Games-VFX-3D: “Siêu khó” khi chập chững vào ngành – “Siêu dễ” khi có định hướng đúng đắn

Ngày 15.05 vừa qua, Học viện MAAC đã tổ chức thành công ngoài mong đợi buổi chia sẻ đầu tiên trong series talkshow định hướng nghề Games-VFX-3D. Với chủ đề xoay quanh các thông tin tổng quan về 3 ngành trong lĩnh vực hậu kỳ, buổi giao lưu đã đem lại cho các bạn trẻ nhiều thông tin bổ ích trên những bước đi đầu tiên gia nhập ngành.

Dù phát triển mạnh mẽ trên thế giới, thế nhưng ngành công nghiệp hậu kỳ nói chung và các ngành Games-VFX-3D nói riêng tại thị trường Việt Nam vẫn còn chưa quá phổ biến với thế hệ trẻ. Điều này khiến cho các bạn trẻ yêu thích lĩnh vực hậu kỳ vẫn còn khá “lạc lối”, không biết hướng đi nào mới thật sự phù hợp với sở thích và khả năng của mình.

Với mong muốn đem lại cho các bạn nguồn thông tin chính xác về ngành, cũng như tạo ra cơ hội để gặp gỡ và giao lưu với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, buổi chia sẻ vinh dự có sự góp mặt của các “lão làng” trong ngành, có nhiều năm kinh nghiệm thực chiến với ngành, bao gồm:

  • Anh Võ Huy Giáp (Giám đốc Đào tạo Học viện MAAC)
  • Chị Nguyễn Thị Trà Giang (VFX Artist & Giảng viên Học viện MAAC)
  • Chị Lý Phượng Yến (3D Generalist & Giảng viên Học viện MAAC)
Hàng ghế diễn giả từ trái qua phải lần lượt là: MC Từ Mỹ Ân, Anh Võ Huy Giáp, chị Trà Giang và chị Lý Phượng Yến

Được biết, cả 3 anh chị hiện nay vừa là những giảng viên “hot hit” tại MAAC, được nhiều học viên kính trọng và yêu quý, vừa là những người có thâm niên trong ngành, gặt hái được cho mình nhiều thành tựu nổi bật. Bằng kiến thức, kỹ năng và tầm nhìn của người trong nghề, các anh chị đã đem lại cho các Newbie nhiều nguồn thông tin thú vị và những định hướng phát triển đúng đắn trên hành trình chinh phục thế giới hậu kỳ.

Tổng quan về Games-VFX-3D: Ngành công nghiệp hậu kỳ đang rộng mở cơ hội cho giới trẻ

Ngành Truyền thông – Giải trí trên thế giới nói chung và cả ở Việt Nam đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Đặc biệt trong mảng hậu kỳ, ở giai đoạn năm 2021, tổng giá trị thị phần lĩnh vực VFX và Animation trên toàn cầu ước tính đạt 167,9 tỷ USD (theo nghiên cứu của Marketwatch). Ngoài ra, thị trường ngành game cũng không hề kém cạnh khi tạo ra mức doanh thu lên đến 175,8 tỷ USD (theo Newzoo).

Chia sẻ về những bước ngoặt lớn của ngành, anh Võ Huy Giáp cho biết: “Anh đã ở trong ngành ở nhiều vị trí, từ Producer chịu trách nhiệm quản lý cho đến Artist tự tay tạo ra sản phẩm, có sự đặc biệt ở ngành mà anh thấy thú vị chính là: Thời điểm COVID bùng phát, khi các ngành nghề dường như đóng băng thì hậu kỳ lại nhiều công việc hơn bao giờ hết. 

Lý do là vì khi dịch căng thẳng, tất cả mọi người đều phải “đóng băng” ở nhà, vậy nên nhu cầu giải trí trực tuyến thông qua các bộ phim, các tựa game lại tăng cao hơn bao giờ hết. Có thể thấy, dù là tình hình khó khăn như vậy ngành vẫn có được chỗ đứng nhất định, vậy sự tăng trưởng ngày càng cao là điều mà không nói đến cũng đã rất rõ ràng”.

Đồng tình với ý kiến của anh Giáp, chị Lý Phượng Yến bổ sung: “Chị đã gia nhập ngành hậu kỳ nói chung cũng như ngành Game nói riêng gần 10 năm về trước. Khi tham gia ngành, thời gian đầu ở Việt Nam có rất ít các công ty làm về Games. Nhưng khoảng từ 3 – 5 năm trở lại đây, do công nghệ ngày càng phát triển và nhu cầu của người dùng cũng càng cao, vậy nên ngành giải trí phát triển cực kỳ chóng mặt.

Riêng ở thị trường Việt Nam, tình cờ chị có đọc được một báo cáo doanh thu từ trang Azota, đó là vào năm 2019, Việt Nam nằm trong danh sách 4 nước có doanh thu ngành Game cao nhất Đông Nam Á và lọt top 27 trên toàn thế giới, hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai”.

Thị trường hậu kỳ được các diễn giả tìm hiểu và đánh giá rằng có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai

Tăng trưởng vượt trội cũng đồng nghĩa với nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các Studio làm về hậu kỳ cũng dần tăng cao. Đặc biệt là tại Việt Nam, thị trường được các ông lớn trong ngành tin tưởng và giao cho nhiều dự án đặc biệt. 

Nếu đã yêu thích hậu kỳ chắc các bạn cũng quen thuộc với cụm từ Outsource (Gia công). Việt Nam chính là một trong những thị trường sản xuất outsource mạnh nhất hiện nay, được các quốc gia lớn trong lĩnh vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chú ý đến. Cách đây khoảng 1, 2 năm về trước thì Việt Nam không nhận gia công nhiều như vậy, thế nhưng trong và sau đợt dịch COVID, nhu cầu giải trí của khán giả cao hơn, hàng loạt “gã khổng lồ” như Netflix, Marvel, Disney,… ra mắt ngày càng nhiều bom tấn đình đám. Điều này đem lại rất nhiều cơ hội cho các Studio Việt mở rộng quy mô của mình”, chị Trà Giang cho biết.

Nhu cầu giải trí của khán giả ngày một tăng cao, điều này đòi hỏi các nhà sản xuất phim điện ảnh, phim hoạt hình, game hay tất tần tật các loại hình giải trí ăn khách cũng phải gia tăng chất lượng lẫn số lượng sản phẩm để đáp ứng thị hiếu người dùng. Vì vậy ta có thể nhận thấy, đặc điểm nổi bật của ngành chính là nhu cầu về nguồn nhân lực chỉ luôn thiếu chứ không bao giờ thừa.

Điều này cũng được anh Giáp phát biểu: “Nếu ở thời gian trước Việt Nam chỉ được “thể hiện” qua những shot ngắn nhận outsource từ nước ngoài, thì trong khoảng 3 – 5 năm trở lại đây, các Studio còn được tin tưởng để đảm nhiệm ngày càng nhiều các shot phim có độ khó cao. Vì vậy, số lượng nhân sự có chuyên môn giỏi cũng cần phải tỷ lệ thuận với nhu cầu của thị trường.

Bản thân anh khi làm Đào tạo ở MAAC, tiếp xúc nhiều với Studio được họ chia sẻ rằng số lượng nhân sự cần cho các dự án trong tương lai đang tăng dần theo cấp số nhân. Thực tế rằng Học viện MAAC không thể cung cấp nổi số lượng nhân sự cho các Studio qua mỗi năm bởi nhu cầu tại thị trường hiện rất cao”.

Dưới lăng kính của nhà làm đào tạo, anh Giáp nhận định rằng thị trường Game-VFX-3D tại Việt Nam đang cần nguồn nhân lực giỏi với số lượng cực kỳ cao

Dù Games-VFX-3D đang cực kỳ phát triển và là “vùng đất vàng” để thế hệ trẻ thỏa sức thể hiện năng lực của mình. Thế nhưng thực tế hiện nay, rất nhiều bạn trẻ có niềm đam mê nhưng còn mơ hồ về ngành và băn khoăn không biết phải bắt đầu từ đâu. Theo đó, các vị diễn giả đã chia sẻ một số thông tin tổng quan nhất về 3 ngành VFX, 3D và Games để các bạn có được cái nhìn rõ hơn khi gia nhập ngành, cụ thể:

VFX (Kỹ xảo điện ảnh) – Công nghệ tạo ra những điều không thể thành có thể

Thông thường, trong quá trình quay phim của diễn viên thật tại phim trường không thể thực hiện toàn bộ các cảnh quay, đặc biệt là phim thuộc đề tài kỳ ảo, kinh dị, hành động,… 

Nếu có bất kỳ cảnh quay nào khó khăn, gây nguy hiểm cho đoàn làm phim và không thể thực hiện được ở thực tế, lúc này sẽ sử dụng VFX để tạo nên những thước phim “ảo diệu”, biến những thứ tưởng chừng như không thể thực hiện được thành những điều chân thật, lôi cuốn nhất.

Bên cạnh những shot phim được kết hợp giữa người đóng và sự hỗ trợ của VFX như bắn súng, nhảy từ trên cao,… còn có cả những như tạo hình gương mặt máu, nổ bom,… trong các bộ phim ngày nay cũng là sản phẩm được tạo nên từ VFX.

Nguồn ảnh: Sưu tầm

3D Animation (Hoạt hình 3D) – Truyền tải cảm xúc thông qua sự diễn hoạt của các nhân vật hoạt hình

Hoạt hình 3D hiện nay được ứng dụng cực kỳ nhiều trong đời sống. Không chỉ riêng ở lĩnh vực truyền thông – giải trí qua phim ảnh, MV ca nhạc, quảng cáo,… mà còn “xuất hiện” trong cả giáo dục và y tế. Theo đó, tất cả các khâu trong sản xuất Hoạt hình 3D, từ những ý tưởng đầu tiên cho đến khi thực thi các hình ảnh về nhân vật, đồ vật, bối cảnh,… tất tần tật đều được tạo ra 100% từ máy tính.

Nguồn ảnh: disneyanimation.com

Game Art & Design (Thiết kế Game) – Chơi game rất “đã”, nhưng tạo ra game lại càng “đã” hơn

Dù hiện nay có nhiều loại hình giải trí ra đời, nhưng game vẫn luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả. Đa số những Artist tạo ra game đều là những “game thủ” có niềm đam mê mãnh liệt với ngành. Điều này cũng được anh Giáp đồng ý trong buổi Talkshow Chơi Game – Học Game – Làm Game được tổ chức ngày 08.04 vừa qua, anh cho biết: “Anh là người thích chơi game, vì vậy khi trở thành người sản xuất ra game thì anh xem đây không phải là công việc mình “phải làm”, mà chính xác là “được làm”. Vì vậy việc làm game với anh như là việc đang được chơi mỗi ngày”.

Ngành Game được chia thành 2 mảng, đó là Lập trình Game và Game Art. Lập trình là công đoạn bạn cần thực hiện toàn bộ bằng code, lên ý tưởng để sản xuất ra game như bạn mong muốn. Còn Game Art chính là việc bạn hiện thực hóa các ý tưởng đó thành hình ảnh thật để khán giả có thể thấy và trải nghiệm.

Đi sâu hơn về Game Art, đây là công việc bao gồm lên ý tưởng và thực thi tất tần tật các công đoạn như: xây dựng cốt truyện game; phân chia đặc điểm của đồ họa nhân vật, bối cảnh, bản đồ; tạo ra quy luật game, phát triển level tăng dần,… Tất cả các công đoạn này đều quan trọng và cần phải có sự liên kết chặt chẽ mới có thể tạo ra một tựa game hoàn chỉnh. 

Nguồn ảnh: Sưu tầm

Bước chân vào ngành hậu kỳ cần nhiều tố chất đặc biệt, chỉ đam mê thôi là chưa đủ

Dù là bất cứ ngành nghề nào, để vững vàng từ bước đi đầu tiên cho đến lúc thăng hoa, mỗi người đều cần phải có những kỹ năng, tố chất cần thiết. Đặc biệt là với nhóm ngành nghệ thuật sáng tạo như Games-VFX-3D, muốn chạm tay đến đỉnh cao của ngành, bắt buộc mỗi Artist đều phải sở hữu nhiều kỹ năng riêng.

Chia sẻ về bí quyết để đi những bước đầu tiên vào ngành, anh Giáp cho biết: “Tố chất đầu tiên để theo đuổi ngành chính là sự đam mê, đây cũng là yếu tố quan trọng nhất. Bởi Games-VFX-3D là những ngành mới và khó, khi và chỉ khi bạn thật sự yêu thích bạn mới có thể theo đuổi ngành lâu dài”.

“Ngoài ra, để phát triển lâu dài trong ngành công nghiệp hậu kỳ này, các em cần phải có óc quan sát tỉ mẩn. Quan sát để ghi chép, phân tích và lưu lại trong đầu những kiến thức cần thiết, chắc chắn sẽ giúp các em giỏi một cách nhanh chóng”, chị Yến đồng tình và bổ sung.

Lắng nghe những chia sẻ về kỹ năng cần thiết khi gia nhập ngành, một bạn trẻ đặt câu hỏi: “Em rất thích 3D Animation và VFX nhưng em lại không vẽ đẹp, vậy điều này có cản trở gì cho em không?

Đây không phải là thắc mắc của riêng bạn, mà dường như rất nhiều bạn trẻ yêu thích ngành Animation nhưng vẫn e ngại vì bản thân không có năng khiếu vẽ. Đứng trước câu hỏi này, anh Giáp giải đáp: “Vẽ đẹp là một lợi thế chứ không phải điều kiện cần. Nếu em không có năng khiếu vẽ thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều trong quá trình làm 3D/VFX, bởi hiện nay tất cả các công đoạn đều được thực hiện trên phần mềm máy tính.

Ngay cả anh và chị Giang cũng thật sự vẽ không đẹp. Tuy nhiên, biết được hạn chế của mình nên bọn anh ngược lại rất chịu khó và chăm chỉ xem bản vẽ của người khác. Anh thường xuyên tìm tòi và nghiên cứu những bộ Artwork trên mạng, xem đi xem lại và đóng khung nó như một bộ thư viện hình ảnh trong não. Điều này làm anh nhớ và có thể sáng tạo hơn trong việc tạo hình nhân vật riêng. Và nó cũng được xem là tố chất rất cần thiết khi các em lựa chọn lấn sân vào ngành hậu kỳ”.

Có thể thấy, tính cần cù, quan sát, chịu khó học hỏi là những tố chất cực kỳ cần thiết để các bạn phát triển khi tham gia vào ngành công nghiệp hậu kỳ. Chính vì vậy, bạn sẽ gặt hái được thành công cho riêng mình trong ngành nếu hội tụ đủ những yếu tố trên. 

Tự học Games-VFX-3D là hoàn toàn có thể, nhưng quãng đường sẽ gập ghềnh hơn việc đào tạo qua trường lớp

Mỗi lĩnh vực trong ngành công nghiệp hậu kỳ đều được chia thành nhiều mảng nhỏ riêng biệt. Vì vậy, lựa chọn hướng đi đúng đắn cho bản thân ở giai đoạn chập chững vào nghề của newbie là điều vô cùng quan trọng. Một bạn tham dự thắc mắc: “Em đã tự học VFX/3D được gần nửa năm nay thông qua các thông tin trên Internet, vậy liệu em có phát triển được trong ngành khi không qua đào tạo bài bản tại trường lớp không?”

Trên thực tế, bên cạnh những Artist được học tập bài bản từ các chuyên gia và các học viện hàng đầu thế giới cũng không ít người tự học tập bằng chính sự nỗ lực của mình. Chia sẻ thêm về việc tự học hay học tại trường, anh Giáp nêu cảm nghĩ: “Bạn hoàn toàn có thể gia nhập ngành khi không cần phải học tập, tự bản thân học vẫn sẽ tốt nếu bạn có đủ đam mê và sự nỗ lực. Tuy nhiên, con đường bạn đi có thể sẽ gập ghềnh và mất thời gian hơn khi học qua trường lớp”.

Rõ ràng, khi có người hướng dẫn trực tiếp, bạn sẽ đi đúng hướng và không mắc phải những sai lầm mà người trước đã mất nhiều thời gian để tìm ra và khắc phục.

Tiếp tục với ý kiến của anh Giáp, chị Yến phát biểu: “Riêng cá nhân chị, việc tự học trong thời gian đầu khi gia nhập ngành hoàn toàn không đạt hiệu quả cao. Vì yếu tố cần thiết nhất của ngành hậu kỳ chính là nền tảng. Nếu em vững chắc ở phần “móng” thì càng xây lên cao sẽ càng dễ. Vì vậy, việc em tự học để xây dựng nền tảng sẽ cực kỳ khó khăn và phí nhiều thời gian. Theo chị, sau một thời gian đào tạo tại trường lớp để có được nền tảng, lúc này các em mới nên bắt đầu tự học để ngày càng phát triển kiến thức và kỹ năng của mình”.

Các diễn giả đưa ra quan điểm của mình về khía cạnh tự học và học qua trường lớp trong ngành Games-VFX-3D

Sơ lược về các ngành Games-VFX-3D được giảng dạy tại Học viện MAAC

Học viện MAAC chính là một trong những đơn vị đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu nhóm ngành Games-VFX-3D tại Việt Nam. Là nơi giảng dạy các ngành hậu kỳ đầu tiên tại Việt Nam, MAAC đã được các chuyên gia hàng đầu ngành lẫn các bạn trẻ đánh giá cao về chất lượng giảng dạy, phù hợp với nhu cầu ngành. Chia sẻ thêm dưới góc nhìn của Giám đốc đào tạo Học viện MAAC, anh Giáp cho biết: “Tuy du nhập từ Ấn Độ, nhưng chương trình học tại Việt Nam được chính anh cải biên lại sao cho phù hợp nhất với thị trường Việt.

Như các bạn cũng biết, môi trường làm việc, điều kiện sản xuất hậu kỳ ở Việt Nam để cung cấp cho khách hàng sẽ khác so với Ấn Độ, vậy nên chương trình học khác để phù hợp với nhu cầu thực tế ngành”.

Theo anh Giáp, chương trình học các ngành Games-VFX-3D tại MAAC được cải biên liên tục để phù hợp với nhu cầu thực tế của ngành

Đi sâu hơn về chương trình học, MAAC hiện tại đào tạo từ bài bản đến chuyên sâu 3 chuyên ngành chính sau:

  1. Game Art & Design:

Học kỳ 1: Chương trình đào tạo học viên các kỹ năng về mỹ thuật. Tuy không cần vẽ đẹp, nhưng một Artist cũng phải học vẽ để có thể xây dựng được thư viện hình ảnh, hỗ trợ phần Art và áp dụng vào 3D để tạo dựng nhân vật game.

Học kỳ 2: Chương trình bắt đầu đi vào Game Design. Học viên được đào tạo chuyên môn về Game Production để có thể hiểu được một quy trình làm game từ Dev đến Art trong một công ty. Sau đó được làm quen với cách để thiết kế, lên ý tưởng để bắt đầu làm game.

Học kỳ 3: Đi sâu vào 3D, các bạn sẽ được học cách tạo ra môi trường game và diễn hoạt các chuyển động của nhân vật. Tuy nhiên tất cả đều chỉ là những sản phẩm thô.

Học kỳ 4: Các bạn sẽ được học phần mềm Unreal Engine. Học viên sử dụng phần mềm và các hiệu ứng kỹ xảo để tạo nên môi trường game hoàn chỉnh, biến “cái thô” thành những nhân vật có cảm xúc, có cử chỉ nhằm mang lại tính chân thật nhất cho người chơi.

Trải qua 2 năm học ở MAAC, mỗi học viên đều có thể tạo ra được một đoạn trailer ngắn cho Game từ chính tay mình và hiểu rõ hết các vị trí làm việc trong một Studio Game ở mảng Art.

Video giới thiệu ngành học Game Art & Design tại Học viện MAAC

  1. 3D Animation

Học kỳ 1: Học viên được học vẽ tương tự với ngành Games, góp phần nâng cao kỹ năng và kiến thức về mỹ thuật. Tuy nhiên, sự khác biệt chính là mục tiêu của khóa học Hoạt hình là học viên làm ra phim ngắn của riêng các bạn. Vì vậy, bên cạnh học vẽ các bạn còn được học cách làm phim, quay phim, dựng phim,… 

✓ Học kỳ 2: Ở học kỳ này các bạn sẽ được học cách tạo hình nhân vật, tô màu sắc,… tất tần tật các chi tiết để có thể tạo nên những sản phẩm 3D. Và thời điểm này các bạn sẽ được học một trong những kỹ năng quan trọng nhất của Hoạt hình chính là Diễn hoạt (hay còn gọi là Animation).

✓ Học kỳ 3: Ở đầu học kỳ, học viên sẽ được học quy trình viết kịch bản, xây dựng câu chuyện cho phim hoạt hình. Mục đích chính là để xuyên suốt học kỳ 3 và cả học kỳ 4 các bạn phải tự làm được đoạn phim hoạt hình ngắn cho riêng mình. Bên cạnh đó còn học các môn chuyên ngành để có thể tạo chuyển động nhân vật hoạt hình.

Học kỳ 4: Học tất tần tật các công đoạn để làm phim hoạt hình như tìm kiếm chất liệu phù hợp cho phim, màu sắc phim phù hợp, âm thanh, ánh sáng,…

Video giới thiệu ngành học 3D Animation tại Học viện MAAC

  1. VFX – Visual Effects

Học kỳ 1: VFX chính là việc tích hợp những kỹ xảo hình ảnh vào trong những cảnh quay thực tế. Đầu tiên học viên cần phải hiểu phim ảnh là gì, vì vậy, cả học kỳ 1 của VFX sẽ được học về quy trình làm phim và các kỹ năng cần thiết cho việc làm phim như Compositing, Motion Graphics, Clean Up,… 

Ở học kỳ này học viên sẽ phải thực hiện một Mini Project để có thể hiểu rõ hết quy trình làm phim và rút ra được kinh nghiệm từ những sai sót trong thời gian đầu.

Học kỳ 2: Sau khi đã hiểu phim ảnh là gì, các bạn sẽ học tập và thực hiện các công việc của 3D như tạo hình nhân vật, Animation, thực hiện hệ thống chuyển động nhân vật 3D,… Cuối học kỳ phải thực hiện đồ án và đề bài chính là sử dụng toàn bộ chất liệu 3D đã được học để tạo nên thước phim ngắn.

Học kỳ 3: Cả học kỳ này chỉ chú trọng vào bộ môn Houdini – phần mềm cho phép tạo ra những hiệu ứng khó nhằn trên phim ảnh như khói lửa, nổ bom, biến hình,… đây là kiến thức cực kỳ quan trọng để đem lại tính chân thật nhất cho các cảnh quay kỹ xảo.

Học kỳ 4: Học kỳ cuối của chương trình, học viên được học chuyên về xử lý hậu kỳ, học về Map painting – đây là phương pháp tạo ra các shot phim thuần kỹ xảo, lighting, compositing,… tất tần tật các kỹ năng để có thể tạo ra một phân đoạn kỹ xảo hoàn chỉnh. 

Video giới thiệu ngành học Visual Effects tại Học viện MAAC

Sau khi lắng nghe chương trình học tập đi sâu vào chuyên môn chỉ trong hai năm tại MAAC, một số bạn trầm trồ và thắc mắc: “Chỉ trong 2 năm nhưng chương trình học lại bao quát khá nhiều bộ môn, vậy chất lượng đầu ra có thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế ngành?

Đánh giá đây là câu hỏi rất đúng trọng tâm, anh Giáp hài lòng chia sẻ: “Theo cá nhân anh, thời gian học 2 năm sẽ không thật sự đủ nếu các bạn chỉ học trên trường và về nhà không luyện tập thêm. Nếu muốn phát triển tốt và có được các kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng bước chân vào ngành, bạn bắt buộc phải tự học thêm ở nhà. Bên cạnh những bài giảng trên lớp, về nhà tự tìm tòi và nghiên cứu theo hướng được giảng viên gợi ý sẽ giúp bạn nhanh chóng có được nền tảng vững chắc để gia nhập ngành.

Bên cạnh đó, những giảng viên đào tạo tại MAAC đều là những Artist có kinh nghiệm thực tế ở ngành, nắm vững kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực chiến để đem lại cho học viên những bài giảng thực tế nhất, phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay. Vì vậy, thời gian hai năm và đi sâu vào chuyên môn ngay từ học kỳ đầu sẽ đủ cung cấp kiến thức cho học viên nếu bạn đó cố gắng và nỗ lực hết mình cho việc học”.

Tất cả các thông tin trên cũng đã tóm gọn những kiến thức và định hướng đúng đắn cho các bạn trẻ yêu thích ngành công nghiệp hậu kỳ. Có thể thấy, đây là những ngành nghề vừa “siêu dễ” nhưng lại vừa “siêu khó”. Bạn sẽ thấy “siêu khó” nếu không có được hướng đi rõ ràng, nhưng chắc chắn sẽ “siêu dễ” khi có tầm nhìn tổng quát và lửa đam mê luôn luôn mãnh liệt, không ngừng cố gắng chinh phục giấc mơ.

Hậu kỳ tương tự như một tòa nhà rộng lớn. Khi đứng từ ngoài nhìn vào, bạn sẽ thấy sẽ rất khó để có thể đi hết tòa nhà này vì nó rất rộng và nhiều hướng. Nhưng một khi đã bước vào cánh cửa đầu tiên, bạn sẽ từng bước đều có thể đi mọi ngóc ngách của tòa nhà bằng sự nỗ lực của mình và sự hướng dẫn của người khác”, chị Trà Giang ví von.

Bạn Huỳnh Thanh Phong – chuyên ngành Thiết kế Kỹ thuật số lắng nghe và bày tỏ: “Tuy học về Digital nhưng em cũng rất yêu thích chuyên ngành 3D, mong muốn tìm hiểu sâu về ngành và hiện đang bắt đầu từng bước tham gia ngành. Qua buổi chia sẻ, hầu hết những kiến thức được anh Giáp, chị Yến và chị Giang truyền tải đều rất cần thiết với những bạn trẻ đang bắt đầu bước vào ngành như em. Em nhận ra mình cũng đồng cảm với các diễn giả rằng: ngành hậu kỳ “dễ” hay “khó” đều là do mỗi người. Nếu đủ đam mê, sự nỗ lực và có định hướng riêng, nghề sẽ dễ.

Sau talkshow, em nhận thấy mình được “khai sáng” nhiều hơn về ngành, có được định hướng riêng mà chắc chắn rằng nếu không có buổi chia sẻ này em rất khó để có được định hướng. Cám ơn các anh chị diễn giả vì những thông tin bổ ích”.

Bạn Thảo Quyên, sinh viên ngành Thiết kế đồ họa cũng hào hứng chia sẻ: “Em biết đến talkshow thông qua một người quen. Có đam mê mãnh liệt với hậu kỳ, nhưng thực tế bản thân em cũng đang “lạc lối” giữa hai hướng đi là VFX và 3D. Sau những chia sẻ đầy chân thật của các anh chị Artist nhiều kinh nghiệm, chăm chú lắng nghe quá trình chinh phục ngành, những khó khăn và “thời khắc huy hoàng” mà các anh chị đã gặp phải, em cũng rút ra được cho mình những bài học giá trị.

Sau những gì được trải nghiệm qua buổi workshop, em có thể tự tin trả lời được câu hỏi cho chính bản thân mình rằng: Mình cần phải làm gì và bắt đầu từ đâu trong thế giới hậu kỳ rộng lớn. Cám ơn các vị diễn giả và Học viện MAAC đã tổ chức ra buổi giao lưu đầy bổ ích, chắc chắn em sẽ còn tham gia các buổi chia sẻ tiếp theo trong tương lai”.

Lời kết

Kết thúc chương trình, bên cạnh sự hào hứng còn có thêm những gương mặt tiếc nuối của các bạn trẻ khi “cuộc vui đã đến lúc tàn”. Với những thông tin thực tế từ những “chiến binh thép” trong ngành, không chỉ Thanh Phong hay Thảo Quyên, mà chắc hẳn các bạn trẻ tham dự đều đã đem về được nhiều kiến thức và phần nào định hướng được hướng đi phù hợp nhất với bản thân. 

Sau sự kiện, chắc chắn Học viện MAAC sẽ còn tổ chức thêm nhiều buổi giao lưu khác, mở ra cơ hội cho các tài năng trẻ được lĩnh hội kiến thức từ chuyên gia, góp phần xây dựng ngành công nghiệp hậu kỳ của nước nhà ngày một “thăng hạng”. Nhân tiện đây, Học viện MAAC xin chúc tất cả các bạn trẻ đã và đang có niềm đam mê to lớn với thế giới hậu kỳ có được cho mình định hướng rõ rệt và sớm chạm đến nấc thang cao nhất trong hành trình chinh phục giấc mơ.

SIGN UP FOR FREE

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ