KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH LÀ GÌ?
Kỹ xảo Điện ảnh – Visual Effect (VFX) là phần hậu kỳ trong giai đoạn thực hiện một sản phẩm truyền thông nghe nhìn. Người thực hiện Visual Effect sẽ đảm bảo các kỹ xảo điện ảnh, hiệu ứng về âm thanh, hình ảnh… sao cho mang lại cảm xúc thật nhất cho người xem và truyền tải đúng thông điệp, nội dung mà nhà sản xuất đưa ra.
Về bản chất, VFX – Visual Effects là công đoạn hậu kỳ nhưng để có thể tạo ra những khung hình chất lượng nhất từ các cảnh quay thô là cả một quá trình xuyên suốt. Ngoài ra, Kỹ xảo điện ảnh cũng trực tiếp tạo ra những cảnh quay mà bên ngoài đời thực không thể thực hiện được hoặc có thể thực hiện nhưng phải bỏ ra một khoản kinh phí đầu tư vô cùng đắt đỏ, thậm chí gây ra những nguy hiểm cho đoàn làm phim. Các giai đoạn để làm nên một bộ phim thường có 3 phần chính là Tiền kỳ (Pre-production), Sản xuất (Production) và Hậu kỳ (Post-production). Những phân cảnh chiến tranh, cháy nổ hay đánh nhau giữa quái vật và anh hùng mà bạn thường xem được thực hiện ở giai đoạn Hậu kỳ. Để có thể làm nên một bộ phim chiếu rạp hoàn chỉnh thường phải huy động một lượng lớn nhân sự đến từ nhiều studio khác nhau. Tùy thuộc vào độ phức tạp của các phân cảnh kỹ xảo trong phim mà số lượng nhân sự, kinh phí và thời gian đầu tư vào bộ phim càng tốn kém. Nhưng bỏ qua tất cả những “bí mật” đằng sau công việc của những người làm hậu kỳ, có bao giờ bạn thắc mắc đội ngũ làm kỹ xảo cho những bom tấn hoành tráng mà mình được xem họ đến từ đâu không?
ĐỘI NGŨ NGƯỜI VIỆT THAM GIA LÀM KỸ XẢO CHO BOM TẤN NƯỚC NGOÀI
Trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam dần trở thành nguồn thuê ngoài đáng tin cậy trong lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh, hoạt hình 3D của nhiều sản phẩm điện ảnh “bom tấn” nước ngoài. Một số studio có nhân sự người Việt được các nhà sản xuất phim uy tín tin tưởng giao trọng trách thực hiện các phần hậu kỳ phức tạp cho nhiều tác phẩm lớn như: Star Wars: Jurassic World, The Avengers: Infinity World, Sweet Home, Hotel Del Luna, Yin Yang Master,… Nếu đã từng thưởng thức qua các tác phẩm này, hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên bởi độ hoành tráng, mãn nhãn của những thước phim kỹ xảo siêu đỉnh được tạo ra bởi đội ngũ nhân sự hậu kỳ thầm lặng. Chúng ta hãy cùng điểm qua một số “bom tấn” có sự tham gia vào khâu hậu kỳ VFX của các studio Việt trong một vài năm qua để biết được năng lực làm kỹ xảo điện ảnh của các studio Việt thực sự tốt đến đâu nhé!
Teenage Mutant Ninja Turtles (2014)
Đơn vị: Sparx* – A Virtuos Studio
Vai trò: Asset Development
Ninja Rùa (tên gốc tiếng Anh: Teenage Mutant Ninja Turtles) là một bộ phim Mỹ được sản xuất vào năm 2014, được chuyển thể từ phiên bản đầu tiên do con người hóa trang năm 1990. Với lần tái xuất này, bộ phim bắt đầu ứng dụng công nghệ kỹ xảo để biến những chú rùa vô tri vô giác lên một tầm cao mới dưới sự hậu thuẫn của hãng Nickelodeon và đạo diễn kiêm nhà sản xuất tài ba Michael Bay. Những phân cảnh chiến đấu trong phim cũng trở nên “vi diệu”, chân thực và hoành tráng hơn rất nhiều.
Các phân cảnh VFX tuyệt đẹp trong phim Ninja Rùa đáng chú ý có thể kể đến như: Phân cảnh Ninja Rùa đánh nhau, lăn trên đồi tuyết, cảnh xe tải bị lao dốc xuống đồi và vỡ tan thành nhiều mảnh, cảnh đội quân Ninja Rùa phá vỡ tường kính. Trên thực tế, các cảnh quay trên đồi tuyết có địa hình bằng phẳng và độ phủ của tuyết cũng thưa hơn rất nhiều. Các phân cảnh trượt, lướt, nhào lộn trên địa hình dốc và tuyết dày của nhân vật Ninja với độ sắc nét tuyệt đẹp của từng sợi tuyết mà khán giả nhìn thấy trên phim là quá trình làm kỹ xảo vô cùng kỳ công của các nghệ sĩ VFX. Một trong những studio đảm nhiệm phần kỹ xảo khó nhằn này cho bộ phim Ninja Rùa là Sparx* – A Virtuos Studio, đơn vị studio đảm nhiệm phần Asset Development (phát triển Model 3D). SPARX* hiện đang là một trong những studio sản xuất phần kỹ xảo tốt nhất hiện nay tại Việt Nam, nơi tập hợp đội ngũ nhân sự người Việt hàng đầu. Trong số những nhân sự người Việt tham gia vào phần kỹ xảo cho Ninja Rùa có thể kể đến anh Nguyễn Minh Nhật, anh tham gia với vai trò là một CG Artist trong dự án. Ngoài góp mặt trong phần sản xuất VFX cho phim Ninja Rùa, anh Minh Nhật còn tham gia vào rất nhiều “bom tấn” khác của vũ trụ Marvel và DC. Các bom tấn đó sẽ dần dần được bật mí trong các bộ phim tiếp theo.
Jurassic World (2015)
Đơn vị sản xuất: Sparx* – A Virtuos Studio
Vai trò: Asset Development
Thế Giới Khủng Long (tựa gốc tiếng Anh: Jurassic World) là một bộ phim thuộc thể loại phiêu lưu khoa học viễn tưởng nằm trong series Kỷ Jura (Jurassic Park) ăn khách của điện ảnh Mỹ. Phim được công chiếu chính thức vào năm 2015 với những sự thay đổi mới hơn về nội dung cũng như đầu tư mạnh tay vào phần kỹ xảo hình ảnh so với ba phần trước đó. Những sinh vật khổng lồ xuất hiện trong các bộ phim viễn tưởng thường được tạo nên bằng kỹ xảo đặc biệt. Theo thông tin tiết lộ từ nhà sản xuất, họ áp dụng công nghệ Animatronic và kỹ thuật đồ họa máy tính để xử lý các phân cảnh quay có sự xuất hiện của khủng long bạo chúa, loài vật được tạo ra hoàn toàn bằng công nghệ 3D và CGI. Công bố từ Popular Mechanics, phần phim Thế Giới Khủng Long sản xuất năm 2015 có đến hơn 2000 cảnh quay sử dụng hiệu ứng kỹ xảo.
Cùng với Image Engine Studio, đơn vị thực hiện phần lớn kỹ xảo cho phim với (hơn 280 shots kỹ xảo), một số studio VFX uy tín khác cũng đã tham gia vào khâu hậu kỳ, kỹ xảo cho phim, trong đó, studio Việt là Sparx* – A Virtuos Studio đảm nhiệm phần Asset development (phát triển model 3D) cho một số phần trong phim.
Fast & Furious 7 (2014)
Người: Võ Ngọc Nhi
Vai trò: GFX
Đối với các fan mê tốc độ và xế hộp xịn thì không thể không biết đến series phim Fast & Furious của nhà Universal Pictures. Các phần phim của Fast & Furious có thể không đồng nhất, liên kết chặt chẽ về mặt nội dung qua tất cả các phần nhưng luôn “tuân thủ” các yếu tố về độ chất chơi của các siêu xe, sự nguy hiểm của các tay cớm và những màn đua xe trái phép cực kỳ đã mắt đúng với tinh thần “quá nhanh quá nguy hiểm” của phim. Tính đến nay, Fast & Furious có tất cả 9 phần, trải qua 6 đời đạo diễn kể từ thời điểm ra mắt lần đầu tiên năm 2001. Trong đó, Fast & Furious 7 sản xuất vào năm 2014 với phần kinh phí đầu tư khủng 190 triệu đô do đạo diễn James Wan cầm trịch có sự tham gia của một nhân sự người Việt.
Trong số các khán giả ra rạp, một số fan đã vô cùng bất ngờ khi phát hiện trong phần credit cuối phim có sự xuất hiện tên người Việt, đó là Ngoc Nhi Vo.
Ngoc Nhi Vo tên thật là Võ Ngọc Nhi, sinh năm 1989, cựu học sinh ngành Digital Media chuyên về đồ họa điện ảnh, quảng cáo và truyền hình. Ngọc Nhi hiện đang sinh sống và làm Freelancer tại Los Angeles, Mỹ. Trong dự án phim Fast & Furious 7, Ngọc Nhi tham gia với vai trò thiết kế giao diện tương tác cho những thiết bị điện tử và kỹ thuật số trên phim, được gọi chung là hiệu ứng đồ họa động (GFX). Ngọc Nhi cho biết cô không tham gia trực tiếp vào đội ngũ hậu kỳ chính của phim mà chỉ làm dự án này thông qua công ty đối tác.
Trong một bài phỏng vấn với báo chí, Ngọc Nhi có chia sẻ: “Khoảng tháng 10/2014, khi mình sắp hết hợp đồng với một dự án đồ họa truyền thông ở Santa Monica thì đúng lúc đó có một film studio ở Hollywood đang tìm cộng tác viên. Qua trao đổi, họ thấy lịch làm việc phù hợp nên mình được bắt đầu cộng tác với họ ngay khi hợp đồng hiện hành kết thúc. Đến khi chính thức nhận việc mình mới biết mình nằm trong team Fast 7 (nói gọn của Fast & Furious 7).”
Avenger: Infinity War (2017)
Đơn vị: Sparx* – A Virtuos Studio
Vai trò: Asset Development
Avengers: Cuộc Chiến Vô Cực (tên gốc tiếng Anh: Avengers: Infinity War) là một bộ phim điện ảnh đề tài siêu anh hùng của Mỹ năm 2018 dựa trên biệt đội siêu anh hùng Avengers của Marvel Comics. Phim do Marvel Studios sản xuất và Walt Disney Studios Motion Pictures chịu trách nhiệm phân phối, là phần phim tiếp theo của Biệt đội siêu anh hùng (2012) và Avengers: Đế chế Ultron (2015), đồng thời cũng là phim điện ảnh thứ 19 trong loạt phim điện ảnh thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU). Trong Avengers: Cuộc chiến vô cực, Biệt đội Avengers hợp tác với nhóm Vệ binh dải Ngân Hà để ngăn chặn Thanos khỏi việc thu thập đầy đủ 6 Viên đá Vô cực và hủy diệt một nửa số sinh vật trong vũ trụ.
Toàn bộ phim Avengers: Cuộc chiến vô cực thời lượng khoảng 2 tiếng đồng hồ có khoảng 2.900 shot trong số khoảng 3.000 cảnh quay được thực hiện bằng kỹ xảo điện ảnh (thông tin chia sẻ từ Victoria Alonso – Executive Producer của phim). Để thực hiện được khối lượng phân cảnh VFX khổng lồ đó, Marvel đã phải nhờ đến sự can thiệp của rất nhiều studio mạnh về VFX. Bên cạnh các studio tên tuổi được nhà Marvel “chọn mặt gửi vàng” như DNEG, Elstree Effects, Framestore, Industrial Light & Magic (ILM), Method Studios, RISE Visual Effects Studios, Weta Digital thì một studio của Việt Nam cũng tham gia vào phần sản xuất kỹ xảo cho siêu phẩm ăn khách Avengers: Cuộc Chiến Vô Cực chính là Sparx* – A Virtuos Studio. Trong dự án này, Sparx* đảm nhiệm vai trò làm Asset Development cho một số phân cảnh trong phim. Đây là một điều rất đáng tự hào của ngành VFX tại Việt Nam khi ngày càng được tin tưởng, giao trọng trách thực hiện phần mỹ thuật 3D cho các bom tấn hàng đầu Hollywood.
Transformers: The Last Knight (2017)
Đơn vị: Sparx* – A Virtuos Studio
Vai trò: Asset Development
Transformers: Chiến binh cuối cùng (tên gốc tiếng Anh: Transformers: The Last Knight) là một phim điện ảnh hành động khoa học viễn tưởng của Mỹ năm 2017. Đây là phần phim thứ năm của loạt phim Transformers và là phần tiếp theo của phim điện ảnh Transformers 4: Kỷ nguyên hủy diệt.
Phim có sự tham gia của 350 nghệ sĩ và kỹ sư VFX ở San Francisco, London, Singapore, Vancouver,… Tổng cộng có hơn 2.500 shots kỹ xảo được thực hiện. Theo thông tin từ DNEG (studio thực hiện phần lớn các shot VFX cho phim), do phim xuất hiện quá nhiều phân cảnh bay lượn, các cảnh quay được thực hiện ở nhiều nơi khác nhau nên việc ghép các nhân vật vào nhiều bối cảnh khác nhau để tạo nên các cảnh phim đẹp mắt, hoành tráng là khá khó khăn, đặc biệt là các phân cảnh chiến đấu giữa người thật và robot (nhân vật được tạo ra bằng 3D và CGI).
Trong số các studio góp mặt tạo nên các phân cảnh kỹ xảo hoành tráng trong “siêu phẩm” Transformers: Chiến binh cuối cùng của ount không thể không kể đến sự tham gia của Sparx* – A Virtuos Studio, một studio Việt thường xuyên “bén duyên” với các bộ phim “bom tấn” của điện ảnh Hollywood. Trong Transformers: Chiến Binh Cuối Cùng, SPARX* chịu trách nhiệm phát triển model 3D (Asset Development) cho các nhân vật và mô hình trong phim.
Aquaman (2018)
Đơn vị: Sparx* – A Virtuos Studio
Vai trò: Asset Development
Aquaman: Đế vương Atlantis (tên gốc tiếng Anh: Aquaman) là phim điện ảnh siêu anh hùng thứ 6 của DC Extended Universe do đạo diễn James Wan đảm nhiệm. Phim chính thức ra rạp vào năm 2018, công chiếu tại thị trường Bắc Mỹ và các quốc gia thuộc khu vực Châu Á. Aquaman: Đế vương Atlantis được phát triển dựa trên nhân vật Aquaman của DC Comics, kể về nhân vật Arthur Curry, người thừa kế của vương quốc dưới đáy biển Atlantis, anh có nhiệm vụ thực hiện nghĩa vụ trị vì vương quốc của mình và trở thành một siêu anh hùng của cả hai thế giới trong khi người em trai cùng cha khác mẹ của Arthur là Orm lại đang cố gắng hợp nhất bảy vương quốc để chống lại thế giới mặt đất. Những vùng đất trong mơ, thế giới đại dương kỳ ảo hay màn chiến đấu nghẹt thở giữa các đội quân, sự xuất hiện của những loài quái thú hung ác trong phim đều có sự can thiệp của những bàn tay phù thủy VFX.
Trong Aquaman có tất cả 2300 shot kỹ xảo, được thực hiện bởi 6 studio chính là ILM, Method Studios, Digital Domain, Luma Picture, Rodeo FX & Scanline VFX và MPC. Có thể bạn chưa biết nhưng trong dự án “bom tấn” này còn có sự góp mặt của studio người Việt là Sparx* – A Virtuos Studio. Sparx* tham gia với vai trò phát triển model 3D (Asset Development) cho các phân cảnh trong phim.
Nhờ những phân cảnh kỹ xảo đẹp mê hồn mà phim đã nhận được lời khen ngợi không ngớt từ fan. Ngoài ra, phim cũng đã xuất sắc mang về tổng doanh thu 1,148 tỷ USD, trong đó 335,1 triệu USD đến từ thị trường Bắc Mỹ và 812,6 triệu USD tại các quốc gia khác.
Captain Marvel (2018)
Đơn vị sản xuất: Sparx* – A Virtuos Studio
Vai trò: Asset Development
Đại uý Marvel (tên gốc tiếng Anh: Captain Marvel) là tác phẩm phim thứ 21 của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU), ra mắt chính thức vào năm 2019. Nội dung phim được xây dựng dựa trên nhân vật Carol Danvers trong series truyện tranh Marvel, kể về con đường trở thành siêu anh hùng mạnh nhất vũ trụ của nhân vật Carol Danvers (do Brie Larson thủ vai). Đây là tác phẩm siêu anh hùng đầu tiên của Marvel có nhân vật anh hùng là nữ.
Đối với dòng phim thuộc thể loại viễn tưởng của vũ trụ Marvel, hẳn các fan đã quá quen với những pha hành động gay cấn, cảnh bay lượn ngoài vũ trụ, thiên thạch rơi xuống trái đất,… cực kỳ đã mắt, xem hoài không chán. Chính xác thì tất cả những cảnh quay đó đều có sự can thiệp của kỹ xảo điện ảnh. Theo thông tin của nhà sản xuất, toàn bộ phim thực hiện tổng cộng 2124 cảnh quay kỹ xảo dưới sự hỗ trợ của khoảng 11 studio. Cùng với các studio tên tuổi lớn trong làng VFX như ILM, Scanline, Animal Logic, Digital Domain, Framestore, đội ngũ nhân sự người Việt thuộc studio Sparx* – A Virtuos Studio cũng tham gia vào dự án này, chịu trách nhiệm phần Asset Development trong phim. Sparx* tiếp tục ghi dấu trong các “bom tấn” của vũ trụ Marvel, mang đến sự tự hào và niềm hy vọng cho ngành công nghiệp kỹ xảo đang vô cùng triển vọng tại Việt Nam.
Sweet Home (2020)
Đơn vị: Bad Clay Studio, Cyclo VFX, OPim Digital, The May
Vai trò: VFX
Một trong những bom tấn truyền hình xứ Hàn có sự “nhúng tay đậm đặc” của hàng loạt studio Việt chính là phim kinh dị Sweet Home làm mưa làm gió trên nền tảng Netflix vào đầu năm 2021. Sweet Home được chuyển thể từ webtoon cùng tên, một trong những bộ phim được Netflix chi mạnh tay để thực hiện các phân cảnh kỹ xảo với khoảng 2,4 triệu USD (khoảng 53 tỷ đồng) cho mỗi tập. Phim kể về một nam sinh tên Hyun Soo (do Song Kang thủ vai) gặp vấn đề về tâm lý sau những tổn thương trong quá khứ. Mọi chuyện kỳ quái bắt đầu khi Hyun Soo rời nhà, thuê một căn phòng để sống tự lập, anh phát hiện những người sống xung quanh mình đều biến thành quái vật. Để giành lại sự sống cho mình, Hyun Soo cùng với những sống trong chung cư phải sát cánh bên nhau để chống lại đám quái vật đó. Nhờ phần quảng bá rầm rộ trước đó cũng như sự háo hức chờ đợi của fan đối với phiên bản webtoon mà ngay khi vừa ra mắt tập đầu tiên, “bom tấn” kinh dị Sweet Home đã leo thẳng lên top đầu của Netflix Việt Nam. Đây là một series phim sử dụng rất nhiều các phân cảnh kỹ xảo. Và điều gây ngạc nhiên cho các fan khi thưởng thức Sweet Home chính là tên người Việt xuất hiện dày đặc ở phần credit của phim.
Đúng vậy, tham gia vào đội ngũ sản xuất kỹ xảo cho phim có ít nhất 4 studio Việt là Bad Clay Studio, Cyclo VFX, OPim Digital và THE MAY. Trong đó, Bad Clay là đơn vị studio đã thực hiện khoảng 61 shots phim sử dụng kỹ xảo và chịu trách nhiệm thiết kế những con quái vật.
Càng đáng tự hào khi góp mặt trong đội ngũ nhân sự người Việt thực hiện kỹ xảo cho phim có 2 thành viên là Trương Hữu Đại và Đinh Hoàng Long. Đây là hai học viên đang theo học chuyên ngành Hoạt hình 3D và Kỹ xảo Điện ảnh tại Học viện MAAC.
Hotel Del Luna (2019) (Hàn Quốc)
Đơn vị: Cyclo
Vai trò: VFX
Hàn Quốc, một trong những quốc gia dẫn đầu thị trường điện ảnh Đông Nam Á đang ngày càng đầu tư mạnh tay vào dòng phim khoa học viễn tưởng, chiến tranh với kinh phí đầu tư vào phần xảo khủng lên tới hàng triệu đô. Không chỉ tập trung ở dòng phim chiếu rạp, nhiều đơn vị sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc cũng đã bắt đầu đổ kinh phí đầu tư cho phần kỹ xảo để mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho người xem, nhất là trong thời Covid-19 gây cản trở cho việc di chuyển và tập trung đông người để thực hiện các cảnh phim. Một trong những series truyền hình đáng chú ý hiện nay chính là Khách Sạn Ma Quái (Tựa tiếng anh: Hotel Del Luna) của nhà đài TvN do “em gái quốc dân” IU đóng chính.
Bộ phim khiến khán giả phấn khích bởi nội dung vừa mang tính nhân văn xen lẫn yếu tố hài hước, đáng sợ của các nhân vật, khung cảnh ma mị, hoành tráng, “sang chảnh” hết nấc như trong chuyện cổ tích. Tuy nhiên, ít người biết được rằng thực chất các cảnh quay của phim được sự hỗ trợ của yếu tố kỹ xảo rất lớn, đặc biệt là bối cảnh chính trong phim – khách sạn Del Luna được dựng bằng kỹ xảo để tăng tính lung linh, kỳ ảo giống như các tòa lâu đài cổ tích trong các siêu phẩm của Disney. Bên cạnh đó, các phân cảnh biến hóa của nữ quản lý ma quái Jang Man-wol, cảnh các hồn ma quậy phá trong khách sạn cũng được xử lý bằng kỹ xảo.
Và thật ngạc nhiên khi biết rằng một trong những studio góp sức trong phần thực hiện các phân cảnh VFX trong phim là CYCLO Studio, một studio Việt Nam chuyên thực hiện các sản phẩm về kỹ xảo điện ảnh cho phim và quảng cáo truyền hình. Bên cạnh dự án Khách Sạn Ma Quái, CYCLO cũng từng tham gia làm kỹ xảo cho nhiều dự án phim nổi tiếng trong nước, quốc tế khác như: Tấm Cám, Monster of The Man, Shanghai Fortress,…
Raya and The Last Dragon (2021)
Người: Qui Nguyen
Vai trò: Biên Kịch
Đầu năm 2021, những người hâm mộ được chứng kiến một màn trở lại đường đua phim điện ảnh của Walt Disney với siêu phẩm Raya và Rồng Thần Cuối Cùng, khai thác văn hóa Đông Nam Á với sự quy tụ của nhiều nhân sự gốc Á, trong đó có sự tham gia của nhân sự người Việt.
Raya và Rồng Thần Cuối Cùng (tên gốc tiếng Anh: Raya and the Last Dragon) kể về một vùng đất giả tưởng Kumandra – nơi con người từng sống hòa bình trong hàng trăm năm trước khi bị một thế lực xấu xa tàn phá, gây chia rẽ lòng tin giữa 5 vương quốc. Để giải cứu thế giới, nữ chiến binh Raya phải bước chân vào hành trình tìm kiếm Rồng thần cuối cùng trong truyền thuyết, gom góp các mảnh vỡ viên đá phép thuật đồng thời xóa bỏ mối bất hòa giữa các vương quốc để thống nhất Kumandra như tâm nguyện mà cha cô để lại. Mặc dù nội dung của phim không quá mới mẻ nhưng nhờ vào sự đầu tư về mặt chất lượng hình ảnh và các phân cảnh kỹ xảo tuyệt đẹp mà khán giả vẫn không tiếc lời khen ngợi.
Góp mặt trong siêu phẩm Raya và Rồng Thần Cuối Cùng, cùng với Adele Lim, Qui Nguyen là một trong những nhân sự người Việt góp mặt vào sự thành công của phim. Anh tham gia với vai trò biên kịch.
Qui Nguyen là biên kịch gốc Việt, hoạt động tại Mỹ ở các mảng phim điện ảnh, truyền hình và sân khấu. Anh từng là học viên của chương trình đào tạo biên kịch do Marvel Studios tổ chức. Trước khi bén duyên với Raya và Rồng Thần Cuối Cùng, anh từng viết kịch bản cho các series Dispatches from Elsewhere, The Society, Incorporated, phim hoạt hình Peg+Cat. Đặc biệt, với Peg+Cat, Qui Nguyen và các cộng sự thắng giải Daytime Emmy Awards năm 2016.
Loài rồng nước Sisu trong phim là một phần biểu tượng văn hóa Á Đông đậm nét được Qui Nguyen chắp bút cho phim. Trong một bài phỏng vấn, Qui Nguyen chia sẻ: “Người Á Đông có tình cảm mãnh liệt với loài rồng và tin rằng chúng là biểu tượng của sự may mắn. Rồng biểu thị sức mạnh. Sisu được tôn kính và có sức mạnh siêu phàm. Nhưng đồng thời, chúng tôi muốn đi ngược lại kỳ vọng thông thường của số đông vào loài rồng bằng việc xây dựng Sisu rất hài hước và thú vị”.
Bên cạnh Qui Nguyen góp mặt trong siêu phẩm Raya và Rồng Thần Cuối Cùng với vai trò biên kịch, phim còn có 3 diễn viên gốc Việt là Kelly Marie Tran, Thalia Tran, Patti Harrison tham gia lồng tiếng cho phim. Đây là niềm tự hào rất lớn của ngành điện ảnh Việt Nam khi ngày càng có nhiều nhân sự khẳng định được tài năng trên thị trường quốc tế.
Thông qua 10 “bom tấn” điện ảnh nổi tiếng có sự tham gia của đội ngũ nhân sự người Việt trên đã cho chúng ta thấy một sự thật rằng các nhân tài Việt Nam đang ngày càng khẳng định tên tuổi, khả năng trong lĩnh vực điện ảnh trên đấu trường quốc tế. Bạn thấy sao về năng lực làm kỹ xảo của nhân sự người Việt hiện nay?