Đưa phim đầu tay của mình đến với các đấu trường Quốc tế luôn là niềm mơ ước của những người trẻ Việt đam mê điện ảnh. Niềm mơ ước đó đã được thực hiện như thế nào? Từ chính câu chuyện người thật, việc thật của hai đạo diễn trẻ Phạm Gia Quý và Jay Đỗ, học viện MAAC đã phối hợp cùng Spring Auteurs, CLB Sân khấu & Điện ảnh tổ chức chương trình Saigon Stories: “Chuyện Sài Gòn” và “Chuyện làm phim ngắn” vào ngày 12.12.2020 vừa qua để tiếp tục thắp lửa đam mê đến đông đảo các bạn trẻ.
Thông qua chương trình Saigon Stories: “Chuyện Sài Gòn” và “Chuyện làm phim ngắn”, Phạm Gia Quý và Jay Đỗ đã mang đến quy trình làm phim chuẩn quốc tế, những câu chuyện truyền cảm hứng của người trẻ làm phim, bí mật phía sau hậu trường phim ngắn “Vô thường” và đặc biệt là những tâm huyết, niềm tin gửi trao các bạn tham dự chương trình.
“VÔ THƯỜNG” VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN PHÍA SAU HẬU TRƯỜNG
22 tuổi, Phạm Gia Quý đã trở thành một đạo diễn trẻ ghi tên mình trên đấu trường quốc tế tại các Liên hoan phim LA Shorts Film Festival, Hollyshorts, Brisbane International Film Festival, Norwich International Film Festival,…
“Vô thường” đến với Quý một cách tự nhiên như chính hơi thở cuộc sống Quý từng bắt gặp. Văn hóa cafe quán cóc, tán gẫu cùng bạn bè những câu chuyện thường nhật bằng lời kể hài hước, kịch tính hay đôi khi rất nhẹ tênh là điều dễ bắt gặp ở những người con đất Sài Thành. Không cần phải xác minh câu chuyện bạn đang được nghe có đúng sự thật hay không, cách mà những người trẻ kể cho nhau nghe thực sự cuốn hút và thôi thúc Gia Quý làm một bộ phim từ những lời kể đó. Và thế là “Vô thường” ra đời.
Các bạn tham dự không rời mắt khi xem phim “Vô thường”
Bộ phim dài 20 phút, xoay quanh một kẻ đánh thuê, bị gán tội giết người và trở thành kẻ thế mạng cho ông chủ của mình. Sau khi biết tin cảnh sát sắp tới bắt mình, hắn nhanh chóng chạy trốn nhưng một biến cố đã xảy ra khiến kẻ đánh thuê gặp tai nạn và nhanh chóng bị cảnh sát áp giải về đồn. Lúc đó, chỉ duy nhất một người có cảm giác mong manh về thủ phạm thật sự phía sau cái chết của nạn nhân xấu số. Những tình tiết rất logic được gài gắm trong phim khiến khán giả tò mò không thể rời mắt.
Chia sẻ về “Vô thường”, Gia Quý cho biết thêm ý đồ của mình trong các phân cảnh: “Có những phân cảnh quay trong nhà hàng rất mượt mà. Các khung hình đều là cảnh quay cận toát lên không khí căng thẳng và thể hiện trực diện cảm xúc của nhân vật. Nhưng khi quay ở ngoài đường thì các khung hình sẽ rung lắc và thoải mái hơn để diễn tả được không gian tự do của những nhân vật ngoài cuộc”.
Đạo diễn Gia Quý chia sẻ về quy trình làm phim “Vô thường”
Ekip phim “Vô thường” đã dành 80% thời gian để lên kế hoạch và chuẩn bị tiền kỳ thật kỹ lưỡng trước khi ra phim trường. Trong suốt thời gian làm việc, mỗi người đều truyền niềm cảm hứng cho nhau và luôn đặt sự tin tưởng, trách nhiệm với công việc lên hàng đầu. Chính vì thế, toàn bộ phim “Vô thường” chỉ cần quay trong năm ngày rưỡi và không có ngày nào phải off đoàn trễ. Thời gian làm phim cực kỳ hợp lý, khoa học, giúp cho đoàn luôn trong trạng thái thoải mái và tràn đầy năng lượng.
SAIGON STORIES: HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM NHỮNG CON NGƯỜI ĐANG MƠ
Saigon Stories là một dự án làm phim về con người Sài Gòn do nhóm bốn bạn trẻ Spring Auteurs gồm: Đạo diễn Phạm Gia Quý, đạo diễn Jay Đỗ, nhà sản xuất Nguyễn Duy Linh và nhà sản xuất Anh Trung thành lập. Mỗi tập phim trong dự án được thực hiện bởi một nhà làm phim khác nhau nhằm tôn vinh sự nguyên bản, cá tính và những sắc màu đầy thu hút của người đó. Thông qua mỗi tập phim, khán giả sẽ được tiếp cận với góc nhìn mới lạ về cuộc sống quanh mình.
Không chỉ dừng lại ở đó, Saigon Stories tham vọng sẽ là nơi tạo nền móng cho các tài năng điện ảnh Việt, định hình một nền điện ảnh mới với quy trình làm phim đạt chuẩn quốc tế.
Dưới góc nhìn của đạo diễn Phạm Gia Quý, tại Việt Nam, khán giả chỉ có hai lựa chọn, một là dòng phim Nghệ thuật (Arthouse), mang lại rất nhiều giá trị nghệ thuật nhưng khó tiếp cận với đông đảo tầng lớp khán giả. Hai là dòng phim Thương mại (Commercial), dòng phim với đầy hình ảnh của những ngôi sao đình đám nhưng lại thiếu đi tính nghệ thuật. Và một bộ phim hay phải vừa có tính nhân văn, giá trị nghệ thuật cao vừa thu hút được sự quan tâm của nhiều khán giả.
Xuất phát từ nhu cầu được thưởng thức những thước phim Việt Nam chất lượng, mang đậm phong cách Việt, Spring Auteurs mang dự án Saigon Stories đến các bạn trẻ. Đạo diễn Phạm Gia Quý – Founder dự án chia sẻ đầy tâm huyết: “Với mình, làm phim là biến những điều tưởng chừng rất trừu tượng, rất bay bổng thành hiện thực. Từ những câu chữ không màu trên trang giấy trắng, người xem có thể mắt thấy tai nghe và sống cùng với câu chuyện mình đã kể bằng hình ảnh đa sắc”.
Nếu đây là một kịch bản năm hồi, thì Spring Auteurs đang ở hồi thứ hai: Tìm kiếm đồng đội. Trên hành trình tìm kiếm những người cùng mơ giấc mơ điện ảnh Việt, Đạo diễn Jay Đỗ tâm sự: “Để có thể đưa tiếng nói, tư duy tươi trẻ của những con người đam mê làm phim ở Việt Nam tới với đồng bào hay bạn bè Quốc tế, chúng mình không thể đi một mình. Hãy mạnh dạn dám mơ và trao gửi đứa con tinh thần của bạn để chúng mình cùng nhau nuôi lớn và biến Saigon Stories thành hiện thực”.
Khép lại chương trình, các bạn tham dự vẫn nán lại để được trò chuyện và trao đổi sâu hơn về kịch bản cùng các Đạo diễn. Niềm phấn khởi xen lẫn tự hào ánh lên trên những gương mặt của các bạn trẻ. Chúc cho các nhà làm phim tương lai sẽ luôn vững tin và tiếp tục ghi tên mình lên bản đồ điện ảnh thế giới.
GỬI KỊCH BẢN PHIM NGẮN CỦA BẠN ĐẾN SAIGON STORIES NGAY HÔM NAY!
Ngay từ hôm nay bạn đã có thể gửi kịch bản phim ngắn của mình để tham gia dự án Saigon Stories. 02 kịch bản gửi trước ngày 10/12/2020 sẽ được BTC lựa chọn, gặp riêng để phân tích ngay trong sự kiện và nhận những phần quà giá trị từ Học viện MAAC.
Thời gian nhận kịch bản: Từ 03/12/2020 – 31/12/2020
Thể loại phim: Không giới hạn
Thời lượng phim: 6-45 phút
Lưu ý:
Tiếp nhận kịch bản phim ngắn giả tưởng (Fiction Narrative) hoặc tài liệu giả tưởng (Mockumentary).
Khi các kịch bản được gửi đến Saigon Stories, chắc chắn những kịch bản này sẽ được đọc qua và nhận xét.
Yêu cầu chung:
– Giới thiệu ngắn về nhà làm phim (tên, tuổi, công việc hiện tại, các dự án đã tham gia và artist statement-tuyên ngôn nghệ sĩ).
– Logline: tóm tắt nội dung câu chuyện phim từ một đến hai câu.
– Synopsis: tóm tắt nội dung câu chuyện phim trong một đoạn văn từ năm đến mười câu.
– Kịch bản phim.
Những phần không yêu cầu nhưng vẫn tiếp nhận:
– Các thể loại visual aids (hình ảnh minh họa, storyboards, references).
– Các bài nhạc, âm thanh liên quan, tạo không khí cho dự án.
– Tên những bộ phim/ đoạn phim liên quan.
– Các bài viết, đoạn văn liên quan đến kịch bản.
– Demo của ý tưởng đã được quay trước.
– Và tất cả những gì khác mà nhà làm phim cho là liên quan.
Các kịch bản bạn gửi về: [email protected]
Hãy đánh thức người Biên kịch đang ngủ quên trong bạn!