HỌC VIỆN KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH & HOẠT HÌNH MAAC
Vượt qua mọi giới hạn để tạo ra đồ án tốt nghiệp đạt chất lượng cao như phim điện ảnh chuyên nghiệp, sản phẩm Ngô Vương Quyền được thực hiện bởi nhóm HDR lớp X2009E1 đã xuất sắc nhận “cơn mưa” lời khen từ phía hội đồng chuyên môn.
Lấy bối cảnh lịch sử dân tộc thời Đại La Thành năm 938, phim ngắn “Ngô Vương Quyền” tái hiện màn đánh cờ giữa vua Ngô Quyền và danh tướng Kiều Công Hãn nhằm tìm ra sách lược cho trận chiến chống quân Nam Hán. Trận cờ tuy đơn giản nhưng lại bày ra toàn bộ kế sách tuyệt diệu nhất cho cuộc chiến chống quân xâm lược trước mắt, giúp nhà vua ngộ ra được mưu kế hay để đánh bại địch. Đồ án tốt nghiệp này được thực hiện bởi các bạn trẻ đến từ nhóm HDR lớp X2009E1 khóa Visual Effects tại Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC, gồm: Đinh Hoàng Long, Ngô Hải Vương và Vũ Thanh Phương.
Là một trong những sản phẩm đồ án được đánh giá cao nhất trong buổi Lễ công chiếu và Bảo vệ đồ án tốt nghiệp được tổ chức vào ngày 19.08 vừa qua, Ngô Vương Quyền chinh phục hội đồng giám khảo và các vị khách mời bằng những thước phim hoành tráng, hào hùng, đậm chất sử thi với sự kết hợp của những yếu tố kỹ xảo hình ảnh đẹp mắt.
Anh Võ Thanh Hòa – Đạo diễn/Nhà sản xuất phim đánh giá: “Với anh Ngô Vương Quyền là sản phẩm rất là chỉn chu, tâm huyết, tựa như một sản phẩm chuyên nghiệp chứ không đơn giản là một bài đồ án tốt nghiệp. Anh nghĩ là không chỉ anh mà tất cả những ai có mặt trong hội trường ngày hôm nay đều cảm thấy “sướng” khi xem được tác phẩm này.”
Từ những lời có cánh của người trong ngành, có thể thấy Ngô Vương Quyền thật sự là tác phẩm được các bạn trẻ hoàn thành một cách chỉn chu, chất lượng. Ngay bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe những chia sẻ của các thành viên nhóm HDR trong quá trình thực hiện phim ngắn xuất sắc lần này.
XIN CHÀO CÁC BẠN, ĐẦU TIÊN HÃY CHO MỌI NGƯỜI BIẾT Ý NGHĨA CỦA CÁI TÊN HDR?
Đinh Hoàng Long: HDR có ý nghĩa là “High Dynamic Range”, là một tấm ảnh dải động cao 360 độ dùng trong quá trình render. Trong quá trình thực hiện đồ án, có nhiều phân cảnh cần phải render background 3D nhưng nếu shot nào cũng render như vậy thì sẽ tốn nhiều thời gian và dung lượng. Điều này đã khiến nhóm “đau đầu” một khoảng thời gian và may mắn là cũng tìm ra được cách giải quyết hoàn hảo chính là sử dụng kỹ thuật render HDR để có thể tái sử dụng background cho nhiều shot, tiết kiệm được thời gian compositing của cả đồ án. Vậy nên nhóm đã sử dụng tên HDR để lưu giữ cột mốc đáng nhớ này.
KHI XEM PHIM, CÓ THỂ THẤY NHÓM ĐÃ ĐẶT RẤT NHIỀU TÂM HUYẾT, THỜI GIAN VÀ CÔNG SỨC, VƯỢT RA KHUÔN KHỔ MỘT ĐỒ ÁN KẾT THÚC KHÓA HỌC. NHÓM ĐÃ NUNG NẤU Ý TƯỞNG NÀY TỪ KHI NÀO? ĐIỀU MÀ NHÓM ĐÃ MONG MUỐN MANG ĐẾN CHO KHÁN GIẢ QUA TÁC PHẨM NÀY LÀ GÌ?
Đinh Hoàng Long: Team đã bắt đầu suy nghĩ về dự án này từ giữa tháng 08 năm 2021, lúc đó vẫn đang ở học kỳ 3 của chương trình học. Dù chưa đến học kỳ cuối cùng, nhóm đã bàn bạc và chuẩn bị trước dự án để khi thông báo thực hiện đồ án đến là bắt tay vào làm ngay.
Nhóm dự định ban đầu sẽ làm một dự án có nội dung xoay quanh những câu chuyện cổ tích trước đây của Việt Nam. Tuy nhiên sau khi bàn bạc, nhóm quyết định đổi qua những tác phẩm mang yếu tố lịch sử nước nhà. Điều đáng nói ở đây chính là nội dung chính của phim lịch sử sẽ không xoay quanh các trận đánh, các cuộc đấu tranh để gìn giữ non sông, bởi câu chuyện này thì đã có rất nhiều phim ảnh đề cập đến. Điểm đặc biệt của Ngô Vương Quyền chính là xoáy sâu vào tâm lý của nhân vật, đi vào câu chuyện trước khi Vua Ngô Quyền bàn kế sách đánh tan quân Nam Hán. Tạo nên một câu chuyện tiền truyện trước trận đánh lịch sử thay vì cứ kể theo tuyến tính như một cuốn sách giáo khoa.
Điều duy nhất nhóm mong muốn mang đến cho khán giả là một tác phẩm phim ngắn lịch sử với cách kể mới lạ, hình ảnh sinh động hơn. Mặc dù vẫn còn thiếu sót và hạn chế, nhưng nếu không dám mạo hiểm đi những bước đầu tiên thì chắc chắn sẽ không thể có các dự án đột phá hơn trong tương lai.
KHI THỰC HIỆN ĐỒ ÁN, NHÓM ĐÃ ĐẶT RA TIÊU CHUẨN NHƯ THẾ NÀO ĐỂ SẢN PHẨM ĐẠT CHẤT LƯỢNG TỐT NHẤT?
Đinh Hoàng Long: Vì là đồ án tốt nghiệp, đánh dấu một chặng đường dài học tập tại MAAC, nên nhóm đã đặt ra tiêu chuẩn ở mức cao nhất từ trước đến nay để thực hiện tác phẩm. Nhóm mong muốn thực hiện một bộ phim điện ảnh, vì vậy nên ở các câu tiền kỳ – trung kỳ – hậu kỳ đều được đặt để ở một chất lượng cao nhất để toàn team “follow” theo đó mà làm việc.
ĐƯỢC BIẾT, LỊCH SỬ LÀ MỘT TRONG NHỮNG CHỦ ĐỀ KHÁ KHÓ ĐỂ ĐẾN GẦN VỚI ĐÔNG ĐẢO KHÁN GIẢ VÀ THƯỜNG ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI ĐỂ TÂM, XEM XÉT MỖI KHI CÓ TÁC PHẨM VỀ LỊCH SỬ RA ĐỜI. VÌ SAO NHÓM LẠI LỰA CHỌN ĐỀ TÀI LỊCH SỬ ĐỂ LÀM TÁC PHẨM ĐỒ ÁN?
Đinh Hoàng Long: Chọn đề tài lịch sử là vì nhóm muốn khắc họa lại một phần nào đó về thời xa xưa, khi mà những câu chuyện kể về ông cha ta chỉ được truyền miệng hay viết lên giấy thì nay được hình ảnh hóa cụ thể hơn. Khán giả xem phim sẽ dễ hình dung ra ngày xưa cha ông ta đã ăn mặc thế nào, đi đứng ra sao, truyền bá rộng rãi hơn về lịch sử nước nhà. Đề tài này nhóm từ ban đầu đã xác định nếu thực hiện sẽ ít nhiều có tranh cãi. Tuy nhiên, nhóm chấp nhận điều đó để làm tiền đề cho những bộ phim lịch sử khác ra đời.
CÁC BẠN CÓ THỂ CHIA SẺ CHI PHÍ CHÍNH XÁC ĐỂ HOÀN THIỆN ĐỒ ÁN NGÔ VƯƠNG QUYỀN?
Ngô Hải Vương: Chi phí của Ngô Vương Quyền có lẽ hơi vượt mức so với một đồ án tốt nghiệp thông thường. Ngay từ đầu nhóm đã xác định làm phim cinematic để có thể chiếu rạp, vì vậy cần phải đảm bảo độ chỉn chu trong tất cả mọi công đoạn, từ đó mà chi phí cũng khá cao, lên đến hơn 100 triệu đồng.
NHÓM ĐÃ LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ HUY ĐỘNG NGUỒN HỖ TRỢ TỪ CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ?
Đinh Hoàng Long: Nhóm lấy trọng tâm vào nội dung đồ án là một đoạn phim ngắn về lịch sử mà trước đây chưa từng có ai thực hiện để xin trợ giúp chi phí từ các nhà tài trợ. May mắn rằng ý tưởng này được các đơn vị tài trợ yêu thích nên họ cũng hỗ trợ hết mình phần chi phí.
Ngoài ra, nhóm sử dụng công thức “tăng xin – giảm mua – tích cực mượn” (cười) để chi phí không đội lên quá cao. Thực tế nếu tính theo giá thị trường thì phần chi phí của Ngô Vương Quyền sẽ còn nhiều hơn như vậy.
GIẢ SỬ KHÔNG KÊU GỌI ĐƯỢC TÀI TRỢ CHO ĐỒ ÁN, CÁC BẠN SẼ LÀM THẾ NÀO? LIỆU CÓ PLAN B NÀO CHO TRƯỜNG HỢP NÀY CHƯA?
Đinh Hoàng Long: Đương nhiên nhóm cũng đã chuẩn bị kế hoạch phụ để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra. Đó chính là nhóm sẽ cố gắng bỏ tiền túi và cắt toàn bộ những chi tiết có thể để giảm bớt gánh nặng chi phí. Nhóm đã dự tính tự may đồ, làm phục trang, thiết kế âm thanh,… cho trường hợp không kêu gọi được tài trợ.
SO VỚI NHỮNG SẢN PHẨM LỊCH SỬ ĐÃ ĐƯỢC ĐÔNG ĐẢO KHÁN GIẢ ĐÓN NHẬN TRƯỚC ĐÓ NHƯ TÁC PHẨM VIỆT SỬ KIÊU HÙNG (ĐUỐC MỒI) THÌ PHIM NGẮN NGÔ VƯƠNG QUYỀN ĐÃ CÓ SỰ THAY ĐỔI THẾ NÀO VỀ MẶT KỸ THUẬT, NỘI DUNG?
Vũ Thanh Phương: Sự thay đổi rõ nhất là Ngô Vương Quyền sử dụng diễn viên thật để quay chứ không hoàn toàn sử dụng hình vẽ như Việt Sử Kiêu Hùng lúc trước, điều này giúp khán giả có thể quan sát được cảm xúc và tâm lý của nhân vật hơn. Vì đây là phim “live action”, phần kỹ thuật CGI ít nhất phải làm chỉn chu để tránh gây giật mắt, đem lại cảm giác chân thật khi xem.
Đinh Hoàng Long: Mặt khác, so với Việt Sử Kiêu Hùng chú trọng vào hình vẽ 2D hoặc 2,5D, Ngô Vương Quyền sử dụng hình ảnh hoàn toàn là 3D (trừ phần intro mở đầu) lồng ghép cùng các nhân vật là diễn viên đóng thật để đạt hiệu quả về góc quay nhiều hơn. Team HDR xác định từ đầu phim ngắn Ngô Vương Quyền sẽ được quay với kỹ thuật của phim điện ảnh chiếu rạp, nên mọi vấn đề về kỹ thuật đều được tính toán kỹ, thậm chí sử dụng cả previz (bản 3D xem trước) để hạn chế tối đa vấn đề rủi ro trên phim trường cũng như hậu kỳ.
ĐỂ HOÀN THIỆN BÀI ĐỒ ÁN CẦN PHẢI TRẢI QUA NHIỀU KHÂU KHÁC NHAU. VẬY CÁC BẠN ĐÃ PHÂN CHIA CÔNG VIỆC NHƯ THẾ NÀO ĐỂ CẢ NHÓM ĐỀU PHÁT HUY ĐƯỢC TỐI ĐA KHẢ NĂNG CỦA MÌNH?
Ngô Hải Vương: Nhóm có 3 thành viên thì mỗi người đều được phân chia những công việc mà mình mạnh nhất để dễ quản lý và tập trung chuyên môn. Chẳng hạn như Phương sẽ đảm nhiệm vai trò đạo diễn, làm 2D Animation; Long làm VFX Supervisor, kiểm soát art và phần kỹ thuật xuyên suốt phim; còn Vương nhận trách nhiệm CGI Supervisor, thực hiện 3D, rendering,… tất cả đều phối hợp ăn ý với nhau để tạo ra tác phẩm hoàn chỉnh.
MỘT TRONG NHỮNG ĐIỂM NHẤN GÂY ĐƯỢC ẤN TƯỢNG MẠNH CỦA NGÔ VƯƠNG QUYỀN CHÍNH LÀ PHẦN NHẠC NỀN. ĐƯỢC BIẾT, PHẦN ÂM THANH HẬU KỲ NHÓM ĐÃ THỰC HIỆN CÙNG CÁC NGHỆ SĨ QUỐC TẾ TẠI AURAE STUDIO (PHÁP). NHÓM CÓ THỂ CHIA SẺ LÝ DO VÌ SAO LẠI QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ MẠNH TAY VÀO PHẦN ÂM THANH CỦA PHIM ĐẾN NHƯ VẬY?
Đinh Hoàng Long: Khi xác định sẽ thực hiện phim ngắn lịch sử với mức độ chỉn chu và chất lượng cao nhất nên nhóm đã đầu tư kỹ càng hơn vào phần âm thanh để thông điệp xuyên suốt mạch phim trở nên ấn tượng hơn.
Ngoài ra, do sản phẩm được chiếu ngoài rạp, nên âm thanh cũng cần phải cân bằng giữa lời thoại, nhạc nền, hiệu ứng như tiếng đánh cờ, thuyền khói, phép thuật,… tất cả những điều này thì nhóm không thể nào có thể tự thiết kế được. Vì vậy nhóm quyết định đầu tư mạnh vào mặt âm thanh. Và đến hiện tại đây vẫn là một trong những quyết định đúng đắn nhất của nhóm.
NHÓM ĐÃ GẶP NHỮNG THUẬN LỢI GÌ KHI LỰA CHỌN ĐỀ TÀI NÀY?
Đinh Hoàng Long: Thuận lợi của nhóm khi thực hiện Ngô Vương Quyền chính là nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của rất nhiều thầy cô, bạn bè và các nhà tài trợ. Nội bộ nhóm cũng làm việc ăn ý, hình thành được một workflow làm việc trơn tru giữa các khâu với nhau.
Đặc biệt, thuận lợi nhất khi làm đồ án chính là nhóm đã giải quyết được những vấn đề về kỹ thuật CGI nhanh chóng để đáp ứng được chất lượng phim đã đặt ra từ đầu.
VẬY CÒN KHÓ KHĂN CỦA NHÓM KHI THỰC HIỆN ĐỀ TÀI ĐỒ ÁN NÀY LÀ GÌ? CÁC BẠN ĐÃ VƯỢT QUA KHÓ KHĂN ĐÓ NHƯ THẾ NÀO?
Ngô Hải Vương: Có một khoảng thời gian vì khối lượng công việc quá nhiều nên team dường như không đủ công cụ, thiết bị cũng như nhân sự để giải quyết. Vì vậy team đã tạm hoãn thực hiện đến gần 1 tháng. Cho đến khi team tìm ra được phương pháp để giảm đi khối lượng công việc cũng như kỹ thuật để rút ngắn thời gian thì team mới bắt đầu tiếp tục.
VỚI BÁO CÁO ĐỒ ÁN LẦN NÀY, ĐIỂM NÀO KHIẾN NHÓM TÂM ĐẮC VÀ ĐIỂM NÀO TIẾC NUỐI NHẤT? VÌ SAO?
Đinh Hoàng Long: Điểm tâm đắc nhất chính là team đã cùng nhau hoàn thành được điều mà trước đây chúng mình không nghĩ là có thể thực hiện được, đó chính là làm 100 shots CGI cho Ngô Vương Quyền, hoàn toàn full phông xanh.
Còn về tiếc nuối nhất là phần Lighting/LookDeV vẫn chưa hoàn toàn xuất sắc như ý nhóm mong muốn. Nếu có nhiều nhân sự hơn 3 người, chắc chắn nhóm sẽ hoàn thành tốt hơn.
SO VỚI CÁC ĐỒ ÁN CUỐI KỲ TRƯỚC, ĐỒ ÁN TỐT NGHIỆP LẦN NÀY MANG Ý NGHĨA NHƯ THẾ NÀO ĐỐI VỚI CÁC BẠN?
Đinh Hoàng Long: Đồ án này là bước ngoặt. Trước đây nhóm chưa từng thực hiện toàn bộ các khâu trong một quy trình sản xuất VFX. Nhưng khi làm đồ án này nhóm thực sự phải làm và dấn thân vào mọi công đoạn. Điều này giúp cho nhóm có thêm nhiều kiến thức trong quá trình làm việc trong tương lai.
Ngô Hải Vương: Trước đây mình chưa hề làm một dự án phim full CGI như Ngô Vương Quyền. Từ khi phim chỉ có ở kịch bản trên giấy bút cho đến khi phim hoàn thiện, mọi giai đoạn mình đều được học hỏi rất nhiều điều, về kỹ thuật lẫn cách làm ra một bộ phim hoàn chỉnh.
CÁC BẠN CÓ THỂ ĐƯỢC XEM LÀ THẾ HỆ MỚI CỦA NGÀNH VFX TẠI VIỆT NAM, VẬY SO VỚI NHỮNG ANH CHỊ ĐI TRƯỚC, CÁC BẠN CÓ CẢM NHẬN ĐƯỢC SỰ KHÁC BIỆT GIỮA MÌNH VÀ HỌ LÀ GÌ KHÔNG?
Vũ Thanh Phương: Hiện nay VFX đã được nhiều người biết đến hơn, bắt đầu những nơi đào tạo chuyên sâu như MAAC ra đời, tích hợp nhiều giáo trình bài bản, điều này khiến cho thế hệ Z tiếp cận dễ hơn. Ngoài ra còn có rất nhiều Artist đi trước giúp người sau lĩnh hội được nhiều kiến thức giá trị.
Tất cả những điều này có thể tạo ra cho người trẻ đam mê VFX tôi luyện được mindset hiện đại, sáng tạo, góp phần giúp ngành công nghiệp hậu kỳ Việt Nam vươn tầm thế giới (cười).
ĐƯỢC BIẾT, BÊN CẠNH VIỆC HỌC TẬP TẠI MAAC, CÁC BẠN CÒN CÔNG VIỆC RIÊNG BÊN NGOÀI. VẬY NHÓM ĐÃ QUẢN LÝ THỜI GIAN NHƯ THẾ NÀO CÓ THỂ HOÀN THÀNH ĐỒ ÁN CHỈN CHU, ĐÚNG THỜI HẠN?
Vũ Thanh Phương: Cả 3 người trong team đều đã đi làm tại các Studio. Vì vậy team cũng chỉ có thể hẹn nhau vào những buổi tối và cuối tuần để làm đồ án. Xuyên suốt 5, 6 tháng thực hiện đồ án, team chỉ hẹn nhau làm việc vào buổi tối cho đến khuya và những ngày cuối tuần.
Bên cạnh đó, khi có người hoàn thành xong khâu của mình sẽ tiếp tục nhảy qua khâu khác support những người còn lại để đảm bảo tiến độ dự án.
VỚI NHỮNG KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG RÈN DŨA TRONG QUÁ TRÌNH HỌC, ĐỒNG THỜI CŨNG LÀ NHỮNG NGƯỜI TRỰC TIẾP THAM GIA VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP HẬU KỲ NGAY TỪ NHỮNG NGÀY CHỈ MỚI BẮT ĐẦU BƯỚC SANG HK2 CỦA CÁC KHÓA HỌC. CÁC BẠN CHIA SẺ THÊM GÓC NHÌN CỦA MÌNH VỀ VIỆC VỪA HỌC VỪA LÀM ĐỐI VỚI NGÀNH HẬU KỲ?
Đinh Hoàng Long: Vừa học vừa làm đối với ngành hậu kỳ là một điều tuyệt vời mà không phải Artist nào cũng có cơ hội thực hiện được. Những kiến thức mình học ở trường sẽ có dịp được thực hành ngay trên dự án thực chiến tại studio. Ngược lại, những kỹ năng và kiến thức chuyên môn mình gặt hái được trong quá trình làm việc tại studio sẽ bổ sung cho kiến thức chuyên môn mình học tại trường. Đó là hai quá trình song song, bổ sung lẫn nhau và giúp cho các Artist bước đi nhanh hơn trên con đường phát triển nghề nghiệp ở mảng hậu kỳ.
VỀ THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM, CÁC PHIM CHIẾU RẠP HIỆN NAY CŨNG ĐÃ CÓ SỰ GÓP SỨC CỦA KỸ XẢO VÀ 3D KHÁ NHIỀU SO VỚI THỜI ĐIỂM KHOẢNG 5-10 NĂM VỀ TRƯỚC. TUY NHIÊN, VỀ MỘT PHIM HOẠT HÌNH CHIẾU RẠP HOÀN CHỈNH THÌ VẪN CHƯA CÓ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN TRÊN ĐẤT NHÀ. CÁC BẠN NGHĨ SAO VỀ TRƯỜNG HỢP NÀY?
Đinh Hoàng Long: Chúng ta sẽ xét 3 vấn đề:
Nếu 3 vấn đề trên được xem xét một cách nghiêm túc và có sự thay đổi trong tương lai theo chiều hướng tích cực, chúng mình tin là một bộ phim hoạt hình điện ảnh Việt Nam được chiếu trên màn ảnh rộng hoàn toàn có thể xảy ra.
CUỐI CÙNG, HÃY CHIA SẺ ĐÔI CHÚT VỀ NHỮNG DỰ ĐỊNH CỦA MÌNH TRONG TƯƠNG LAI NHÉ!
Vũ Thanh Phương: Mình đã ấp ủ cho riêng bản thân những ý tưởng thú vị. Trong tương lai mình sẽ cố gắng hết sức để có thể làm nên một bộ phim ngắn cho riêng bản thân.
Đinh Hoàng Long: Sau khi hoàn thành khóa học tại MAAC, mỗi thành viên sẽ có một hướng đi khác nhau. Tuy nói là khác nhau vì cả 3 thành viên đều có những mảng chuyên môn riêng biệt, nhưng vẫn có thể cùng nhau thực hiện những dự án tiếp theo trong tương lai chứ không chỉ dừng lại ở đồ án tốt nghiệp.
Về mục tiêu riêng, sắp tới mình có 2 dự định mà mình đã ấp ủ bấy lâu nay. Đầu tiên là mình sẽ cố gắng hơn để có thể phát triển bản thân, trở thành một VFX Supervisor. Song song đó, mình mong muốn rằng đến năm 28 tuổi, bản thân sẽ có thể làm được một bộ phim điện ảnh cho riêng mình. Không biết dòng đời “đưa đẩy” như thế nào, nhưng mình sẽ cố gắng hết mình để thực hiện những mục tiêu của bản thân.
Ngô Hải Vương: Mục tiêu của mình là có thể chinh phục được vị trí Technical Director trong tương lai và mình vẫn đang từng bước nỗ lực để có thể chạm tay được đến vị trí này.
Cám ơn nhóm về buổi chia sẻ ngày hôm nay. Chúc các bạn luôn gặt hái được nhiều thành công trong những dự án sắp tới và luôn tràn trề nhiệt huyết trên con đường chinh phục giấc mơ hậu kỳ.
HỌC VIỆN KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH & HOẠT HÌNH MAAC
Chi nhánh Công ty cổ phần đào tạo ứng dụng Aprotrain (TP Hà Nội)
212 – 214 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP HCM