Dự đoán về tác động của AI lên thị trường phim ảnh năm 2024

Sử dụng AI sẽ mang lại những lợi thế đáng kể, song điều này vẫn đặt ra không ít thách thức khó lường.

Song hành cùng sự phát triển của thời đại, AI (Artificial Intelligence hay trí tuệ nhân tạo) đã mang đến vô số giá trị cho người dùng, cũng như tạo ra những biến đổi ngoạn mục trên thị trường Hollywood từ năm 2024 trở về sau, và góp phần định hình lại bối cảnh ngành điện ảnh, giải trí theo một hướng đi hoàn toàn mới. Từ công cuộc cách mạng hóa quy trình sáng tạo đến việc thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống, AI có thể mang đến cho chúng ta những cơ hội tiềm năng nhưng cũng đồng thời để lại khá nhiều rào cản đáng gờm.

Nguồn ảnh: Variety

Kevin Geiger, một trong những cây viết chuyên nghiên cứu và đưa ra các nhận định về nghệ thuật, công nghệ và trí tuệ nhân tạo của Animation World Network, đã đưa ra 12 dự đoán về tác động của AI đối với ngành công nghiệp phim ảnh tại Hollywood vào năm 2024, bao gồm cách AI cho phép các cá nhân và tập thể đạt được nhiều thành tựu hơn với ít chi phí, định hướng phát triển kịch bản, tìm kiếm nhân tài, và thậm chí là đẩy lùi ranh giới của quá trình làm phim bằng công nghệ deepfake. 

Sự thịnh hành của AI còn được thể hiện qua việc tạo ra các nhân vật ảo, diễn viên đóng thế, tổng hợp giọng nói, biên tập, sáng tác nhạc, cũng như phân tích và dự đoán về những thay đổi lớn trong mô hình sản xuất và tiếp thị phim.

Do đó không thể phủ nhận những cải tiến này đã giúp người dùng an tâm hơn về hiệu suất công việc trong khi vẫn thỏa mãn sự sáng tạo không hồi kết của mình. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ gây ra không ít tranh cãi về mặt đạo đức, đặc biệt là ở cục diện mà nhiều vai trò trong ngành đang bị đe dọa bởi AI như hiện nay.

Nguồn ảnh: Euronews

Dưới đây là 12 dự đoán của Geiger về sự tác động của AI đối với ngành công nghiệp Hollywood vào năm 2024:

1. AI cho phép các nhóm sáng tạo quy mô nhỏ hoàn thành nhiều việc trong thời gian ngắn hơn

Đây là lợi thế lớn của AI. Nếu bạn là một nhà sáng tạo hoặc chủ của một studio có thời gian và nguồn lực hạn chế thì hãy tận dụng tối đa khả năng mà trí tuệ nhân tạo mang lại. Sự cập nhật và cải tiến không ngừng của AI là điều khiến nó trở nên có giá trị đối với các nhà sáng tạo độc lập và studio có quy mô nhỏ – trung bình. 

Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa rằng những nhân viên phổ thông và người làm việc tự do cho các cá nhân và tổ chức (Freelancer) sẽ dễ bị đào thải và phải liên tục cập nhật kỹ năng để bảo toàn sự nghiệp của mình. 

Nguồn ảnh: iPic.Ai

Có thể nói, thách thức đối với một thế giới đang tồn tại AI là tìm ra được điểm cân bằng giữa những gì mà AI và con người làm được, bởi vì khả năng sáng tạo, tư duy và định hướng phát triển lâu dài chính là những yếu tố mà AI khó lòng vượt mặt con người.

2. Các hãng phim sử dụng AI để phê duyệt kịch bản

Giống như cách mà nhiều công ty hiện nay sử dụng AI để sàng lọc sơ yếu lý lịch, các hãng phim cũng sẽ ngày càng ứng dụng AI như một công cụ xét duyệt đầu tiên và cuối cùng trong quá trình phân tích kịch bản và lên kế hoạch cho dự án. 

Về mặt lý thuyết, bằng cách xét duyệt kịch bản dựa trên những nguồn tham khảo từng thành công trong quá khứ, xu hướng hiện tại và sở thích của khán giả, AI có thể dự đoán tiềm năng thành công của một dự án nào đó. 

Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào AI có thể khiến con người sợ hãi khi phải chấp nhận rủi ro và hạn chế khả năng sáng tạo của mình. Có thể thấy, các hãng phim vẫn luôn ưa chuộng những kịch bản phù hợp với công thức đã được chứng minh từ trước hơn là những câu chuyện mang tính thử nghiệm và có màu sắc riêng.

Nguồn ảnh: Copyright Lately

3. Thuật toán AI được áp dụng để tìm kiếm và tuyển chọn nhân tài

Dựa trên dữ liệu và tiêu chí học được, thuật toán AI có thể cải thiện quá trình tìm kiếm và tuyển chọn nhân tài bằng cách phân tích diễn xuất của các diễn viên và đề xuất người phù hợp nhất cho mỗi vai diễn cụ thể.

Nếu nhìn nhận theo hướng lạc quan thì điều này có thể giúp quá trình tuyển chọn trở nên hiệu quả hơn, cũng như phát hiện ra những tài năng mới mà phương pháp truyền thống có thể bỏ sót. Mặt khác, trong trường hợp thông tin cung cấp cho AI mang tính thiên vị thì điều này sẽ khiến thuật toán ưu tiên một số kiểu diễn xuất hoặc diễn viên nhất định, từ đó có thể dẫn đến sự thiếu đa dạng trong việc tuyển chọn diễn viên.

4. Deepfake đang dần trở thành mô hình làm phim mới

Sự phát triển không ngừng của công nghệ deepfake cho phép các nhà làm phim ở mọi cấp độ nguồn lực đều tạo ra được phiên bản thời trẻ của các diễn viên còn sống hoặc đưa các diễn viên đã qua đời trở lại màn ảnh một cách chân thật. 

Nguồn ảnh: Geopop

Công nghệ này đã được sử dụng trong quá trình tường thuật những câu chuyện trải dài qua từng thời kỳ khác nhau. Dù mang đến cơ hội sáng tạo thú vị nhưng nó cũng đặt ra mối lo ngại đáng kể về mặt đạo đức, vì nó có thể lạm dụng tư liệu của các diễn viên khi chưa được sự cho phép và tạo ra vô số hình ảnh kỹ thuật số giống nhau giữa người với người. Tóm lại, sự tiến bộ của công nghệ deepfake có thể khiến khán giả đơn thuần xem phim chứ không còn thưởng thức và tin vào các giá trị có trong bộ phim nữa.

5. Sự trỗi dậy của các tính năng bổ sung thực thể và diễn viên đóng thế do AI điều khiển 

Việc sử dụng các tính năng bổ sung thực thể ảo và diễn viên đóng thế do AI tạo ra sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong công đoạn cắt giảm chi phí sản xuất và sự phức tạp về mặt hậu cần, đặc biệt là trong những phân cảnh đòi hỏi đám đông và các pha hành động nguy hiểm. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ AI sẽ làm giảm cơ hội việc làm cho các diễn viên quần chúng và diễn viên đóng thế.

6. Liệu có còn đất dụng võ cho các chuyên gia kỹ thuật khi AI đang ngày càng lấn chiếm địa bàn của họ?

Một trong những khả năng không thể chối bỏ của AI là tạo ra các hiệu ứng hình ảnh phức tạp một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Do vậy, nó thường được thiết lập để nâng cao cách kể chuyện bằng hình ảnh trong một số bộ phim hiện nay. 

“Prompting” là một kỹ thuật cho phép đạo diễn đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho AI bằng ngôn ngữ tự nhiên thay vì viết code. Sau đó, AI có thể hình thành những phân cảnh VFX chân thực và tùy chỉnh dựa trên mệnh lệnh từ phía đạo diễn.

Nguồn ảnh: Yatta

Theo đó, prompting sẽ giúp các đạo diễn có thêm nhiều quyền kiểm soát đối với quá trình sáng tạo VFX, đồng thời thể hiện được tầm nhìn của mình một cách tự do và dễ dàng hơn. 

Tuy nhiên, prompting sẽ làm giảm số lượng giám đốc kỹ thuật cần thiết cho một bộ phim. Điều này có thể mang đến lợi ích đáng kể cho các studio lớn và nhà sản xuất phim độc lập, nhưng đồng thời lại là mối đe dọa “chén cơm” đối với các chuyên gia kỹ thuật trong tương lai. 

7. Chỉnh sửa bằng AI sẽ dần trở thành lựa chọn “top of mind”

Quá trình chỉnh sửa được hỗ trợ bởi AI đang cách mạng hóa quá trình làm phim và hậu kỳ bằng cách tự động chọn lọc các cảnh quay, đề xuất chỉnh sửa và tập hợp các đoạn cắt thô. Điều này có thể giúp tăng tốc đáng kể quy trình chỉnh sửa và giảm thiểu chi phí, nhưng việc phụ thuộc quá nhiều vào AI cũng có thể làm giảm khả năng sáng tạo của đội ngũ biên tập, khiến bộ phim hoặc video trở nên ít độc đáo và hấp dẫn hơn.

Đối với các nội dung phim hoặc video được tạo ra nhằm thu hút lượng lớn khán giả nói chung thì việc mất quyền kiểm soát sáng tạo có thể sẽ không quan trọng lắm, miễn là quá trình chỉnh sửa được hỗ trợ bởi AI vẫn mang lại kết quả khả quan cho bộ phim. 

Nguồn ảnh: LinkedIn

Đọc thêm: Top 7 công cụ chỉnh sửa video AI phổ biến nhất hiện nay

8. Giọng nói AI làm “rung chuyển” ngành công nghiệp làm phim

Trong khi những hãng phim hoạt hình tiếp tục mời các ngôi sao về để lồng tiếng nhân vật cho dự án quảng bá phim và talk show trên nền tảng mạng xã hội thì trình tổng hợp giọng nói do AI cung cấp sẽ ngày càng được phổ biến trong các bộ phim hoạt hình truyền hình và công đoạn thay thế hội thoại tự động.

Dành cho những ai chưa biết thì thay thế hội thoại tự động, hay Automated dialogue replacement (ADR), là quá trình thu âm lại các đoạn hội thoại của diễn viên gốc (hoặc diễn viên thay thế) sau quá trình quay phim để cải thiện chất lượng âm thanh hoặc thực hiện những thay đổi đối với đoạn hội thoại dựa theo kịch bản ban đầu.

Theo đó, trình tổng hợp giọng nói AI sẽ mang lại hiệu quả về chi phí hơn, cũng như khả năng điều chỉnh lỗi nhanh chóng và giúp chuyển ngữ một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhược điểm cho việc này đó là AI có thể sẽ được sử dụng để thay thế con người và làm mất đi các sắc thái trong giọng nói mà chỉ con người mới thực hiện được – đây cũng là vấn đề mà AI không thể nào khắc phục hoàn toàn trong thời gian tới.

Nguồn ảnh: soundlearn

9. Lồng tiếng AI có thể xóa tan rào cản ngôn ngữ

Việc lồng tiếng bằng trình tạo giọng nói AI sẽ góp phần xóa bỏ những rào cản ngôn ngữ, giúp khán giả toàn cầu dễ dàng xem phim ngay lập tức mà không cần đợi các diễn viên từ mỗi quốc gia chuyển ngữ trước khi phát hành. Tất nhiên, bạn sẽ không thể đòi hỏi phần lồng tiếng phù hợp về mặt văn hóa chỉ trong nháy mắt được. 

Mặc dù việc lồng tiếng tự động có thể không nắm bắt được các sắc thái (hoặc thậm chí là những logic cơ bản) trong giọng nói gốc của các diễn viên, điều này vẫn giúp các hãng phim xóa bỏ rào cản ngôn ngữ và nâng cao khả năng tiếp thị xuyên quốc gia của mình. 

Vấn đề về chất lượng là không thể tránh khỏi nhưng rồi sẽ được giải quyết lần lượt trong tương lai. Chỉ cần đừng ứng dụng nó vào trong phim Hollywood và các dự án lớn thì bạn đã có thể tự tin khuấy đảo thế giới bằng trình dịch thuật và lồng tiếng của trí tuệ nhân tạo.

Nguồn ảnh: LinkedIn

10. Âm nhạc do AI tạo ra là yếu tố thay đổi cuộc chơi

Chỉ với một số thuật toán dựa trên các chỉ thị cụ thể, AI dự kiến sẽ mang đến sự bùng nổ trong âm nhạc và từ đó cách mạng hóa tiến trình sản xuất âm nhạc trong nhiều bộ phim. 

AI hiện đang giúp các nhà sản xuất độc lập tối ưu hóa quá trình làm phim và tiết kiệm chi phí của mình. Tuy nhiên, công nghệ này làm dấy lên mối lo ngại về vai trò của các nhà soạn nhạc, cũng như những phẩm chất nghệ thuật độc đáo và tính con người được thể hiện trong các tác phẩm, sáng tác.

11. AI cho phép các nhà sáng tạo kể chuyện tăng tính tương tác hơn 

AI sẽ cho phép các nhà sáng tạo nâng tầm khả năng kể chuyện trong các trò chơi thế giới mở và trải nghiệm thực tế mở rộng, cung cấp cho người dùng những câu chuyện mang tính cá nhân hóa và sống động cao. 

Nguồn ảnh: AMB Crypto

Mặc dù điều này sẽ giúp khai thông những chân trời sáng tạo mới nhưng nó cũng đặt ra những thách thức về tính mạch lạc của câu chuyện và khả năng duy trì mức độ tương tác cao giữa nhiều mạch truyện khác nhau.

12. AI được sử dụng để phân tích và dự đoán chiến lược cho các hãng phim

Dựa trên dữ liệu về cách thức và địa điểm phát hành phim, việc ứng dụng AI vào phân tích dự đoán trong khâu Marketing và phân phối tác phẩm sẽ cho phép các hãng phim đưa ra những quyết định hợp lý, và về mặt lý thuyết, có thể làm tăng lợi nhuận cũng khả năng tiếp cận khán giả hơn. 

Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào các dữ liệu được AI kiểm duyệt sẽ giúp các hãng phim tập trung nhiều hơn vào các bộ phim mang lại lợi nhuận và phổ biến, thay vì những bộ phim sáng tạo và có ý nghĩa. Điều này có thể dẫn đến phạm vi sản xuất phim bị thu hẹp, theo đó sẽ có ít sự đa dạng về thể loại phim dành cho khán giả hơn.

Nguồn ảnh: Tycoon Success

Tóm lại

  • Các hãng phim lớn sẽ tăng cường sử dụng AI để tiếp tục làm mọi việc theo mong muốn của họ. 
  • AI có thể đe dọa đến hoạt động kinh doanh bấy lâu của những nhân viên phổ thông và các freelancer.
  • AI sẽ là ngọn hải đăng giữa trời đêm cho những người sáng tạo/nhà sản xuất độc lập với thời gian và nguồn lực hạn chế.

Nguồn: Animation World Network

SIGN UP FOR FREE

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ