Kịch bản cho phim Hoạt hình 3D & 5 bước viết kịch bản cực đơn giản

Nếu có một câu chuyện tuyệt vời và một ý tưởng hoàn hảo cho phim Hoạt hình 3D, bước tiếp theo mà bạn cần thực hiện chính là biến những chất liệu đó “thành hình” thông qua một kịch bản hoàn chỉnh. 

Kịch bản trong phim hoạt hình là gì?

Kịch bản phim là một văn bản chính thức của câu chuyện. Các chuyển động cơ bản của nhân vật, môi trường, thời gian, hành động và đối thoại đều được ghi lại trong kịch bản. Bằng cách quan sát kịch bản, tất cả các thành viên trong một quy trình sản xuất từ tiền kỳ cho đến hậu kỳ đều có thể hiểu sâu sắc về câu chuyện tổng thể và thu thập các thông tin cần thiết để thực hiện các phần việc của họ một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Kịch bản được hoàn thiện sẽ là cấu trúc tham chiếu cho quy trình sản xuất là Viết phân cảnh (Storyboard).

Tương tự với phim người đóng, mọi sự kiện diễn ra trong phim hoạt hình 3D đều phải được chuyển thể thành kịch bản. Kịch bản phải bao gồm bất cứ điều gì mà khán giả của hoạt hình 3D sẽ xem và nghe chi tiết, chẳng hạn như hội thoại, hiệu ứng âm thanh, chuyển cảnh, miêu tả tâm lý nhân vật,…

Một kịch bản phải bao gồm ba yếu tố chính, đó là Địa điểm, Hoạt động và Hội thoại.

Sự cần thiết của kịch bản trong dự án hoạt hình

Trên thực tế, viết kịch bản cho một dự án Hoạt hình 3D chính là cách đầu tiên để thể hiện cốt truyện. Đây là một quy trình lặp đi lặp lại và có thể cần phải sửa đổi nhiều lần. Chuyển ý tưởng và câu chuyện từ suy nghĩ ra giấy là một trong những việc khó khăn nhất trong quy trình viết kịch bản.

Lợi ích của việc có một kịch bản hoàn chỉnh cho một dự án phim hoạt hình phải kể đến như:

  • Truyền tải thông tin đến với toàn bộ đội ngũ có liên quan một cách chính xác nhất, đảm bảo tất cả đều thống nhất một ý tưởng chung.
  • Dễ dàng nhận ra các lỗ hổng trong câu chuyện và khắc phục chúng.
  • Dựa vào kịch bản có thể phát triển thêm câu chuyện và nhân vật.
  • Hỗ trợ thực hiện Storyboard chi tiết.

Sự khác biệt giữa kịch bản cho phim hoạt hình và phim live-action

1. Sự mô tả

Trong các bộ phim live-action, hầu hết những gì diễn ra trên màn ảnh không cần miêu tả nhiều hay chi tiết, tất cả đều do đạo diễn quyết định. Nhưng hoạt hình 3D lại là một câu chuyện khác. Hoạt hình là một phương tiện hình ảnh vô cùng độc đáo mà phần lớn những hình ảnh được diễn ra là những thứ chúng ta chưa từng thấy trước đây và cần hình dung một cách chi tiết. 

Sau khâu viết kịch bản sẽ đến phần làm việc của các Storyboard Artist (nghệ sĩ kịch bản phân cảnh). Hầu hết các Storyboard Artist này chỉ dịch các từ được viết thành hình ảnh trực quan. Do đó, nếu những gì không được miêu tả chính xác và cụ thể trong kịch bản, nó sẽ không xuất hiện trên màn hình. Nói chung, việc truyền đạt hiệu quả các ý tưởng và yếu tố hình ảnh của hoạt hình 3D yêu cầu mô tả với nhiều chi tiết hơn so với người thật đóng.

Từng cử chỉ, biểu cảm của nhân vật hoạt hình đều cần có trên kịch bản để được xuất hiện trên phim (Nguồn ảnh: animationmentor)

2. Độ dài kịch bản

Mô tả chi tiết trong phim hoạt hình 3D dẫn đến một điểm khác biệt quan trọng khác giữa viết kịch bản live-action và hoạt hình, đó là độ dài.

Theo đó, quy tắc chung cho kịch bản live-action là “một phút trên màn hình cho mỗi trang kịch bản”, định dạng này khá chuẩn trong ngành công nghiệp điện ảnh. Ví dụ, thời lượng phim live-action trên màn hình là 90 phút sẽ tương ứng với 90 trang kịch bản.

Nhưng trong hoạt hình thì không phải như vậy. Một phút thời gian trên màn hình xấp xỉ bằng một trang rưỡi kịch bản hoạt hình. Vì vậy, một kịch bản Hoạt hình 3D dài 90 phút sẽ dài khoảng 135 trang.

Nguồn ảnh: Disney

5 bước viết kịch bản cho phim Hoạt hình 3D cực đơn giản

Viết kịch bản cho phim Hoạt hình 3D khá đơn giản và tất nhiên cũng tương tự như viết kịch bản cho live-action. Bạn chỉ cần lên ý tưởng, mô tả câu chuyện của mình với cấu trúc 3 phần mở đầu, thân bài, kết thúc. Giai đoạn tiếp theo chính là bắt tay vào viết, bảo đảm có đầy đủ các hành động, lời thoại, mô tả cảnh vật,…

Bước 1: Logline

Logline là một bản tóm tắt nội dung ngắn gọn và hấp dẫn nhất của một tác phẩm, thường có độ dài khoảng 1 câu hoặc không quá 2 câu. Có thể nói, logline cung cấp cho người đọc cái nhìn sâu sắc nhất về toàn bộ câu chuyện.

Bước đầu tiên trong quá trình viết kịch bản cho phim hoạt hình 3D chính là viết logline. Câu logline sẽ mô tả chân thật và rõ nét nhất cho tổng thể ý tưởng về câu chuyện của bạn.

Bước 2: Tiền đề

Bước thứ hai trong quá trình viết kịch bản chính là viết tiền đề cho câu chuyện. Các yếu tố gồm tiêu đề, cốt truyện, các nhân vật chính và một mô tả ngắn gọn làm nổi bật các bước ngoặt chính của câu chuyện sẽ tạo ra tiền đề. 

Tiền đề phải bao gồm phần đầu, phần giữa và phần kết với đầy đủ chi tiết để truyền đạt trọn vẹn ý tưởng. Bên cạnh đó, viết tiền đề cũng mang đến cơ hội để xem lại cốt truyện và xác định những điểm mạnh, điểm yếu của câu chuyện để phát triển thêm.

Bước 3: Đề cương kịch bản

Sau khi nghĩ ra cốt truyện và tiền đề, đã đến lúc để chia nhỏ câu chuyện thành từng phần và từng cảnh. Thực tế, các nhà biên kịch thường sử dụng ghi chú hoặc các thẻ chỉ mục để chia nhỏ kịch bản. 

Mục tiêu của việc tạo đề cương chính là vạch ra chi tiết câu chuyện từ mở đầu cho đến kết thúc. Để tránh lãng phí thời gian, bạn cần phải chú trọng vào bản chất của các cuộc hội thoại, trạng thái cảm xúc của nhân vật cũng như mối liên hệ của các sự kiện diễn ra.

Bước 4: Viết và hoàn thành bản nháp đầu tiên của kịch bản

Khi đã có đầy đủ các chất liệu, ở bước này bạn nên dựa vào dàn ý có sẵn ở bước trên để bắt tay viết chi tiết cho kịch bản. Mục tiêu chính ở giai đoạn này chính là viết kịch bản cho từng cảnh quay, biên kịch hoạt hình cần phải có khả năng hình dung rõ ràng kịch bản trên giấy sẽ là những gì được trình chiếu trên màn hình cuối cùng.

Một trong những điều quan trọng ở giai đoạn này chính là viết các đoạn hội thoại nếu có. Biên kịch thường đọc to hoặc thậm chí diễn lại các đoạn hội thoại mà họ đã viết để xem chúng có tự nhiên và đặc trưng cho từng nhân vật hay không, đảm bảo cuộc hội thoại của nhân vật hoạt hình phải trôi chảy, tự nhiên và chân thật. 

Lưu ý, việc đặt thời hạn là rất quan trọng để viết bản nháp đầu tiên của kịch bản. Bạn nên quyết tâm viết một số trang nhất định mỗi ngày, bám sát dàn bài và đưa ý tưởng của mình ra giấy.

Bước 5: Chỉnh sửa & Hoàn thiện

Cuối cùng, khi đã có bản nháp hoàn thiện đầu tiên của kịch bản, biên kịch cần phải chỉnh sửa và hoàn thiện. Để thực hiện điều này, bạn nên nghỉ giải lao một thời gian ngắn để giải tỏa đầu óc, quay lại kịch bản với một tâm trí “tươi mới” sẽ giúp bạn xác định được các điểm yếu của kịch bản dễ dàng hơn. 

Các biên kịch thường sẽ liên tục viết lại kịch bản nhiều lần cho đến khi họ hoàn toàn hài lòng với nó, đảm bảo sự chỉn chu từ vấn đề nhỏ cho đến vấn đề lớn hơn. Kịch bản cuối cùng càng hoàn thiện bao nhiêu thì phần còn lại của giai đoạn sản xuất càng dễ dàng bấy nhiêu. Dù vậy, khi chỉnh sửa kịch bản bạn cũng cần phải chú ý đến lịch trình, tránh trường hợp vi phạm tiến độ dự án.

Tạm kết

Viết kịch bản cho hoạt hình 3D dựa trên một ý tưởng tuyệt vời và một câu chuyện được trau chuốt kỹ lưỡng có thể cung cấp một công thức toàn diện cho đội ngũ sản xuất hoạt hình trong suốt phần còn lại của quy trình sản xuất, đặc biệt là bước tiếp theo ngay sau phần kịch bản, đó là Storyboard. Bằng cách xem kịch bản, các Artist trong một studio phim hoạt hình có thể hiểu sâu sắc về câu chuyện và thu thập thông tin cần thiết để thực hiện đúng phần việc của họ. 

Như vậy, bài viết này đã tổng hợp và chia sẻ tất tần tật về Kịch bản cho một bộ phim Hoạt hình 3D, hy vọng các thông tin trên đã mang lại cho bạn nhiều giá trị bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi để xem thêm nhiều bài viết chuyên ngành nhé.

Xem thêm: Khóa học làm phim hoạt hình 3d

Nguồn bài viết: Lược dịch từ dreamfarm

SIGN UP FOR FREE

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ