Creative Job Fair 2022 chính thức đóng lại vào ngày 6/11 vừa qua nhưng đã mở ra vô vàn cơ hội nghề nghiệp cho người trẻ đam mê ngành Sáng tạo, vẽ nên tương lai tươi sáng của một ngành nghề đầy tiềm năng trong xã hội hiện đại, thúc đẩy thế hệ trẻ tự tin theo đuổi ước mơ của mình.
Nằm trong khuôn khổ Creative Job Fair: Ngày hội việc làm dành cho nhóm ngành Thiết kế, Truyền thông & Giải trí, nhằm mục đích cung cấp kiến thức chuyên môn và tạo cơ hội để gần 2000 bạn trẻ có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với các chuyên gia trong ngành, Talkshow: Design, Media & Entertainment Career Path được tổ chức ngay trong ngày hội với sự tham gia của các anh, chị khách mời đại diện cho các studio đang hoạt động sôi nổi trên thị trường:
- Chị Đỗ Lê Như Quỳnh – Senior Recruiter tại Sparx* – A Virtuos Studio
- Anh Dy Lê – Founder/Artist tại blankNegatives
- Anh Hoàng Nguyễn – Head of Product Design tại GEEK Up
- Anh Nguyễn Như Thiên Ý – 3D Art Director tại Topebox
Thông qua talkshow, bức tranh toàn cảnh về nhóm ngành sáng tạo đã được phác thảo một cách chân thực và trọn vẹn nhờ các chia sẻ đầy tâm huyết của các anh, chị khách mời. Với vỏn vẹn 60 phút giao lưu, các bạn trẻ đã phần nào thu nhặt cho mình những thông tin hữu ích cùng lời giải đáp cho những thắc mắc về định hướng ngành đã bỏ ngỏ suốt bấy lâu mà chưa tìm ra lời giải đáp.
Nguồn lực và tiềm năng của ngành Sáng tạo: Thừa mà thiếu, quan trọng nhất là năng lực cá nhân
Bước chân vào ngành Sáng tạo, có rất nhiều bạn trẻ thắc mắc về tiềm năng phát triển của các nhóm ngành. Tuy nhiên, trên thực tế, theo các báo cáo hậu địa dịch COVID-19, Việt Nam hiện đang thiếu khoảng 1 triệu nhân lực ngành sáng tạo, nguồn lực hiện có chỉ đủ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Chia sẻ thêm về cơ hội công việc cũng như tiềm năng phát triển của ngành, chị Như Quỳnh – Senior Recruiter tại Sparx* – A Virtuos Studio cho biết:
“Nhu cầu về nhân lực trong ngành này nói chung hiện đang rất “khát”, dù là mảng 2D, 3D, tất cả các công ty ở đây đều đang cần tuyển rất nhiều nhân sự. Thêm vào đó là bối cảnh sau dịch, nhu cầu giải trí của con người tăng cao, cần đến cả số lượng lẫn chất lượng nên các bạn trẻ đừng lo lắng. Một khi bước chân vào ngành này, chỉ cần bạn đủ giỏi, biết được mình là ai, biết mình cần gì, muốn gì thì luôn có cơ hội với các bạn.”
Bàn luận thêm về nhu cầu nhân lực của ngành, anh Hoàng Nguyễn – Head of Product Design tại GEEK Up phân tích kỹ hơn về hình chung của ngành Sáng tạo ở thời điểm hiện tại: “Trong ngành thiết kế và sáng tạo, ngành thiết kế sản phẩm vốn còn mới. Tuy nhiên, nếu để ý kĩ một chút các bạn sẽ thấy, trong kỷ nguyên số 4.0, chúng ta tương tác với các ứng dụng kỹ thuật số rất nhiều. Và điều này mở ra cơ hội để các bạn thể hiện mình, tạo ra những sản phẩm số phục vụ nhu cầu con người và giúp họ phát triển, vận hành tốt hơn. Trên thực tế, đây là ngành nghề đã trở thành xu hướng từ 10 năm về trước, khi các sản phẩm số, các thiết bị số trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống con người, dẫn đến nhu cầu phát triển nhân sự của ngành này, cần nhiều hơn.
2 năm Covid đã làm thay đổi hành vi của chúng ta. Mọi thứ dần chuyển hướng sang online. Chính vì vậy, các sản phẩm số vô tình được hưởng lợi và phát triển mạnh hơn nữa. Nên chắc chắn đây là ngành phát triển mạnh ở Việt Nam trong năm gần đây. Chỉ cần có năng lực ổn định, bạn sẽ luôn có chỗ đứng và thành công trong ngành này.
Năng lực ổn định được xây dựng từ việc luôn nỗ lực hoàn thiện và phát triển bản thân. Mình phải là phiên bản tốt hơn của ngày hôm qua, của tuần trước, phải tiếp thu thêm những kiến thức và kỹ năng về chuyên môn. Và dù muốn hay không muốn, các bạn cũng phải quan tâm phát triển các kỹ năng mềm, bởi chỉ có vậy các bạn mới làm việc nhóm với nhau suôn sẻ, vì làm việc nhóm sẽ giúp tạo ra những giá trị lớn hơn”, anh Hoàng Nguyễn cho biết thêm.
Giải đáp nỗi lo ngành nghề đang bị bão hòa của một số bạn trẻ về mảng thiết kế 2D, anh Thiên Ý – 3D Art Director tại Topebox cho biết: “Hiện tại lĩnh vực Design đã trở nên phổ biến và có một chút bão hòa, vì ai cũng biết đến khái niệm thiết kế và không khó để biết sử dụng Photoshop cơ bản. Tuy nhiên, để tìm được nhân sự chất lượng thì vẫn là một bài toán khó. Như trong công ty anh, nhân sự chất lượng mảng 2D khá hiếm và cần thêm rất nhiều. Nên khi nói về việc bão hòa, có thể nói, nhân sự trong ngành này ở thời điểm hiện tại đang “thừa mà thiếu”. Nhiều thì cũng nhiều, nhưng thiếu thì vẫn thiếu.”
Lộ trình thăng tiến của nhân sự ngành sáng tạo cần đến yếu tố và kỹ năng nào?
Ngành Sáng tạo bao la rộng lớn bao gồm rất nhiều các nhóm công việc. Mỗi một công ty, studio sẽ có những mảng chuyên môn riêng, và cần đến những nhân sự chuyên kiêm nhiệm những công việc riêng. Nói về lộ trình thăng tiến và các kỹ năng cần thiết để phát triển trong ngành, các đại diện doanh nghiệp đã có những chia sẻ không chỉ cung cấp thông tin cần thiết, mà còn giống như những người đi trước trong ngành, các anh chị diễn giả đã đưa ra những lời khuyên chân thành từ chính kinh nghiệm của mình, giúp các bạn có thêm những góc nhìn đa chiều về ngành Sáng tạo.
Anh Dy Lê – Founder/Artist tại blankNegatives chia sẻ: “Trong ngành Visual Effect (VFX) nói riêng và mảng sáng tạo nói chung, có rất nhiều vị trí chuyên môn khác nhau. Điều quan trọng nhất là bạn phải biết mình muốn đạt được thành tựu gì cho hành trình của riêng mình. Một lời khuyên của anh dành cho các bạn chính là, hãy trải nghiệm tất cả mọi vị trí để biết mình có khả năng gì và phù hợp với mảng nào. Bởi vì đôi khi thứ mình thích lại không phải thế mạnh của mình. Khi hiểu được tất cả mọi thứ thì con đường của mình sẽ rộng mở hơn.
Riêng mảng VFX ở blankNegatives có các vị trí như 3D Generalist, Compositing Artist, … Tại blankNegatives nói riêng, mỗi người thường phải hỗ trợ các mảng khác một chút chứ không có các tổ chuyên sâu. Các vị trí kỹ thuật đòi hỏi các bạn học tập rất nhiều để nắm các kỹ năng lẫn kiến thức nền tảng trong 3D vì quy trình sản xuất 3D gồm nhiều công đoạn. Càng là những người ở cuối quy trình thì phải biết người ở bước trước đó làm những gì để có thể hỗ trợ lẫn nhau.”
Nối tiếp anh Dy Lê, chị Như Quỳnh cho biết thêm: “Nhìn chung, mảng Sparx* tập trung nhất là 3D Art. Công ty có đầy đủ các bộ phận liên quan đến sản xuất hình ảnh từ concept, modeling đến animation, rồi mỗi khâu lại có những mảng nhỏ hơn nữa mà bạn có thể đi sâu hơn. Ví dụ modeling bạn có thể đi sâu đến mức trở thành chuyên gia về những mảng rất nhỏ nhất định như thiết kế súng, xe cộ, vũ khí chẳng hạn. Đó mới là 3D Art thôi, còn trong mảng 3D Game các bạn có thể cân nhắc trở thành Software Engineer, Technical Artist, Game Designer tùy vào sở thích và năng lực của mỗi bạn.
Trong thời gian học ở trường ta có thể tìm hiểu mỗi thứ một ít, đến lúc đi làm các bạn cần biết điểm mạnh và niềm đam mê của mình nằm ở đâu, để tìm được công ty và vị trí phù hợp.”
Lần lượt, anh Thiên Ý và anh Hoàng Nguyễn cũng đưa ra lời khuyên và đường đi nước bước trong ngành Sáng tạo cho các bạn trẻ có thể dễ dàng hình dung, định hướng chặng đường sẽ đi phía trước.
“Về con đường thăng tiến, thiết nghĩ các bạn có thể thử nhiều vị trí để biết mình thực sự thích gì. Các bạn có thể cố gắng tiến lên theo “chiều dọc”, từ intern thành trainee rồi junior, senior, team lead và art director. Hoặc nếu muốn “đi ngang”, thì bạn sẽ tập trung phát triển mạnh kỹ năng của một mảng nhất định, để làm xuyên suốt một vấn đề đó. Ví dụ trong mảng Game 2D thì tố chất đầu tiên cần có là khả năng nghệ thuật và gu thẩm mỹ, cũng như khả năng sáng tạo. Kỹ năng model thì có thể học, quan trọng là bạn có quyết tâm đưa những gì mình xây dựng được lên game, lên phim hay không. Còn Animation lại quan trọng năng lực cảm nhận, vì hiện tại cũng đã có không ít công cụ hỗ trợ rồi.” – Anh Thiên Ý – 3D Art Director tại Topebox chia sẻ.
Chuyển sang lĩnh vực Product Design, anh Hoàng Nguyễn – Head of Product Design tại GEEK Up giải thích sâu hơn: “Product Design tức là thiết kế ra những sản phẩm cho cả doanh nghiệp lẫn cá nhân sử dụng. Đi vào sâu hơn sẽ chia ra những khía cạnh đòi hỏi kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm khác nhau. Ví dụ đầu tiên là UX Research, việc tìm hiểu về trải nghiệm người dùng đòi hỏi kiến thức về kinh doanh để hiểu được bài toán mà doanh nghiệp đang muốn giải quyết là gì, về tâm lý học để biết tại sao con người có xu hướng ra những quyết định như thế, sau đó kết hợp thêm kỹ năng giao tiếp, đồng cảm để đặt ra những câu hỏi phù hợp khi khảo sát người dùng, rồi cuối cùng là kỹ năng phân tích để tìm ra giải pháp.
Còn với UX Design, cần phải hiểu về công nghệ, các thông số kỹ thuật, phải liên tục học và tiếp thu các kiến thức công nghệ để áp dụng vào công việc. Rồi đến UI Design chẳng hạn, là thiết kế giao diện sản phẩm, mảng này sẽ gần với thiết kế đồ hoạ hơn nhưng vẫn đòi hỏi một lượng kiến thức nhất định về kinh doanh. Như thế, để thiết kế một sản phẩm đòi hỏi lượng kiến thức dàn trải trong nhiều lĩnh vực kết hợp lại với nhau.
Ngoài ra, có 3 kỹ năng mềm anh nghĩ là vô cùng cần thiết cho con đường sự nghiệp trong ngành sáng tạo. Thứ nhất là tư duy phản biện, phải luôn tò mò, hơi nghi ngờ những thông tin mới tiếp nhận một chút để tìm hiểu trước khi tiếp nhận chúng. Thứ hai là kỹ năng giao tiếp, để làm việc tốt hơn thì phải biết cách giao tiếp phù hợp với đồng nghiệp. Và cuối cùng là kỹ năng kiểm soát cảm xúc, tránh hành vi bộc phát của mình tạo ra những vấn đề đáng tiếc.”
Tiêu chí đặc biệt nào để lựa chọn nhân sự chất lượng và phù hợp cho công việc Sáng tạo?
Đến với Talkshow: Design, Media & Entertainment, đại diện các doanh nghiệp, studio hàng đầu trong ngành Sáng tạo tiết lộ các tiêu chí lựa chọn nhân sự phù hợp cho công việc. Theo đó, chị Như Quỳnh – Đại diện Sparx* làm rõ 2 tiêu chí hàng đầu mà chị luôn tìm kiếm khi tiếp xúc với ứng viên: “Dù bạn làm ở bất kỳ vị trí nào, yếu tố đầu tiên cần có để theo đuổi ngành chính là ĐAM MÊ. Sự đam mê tôi muốn nói ở đây không phải là bạn nhất định phải hiểu rõ mọi thứ về ngành. Đam mê ở đây là chính là niềm yêu thích và sự hiểu biết nhất định về vị trí mà bạn ứng tuyển hay ngành mà các bạn muốn dấn thân.
Yếu tố thứ hai là SỰ NGHIÊM TÚC. Các bạn cần phải nghiêm túc với nghề, nghiêm túc với vị trí mà mình “apply”, cũng như nghiêm túc với chính bản thân mình khi đưa ra sự lựa chọn hay quyết định.”
Bên cạnh đó, thái độ làm việc cũng là một trong những yếu tố tiên quyết khi lựa chọn ứng viên. Anh Dy Lê – Đại diện blankNegatives chia sẻ: “Yếu tố quan trọng bên cạnh trình độ là thái độ. Dù ở bất cứ vị trí nào, ta cũng nên có một thái độ phù hợp với đồng nghiệp và mọi người xung quanh. Thế hệ trẻ có ưu điểm là học hỏi rất nhanh, đặc biệt trong ngành Visual Effects thời gian từ lúc chưa biết gì đến lúc hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên cũng rất ngắn nhờ được tiếp xúc nhiều với công nghệ từ sớm. Cho nên quan trọng không chỉ là các bạn biết bao nhiêu công cụ, vì trình độ thì có thể cải thiện, quan trọng nhất là thái độ của các bạn.”
Thêm một tiêu chí tiên quyết được đề cập đến khi lựa chọn ứng viên được anh Thiên Ý – Đại diện Topebox chính là sự quan tâm của ứng viên với công ty: “Đối với tôi, tiêu chí đầu tiên để đưa ra quyết định tuyển dụng một Artist vào công ty chính là ứng viên đó có thực sự quan tâm đến công ty này hay không. Sự quan tâm ở đây chính là ứng viên biết được công ty mình ứng tuyển họ đang làm gì, làm được gì và có hỗ trợ được cho lộ trình thăng tiến, định hướng công việc của bạn hay không.”
Khi nói về tiêu chí tuyển dụng của GEEK Up, anh Hoàng Nguyễn khẳng định: “Anh tin rằng đôi nhân sự của GEEK Up cũng sẽ có những câu trả lời tương tự như các anh chị ở đây. Còn với riêng cá nhân anh, điều anh tìm kiếm ở người đồng đội của mình là sự trung thực với chính bản thân người đó. Chẳng hạn bạn nói mình là một người ham học hỏi, thì người ham học hỏi thật sự sẽ không cần vì mục đích nào cả mà mỗi ngày đều có những thói quen tìm hiểu, sự hứng thú trong việc phát hiện ra những điều mới. Tức là, bạn không cần chứng minh những điều mình làm với người khác, mà bạn làm vì bạn hiểu nó cần thiết và đúng với bản thân.”
Tạm kết
Lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM, Creative Job Fair – Ngày hội việc làm dành cho nhóm ngành Thiết kế, Truyền thông & Giải trí đã diễn ra vô cùng thành công tốt đẹp. Đối với Ban tổ chức, được đem đến cho thế hệ trẻ nguồn kiến thức vô giá về ngành, về nghề là kết quả tuyệt vời nhất mà chúng tôi nhận được sau những ngày nỗ lực chuẩn bị hết mình cho sự kiện. Hi vọng rằng Creative Job Fair 2023 vẫn sẽ được các bạn đón nhận nồng nhiệt, để chúng tôi có thể tiếp tục trở thành cầu nối giữa các bạn trẻ và những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành Sáng tạo tại Việt Nam.