HỌC VIỆN KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH & HOẠT HÌNH MAAC
Nếu mang tuổi tác ra để đánh giá sự thành công, hay một mực khẳng định có những nghề nghiệp không dành cho nữ giới thì quả là không công bằng cho các “bóng hồng” đang nỗ lực hết mình để theo đuổi đam mê với ngành làm Game.
Đó là điều mà Đậu Thị Tường Vy – Học viên chuyên ngành Game Art & Design tại học viện MAAC nhấn mạnh xuyên suốt cuộc trò chuyện. Tìm đến Vy vì muốn hiểu thêm câu chuyện của phái nữ khi học làm Game, cô bạn cho chúng tôi biết nhiều hơn về những quyết định lớn, về những khoảnh khắc trở mình đón nhận thử thách mới, để dẫu có hơi muộn vẫn phải một lần sống vì hoài bão của mình.
Đam mê là một phạm trù rộng lớn, vì không phải ai cũng tìm thấy đam mê ngay từ đầu. Có những người tìm được ngành mình mong muốn theo đuổi thì đã phải mất rất nhiều thời gian. Còn Vy thì sao, hành trình đến với ngành Game Art & Design của bạn diễn ra như thế nào?
Đó là một hành trình khá dài. Trước đây, mình lựa chọn thi vào Kiểm toán – một ngành thuộc khối Kinh tế. Sau khi tốt nghiệp đại học, mình lại làm việc trong mảng dịch vụ F&B. Cho tới lúc Covid-19 bất ngờ ập đến, khoảng thời gian lockdown mới khiến mình có thời gian để thực sự nghiêm túc nhìn nhận lại mọi thứ. Mình tự hỏi bản thân mong muốn điều gì nhất sau khi dịch bệnh kết thúc? Tiếp tục công việc quen thuộc này, hay thử một lần tập trung vào sở thích, biến nó thành động lực phát triển cho tương lai. Vậy là sau rất nhiều thời gian cân nhắc và tìm hiểu, mình quyết định phải đến MAAC học làm Game.
Tại sao lại “phải đến MAAC học làm Game”, giữa muôn vàn lựa chọn hấp dẫn khác?
Có ba lý do khiến mình đi đến quyết định này:
Thứ nhất, bản thân mình vốn có niềm yêu thích đặc biệt với các lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo như vẽ, thiết kế đồ họa, 3D… Mỗi thứ mình đều biết một chút nhưng lại không kiên trì để học hỏi chuyên sâu. Nhưng Game Art & Design thì khác, “địa hạt” mới mẻ này khiến mình thực sự có hứng thú và quyết tâm chinh phục nó.
Thứ hai, ngành công nghiệp CG nói chung và Game nói riêng đang không ngừng phát triển. Hãy nhìn vào cách nó vận hành giữa Covid-19 để thấy rằng, kể cả khi dịch bệnh có khiến vô số ngành nghề bất động, thì đội ngũ Artist trong các Studio vẫn không ngừng làm việc và sáng tạo. Nhu cầu về nhân sự có tay nghề cao chính là cơ hội, dĩ nhiên cơ hội nào cũng đi kèm với rủi ro nhưng chẳng phải rất đáng để thử hay sao?
Thứ ba, sau khi tìm hiểu mình nhận ra rằng, chính vì ngành nghề này còn quá mới mẻ tại Việt Nam nên gần như các trường công lập chưa có chương trình đào tạo hoàn chỉnh. Vì vậy, mình quyết định gia nhập học viện MAAC – Nơi có thể chỉ ra con đường giúp mình trở thành một Game Artist chuyên nghiệp.
Bạn có suy nghĩ như thế nào khi quyết định theo đuổi ngành Game ở một độ tuổi không còn quá sớm nữa?
Năm nay mình đã 27 tuổi, cái tuổi mà bạn bè cùng trang lứa đã có nhiều thành tựu nhất định thì mình lại quyết định bắt đầu lại. Hỏi mình có đáng không? Đáng lắm chứ! Thật ra đối với mình, tuổi tác không phải yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một con người đâu. Chuyện gì lúc đầu mà chẳng gặp khó khăn, quan trọng là bạn có dám làm hay không. Khi bạn tìm thấy được thứ muốn theo đuổi, nghĩa là bạn đã có thêm nhiều động lực để đi nhanh hơn rồi.
Sau hai năm tìm hiểu và học tập, bạn cảm thấy mình ở hiện tại so với hai năm trước khác nhau như thế nào?
Sự khác biệt lớn nhất mình nhận thấy ở bản thân là trong cách suy nghĩ và học tập.
Bạn biết không, được làm thứ mình thích và phải gánh vác cho quyết định đó sẽ khiến chúng ta trở nên rất trách nhiệm. (cười)
Trước đây khi còn học đại học, mỗi lần gặp phải trở ngại mình dễ bỏ cuộc lắm. Trong đầu mình lúc nào cũng cho phép “mặc kệ để đó, cái gì khó quá bỏ qua, kết quả ra sao cũng được.” Nhưng bây giờ thì khác, mình biết bản thân thích gì để học cách đối diện với khó khăn và vượt qua nó thay vì chọn buông xuôi.
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng 3D, VFX là các ngành liên quan nhiều đến máy móc và thiết bị, phần nào đó hơi thiên về nam giới chứ không phù hợp với nữ giới. Bạn nghĩ sao về quan điểm này?
Mình không đồng ý với quan điểm này. Xã hội hiện đại, phụ nữ bây giờ rất giỏi, đâu phải lúc nào họ cũng chân yếu tay mềm, chỉ hợp để thêu thùa, may vá, nấu ăn. Có những người tìm thấy mình trong những công việc sáng tạo, họ mạnh mẽ, thích xông pha và vô cùng năng động. Cho nên mình nghĩ, chỉ có công việc phù hợp với những con người có tính cách như thế nào chứ không phải dành riêng cho giới này hay giới kia.
Vậy thì lý do vì sao nhân sự nữ trong lĩnh vực hậu kỳ tại Việt Nam lại ít hơn so với nam giới?
Mình thấy không phải chỉ ngành này mà có rất nhiều ngành khác đa phần nam giới sẽ chiếm số lượng áp đảo hơn. Có vô vàn lý do khách quan và chủ quan về sự thiếu hụt nhân sự nữ trong lĩnh vực hậu kỳ tại Việt Nam. Bản thân mình thì cho rằng các bạn nữ đến tầm tuổi mình thường sẽ có nhiều sự lựa chọn khác, ví dụ như lập gia đình, xây dựng tổ ấm. Nghe thấy chữ hậu kỳ là thấy “cực” rồi, tâm lý e ngại cũng từ đó mà ra. Tuy nhiên, đồng ý là số lượng nhân sự nữ làm việc trong ngành Game Design không nhiều, nhưng họ đều rất giỏi và tâm huyết với nghề.
Bạn ủng hộ phái nữ theo đuổi lĩnh vực làm Game?
Tại sao không?
Ai làm cũng được hết, bạn có đam mê gì hãy cứ mạnh dạn mà thử, thử để biết bản thân có thực sự thích nó hay không, có thể đều đặn mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm dành ra tám đến mười tiếng cho nó hay không. Nếu cảm thấy hợp thì tiến sâu hơn, còn không cũng chẳng sao cả, vì vẫn còn rất nhiều ngành nghề lân cận chờ bạn. Chỉ ngồi suy nghĩ và tìm tòi thì chưa ra được vấn đề đâu, mình phải thực sự bắt tay vào làm mới nhanh chóng trả lời được câu hỏi: Mình là ai? Mình muốn gì? Mình của sau này có tốt hơn bây giờ?
Như mình có nói ở trên, tuổi tác không quyết định thành công hay thất bại của chúng ta, ngành này không giới hạn độ tuổi, và có rất nhiều anh chị bắt đầu muộn hơn mình, cho nên tại sao chúng ta phải sợ hãi, đúng không?
Trong quá trình học tập ngành Game Art & Design tại MAAC, đâu là khó khăn lớn nhất của bạn?
Chắc là sự cách biệt về tuổi tác của mình với các bạn cùng lớp. Mình học chung với toàn các bạn 2k, họ trẻ trung, nhiều năng lượng, thích tìm tòi và rất giỏi. Mình suy nghĩ liệu bản thân mình có đủ sức cạnh tranh với các bạn ấy hay không. Đó vừa là khó khăn nhưng cũng vừa là động lực thôi thúc mình cố gắng. Mình biết bản thân có thế mạnh gì, có những kỹ năng mềm nào và kinh nghiệm ra sao… Ồ mình cũng có lợi thế đó chứ.
Cụ thể thì đó là những lợi thế gì?
Mình đã có bốn năm làm việc trong mảng dịch vụ F&B, điều đó giúp mình biết cách xử lý tình huống, giao tiếp với đồng nghiệp và khách hàng. Mình có kỹ năng kết nối khi làm việc nhóm và độc lập khi làm việc cá nhân. Mình tự tin giao tiếp với mọi người để mở rộng mối quan hệ và biết ứng xử như thế nào là đúng nhất. Đừng nghĩ làm Game thì chỉ cần xoay quanh con chuột với màn hình máy tính, vì những kỹ năng mềm cũng rất quan trọng đấy.
Dường như bạn rất trung thành với triết lý của mình: “Trường là nhà, và nhà là nơi để ghé thăm”, lúc nào cũng thấy bạn có mặt ở trường, không học thì sẽ làm việc hoặc cắt dán trang trí cho trường.
Vui lắm nha, chính nhờ như vậy mà mình mới có cơ hội nói chuyện và trao đổi với các bạn học viên khác. Lớp mình giống như một gia đình nhỏ xíu vậy, hằng ngày mọi người cùng lên trường học, rồi chiều chiều mình lại nấu cơm cho các bạn ăn. Đoàn kết tới độ sự kiện nào mà trường tổ chức thì lớp mình cũng có mặt với số lượng đăng ký áp đảo.
Với Vy, thiết kế Game có phải là một nghề an toàn hay không? Nếu có thì đâu là điều an toàn, ngược lại, nếu không thì rủi ro của ngành này là gì?
Ngành nào cũng có sự an toàn và rủi ro nhất định. Đối với mình, thiết kế Game hiện tại là một ngành tương đối an toàn, mà sự an toàn ở đây là tạo ra được môi trường tốt để chúng ta cống hiến và phát triển. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự thực thụ của ngành này tại Việt Nam rất lớn, chúng ta có thể tự hào vì người Việt đã, đang và sẽ góp mặt trong rất nhiều dự án không chỉ về làm game, mà còn làm phim hoạt hình, phim điện ảnh danh tiếng.
Về phần rủi ro, mình nghĩ nó nằm ở chính bản thân chúng ta. Đối với một ngành có tốc độ phát triển và cập nhật công nghệ liên tục, nếu bạn không chịu nâng cấp bản thân thì rất dễ tụt lại phía sau. Vì vậy, chúng ta cần phải luôn học hỏi, không chỉ học kiến thức phục vụ cho công việc mà còn phải học thêm các kỹ năng mềm, như vậy mới tồn tại lâu trong ngành này được.
Dự định trong tương lai gần của bạn là gì?
Mình đang bước vào giai đoạn làm đồ án kỳ hai. Mình muốn tập trung và thực hiện nó thật tốt để sẵn sàng chào đón kỳ ba và kỳ bốn – hai học kỳ mà mình mong đợi nhất vì có thể tiến sâu hơn vào chuyên ngành 3D. Bên cạnh đó, mình cũng đang tham gia những khóa học nâng cao, nhằm xây dựng Portfolio với sản phẩm tốt hơn để cuối năm nay hoặc đầu năm sau ứng tuyển vào vị trí Trainee vào đợt tuyển dụng của các Studio.
Bạn có kỳ vọng về tương lai sắp tới của mình không?
Có chứ, mình cũng kỳ vọng rất nhiều thứ. Tại những chuyến tham quan các Studio trong ngành do nhà trường tổ chức, mình được tiếp xúc và thấu hiểu nhiều hơn về cuộc sống của những người làm về mảng 3D. Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng ngành này dành cho những con người hướng nội, ù lì, chỉ biết làm việc với máy tính nhưng thật ra không hề đúng. Ngoại trừ thời gian làm việc thì họ rất năng nổ trong các hoạt động tương tác, điều đó phần nào tạo cảm hứng và kích thích sự sáng tạo. Mình rất mong chờ có thể đi làm sớm, hòa vào môi trường mới, gặp gỡ các anh chị để học hỏi thật nhiều kinh nghiệm. Hy vọng mình sẽ có được một vị trí trong ngành này, đó là điều mình hướng tới.
Cảm ơn Vy về buổi trò chuyện, chúng tôi tin rằng có rất nhiều người sẽ tìm thấy cảm hứng qua câu chuyện của bạn. Mong bạn sẽ luôn kiên trì với đam mê và sớm ra mắt những sản phẩm tuyệt vời.
Phỏng vấn: Hòa Diệp
Bài viết: Giang Hoàng
Photo: TMT
Video: Nguyên Phúc
HỌC VIỆN KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH & HOẠT HÌNH MAAC
Chi nhánh Công ty cổ phần đào tạo ứng dụng Aprotrain (TP Hà Nội)
212 – 214 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP HCM