Vượt qua hàng trăm nhóm thi đấu trên toàn cầu, cuối cùng các bạn trẻ đại diện cho MAAC Vietnam đã xuất sắc giành được giải Jury hạng mục Compositing cuộc thi 24FPS – giải thưởng danh giá được chính ban tổ chức bình chọn.
Chưa đầy một năm, những gương mặt trẻ đại diện cho MAAC Vietnam lần lượt ghi dấu ấn tại các cuộc thi chuyên ngành mang tầm cỡ quốc tế. Nếu giai đoạn giữa năm 2022, đại diện team MAAC Vietnam xuất sắc dành được giải đồng cuộc thi 100hrs – Creative Marathon, thì chưa đầy 6 tháng sau, MAACster Việt lại tiếp tục báo tin vui khi ghi tên mình vào bảng vàng danh giá của 24FPS International Animation Award.
24FPS là sự kiện thường niên độc quyền của MAAC Global, hợp tác với Trung tâm Thông tin Liên hợp quốc (UNIC) nhằm tạo cơ hội để các bạn trẻ yêu thích VFX & Animation được giao lưu với bạn bè quốc tế. Được tổ chức từ năm 2003, 24FPS mang đến những giải thưởng danh giá nhất cho ngành VFX, Hoạt hình dành cho sinh viên, chuyên gia và các hãng phim trên toàn thế giới. Đến nay, chiếc cúp của 24FPS là ước mơ của từng bạn trẻ trong hệ thống đào tạo MAAC trên toàn cầu.
24FPS lần thứ 19 tổ chức với nhiều hạng mục thi đấu, nổi bật như VFX Challenge, Digital Filmmaking, Animation Short Film, Character Animation, Compositing,… Trong đó, đại diện đến từ MAAC Vietnam đã xuất sắc dành được giải Jury hạng mục Compositing – Giải thưởng được ban tổ chức đánh giá cao trong suốt nhiều năm tổ chức.
Là những thành viên trẻ tuổi của ngôi nhà MAAC Vietnam, nhóm bạn trẻ đang theo học Hoạt hình 3D và Thiết kế Game dưới sự dẫn dắt của đội trưởng Phùng Nhật Lâm đã cùng nhau tạo nên sự thành công bất ngờ tại cuộc thi 24FPS lần thứ 19, gồm:
➤ Phùng Nhật Lâm (1996) – Học viên lớp G2206D2 khóa Game Art & Design
➤ Nguyễn Hoàng Mai (1997) – Học viên lớp G2208F2 khóa Game Art & Design
➤ Phan Hồng Phát (2002) – Học viên lớp A2206A1 khóa 3D Animation
➤ Nguyễn Trọng Hiếu (2001) – Học viên lớp A2206A1 khóa 3D Animation
➤ Bùi Quang Khiêm (2004) – Học viên lớp G2208F2 khóa Game Art & Design
➤ Nguyễn Hải Nguyên (2002) – Học viên lớp A2206A1 khóa 3D Animation
Ngay bây giờ, hãy cùng MAAC gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ của các bạn trẻ về hành trình tham dự cuộc thi nhé!
Đi thi để thử thách bản thân, “ai mà dè” thắng giải
Đầu tiên, xin chúc mừng tất cả các bạn đã nhận được giải thưởng danh giá từ cuộc thi 24FPS. Các bạn hãy cho mọi người cùng biết, cơ duyên nào đưa các bạn đến với nhau và tạo thành một nhóm tham gia cuộc thi lần này?
Nhật Lâm: Tất cả các thành viên trong nhóm đều là những nhân tố mới gia nhập ngành 3D Animation, Game Art & Design trong năm 2022. Vì một phần muốn được học hỏi người trong ngành và thử thách bản thân tại những sân chơi lớn, nên nhóm đã kết hợp với nhau để ghi danh cuộc thi 24FPS.
Lúc đăng ký dự thi cũng vô cùng hồi hộp vì đa phần các thành viên trong nhóm biết đến Compositing khá ít, cũng chỉ có 2 bạn đã từng làm qua. Dù vậy, với mục tiêu nâng cấp bản thân từng ngày, nên nhóm vẫn quyết định “chiến”.
Theo cảm nhận của các bạn, điểm đặc biệt của 24FPS là gì?
Trọng Hiếu: Với mình, 24FPS là cuộc thi mang tính chuyên môn cao, mỗi hạng mục đều yêu cầu kiến thức về một công đoạn cụ thể trong quy trình làm VFX & Animation. Do đó, cuộc thi cho phép thí sinh được tiếp cận đến lĩnh vực mà mình có thế mạnh để cùng giao lưu với các đối thủ khác trong phạm vi MAAC Global.
Đây là cuộc thi có quy mô toàn cầu, khi nhận được tin nhóm mình đạt giải, các bạn đã có cảm xúc như thế nào?
Quang Khiêm: Mình đã vô cùng bất ngờ vì không nghĩ rằng nhóm có thể đạt giải. Có thể nói, giải thưởng nằm ngoài dự đoán của mình và khi hay tin có giải, mình “surprise” đến mức quên luôn việc vui mừng. (cười)
Hồng Phát: Mình cũng có cảm giác giống Khiêm. Hầu hết các thành viên nhóm đều là những người mới tìm hiểu ngành, nên sản phẩm dự thi cũng chưa được hoàn hảo lắm, nên khi nhận tin được giải thì nhóm vô cùng bất ngờ.
Trọng Hiếu: Cơ bản thì lúc làm bài nhóm cũng đã tính rằng nếu được giải thì các thành viên sẽ được cùng nhau đi Ấn Độ để nhận giải, và mọi người cũng đã chuẩn bị đồ đạc hết rồi (cười).
Nói vui thì là vậy chứ thật ra mục tiêu ngay từ đầu của nhóm chính là cùng nhau thử thách bản thân để có thể học thêm nhiều điều mới mẻ, nên quá trình làm việc nhóm hầu như chỉ tập trung vào sản phẩm chứ không nghĩ nhiều về giải thưởng. Vì vậy, khi có giải thì không khỏi bất ngờ và cũng cực kỳ vui sướng.
Chiến lược của nhóm khi thực hiện sản phẩm dự thi này là gì?
Nhật Lâm: Vì đều khá mới mẻ, chưa được tiếp cận nhiều với các kỹ thuật chuyên sâu, nên khi quyết định tham dự cuộc thi nhóm cũng đã tìm tòi và thảo luận rất nhiều. Đầu tiên nhóm đã tìm đến các giảng viên để xin gợi ý. Sau đó mới bắt tay vào việc lên ý tưởng và tạo ra sản phẩm trên máy. Chiến lược của nhóm là vừa làm vừa tìm hiểu, làm đến phần nào sẽ chắc phần đó. Tuy nhiên, lúc làm việc cũng có những trường hợp vỡ kế hoạch nên nhóm cũng tùy cơ ứng biến và may mắn là hoàn thành được sản phẩm cuối cùng.
Tập thể đoàn kết hướng đến mục tiêu chung là động lực để vượt lên mọi khó khăn
Các bạn đã phân chia công việc như thế nào để tạo ra tác phẩm dự thi?
Nhật Lâm: Thời gian làm bài chỉ vỏn vẹn trong một tuần nên nhóm đã chia thành 2 team nhỏ là 2D và 3D. Cụ thể, Lâm, Mai và Phát sẽ thuộc team 2D, phụ trách các công việc lên ý tưởng, tạo model, background sử dụng trong bài, sau đó sẽ chưa sang team 3D bao gồm các thành viên còn lại để làm anim, comp và render.
Đặc biệt, nhân tố quan trọng tạo nên sự chỉn chu của sản phẩm chính là Hải Nguyên – thành viên vắng mặt trong buổi phỏng vấn hôm nay. Bạn có kỹ năng vô cùng tốt về After Effects (một trong những phần mềm xử lý video) và một số công đoạn yêu cầu chuyên môn cao nên đã xử lý những pha khó khi làm bài.
Hoàng Mai: Dù chia team để tối ưu hóa công việc, nhưng khi người nào hoàn thành xong việc của mình cũng sẽ nhảy vào để support các công đoạn còn lại. Mình thấy team đã phối hợp vô cùng trơn tru để thực hiện tác phẩm dự thi lần này. Qua đó, mỗi thành viên đều có thể phát huy được thế mạnh của mình và cũng học hỏi thêm được một số kiến thức mới.
Thuận lợi và khó khăn của nhóm khi thực hiện bài thi này là gì?
Trọng Hiếu: Có thể nói việc có một thành viên cứng chuyên môn là thuận lợi của nhóm trong cuộc thi 24FPS, nhờ vậy nên những khi “bế tắc” trong lúc làm đồ án cũng tìm ra phương án giải quyết một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, điều thuận lợi tiếp theo chính là sự thấu hiểu và luôn đề cao tinh thần tập thể của nhóm. Các thành viên đều tôn trọng mục tiêu chung, đồng hành cùng nhau và không ngại những thử thách để có thể hoàn thành tác phẩm dự thi đến nơi đến chốn.
Hồng Phát: Khó khăn theo mình là về thời gian. Các thành viên trong nhóm mỗi người sẽ có một lịch học riêng, việc kết hợp lại với nhau để bàn ý tưởng và làm bài cũng khá hạn hẹp. Bên cạnh đó, như nhóm đã đề cập trên, hầu hết các thành viên đều mới vào ngành chưa bao lâu nên những kiến thức lạ phát sinh trong quá trình làm bài nhóm phải tự mày mò, vừa học vừa thực hành, nên cũng có một chút khó khăn.
Nhật Lâm: Ngoài những lý do mà Phát đề cập thì một khó khăn không thể không kể đến chính là phần thiết bị. Để làm ra được một đoạn video theo đề bài của 24FPS cần có bộ máy cấu hình mạnh, trong nhóm chỉ mỗi Hải Nguyên có được thiết bị đủ yêu cầu. Do đó, nhóm đã phải tập trung ở nhà Nguyên nhiều ngày liên tục để làm bài, việc di chuyển cũng gặp đôi chút khó khăn.
Với khó khăn đã gặp phải, động lực nào để nhóm tiếp tục cố gắng và hoàn thành sản phẩm dự thi?
Trọng Hiếu: Mỗi khó khăn xảy ra nhóm đều rất nhẹ nhàng để tìm cách xử lý chứ cũng không có gì quá lớn lao, vì mục đích cuối cùng cũng chính là giao lưu học hỏi, có thử thách mới giúp mỗi người học thêm được nhiều cái mới. Còn câu chuyện về động lực thì mình nghĩ rằng các thành viên gắn kết với nhau và thúc đẩy nhau cùng cố gắng chính là động lực lớn nhất trong suốt quá trình cuộc thi diễn ra.
Nhật Lâm: Có một câu chuyện chưa kể, chính là ban đầu nhóm đã có rất nhiều ý tưởng, đi quay cảnh mà khi ghép lại thời lượng đến hơn 90 giây. Nhưng sau nhiều lần rút ngắn, sản phẩm của nhóm trong ngày cuối cùng nộp bài chỉ còn vỏn vẹn 5 giây.
Thời điểm 10 phút cuối trước khi đến hạn nộp bài, nhóm vẫn chưa render kịp và trong đầu đứa nào cũng kiểu: “Thôi toang rồi”. Sau đó có nhờ anh chị phòng đào tạo của MAAC liên hệ với Ban tổ chức ở Ấn Độ thì may mắn rằng thời gian nộp bài được gia hạn. Vì vậy mà từ 5 giây nhóm đã bàn bạc lại với nhau, tiếp tục làm và tăng thời lượng của sản phẩm lên đến 25 giây, bổ sung nhiều chi tiết, hiệu ứng.
Rõ ràng, những gì làm được trong 25 giây nó “đã” hơn rất nhiều lần so với 5 giây ban đầu. Nhóm đã nhìn vào chất lượng của sản phẩm để tự tiếp thêm động lực khi làm bài thi.
Mâu thuẫn hay tranh cãi là yếu tố dễ xảy ra khi tham gia làm việc nhóm. Vậy với lần thi này, nhóm có những tranh cãi gì hay không? Nếu có, các bạn đã giải quyết như thế nào?
Hồng Phát: Tranh cãi hay mâu thuẫn không nhiều, nếu có thì hầu hết cũng chỉ là vấn đề ý tưởng. Như đã chia sẻ, lịch học của mỗi thành viên đều khác nhau nên cũng không dễ dàng chốt ý tưởng cho bài thi. Nhưng dù vậy, các anh em trong nhóm lúc nào cũng hạ cái tôi mình xuống vì mục tiêu chung, cùng nhau đưa ra những ý tưởng hợp lý nhất để hoàn thiện sản phẩm, hoàn toàn không có những mâu thuẫn hay tranh cãi gay gắt.
Đồng hành cùng nhau trên hành trình vừa qua chính là điều quý giá nhất
Trong quá trình làm bài, các bạn có nhờ sự hướng dẫn của giảng viên nào tại MAAC không? Nếu có, các bạn cảm nhận như thế nào về thầy/cô đã đồng hành cùng nhóm trong cuộc thi?
Nhật Lâm: Hướng dẫn trực tiếp thì có 2 giảng viên là anh Võ Huy Giáp và anh Hoàng Nguyễn Phương Tâm.
Anh Giáp đưa ra những feedback phù hợp từ giai đoạn lên ý tưởng cho đến khi hoàn thành sản phẩm, chỉ ra những thiếu sót và nêu quan điểm để team chỉnh sửa sao cho tốt hơn.
Còn riêng anh Tâm thì như là một người anh lớn, thường xuyên hỏi han và dặn dò đủ kiểu. Về chuyên môn, vì anh Tâm thiên về mảng 2D nên cũng gợi ý cho nhóm một số ý tưởng về background cũng như các asset khác.
Quang Khiêm: Với mình, 2 anh như những người “cứu cánh”, hướng dẫn để nhóm biết phải làm gì để sản phẩm trở nên chỉn chu hơn. Điều này khiến tụi mình rất biết ơn và có thêm động lực khi làm bài.
Điểm tâm đắc và tiếc nuối nhất của các bạn với sản phẩm dự thi này là gì?
Hoàng Mai: Tâm đắc nhất có lẽ là nhóm đã làm ra được sản phẩm đầu tiên một cách chỉn chu, không bỏ cuộc trước những thử thách. Nhờ có cuộc thi, mọi người trong nhóm trở nên thân thiết và học hỏi nhiều hơn trong việc phát triển ngành nghề đang theo đuổi.
Nhật Lâm: Điểm tiếc nuối nhất chắc cũng là về thời gian. Nếu thời gian dài hơn, mình nghĩ nhóm sẽ có thêm những ý tưởng mới và làm tốt hơn nhiều lần.
Cùng nhau đồng hành trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi, với các bạn đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất?
Nhật Lâm: Việc phải chạy “xa ơi là xa” đến nhà của Hải Nguyên ở quận 2 để làm bài thi có lẽ là điều đáng nhớ nhất của nhóm. 6 người đã phải “ăn dầm nằm dề” suốt 3 đêm liên tục. Người này làm thì người kia ngủ, cứ như vậy mà thay phiên nhau cho đến khi tạo ra thành phẩm cuối cùng.
Mình nghĩ không chỉ với mình mà chắc hẳn mỗi thành viên đều sẽ nhớ đến kỷ niệm vui vẻ này. (cười)
Cuối cùng, hãy chia sẻ một số dự định của các bạn trong tương lai nhé.
Nhật Lâm: Mình muốn update portfolio để bản thân có thể tìm kiếm các cơ hội việc làm tại các studio. Mình nghĩ rằng kiến thức chuyên sâu được đào tạo ở MAAC kết hợp với kinh nghiệm thực chiến sẽ giúp mình phát triển tốt hơn trong ngành.
Quang Khiêm: Vì đang theo học ngành Game Art nên mình dự định sẽ chơi game nhiều hơn. Chơi game ở đây không đơn thuần là để giải trí, mà còn để trải nghiệm thêm nhiều cái hay, đứng dưới góc nhìn của một game thủ để biết được nhu cầu thực tế của người chơi và sau đó áp dụng và công việc của mình.
Trọng Hiếu: Hiện tại mình chỉ đang học ở đầu kỳ 2 ngành 3D, mình đang cố gắng học tập để khi học xong kỳ 2 bản thân mình có thể tự làm ra được một project riêng, sau đó tìm một studio nào đó làm trainee và tiếp tục hành trình vừa học, vừa làm.
Hồng Phát: Dự định của mình chỉ đơn giản là tiếp tục học tập và rèn luyện bản thân để có ngày càng nắm vững các kiến thức trong ngành 3D mà mình đang theo đuổi.
Hoàng Mai: Ngoài các dự định cá nhân, nhóm cũng có thêm một dự định nho nhỏ đó là sẽ tiếp tục cùng nhau tham gia thêm nhiều cuộc thi chuyên ngành khác, vừa có thể cọ xát thực tế, vừa học hỏi để nâng cao chuyên môn.
Cám ơn nhóm về buổi chia sẻ ngày hôm nay. Chúc các bạn luôn gặt hái được nhiều thành công trong những dự án sắp tới và luôn tràn trề nhiệt huyết trên con đường chinh phục giấc mơ.