Song hành cùng VFX và 3D, ngành công nghiệp Game đang có tốc độ phát triển như vũ bão, mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho các tín đồ mê game có thể tự do phát huy tư duy sáng tạo của bản thân. Vào ngày 8.4 vừa qua, Học viện MAAC đã tổ chức thành công buổi giao lưu với các diễn giả giàu kinh nghiệm xoay quanh các câu chuyện về Chơi Game – Học Game – Làm Game, đem lại cho giới trẻ nhiều kiến thức bổ ích.
Theo thống kê của Newzoo, tổng doanh thu của ngành công nghiệp game trên toàn cầu chạm mức 180,3 tỷ USD và dự báo sẽ vượt mức 200 tỷ USD vào giai đoạn năm 2023. Đây là số liệu thực tế chứng minh rằng ngành công nghiệp giải trí tỷ đô đang trên đà tăng trưởng vượt bậc, hứa hẹn là “vùng đất màu mỡ” để các tín đồ mê game thỏa sức phát triển bản thân.
Để giúp các bạn trẻ thực hiện ước mơ từ “Chơi Game” cho đến “Học Game” và biến thành sự nghiệp “Làm Game” cả đời, buổi talkshow về Game ngày 8.4 của Học viện MAAC có sự tham gia của các diễn giả giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực, bao gồm:
- Anh Nguyễn Minh Nhật – Art Director tại SPARX* – A Virtuos Studio
- Anh Bùi Quốc Khiêm – Technical Artist tại SPARX* – A Virtuos Studio
- Anh Võ Huy Giáp – Giám đốc Đào tạo Học viện MAAC
Nằm trong các ngành nghề cần sự sáng tạo cao, tư duy logic tốt, ngay cả các diễn giả của chúng ta cũng đã phải trải qua một thời gian dài khó khăn mới có thể đạt được những thành tựu như ngày hôm nay. Chia sẻ về điểm nổi bật của ngành Game, anh Võ Huy Giáp cho biết: “Với cá nhân anh, điểm nổi bật của ngành Game chính là khi làm việc anh không xem đây là một công việc. Mỗi ngày đi làm đối với anh như là đang được chơi Game, là “được làm” chứ không phải “trách nhiệm phải làm”. Vì vậy, điểm ấn tượng của game chính là làm việc như chơi mỗi ngày.”
Anh Minh Nhật cũng chia sẻ thêm: “Đặc thù của việc làm Game chính là ta phải thực hiện sao cho hấp dẫn, và sự hấp dẫn này không chỉ dành riêng cho người Artist mà còn dành cho khán giả chơi Game. Vì vậy, ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế, điểm đặc biệt của ngành Game chính là người sản xuất có thể thỏa sức đam mê của chính mình.”
Kiếm tiền từ Game NFT: Định kiến được xóa bỏ khi Game tạo ra thu nhập cho người chơi
Thị trường ngành Game từ lâu đã cực kỳ sôi nổi với các thể loại phổ biến như AAA, Mobile Game, Console, PC, v.v… Đặc biệt ở thời điểm năm 2022, ngành Game toàn cầu càng thêm náo nhiệt khi có sự gia nhập của game NFT, Crypto hay Game Fi trên nền tảng Blockchain.
Tổng quan về Game NFT trên Blockchain, anh Giáp cho biết: “Năm 2021 là sự bùng nổ của Game NFT, nổi bật là Axie Infinity. Công nghệ NFT được viết tắt từ cụm từ Non-fungible token. Đây là thể loại Game cho phép những người chơi giao dịch với nhau theo một hệ thống tiền ảo, có thể kiếm được những phần quà giá trị dưới dạng tiền ảo và có thể quy đổi thành tiền thật.”
Game NFT hoàn toàn khác xa với các thể loại Game khác. Nếu Game Mobile, MOBA hay AAA chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu về giải trí, thì Game NFT cho phép người chơi đạt được mục đích kinh tế của mình.
“Theo góc nhìn của anh, ưu điểm đầu tiên của game NFT đó chính là có thể đem lại thu nhập cho người chơi. Điều này sẽ đem lại sự thú vị hơn khi chơi game bây giờ không đơn thuần chỉ để giải trí, mà còn có thể đem lại một nguồn thu nhập, và đôi khi lượng thu nhập này sẽ cực kỳ cao. Người chơi Game NFT càng nhiều, thị trường Game sẽ lại càng sôi động hơn. Điều này cũng cần một lượng lớn người sản xuất game và những Artist về Game như chúng ta sẽ ngày càng “có đất diễn” trong tương lai”, anh Nguyễn Minh Nhật chia sẻ.
Anh Bùi Quốc Khiêm cũng đồng tình: “Có thể tạo ra thu nhập từ việc chơi Game cũng góp phần thay đổi suy nghĩ về định kiến của một số người về hình thức giải trí này trước đây. Chơi Game có thể kiếm tiền khiến khoảng thời gian mà các bạn bỏ ra sẽ trở nên xứng đáng hơn so với các thể loại Game khác.”
Đứng giữa lợi ích của game NFT, một số bạn trẻ đã tỏ ra khá thích thú nhưng cũng phần nào băn khoăn, bạn thắc mắc rằng: Chơi game NFT thì nhiều tiền, vậy em nên chơi Game hay làm Game? Vì học Game khá vất vả và có khi kiếm được ít tiền hơn so với chơi Game.
Giải đáp về băn khoăn này, anh Giáp bày tỏ: “Đúng là chơi Game NFT thật sự có thể kiếm được rất nhiều tiền. Tuy nhiên cũng có một sự rủi ro là vì đây thật chất cũng là tiền ảo. Vì là tiền ảo, nên nó có thể đi lên và cũng có thể đi xuống, tương tự như cổ phiếu. Vậy nên trường hợp lừa đảo thông qua Game NFT sẽ rất dễ dàng xảy ra và khiến cho người chơi có nguy cơ mất trắng”.
Anh Giáp tiếp tục: “Việc chơi Game tiền ảo chỉ đơn thuần là chơi, có thể kiếm thêm tiền được thì càng thêm thú vị. Nó không phải là một nghề nghiệp, vì cơ bản chúng ta có thể mất trắng bất cứ lúc nào. Điều quan trọng ở đây chính là kỹ năng cốt lõi của các bạn về Game, điều mà khi và chỉ khi học làm game mới có thể đáp ứng.
Bởi lẽ đó, nếu có phải lựa chọn giữa chơi Game và làm Game, anh vẫn chọn vế sau. Vì dù cho có không phải là Game NFT, trong cuộc sống của chúng ta cũng cần phải giải trí, và làm Game chính là một cách để thỏa mãn tốt nhất cho nhu cầu giải trí của mình.”
Anh Nhật cũng đồng quan điểm: “Thật ra bản chất của chơi Game không tạo ra giá trị về kinh tế. Bạn có thể đạt mức thu nhập tốt ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên với lâu dài thì không đảm bảo”.
Quy trình làm Game hoàn chỉnh của một Game Artist
Để các bạn trẻ hiểu rõ hơn về ngành, những công việc của một Game Artist trong một quy trình chung, các diễn giả của chúng ta đã chia sẻ hết mình từ những kinh nghiệm thực tế của mình. Theo đó, anh Giáp cho biết: Không những làm game, mà bất kể ngành hậu kỳ nào trong mảng truyền thông – giải trí đều phải trải qua 3 công đoạn. Đó là Pre-production (Tiền sản xuất) – Production (Sản xuất) – Post-production (Hậu kỳ).
» Pre-production: Người làm Game cần phải quan tâm 4 điều: What (Game của bạn là gì) – How long (Bao lâu sẽ hoàn thành dự án) – Resources (Cần bao nhiêu tài nguyên để hoàn thành) – Cost (Chi phí cho tổng dự án Game).
» Production: Giai đoạn này được chia thành 5 giai đoạn quan trọng, bao gồm:
- Vertical Slice: Chọn một trong những phân đoạn chứa đủ tất tần tật các tính năng của nhân vật, sau đó xây dựng môi trường Game hoàn chỉnh.
- Pre-Alpha: Đây là thời điểm tập trung hoàn thành tất cả các công đoạn sản xuất từ nhân vật, môi trường, hiệu ứng, lối chơi,…
- Alpha: Bước này để thay thế các mô hình thành vật thể hoàn chỉnh như nhà cửa, xe cộ, đường phố, sự tương tác của nhân vật,…
- Beta: Đây là giai đoạn để tìm lỗi. Có những Game sẽ public ra công chúng để khán giả dò lỗi, người sản xuất sẽ nắm lỗi và sửa chữa trong những phiên bản tiếp theo.
- Gold: Giai đoạn này đã hoàn thành Game, sẵn sàng để phát hành.
» Post-production: Thời điểm Game đã được ra mắt. Nhiệm vụ của nhà sản xuất Game sẽ là tiếp tục theo dõi các lỗi sai của trò chơi để “vá” lỗi bằng cách đưa ra nhiều phiên bản mới hơn.
Học Game và Làm Game: Ngành nghề đầy tiềm năng phát triển dành cho thế hệ trẻ
Đi song song với sự bùng nổ của game NFT chính là sự phát triển bền vững của các thể loại game đình đám khác. Cơ hội nghề nghiệp của ngành công nghiệp tỷ đô này cũng vì thế mà luôn được đảm bảo cho giới trẻ.
Xoay quanh về vấn đề việc làm tại các Studio game trong ngành, anh Nhật cho biết: “Hiện nay các Studio làm Game đa phần sản xuất Game Mobile, vì thể loại này dễ làm và dễ dàng dự đoán được sự phát triển của nó trong tương lai. Ngoài ra, ở SPARX* và các studio khác hiện nay còn làm outsource cho các công ty Game nước ngoài. Hiện tại, các đầu Game được giao outsource nhiều nhất tại SPARX* chính là Game cho hệ máy Playstation, PC, Game Mobile,…
Nếu như cộng đồng game thủ tại Việt Nam có chơi những tựa game đình đám như Call of Duty, Backblood, hay các Game hàng top của thế giới như League of Legends,… sẽ luôn thấy tên người Việt Nam xuất hiện sau phần Credit.”
Có thể thấy rằng, nhu cầu về ngành Game ngày càng lớn, vì vậy việc đòi hỏi số lượng nhân sự giỏi để phục vụ cho việc sản xuất game ngày càng gia tăng. Về nhân sự cho ngành Game, anh Khiêm chia sẻ: “Nhu cầu về nhân sự của ngành Game thì chắc chắn sẽ ngày càng tăng, tuy nhiên việc cơ cấu nhân lực cho một team cần dựa vào quy mô và độ phức tạp của Game. Càng phức tạp sẽ càng có nhiều vấn đề cần giải quyết, điều này đồng nghĩa với việc càng cần thiết nhân sự có chuyên môn cao.”
Tiếp lời anh Khiêm, anh Nhật chia sẻ thêm nhu cầu nhân sự dưới góc nhìn của một nhà tuyển dụng như sau: “Những tựa Game được tung ra gần đây ngày càng phát triển, các hệ máy mới đạt chất lượng ngày càng cao, đẹp và chi tiết đến mức tiệm cận với phim ảnh. Và điều này được thực hiện hoàn toàn dựa trên đội ngũ nhân sự tiềm năng. Chính vì vậy, nhu cầu về nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng phải càng ngày càng giỏi mới có thể làm những thể loại Game thuộc hàng top hiện nay.”
Rõ ràng, việc thiếu lượng lớn nhân sự tiềm năng để phát triển các dự án game tại các Studio Việt đang là một vấn đề khá nhức nhối hiện nay. Qua lăng kính của người làm đào tạo, Anh Giáp cũng đã có nhận định: “Nhiều Studio làm Game tại Việt Nam nhận gia công outsource từ nước ngoài đang dần trở nên “cạn kiệt” nguồn nhân lực. Một số cái tên đình đám như SPARX* hay NCVVS nhận được nhiều sự tín nhiệm lại càng “khát” nhân sự hơn bao giờ hết. Vì vậy đây sẽ là cơ hội cực kỳ phù hợp để các bạn trẻ yêu thích Game bước chân vào ngành.”
Phát triển trong ngành Game, lối đi nào dành cho các tài năng trẻ?
Sau những thông tin chuyên sâu về ngành, về quy trình làm việc cũng như khía cạnh nhân sự, buổi giao lưu dù qua hình thức online nhưng vẫn cảm nhận được sự náo nhiệt đến từ đông đảo các bạn trẻ. Ô chat trực tuyến với diễn giả nhảy ra liên tục các thắc mắc của người tham dự, trong số đó, rất nhiều bạn chia sẻ rằng: “Em có đam mê với ngành, mong muốn phát triển nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu.”
Để các bạn không phải quá đắn đo về vấn đề này, anh Nhật hé lộ: “Ai cũng sẽ có những bước đi đầu tiên rồi mới có thể chạy hết đường đua này. Với anh, nếu mong muốn gia nhập ngành nhưng không biết bắt đầu từ đâu thì đầu tiên các bạn nên học và làm quen với các phần mềm 3D, nổi bật như Maya, 3Ds Max, Blender,… Sau đó, học hỏi thêm các Artwork hoặc tư liệu về ngành trên mạng, tìm hiểu và biến tấu thành những sản phẩm đầu tay của bản thân.”
Đồng tình với ý kiến của anh Nhật, anh Giáp bổ sung thêm: “Theo anh, các em đã yêu thích và mong muốn tham gia vào lĩnh vực 3D thì chúng ta hãy tập trung vào phần “3D” đầu tiên. Hãy bắt đầu bằng việc tạo dựng vật thể. Không cần phải đẹp, có thể xấu nhưng do chính tay mình tạo ra.
Cứ lên mạng và tìm hiểu thêm các Artwork về vật thể, hãy copy nó và biến tấu thành nhiều phiên bản khác. Anh khuyến khích các bạn làm việc này. Không phải việc copy đó là để mình biến cái của người ta thành của mình, mà mục đích chính là để cho ta thực hành nhiều và quen tay. Lúc đó, tốc độ của các bạn ngày sẽ càng tăng lên và sẽ ngày càng nâng cao trình độ.”
Bên cạnh những bạn đã xác định rõ mình yêu thích Game ngay từ đầu, cũng còn rất nhiều tài năng ở nhiều ngành nghề khác đang dần nhận ra đam mê của mình và có mong muốn chuyển ngành sang lĩnh vực Game. Khi hỏi về những khó khăn và cản trở khi “bẻ lái”, anh Khiêm cho biết: “Mục đích cuối cùng của việc làm game chính là để mô tả cuộc sống thực tế bên ngoài. Vậy nên tất cả những kiến thức bạn có từ ngành trước kia dù nó không liên quan về Game thì vẫn có thể áp dụng được. Ví dụ như anh Giáp trước đó học Y Tá thì sẽ hiểu biết về Anatomy để áp dụng vào Rigging,… Vì lẽ đó, nếu bạn có đam mê mà muốn theo đuổi ngành game thì hãy mạnh dạn, chỉ cần cố gắng hết sức mình, bạn chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều thành tựu trong ngành.”
Như vậy, dù bạn có là bất kỳ ai, chỉ cần có niềm đam mê mãnh liệt với Game, hoàn toàn có thể gia nhập ngành. Đặc biệt, với các tài năng trẻ đang theo đuổi các ngành VFX và 3D thì lại càng thuận lợi, như anh Giáp chia sẻ: “Nói về VFX – 3D mà muốn rẽ qua Game thì cũng khá dễ dàng, vì chí ít bạn cũng đang tham gia vào quá trình hậu kỳ, cũng có điểm chung vì cả 3 ngành này cùng chung một khối, tất cả đều có liên quan đến nhau. Vậy nên nếu có mong muốn chuyển ngành thì cứ mạnh dạn, không phải lo ngại bất cứ điều gì.”
Dù tổ chức với hình thức online, thế nhưng buổi talkshow Chơi Game – Học Game – Làm Game đã diễn ra thành công rực rỡ. Thông qua những kiến thức được các diễn giả chia sẻ, chắc hẳn các bạn trẻ của chúng ta đã phần nào định hướng được đường đi đúng đắn trong ngành công nghiệp giải trí tỷ đô này.
Sau sự kiện này, chắc chắn Học viện MAAC sẽ còn tổ chức thêm nhiều buổi giao lưu khác, mở ra cơ hội cho các tài năng trẻ được lĩnh hội kiến thức từ chuyên gia, góp phần xây dựng ngành công nghiệp hậu kỳ của nước nhà ngày một tăng trưởng mạnh mẽ.