GAME AR/VR ĐÃ TÁC ĐỘNG ĐẾN TRẢI NGHIỆM CỦA NGƯỜI CHƠI TRÊN THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?

Thử nghĩ về một tựa game có thể đưa bạn đến thế giới tưởng tượng với một trải nghiệm siêu thực, điều này liệu có khả thi? Câu trả lời là có, đặc biệt là khi sự bùng nổ của công nghệ đã khiến hình thức chơi game này trở thành xu hướng và ngày một phổ biến rộng rãi – được gọi là Game AR (Augmented Reality – Thực tế ảo tăng cường) và VR (Virtual Reality – Thực tế ảo).

Các tựa game AR/VR đã trở thành cuộc cách mạng cho trải nghiệm chơi game của người dùng trên toàn thế giới dựa vào các yếu tố tương tác và sự tiến bộ của công nghệ. Trong đó, AR kết hợp với đồ hoạ 3D tạo không gian đa chiều và môi trường thời gian thực cho các trò chơi, trong khi VR thường tích hợp các hoạt động thể chất với thiết bị nhằm giúp trò chơi thực tế hơn. 

Những đổi mới này đã giúp thị phần game AR đạt mốc 8,4 tỷ USD vào năm 2022 và được dự kiến chạm ngưỡng 43,1 tỷ USD trong năm 2028. Còn với VR, con số được thống kê là 12,13 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng thêm 2,4 tỷ USD khi năm 2024 kết thúc. Đây là bề nổi của một tảng băng khổng lồ về thị trường công nghiệp game hiện tại, tuy nhiên, điều chúng ta không thể phủ nhận là những tác động của game AR/VR với trải nghiệm của game thủ trên thế giới. 

AR và VR trong ngành game là gì?

AR được ứng dụng trong các game tương tác với thế giới thực, trong đó, công nghệ AR được dùng để ghi lại môi trường xung quanh người dùng, theo dõi chuyển động của họ với các đối tượng kỹ thuật số. Bên cảnh đó, các cảm biến cũng sẽ điều chỉnh và thay đổi các đối tượng ảo theo từng tương tác cho phù hợp và biểu hiện qua hình ảnh, âm thanh.  

Còn với VR, công nghệ này được ứng dụng thông qua các thiết bị như tai nghe, kính đeo, hoặc có cả một căn phòng/không gian được thiết kế để xây dựng môi trường chơi game VR cho người dùng. Ở đó, các game thủ có thể được công nghệ VR hỗ trợ các cảm giác về mùi hương, tác động, âm thanh,… để mô phỏng tình hình thực tế thông qua các thiết bị chuyên dụng trên. 

Các thể loại trò chơi AR và VR trên thị trường

A. Thể loại trò chơi AR phổ biến 

1. Trò chơi AR dựa trên vị trí: Sử dụng GPS và dữ liệu vị trí trong thế giới thực để phủ các thành phần ảo lên môi trường của người chơi. Người chơi tìm kiếm các vật phẩm trong trò chơi ở môi trường xung quanh, câu đố, nhân vật ảo, nhiệm vụ, mở khóa màn chơi, hoàn thành thử thách và tham gia vào các trận chiến trong khi di chuyển quanh thế giới thực.

2. Trò chơi thể thao AR: AR bổ sung các chi tiết và yếu tố ảo cho các trò chơi thể thao truyền thống như Quần vợt, Bóng rổ, Bóng đá, Cricket, …, đồng thời hỗ trợ chế độ nhiều người chơi giúp người chơi có thể thưởng thức những trò chơi này với bạn bè.

3. Trò chơi giải đố AR: Người chơi phải giải các câu đố, tìm kiếm đồ vật bị giấu hoặc điều hướng qua mê cung ảo được bao phủ ở vị trí thời gian thực.

4. Trò chơi giả lập AR: Những trò chơi này sử dụng AR để mô phỏng thực tế về các hoạt động và kịch bản khác nhau từ việc giả lập làm người nổi tiếng, làm thú cưng,… 

5. Trò chơi xã hội AR: Trò chơi xã hội thúc đẩy sự tương tác giữa người chơi với sự trợ giúp của AR, khuyến khích người chơi tham gia vào các hoạt động ảo, cộng tác thực hiện các nhiệm vụ và ghé thăm không gian ảo của nhau để hoàn thành các thử thách.

6. Trò chơi giáo dục AR: Các nhà phát triển sử dụng các yếu tố AR để tạo ra trải nghiệm giáo dục tương tác và phong phú. Trò chơi AR mang tính giáo dục dạy lịch sử, khoa học hoặc các môn học khác thông qua nội dung AR tương tác.

Những tựa game AR phổ biến nhất: ARSports, PokemonGo, Ingress Prime, Zombies Run, Orna, NBA All World, Jurassic World Alive, Egg, Inc,…  

B. Thể loại trò chơi VR phổ biến 

1. Trò chơi VR bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS): Những tựa game này giúp người chơi nhập vai vào một nhân vật, thường được trang bị vũ khí và có thể tham gia vào các trận chiến chống lại kẻ thù. 

2. Trò chơi VR phiêu lưu hành động: Các game thuộc thể loại này đưa người chơi vào một cốt truyện ly kỳ mà người chơi theo dõi trong khi chiến đấu với các thử thách và câu đố. 

3. Trò chơi VR giả lập: Loại trò chơi này tập trung vào việc tái tạo những trải nghiệm hoặc kịch bản đời thực trong môi trường ảo như chơi lái xe, di chuyển đồ vật.

4. Trò chơi VR giải đố: Người chơi có thể giải trí trong các tựa game VR này bằng loạt câu đố và câu hỏi hóc búa khác nhau được biểu hiện và tương tác bởi các thiết bị. 

5. Trò chơi thể thao VR: Game thể thao VR là những hình thức thu hút người chơi nhất, giúp người chơi tham gia các môn thể thao ảo như đấm bốc, chơi gôn, quần vợt,….

6. Trò chơi VR theo cốt truyện: Trò chơi VR dạng này thường kể chuyện hoặc xây dựng trò chơi xoay quanh một câu chuyện, mang lại trải nghiệm cảm xúc như video game thông thường cho người chơi.

7. Trò chơi VR mang tính giáo dục: Trong các trò chơi VR này, người chơi có thể học nhiều kỹ năng khác nhau, chia sẻ kiến ​​thức, tương tác, cạnh tranh và huấn luyện lẫn nhau trong không gian ảo chung bằng cách sử dụng các công cụ giáo dục và các yếu tố VR.

Những tựa game VR phổ biến nhất: Half-Life: Alyx, Minecraft VR, Rec Room, The Forest,…

Những ưu điểm của công nghệ AR/VR trong ngành công nghiệp game

Với sự tiếp thu các tiến bộ công nghệ thần tốc, người chơi trên toàn thế giới đã sớm làm quen và say mê những tựa game AR/VR, đồng thời sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho các công cụ, thiết bị có thể phục vụ trải nghiệm chơi game của mình. Điều này thể hiện những ưu điểm đáng ghi nhận của công nghệ AR/VR khi được các nhà lập trình, nhà thiết kế game ứng dụng trong sản phẩm của họ: 

1. Tương tác siêu thực

Trò chơi AR/VR cho phép người chơi tham gia vào trò chơi bằng cả dạng vật lý lẫn cảm xúc, và ngày càng mở rộng những không gian tiếp xúc với chủ thể. Từ đó, người chơi có thể cảm nhận được gió, nhìn và ngửi thấy môi trường xung quanh cũng như chuyển động của vật thể.

Việc sử dụng AR/VR trong trò chơi sẽ tăng cường mức độ tương tác và cuốn hút người chơi trong thời gian dài. Họ có thể tư duy, rút ra các chiến lược và thực hiện để giành chiến thắng trong trò chơi một cách sống động như thật.

2. Xây dựng những tương tác thực

Trò chơi AR/VR không chỉ giới hạn ở các nhân vật ảo mà còn thúc đẩy sự tương tác giữa con người với nhau. Việc triển khai AR/VR trong trò chơi sẽ khuyến khích người chơi giao tiếp tốt hơn. Người chơi có thể mời bạn bè hoặc những người cùng sở thích qua hình thức livestream để chơi cùng, giúp tăng cường những kết nối cá nhân, chia sẻ trải nghiệm chơi game và (có thể) xây dựng những mối quan hệ thân thiết lâu dài.

3. Nâng cao trải nghiệm chơi game

Như đã đề cập trước đó, ưu điểm “tối thượng” của các tựa game AR/VR chính là nâng cao trải nghiệm chơi game của người chơi đến một cấp độ siêu thực. Bạn có thể tham nhập vào một thế giới nửa thực nửa ảo với những năng lực siêu việt, di chuyển và tương tác với các vật thể trong đó, điều khiển những đối tượng và nhân vật trong đó,… Đây có khác gì hiện thực hoá ước mơ đâu đúng không? 

4. Ích lợi về mặt giáo dục

Các trò chơi AR/VR kích thích các giác quan và tăng khả năng tưởng tượng ở người chơi. Điều này cũng có thể áp dụng để hỗ trợ việc học và giúp các em nhỏ dễ dàng tiếp cận các khái niệm, kỹ năng mới.

Tương lai của AR/VR trong ngành công nghiệp game

Thời gian đầu tiên, các trò chơi AR/VR chỉ hiện diện với hình thức cơ bản nhất là tái tạo khuôn mặt của nhân vật trong game, hiển thị các hình ảnh 3D để tối đa hoá độ chân thực. Nhưng giờ đây, công nghệ AR/VR trong game đã bứt phá mọi giới hạn và ngày càng thâm nhập sâu vào thế giới thực. 

Các Game Designer, Game Artist trên thế giới đã tăng cường sự sáng tạo và kỹ thuật của mình để tích hợp AR và VR vào các tựa game một cách tối ưu. Những thế giới ảo ngày một hoàn hảo từ hình ảnh, âm thanh đến các tương tác và hướng đến mục tiêu định hướng, tác động vào tâm lý người chơi trong cả thế giới thực. 

Theo dự kiến của các chuyên gia, AR/VR sẽ sớm được tích hợp vào các casual game (game phổ thông) trong vòng 5 năm tới. Hầu hết các tựa game lớn trên thế giới sẽ sớm có phiên bản AR/VR hoặc được chuyển hẳn sang hình thức này, và người chơi sẽ không còn phải mơ ước tới ngày mình có thể trở thành chính nhân vật ảo với tai nghe, găng tay và các bộ điều khiển cảm biến tiên tiến. 

Các Nhà nghiên cứu và Lập trình viên cũng nỗ lực tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào các trò chơi AR/VR để làm cho trò chơi trở nên tiên tiến hơn. AI sẽ sử dụng môi trường của người chơi thay vì hiển thị trên màn hình và cung cấp trải nghiệm được cá nhân hóa cho từng người dùng. 

Tóm lại, quy mô thị trường AR/VR trong ngành công nghiệp game được dự đoán sẽ tiếp tục khuếch đại và tăng trưởng với tốc độ CAGR là 31,4% trong giai đoạn từ 2021 đến 2028. Mặt khác. Đây là lúc các nhà làm game có thể cân nhắc đến định hướng đầu tư vào trò chơi AR/VR để tối ưu hoá lợi nhuận, và mở ra những hướng đi mới cho các tài năng ngành công nghiệp game tại Việt Nam và trên thế giới. 

Nguồn: 300Mind-Studio

SIGN UP FOR FREE

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ