Nếu muốn trở thành một Animator hoặc một Artist làm việc trong lĩnh vực Animation, bạn cần liên tục nâng cấp bản thân và không ngừng học hỏi kiến thức, kỹ năng từ những chuyên gia đi trước. 9 bài học được đúc kết từ các Animator chuyên nghiệp dưới đây sẽ giúp bạn bỏ túi nhiều thông tin bổ ích trên hành trình “làm nghề”.
Nhìn theo bóng của những chuyên gia trong lĩnh vực, bạn sẽ học được cách mà một Artist sử dụng các kỹ năng thông qua kinh nghiệm nhiều năm trong ngành áp dụng vào quá trình làm nghề thực tế. Chắc chắn rằng, không ít thì nhiều những đúc kết từ họ sẽ giúp bạn phát triển bản thân trong lĩnh vực hoạt hình đầy tiềm năng.
Dưới đây là những bài học hàng đầu mà các nhà làm phim hoạt hình chuyên nghiệp đã chia sẻ, hãy xem nó và áp dụng khi bạn làm việc cho các dự án của riêng mình!
1. Animation chính là một công việc khó khăn
Bạn cần hiểu và chấp nhận thực tế rằng hoạt hình có thể là một công việc khó khăn. Nếu muốn trở thành một Animator chuyên nghiệp để sản xuất những dự án phim truyền hình, phim điện ảnh,… bạn cần phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận những khó khăn trong công việc. Lĩnh vực này vô cùng khắt khe vì bạn sẽ phải đảm bảo được trách nhiệm của mình với một thời hạn nghiêm ngặt. Yêu cầu bạn phải có khả năng giao tiếp, làm việc với nhiều người và hoạt động trong nhiều giờ.
Dù vậy cũng đừng vội bỏ cuộc vì đây cũng là một ngành sáng tạo vô cùng thú vị. Khi bạn đưa những nhân vật hoạt hình của mình từ trang giấy lên màn ảnh, bạn sẽ thấy những công sức mình bỏ ra để có được cảm giác phấn khích, hạnh phúc là vô cùng xứng đáng.
2. Animator chuyên nghiệp luôn làm việc theo một đội nhóm
Các Animator chuyên nghiệp hầu như luôn làm việc trong môi trường nhóm. Làm việc theo đội nhóm có nhiều lợi thế hơn so với làm việc một mình.
Có một số điều bạn cần học khi làm việc nhóm chính là cần phải biết thông tin của những người trong nhóm, hiểu rõ được kỹ năng và nhiệm vụ của họ là gì. Ngoài ra, bạn cũng cần có khả năng để làm việc với những người thuộc bộ phận khác, chẳng hạn như Modeling, Rigging,… cũng sẽ giúp ích cho công việc của bạn khi bạn là một Animator.
3. Không có thứ gọi là hoạt hình “hoàn hảo”
Bạn không thể mong đợi rằng sản phẩm diễn hoạt đầu tiên của mình đạt được chất lượng hoàn hảo. Nếu là “newbie” mới bắt đầu hoạt động trong ngành Animation, bạn cần phải biết rằng lĩnh vực này không có thứ gọi là hoạt ảnh “hoàn hảo”.
Đừng nản lòng nếu như mọi thứ không diễn ra theo đúng với dự tính hoặc chính xác so với tưởng tượng của bạn. Không có thứ hoàn hảo nhưng sẽ có thứ phù hợp. Nếu sản phẩm của bạn không đạt như mong muốn, hãy tiếp tục thử nghiệm những phong cách cũng như các kỹ thuật diễn hoạt khác nhau cho đến khi tìm ra thứ gì đó thích hợp.
Chìa khóa rút ra ở đây chính là dù sản phẩm không hoàn hảo, thế nhưng bạn không nên để bất cứ điều gì kìm hãm sức sáng tạo của mình, cứ tiếp tục nảy ra những ý tưởng mới đến khi sản phẩm trở nên dễ chịu nhất.
4. Đừng ngại đưa ra lời yêu cầu giúp đỡ
Tạo ra một đoạn phim hoạt hình chất lượng chính là sự nỗ lực của cả nhóm. Diễn hoạt một thước phim hoạt hình không đơn giản là việc bạn ngồi một mình trong văn phòng vẽ các khung hình trong nhiều ngày liên tục. Đây là công việc cần phải có sự gắn kết hợp tác giữa các Animator chung team với nhau, thậm chí là kết hợp với đạo diễn và các nhân viên sản xuất để tạo ra sự thống nhất, chỉn chu cho sản phẩm.
Do đó, các nhà làm phim hoạt hình hoàn toàn có thể đưa ra yêu cầu trợ giúp khi gặp khó khăn trong công việc hoặc quá tải với khối lượng công việc mình đang đảm nhiệm. Và lúc này, những Animator có kinh nghiệm hơn có thể trợ giúp nếu họ thấy có thể cải thiện chuỗi hoạt hình đang thực hiện.
5. Hãy chú ý đến các chi tiết nhỏ
Khi làm việc nhóm, bạn cần hãy để ý đến các chi tiết. Ở đây không nói về chi tiết trong hoạt ảnh của bạn mà đó là các chi tiết liên quan đến giao tiếp, công việc. Là một nhà làm phim hoạt hình, bạn phải có khả năng truyền đạt ý tưởng của mình một cách rõ ràng với những người khác có liên quan.
Hãy nhớ rằng, mỗi người trong team đều sẽ có những vai trò quan trọng khác nhau để cùng hoàn thành sản phẩm. Vì vậy, bạn cũng cần phải cởi mở về ý tưởng của người khác, hướng đến mục tiêu chung để cùng nhau hoàn thiện những ý tưởng phù hợp nhất.
Ngoài ra, điều quan trọng là bạn cần phải kiên nhẫn, cả với bản thân lẫn người trong team. Hoạt hình là lĩnh vực cần đầu tư thời gian và công sức, vì vậy những Artist làm việc trong ngành cần phải có tầm nhìn rõ ràng về những gì họ muốn đạt được.
6. Nếu ghét công việc bạn đang làm, hãy thay đổi nó
Đừng ngại việc thay đổi nếu bạn đang không thích hoặc cảm thấy không phù hợp với công việc hiện tại. Điều quan trọng hơn hết là khi công việc của bạn đang đảm nhiệm khiến cho bạn không hài lòng vì một lý do nào đó, đừng vội từ bỏ ngay lập tức. Thay vào đó, hãy thử một cách tiếp cận khác hoặc cho bản thân một thời gian để nghỉ ngơi và bắt tay vào làm lại vào lúc khác, khi mà bạn đã thật sự thoải mái đầu óc.
Nếu bạn muốn thử một phong cách hoặc kỹ thuật mới, hãy thử nó. Nếu cần trợ giúp về một điều gì đó cụ thể (ví dụ như thiết kế gương mặt, cấu trúc cơ thể người,…) hãy hỏi một cộng sự nào đó biết nhiều về những công đoạn này hơn bạn. Thậm chí, bạn có thể xin lời khuyên từ các Animator chuyên nghiệp khác về cách mà họ vượt qua những thử thách của chính mình. Chắc chắn họ sẽ rất cởi mở và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những người muốn học hỏi từ họ.
7. Luôn trong tâm thế chịu thay đổi – dám thích nghi
Đừng quên cởi mở tư duy để thử những điều mới mẻ. Những Animator mới bắt đầu vào ngành thường rất dễ bị mắc kẹt trong lối mòn tư duy, chỉ làm việc trong khuôn khổ những kiến thức và kỹ năng mình đang có chứ không dám bứt phá đến những thứ mới mẻ hơn.
Nếu bạn cảm thấy hoạt ảnh của mình đã tạo ra có thể sử dụng thêm một số yếu tố về màu sắc, ánh sáng, bố cục hay tất tần tật những chi tiết nào để sản phẩm trở nên thu hút hơn, đừng ngại thử sức. Và khi dám bứt phá bản thân, bạn phải đảm bảo rằng mình có khả năng để có thể chấp nhận rủi ro và hãy dự trù được những phương án thay thế an toàn cho sản phẩm.
Ngoài ra, trong trường hợp bạn không chắc chắn với các phương pháp mới mà mình muốn thử, hãy đặt ra câu hỏi và xin gợi ý từ những người có chuyên môn. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, tránh gặp lỗi không đáng có.
Đừng lo lắng về việc phạm phải sai lầm, vì chắc chắn trong quá trình làm việc của bạn, sai lầm sẽ xảy ra. Mọi người đều mắc sai lầm, ngay cả những Animator chuyên nghiệp, đã làm việc với những phần mềm 3D kể từ khi các phần mềm này mới ra mắt cũng đã từng mắc phải một số lỗi khá lớn vào lúc này hay lúc khác trong sự nghiệp của họ. Có sai lầm và nhận ra được những bài học từ sau những sai lầm đó sẽ giúp bạn nhanh chóng phát triển hơn trong công việc.
8. Để thành công cần phải có thời gian và sự kiên nhẫn
Hoạt hình là một lĩnh vực rộng lớn với hàng tỷ thứ mà mỗi người theo đuổi ngành cần phải có thời gian để rèn luyện bản thân trở nên thành thạo. Do đó, luôn trong trạng thái học hỏi, cố gắng và kiên nhẫn làm việc sẽ là chìa khóa để bạn lĩnh hội được những kiến thức bổ ích, nhanh chóng phát triển trong ngành.
Quá trình từ người mới vào ngành cho đến chuyên gia tuy mất thời gian nhưng sẽ rất dễ nhìn thấy. Kinh nghiệm của bạn sẽ được tích lũy thông qua cách mà bạn thực hiện dự án riêng của mình hay làm việc trên các dự án của người khác. Ngoài ra, học hỏi từ những người đi trước và đặt câu hỏi cho họ khi cần trợ giúp cũng là cách tiến xa hơn trong ngành.
9. Hãy nỗ lực hợp tác để mang lại sự chỉn chu cho sản phẩm
Các nhà làm phim hoạt hình chuyên nghiệp hợp tác chặt chẽ với các Artist khác để đưa các nhân vật và thế giới hoạt hình của họ trở nên sống động thông qua từng chuyển động và biểu cảm. Bên cạnh các Artist làm việc cùng một quy trình sản xuất 3D Animation như Layout Artist, Modeler, Rigger,… các Animator cũng cần hợp tác với đạo diễn, nhà sản xuất và những người đưa ra định hướng cho họ về tổng thể dự án hoạt hình.
Đặc biệt, Animator cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các diễn viên lồng tiếng, những người “cho mượn tài năng” của họ bằng cách đưa cảm xúc của các nhân vật hoạt hình trở nên cao trào thông qua lời nói. Kết hợp với diễn viên lồng tiếng giúp cho Animator hiểu rõ hơn về cách diễn hoạt nhân vật khi nói chuyện, giao tiếp.
Có rất nhiều bài học được rút ra từ các nhà làm phim hoạt hình chuyên nghiệp, nhưng trong số đó, bài học tâm đắc nhất có lẽ là tầm quan trọng của sự hợp tác trong hoạt hình. Làm hoạt hình, bạn không đơn giản là một nghệ sĩ, mà còn là một người kể chuyện. Và khi kể chuyện, không ai làm một mình.
Là một họa sĩ hoạt hình, bạn sẽ chịu trách nhiệm đưa các nhân vật và thế giới ảo vào cuộc sống thông qua những chuyển động và biểu cảm, mang lại cho khán giả những phút giây thư giãn đầy cảm xúc tại nhà hoặc tại rạp chiếu phim. Đây là một công việc khó khăn, cần có thời gian, sự kiên nhẫn và quan trọng nhất là tinh thần đồng đội để tạo ra những sản phẩm hoạt hình chỉn chu, chất lượng.
Nếu bạn yêu thích lĩnh vực này và luôn nỗ lực học hỏi, chấp nhận mọi thử thách để tích lũy kiến thức, chắc chắn một ngày nào đó bạn cũng sẽ trở thành một chuyên gia.
Lược dịch từ: Businessofanimation
Lê Hòa