột cơ bản: câu chuyện, nhân vật, hình ảnh.
Tôi lấy ví dụ từ phim Sword Art Online The Movie (SAO). Câu chuyện trong bộ phim SAO nói về ranh giới giữa thực và ảo, xây dựng cuộc sống tương lai. Nên khi kể câu chuyện tôi sẽ gợi lại ký ức đã có và thể hiện chúng quan trọng như thế nào.Khi có câu chuyện, tôi nghĩ đến nhân vật. Nhân vật Kirito có sức mạnh rất khủng khiếp. Sau mùa 1, thông qua một cuộc khảo sát, tôi nhận được kết quả từ khán giả rất thích nhân vật Kirito. Chính yếu tố sức mạnh vô địch của nhân vật đã được tôi giữ trong phiên bản phim chiếu rạp. Về hình ảnh: tôi làm cho AR trở nên đẹp và tuyệt diệu không thua kém gì khi làm VR”.
Mỗi một nghề đều có những khó khăn, áp lực riêng và đạo diễn Ito cũng thế. Đối với anh, khó khăn lớn nhất của mình trong quá trình làm việc với các Animator có lẽ là việc chỉ đạo sản xuất và cần giao tiếp với rất nhiều người. Bởi vì trong một dự án phim hoạt hình có rất nhiều người cùng tham gia nên cần phải có sự thống nhất, điều phối nhân sự hợp lý. Chẳng hạn, mình cũng phải biết nhân vật trong phim ở bối cảnh đó có những chuyển động như thế nào để chỉ đạo cho nhân sự của mình. Đôi khi tôi giao cho các họa sĩ 200-300 ảnh khác nhau thì khi kết nối câu chuyện cần phải làm như thế nào cho thật liền mạch.
Với tính chất công việc cần tiếp xúc nhiều người và nhiều phong cách làm việc khác nhau như vậy, có đạo diễn thấy không ưng ý sẽ kêu làm lại bằng những câu mệnh lệnh “Sai, làm lại, bỏ đi”. Riêng đạo diễn thì theo hướng khác: “Tôi chọn cách lắng nghe, động viên họ làm phần này cũng được đó nhưng cố gắng thêm chút nữa sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Tôi nghĩ mỗi người nghệ sĩ đều có lòng tự tôn riêng nên mình làm sao để khơi gợi ý thích của họ để họ làm tốt hơn. Cho nên tôi không nói phủ định hoàn toàn mà phải biết cách lèo lái làm sao để họ làm tốt”.
Ngoài ra, đạo diễn còn nhấn mạnh thêm một khó khăn khác chính là làm sao để mọi người có thể hiểu ý mình muốn diễn đạt. Anh cũng chia sẻ cho các bạn trẻ hướng giải quyết sự việc này: “Cách tốt nhất là tôi giải thích chi tiết bằng từ ngữ, đôi khi bằng cả cử chỉ cơ thể. Lúc này, bạn không được xấu hổ mà phải đứng ra diễn cho các họa sĩ vẽ theo. Khi được nhìn thấy, các Animator sẽ hình dung ra rõ ràng hơn”.
Sau khi tham gia lớp học, phần nhiều các bạn trẻ đã có những câu trả lời cho những thắc mắc của mình trong quá trình làm phim anime.