Gặp gỡ Founder Rupix Studio Trâm Hồng: Cứ trải nghiệm thật nhiều vì cuộc đời cho phép

Nếu cuộc đời là một chuyến phiêu lưu, hãy cho phép bản thân trải nghiệm để được học hỏi thật nhiều. Mời bạn cùng bước lên chuyến du hành thời gian và cùng với nữ Artist Hồng Ngọc Minh Trâm ngược về quá khứ, tìm về với những chuyến đi đầy thú vị của cô ấy trong thế giới 3D và VFX nhé! 

Mục lục

Đôi nét về Founder Rupix Studio Hồng Ngọc Minh Trâm 

Ngay từ khi còn là một cô bé 10 tuổi, cô Hồng Ngọc Minh Trâm đã có niềm yêu thích đặc biệt dành cho phim hoạt hình. Đó cũng chính là mối duyên đưa cô đến với ngành công nghiệp hậu kỳ VFX, hoạt hình 3D sau này. Tốt nghiệp ngành Truyền thông Đa phương tiện tại trường Đại học Công nghệ thông tin nhưng rồi lại rẽ hướng, cô chính thức bắt đầu con đường 3D và VFX chuyên nghiệp tại Bad Clay Studio với vị trí 3D Artist và sau đó là CYCLO với vai trò Producer. Sau đó, cô Trâm tiếp tục con đường sự nghiệp của bản thân bằng việc kết hợp phát triển một số dự án với các anh, chị trong nghề và điều hành studio riêng. Ở thời điểm hiện tại, cô có hơn 8 năm kinh nghiệm trong nghề với vai trò là Founder và 3D Producer tại Rupix Studio. Tại Học viện MAAC, cô Trâm đảm nhiệm việc giảng dạy bộ môn Modelling, Texturing, LookDev (Maya). 

Showreel một số dự án tiêu biểu từng tham gia thực hiện của cô Hồng Ngọc Minh Trâm

TỪ SỞ THÍCH XÊ DỊCH ĐẾN CƠ HỘI LÀM VIỆC ĐẦU TIÊN Ở NƯỚC NGOÀI 

Chào cô Minh Trâm, cảm ơn cô đã nhận lời tham gia buổi chia sẻ ngày hôm nay. Được biết, cô đã có hơn 9 năm kinh nghiệm làm việc trong mảng 3D, không biết cô bắt đầu yêu thích lĩnh vực này từ khi nào? 

Từ nhỏ tôi đã đam mê hoạt hình. Lúc đó, trong khái niệm một đứa con nít, tôi chỉ biết là mình thích phim hoạt hình thôi. Sau này khi học hết cấp 2, tôi bắt đầu tìm hiểu về ngành thiết kế nhưng lúc đó không có đủ điều kiện đề học. Lúc tốt nghiệp THPT, tôi chọn thi vào ngành Công nghệ thông tin. Về sau, khi ra trường, tôi bắt đầu tham gia vào Bad Clay Studio, làm bên mảng game và phim điện ảnh với vai trò 3D Artist. Đó là lúc tôi bắt đầu bước chân vào con đường 3D chuyên nghiệp. 

Không chỉ làm việc cho một trong những studio VFX hàng đầu tại Việt Nam, cô còn từng có nhiều cơ hội cộng tác với các studio quốc tế tại Ai Cập hay Ấn Độ. Cô có thể chia sẻ cơ duyên nào đã khiến cô muốn xê dịch đến những đất nước như vậy không? 

Khi làm việc ở Bad Clay Studio và CYCLO một thời gian, tôi bắt đầu cảm thấy muốn được học hỏi nhiều thứ hơn, muốn đi ra nước ngoài và quyết định đi Ai Cập. Ban đầu, tôi chỉ có ý định đi khoảng 2 tuần để du lịch thôi. Tôi có quen một số người bạn làm VFX và thời điểm đó ở Ai Cập cũng có nhiều dự án khá lớn nên tôi quyết định quay lại để làm việc khoảng 1 năm. Bản thân tôi là người thích xê dịch, thích học hỏi và không thể ngồi im một chỗ. Do đó, thời gian làm việc ở Ai Cập, tôi đã học được rất nhiều thứ. 

Việc cô gia nhập vào hàng ngũ giảng viên MAAC có phải cũng là một sự trải nghiệm không? 

Đúng vậy. Lý do tôi quyết định giảng dạy ở MAAC cũng là để thỏa mãn một phần niềm yêu thích học hỏi và trải nghiệm của bản thân ở mảng giáo dục. 

KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ NẾU THỰC SỰ MONG MUỐN VÀ NỖ LỰC 

Cô có nghĩ lĩnh vực 3D mà mình đang theo đuổi là một nghề “an toàn” không? Nếu có thì nó an toàn hơn những nghề khác ở điểm nào? Còn nếu không, cô cảm thấy ngành này có những rủi ro nào? 

3D là một lĩnh vực kết hợp giữa kỹ thuật và mỹ thuật. Thường thì với các bạn nữ, phần kỹ thuật sẽ không mạnh bằng so với các bạn nam. Hơn nữa, công nghệ mỗi ngày mỗi thay đổi. Nếu các bạn nữ không chịu khó “update” phần kỹ thuật, công nghệ mới thì có thể nói đây là một lĩnh vực không “an toàn” đối với các bạn. Tuy nhiên, xét về cơ hội nghề nghiệp, các bạn nữ khi theo đuổi ngành 3D sẽ dễ kiếm việc hơn nam giới. Đặc biệt là ở thời đại ngày nay, các bạn không bị giới hạn bởi biên giới, bạn có thể làm ở bất kỳ đâu cũng được. 

Cô có thể giải thích rõ hơn về yếu tố “dễ kiếm việc” ở phái nữ mà cô vừa đề cập không? 

Đặc trưng của các công ty là luôn tìm kiếm sự cân bằng giữa nam và nữ. Ngành này đang khá ít nữ, vì thế đây là lợi thế giúp các phái nữ được “ưu ái” hơn về cơ hội nghề nghiệp. Bên cạnh đó, có những việc mà nữ giới sẽ làm nhanh và tốt hơn như là về thời trang, trang điểm,… Tôi làm ở khâu modeling chẳng hạn, tôi cảm thấy mình sẽ mạnh hơn về phần trang phục hoặc trang điểm cho nhân vật. 

Hẳn là cô cũng biết nhân sự nữ trong ngành công nghiệp 3D đang khá ít. Vậy theo điều gì khiến cho nữ giới còn khá e dè khi lựa chọn theo đuổi ngành này? 

Như tôi có nói về yếu tố kỹ thuật, tốc độ nắm bắt phần này của các bạn nữ có phần chậm hơn so với nam giới. Còn một yếu tố nữa đó là về áp lực công việc. Khi ở bên ngoài nhìn vào, bạn sẽ thấy ngành này rất “màu hồng”, nhưng thực tế không phải như vậy. 

Theo đuổi ngành này, bạn phải chấp nhận “overtime” liên tục. Nếu không có đủ sức khỏe, bạn khó mà theo được. Tại các công ty mà tôi từng tham gia training hoặc làm việc, tôi nhận thấy ở cấp bậc Junior, số lượng nhân sự nam và nữ gần như cân bằng. Thế nhưng, khi đến độ tuổi khoảng 26 đến 27, nữ giới sẽ có xu hướng nghĩ đến chuyện lập gia đình. Đến thời điểm này, số lượng nhân sự nữ sẽ bắt đầu giảm dần. 

Vậy theo cô, vấn đề lập gia đình ở nữ giới có phải là rào cản lớn nhất khiến họ không thể gắn bó lâu với ngành này hay không? 

Không phải là rào cản lớn nhất nhưng công nhận là việc lập gia đình có tác động rất lớn đến lựa chọn có tiếp tục gắn bó với ngành này hay không. Bởi vì khi đó, sự cộng dồn của áp lực công việc, chăm lo cho gia đình, con cái và các mối bận tâm xung quanh sẽ đè nặng lên vai. Theo tôi, để đi được với ngành này lâu dài, các bạn nữ cũng cần một người bạn đồng hành thấu hiểu, đồng cảm. Tuy nhiên, tôi tin rằng không gì là không thể nếu bạn thực sự mong muốn, nỗ lực. 

LÀ MỘT NỮ 3D ARTIST, TÔI TỰ TẠO RA SỰ KHÁC BIỆT CHO RIÊNG MÌNH 

Ngoài yếu tố gia đình, cô có nghĩ rằng sự chênh lệch về số lượng nhân sự nam và nữ cũng là một phần áp lực cho phái nữ hay không?

Bản thân tôi nghĩ theo hướng ngược lại. Số lượng nhân sự nam trong ngành nhiều hơn là một lợi thế lớn đối với nữ giới. Bản thân tôi đã làm nghề nhiều năm, tôi nhận thấy rằng bản thân mình đang tạo ra được sự khác biệt khi là nữ giới. 

Là một người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm nghề và cũng có rất nhiều trải nghiệm ở các môi trường làm việc trong nước cũng như quốc tế, không biết có kỷ niệm nào khiến cô cảm thấy đáng nhớ nhất với các đồng nghiệp nam không? 

Có một kỷ niệm khá vui lúc tôi làm việc bên Ai Cập. Vì đây là đất nước Hồi giáo nên họ rất quan tâm đến vấn đề nữ giới. Ở Ai Cập, nữ giới không được ra khỏi nhà sau 10 giờ tối. Bên cạnh đó, các bạn nữ đi làm được xem là một điều rất đặc biệt. Tôi lúc đó vừa là nữ giới và còn là người nước ngoài nữa nên nhận được sự quan tâm của tất cả những người xung quanh. Thông thường, nữ giới trong công ty tôi làm không cần phải tăng ca nhưng tính tôi khá “nhây” nên cũng đã ở lại làm thêm cùng mọi người. Trong công ty chỉ có duy nhất một phòng nghỉ nhưng các bạn nam đã nhường hết phòng đó cho tôi và phải chờ đến sáng hôm sau. Mặc dù sau đó tôi đã cảm thấy vô cùng có lỗi nhưng đồng thời cũng rất biết ơn các bạn ấy. 

Cô có nghĩ rằng đâu là giai đoạn tốt nhất để phái nữ thăng tiến và phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực 3D? 

Tôi có cảm giác rằng ở độ tuổi trong khoảng từ 24 đến 26, các bạn nữ sẽ ở “đỉnh”. Đó là thời điểm các bạn vừa mới tốt nghiệp đại học, có trong tay khoảng 2 hoặc 4 năm kinh nghiệm. Thời kỳ này, các bạn cũng còn khá tự do, chưa bị chi phối bởi nhiều thứ khác và cũng có nhiều cơ hội để vừa làm, vừa học hỏi nhiều thứ. Sau giai đoạn này, phái nữ sẽ bắt đầu suy nghĩ đến vấn đề lập gia đình hoặc những chuyện khác, phần trăm sự quan tâm dành cho công việc sẽ giảm xuống. Sau độ tuổi 30, tôi nhận thấy rằng các bạn sẽ bắt đầu mong muốn có được một cuộc sống ổn định. Bước sang độ tuổi này, sức sáng tạo của bạn sẽ ít hơn so với các thế hệ sau mình. Tuy nhiên, đổi lại các bạn hơn các bạn trẻ ở kinh nghiệm và góc nhìn. 

Thực ra, nếu như nói theo cách cổ điển, mỗi người sẽ có một đặc điểm và ngưỡng phát triển khác nhau. Để nói thời điểm nào bắt đầu trễ hay sớm thì phải do tự mỗi người quyết định và bản thân các bạn mới là yếu tố tiên quyết nhất. 

Không biết trong thời gian tới, cô đã có kế hoạch hay dự định gì mới trong công việc của mình chưa? 

Tôi vừa mới ăn mừng tuổi 30, sắp bước sang một giai đoạn mới. Ở mỗi giai đoạn, con người sẽ những sự thay đổi khác nhau. Tuy nhiên, 3D là lĩnh vực mà tôi yêu thích từ nhỏ và luôn hướng tới trong suốt nhiều năm nên dù có thay đổi mới thì cũng chỉ nằm trong khuôn khổ này mà thôi. 

Bằng những trải nghiệm cá nhân, cô có lời khuyên nào dành cho các bạn nữ yêu thích lĩnh vực 3D nhưng còn e dè và hoài nghi rằng ngành này không dành cho phái nữ không? 

Nếu các bạn có suy nghĩ như thế thì nên xem xét lại. Thế giới của chúng ta từ lâu đã gạt bỏ sự bất bình đẳng nam – nữ trong lựa chọn ngành nghề rồi. Nếu các bạn e ngại vấn đề giới tính thì chính bạn đang tự hủy bỏ sự bình đẳng và tước đi cơ hội của mình. Bản thân tôi từ khi còn nhỏ đến khi lên đại học học ngành công nghệ thông tin trong một môi trường có đến 80% là sinh viên nam, tôi vẫn có thể làm lớp trưởng và cảm thấy rất ổn. 

Vì vậy, không chỉ riêng đối với lĩnh vực 3D hay VFX mà rất nhiều lĩnh vực khác cũng như vậy. Việc của các bạn là hãy cứ tự tin lên, đừng lo ngại là các bạn không làm được hay không bằng nam giới mà tự áp lực cho mình.  

Cảm ơn cô đã dành thời gian để tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Chúc cô sẽ ngày càng thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp của bản thân. 

SIGN UP FOR FREE

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ