Những chia sẻ đến từ nữ Colorist Nguyễn Trọng Thùy Khanh thông qua cuộc trò chuyện dưới đây sẽ giúp bạn có một cái nhìn đầy thú vị về góc nhìn và trải nghiệm của người nghệ sĩ chỉnh màu phim trong ngành công nghiệp điện ảnh.
Colorist không đơn thuần chỉ là nghệ sĩ chỉnh màu cho phim mà còn là người “chở” cảm xúc đến trái tim khán giả thông qua từng khung hình. Mỗi một gam màu là một trạng thái và người làm Colorist sẽ biết cách phối hợp các gam màu khác nhau để chuyển tải một cách trọn vẹn ý nghĩa của từng hình ảnh, giúp người xem đắm chìm và sống cùng nhân vật.
Khi là một nữ Colorist, trải nghiệm nghề của của họ liệu có gì thú vị và đặc biệt hay không? MAAC mời bạn cùng lắng nghe những chia sẻ, quan điểm đến từ Founder của Colorholic để hiểu thêm về khía cạnh công việc đầy mới mẻ này nhé!
Về Colorist Nguyễn Trọng Thùy Khanh
Cô Nguyễn Trọng Thùy Khanh được mọi người biết đến nhiều với vai trò là một Colorist (nghệ sĩ chỉnh màu). Dù xuất thân là một sinh viên của trường đại học Ngoại Thương nhưng sau đó cô vẫn lựa chọn rẽ hướng sang lĩnh vực mà mình yêu thích. Sau khi học về Color Grading tại The International Colorist Academy và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Film Production tại đại học Lincoln (Anh) vào năm 2020, hiện cô Khanh đang đảm nhiệm vị trí Co-founder tại ColorHolic Media. Trong quá trình làm nghề, cô đã tích lũy cho mình hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là một Editor và Colorist. Tại Học viện MAAC, cô Thùy Khanh từng tham gia giảng dạy bộ môn Davinci và là một trong những người truyền cảm hứng cho các thế hệ học viên nơi đây.
TÔI MAY MẮN VÌ BIẾT MÌNH THÍCH GÌ TỪ RẤT SỚM
Cảm ơn cô đã nhận lời tham gia buổi trò chuyện ngày hôm nay. Không biết cô đã tiếp cận với lĩnh vực VFX trong hoàn cảnh thế nào và điều gì đã khiến cô nhận ra rằng chỉnh màu phim là mảng mình yêu thích nhất?
Thời trung học, tôi khá khép kín, ít ra ngoài vui chơi cùng bạn bè. Vì vậy, tôi chọn cách tiêu khiển bằng Machinima. Đó là một hình thức xây dựng những thước phim bằng phần mềm video game. Ngày đó tôi chơi Sims 2. Tôi đã đăng những sản phẩm mình làm lên youtube và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng. Thậm chí có lần, Sims 2 còn “feature” một tác phẩm do tôi tự sáng tạo ở trên trang chủ. Đối với một cô bé trung học tầm 15, 16 tuổi, đó là một động lực vô cùng lớn để bản thân mày mò, học hỏi thêm về những kiến thức đồ họa cũng như điện ảnh. Và cũng từ đó mà tôi nhận ra rằng thứ tôi yêu thích nhất là chỉnh màu cho phim.
Đối với nhiều người, trước khi thực sự biết bản thân mình muốn gì và đam mê lĩnh vực nào đều phải trải qua một hành trình dài tìm kiếm. Vậy cô có mất nhiều thời gian để tìm thấy đam mê của bản thân không?
Về khoảng này, tôi xem như là may mắn hơn các bạn khác. Bởi vì, tôi biết được mình thích gì từ rất sớm. Bên cạnh đó, một phần nhờ vào sự nghiêm khắc của mẹ đối với các môn học ngoại khóa của tôi như học bơi hay học đàn. Dù không có ý định theo hướng chuyên nghiệp, cũng chưa một lần thi đấu hay trình diễn nhưng tôi bắt buộc phải luyện tập như dân chuyên nghiệp thứ thiệt. Tôi nghĩ rằng, những năm tháng trui rèn đó đã giúp bản thân sau này khi làm việc gì cũng luôn thật kiên nhẫn và nỗ lực. Nhờ vậy mà dù tốt nghiệp đại học ở một ngành không liên quan với công việc hiện tại nhưng tôi vẫn có thể từng bước và vững lòng theo đuổi con đường phù hợp với bản thân.
KHÔNG PHẢI AN TOÀN HAY RỦI RO, KIÊN NHẪN ĐI ĐẾN CÙNG MỚI LÀ YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH
Ở thời điểm hiện tại, khi bản thân đã có nhiều năm trải nghiệm trong ngành công nghiệp VFX, cô có nghĩ lĩnh vực mà mình đang theo đuổi làm một nghề an toàn không?
Mọi người luôn nói ngành này là ngành dễ kiếm tiền và tuổi thọ ngắn. Tuy nhiên, tôi lại không thấy vậy. Dù tôi chưa đi đến cuối con đường sự nghiệp để khẳng định về vấn đề này nhưng tôi đã gặp những Colorist nước ngoài năm nay đã ngoài 50 tuổi, họ vẫn rất vui vẻ làm nghề. Vì vậy, đối với tôi an toàn hay rủi ro không phải là những từ ngữ chính xác miêu tả về ngành nghề này. Có chăng, liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng hay không mà thôi.
Ngành công nghiệp điện ảnh dễ xuất hiện hào nhoáng như một cuộc chơi. Đến khi thấy chơi không vui, rất nhiều bạn đã nản chí, bỏ cuộc. Thế nhưng, đó lại là phạm trù lựa chọn chứ không được xem là rủi ro của nghề nữa rồi.
TÔI TIN VÀO SỰ BÌNH ĐẲNG VỀ CƠ HỘI DÀNH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Hẳn là cô cũng biết nhân sự nữ trong ngành công nghiệp VFX khá ít. Vậy theo cô, điều gì khiến lĩnh vực này “kén” nữ giới đến như vậy?
Tôi nghĩ rằng bởi vì chúng ta luôn nói với các bạn nữ ngành công nghiệp này “kén” nữ giới. Vì thế, chúng ta đã góp một tay vào làm trầm trọng hơn sự e dè của các bạn trong việc lựa chọn sự nghiệp tương lai. Không có một đặc tính giới nào liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hiệu suất công việc trong ngành này cả. Điều duy nhất cản trở các bạn chính là sự ngại ngùng của chính bản thân mà thôi!
Là một nữ Colorist và đã có nhiều năm trải nghiệm trong nghề, cô nhận thấy cơ hội nghề nghiệp trong ngành này dành cho phái nữ ra sao?
Tôi chưa bao giờ gặp trường hợp phân biệt giới tính trong ngành này cả. Vì thế, tôi tin vào sự bình đẳng về cơ hội dành cho tất cả mọi người. Chúng ta đang ở năm 2022, một thời đại mà thế giới đã đi rất xa khỏi những định kiến cũ kỹ rồi. Hơn nữa, với những ngành nghề có ít nhiều tính chất nghệ thuật, tôi tin rằng tư duy của người trong cuộc lại càng cởi mở hơn.
Việc số lượng nam giới trong ngành VFX đang khá “áp đảo” so với nữ giới như hiện nay, cô có nghĩ điều đó phần nào vẫn còn là sức ép cho phái nữ khi bước chân vào ngành này hay không?
Tư duy “đây là ngành nghề dành cho nam giới” chính là rào cản lớn nhất khiến các bạn nữ cảm thấy áp lực. Những định hướng giới đó là định hướng của xã hội chứ không hình thành từ bất kỳ dẫn giải khác biệt về thể chất hay tâm sinh lý của phái nữ. Tôi quen biết và làm việc chung với rất nhiều bạn nữ trong ngành, từ kỹ năng đến sự chuyên nghiệp các bạn ấy đều không hề thua kém ai cả.
Vậy còn lợi thế thì sao, cô có nghĩ phái nữ sẽ có lợi thế nào nổi bật hơn so với nam giới không?
Bản thân tôi có nhiều cơ hội được là người ăn mặc đẹp nhất phòng (cười).
KHI VỪA YÊU NGHỀ, VỪA YÊU BẢN THÂN THÌ LÚC NÀO CŨNG LÀ “THỜI ĐIỂM VÀNG”
Khi nói về phái nữ, mọi người hay dùng từ “thanh xuân” để ám chỉ “thời điểm vàng” lúc mà phụ nữ thăng hạng tốt nhất về sức trẻ, vẻ đẹp, sự nhiệt huyết, tự do để theo đuổi đam mê. Để lỡ giai đoạn đó, phụ nữ sẽ khó có cơ hội để thực hiện. Vậy theo quan điểm cá nhân, cô cảm thấy trong ngành này có “thời điểm vàng” nào dành cho phái nữ không?
Tôi cho rằng “thanh xuân” nằm trong tay mình. Lúc còn trẻ và nhiều năng lượng, dù tôi là nữ nhân ngồi một mình cả ngày trong phòng màu không ánh sáng, tôi vẫn mặc váy và tô son đi làm. Hay những ngày thức thâu đêm vì dự án, tôi vừa chạy deadline, vừa đắp mặt nạ dưỡng da. Cái ngẩng cao đầu đầy tự hào vì hình hài nữ giới được xã hội dung dưỡng và cho phép được đẹp chính là chiếc chân vịt thúc đẩy sức mạnh nội tại để tôi theo đuổi đam mê. Đó cũng chính là “sức mạnh thanh xuân” của phái nữ.
Bây giờ, tôi đã hơi có tuổi và những “niềm đau cột sống” nhưng tôi vẫn ngày ngày mặc đẹp và thoa son đi làm. Đối với tôi, khi bạn vừa yêu nghề vừa yêu bản thân thì lúc nào cũng đang trong “thời điểm vàng” cả.
Trong thời gian sắp tới, không biết cô đã có kế hoạch hay dự định gì mới cho mình hay chưa?
Tôi đang hài lòng với cuộc sống và công việc hiện tại nên cũng chưa có dự định gì khác hơn.
Cảm ơn cô vì đã dành quỹ thời gian quý giá của mình để tham gia buổi trò chuyện ngày hôm nay. Chúc cô ngày càng thành công với công việc và hạnh phúc với cuộc sống riêng.