HỌC VIỆN KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH & HOẠT HÌNH MAAC
Lấy vấp ngã làm bàn đạp để hoàn thiện bản thân, trên hành trình hơn một thập kỷ theo đuổi đam mê làm phim, Biên kịch/Đạo diễn Trần Nam Duy đã từng bước trở thành một nhà làm phim giỏi và là một người thầy trao gửi kiến thức làm phim đến với thế hệ tiếp nối.
Phụ trách giảng dạy môn Basics of Filmmaking (Khái niệm cơ bản về làm phim) và Pre-Production (Giai đoạn tiền sản xuất) tại Học viện MAAC, anh Trần Nam Duy là một trong những giảng viên được MAACster vô cùng yêu thích vì những bài giảng đầy thực tế được tích lũy sau hơn 10 năm miệt mài hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.
Trong số MAAC’s Trainer Sharing lần này, chúng tôi mời các bạn cùng gặp gỡ và giao lưu với anh Trần Nam Duy – một đàn anh có nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh. Rất có thể, những chia sẻ đầy tâm huyết của anh Nam Duy sẽ là hành trang để các bạn nuôi dưỡng và chinh phục giấc mơ trở thành nhà làm phim thực thụ.
Xin chào anh Nam Duy, rất hân hạnh khi được gặp gỡ và trò chuyện cùng anh trong chuyên mục MAAC’s Trainer Sharing lần này. Đầu tiên, anh hãy gửi một lời chào và giới thiệu đôi nét về bản thân đến quý vị khán giả nhé!
Xin chào tất cả các bạn. Bình thường đứng lớp thì anh nói khá thoải mái, nhưng ở buổi chia sẻ này tự nhiên thấy hơi run (cười).
Anh là Trần Nam Duy, anh không dám tự nhận bản thân làm nghề quá lâu, nhưng cũng tự tin bản thân đủ thâm niên trong nghề để có thể chia sẻ với các bạn tất cả những kiến thức trong ngành làm phim cơ bản mà các bạn đang theo đuổi.
Anh đã gắn bó hơn 10 năm với nghề từ những vị trí nhỏ nhất trong đoàn làm phim như phục vụ hiện trường, cho đến những vị trí cao hơn là đạo diễn, thư ký đạo diễn, biên kịch và thậm chí là sản xuất.
Vì sao anh lại lựa chọn lĩnh vực điện ảnh để làm việc mà không phải bất kỳ ngành nghề nào khác?
Đúng với câu là “nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề”. Từ thời thơ ấu, anh đã có yêu thích và xác định bản thân sẽ làm những gì liên quan đến phim ảnh, truyền thông.
Lúc nhỏ hay xem phim trên tivi cùng bà nội, anh thường chỉ tay vào màn hình và nói với bà là lớn lên mình sẽ làm công việc này. Tuy nhiên, trẻ con 6-7 tuổi thì làm sao định hình được thứ mình yêu thích là diễn viên, đạo diễn, biên kịch hay quay phim,… anh chỉ biết ở thời điểm đó, đam mê làm phim của anh đã được hình thành. Dần dần, đam mê làm phim đã đi theo anh trong suốt hành trình trưởng thành, đồng hành cùng anh cho đến tận ngày hôm nay.
Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực làm phim, anh đã trải qua những vai trò nào? Và nếu được tự nhận xét bản thân, anh đánh giá rằng mình làm tốt nhất ở vai trò nào?
Thành thật mà nói, trước đây anh cũng đã thử sức với vai trò diễn viên. Anh học ngành diễn xuất khi vừa mới bước chân vào nghề, sau khi đi học một thời gian, anh mới nhận thấy đây không phải là vị trí lâu dài và mình có thể gắn bó suốt đời. Bản thân anh thích đứng ở sau ống kính, thích kiểm soát mọi thứ để làm nên một thước phim chỉn chu.
Sau đó, anh tìm hiểu và trải nghiệm qua nhiều vị trí khác nhau. Dần dần, anh nhận định bản thân mạnh nhất ở phần Sáng tạo, từ đó anh theo đuổi con đường Biên kịch và Đạo diễn chuyên nghiệp.
Có cột mốc nào đối với anh là đáng nhớ nhất trong hành trình sự nghiệp của mình không? Anh hãy chia sẻ cho mọi người biết đến nhé!
Cột mốc đáng nhớ nhất chắc là những lần anh thất bại. Lần thất bại lớn nhất cách đây cũng khá lâu, vào khoảng 7 năm trước. Lúc đó anh có bắt tay vào làm một bộ phim, nếu phim của anh được hình thành và công chiếu tại rạp, anh sẽ trở thành một trong những Đạo diễn trẻ tuổi nhất ở Việt Nam.
Tại thời điểm đó, do sự háo thắng, bồng bột và do cái tôi cá nhân quá lớn, nên anh đã có cách cư xử rất độc tài với ekip làm phim cũng như với chính bản thân mình. Điều này đã tạo ra một sự thất bại rất lớn cho con đường làm nghề của anh. Và chính nó cũng để lại cho anh một bài học vô cùng giá trị. Sau lần vấp ngã này, anh mới thật sự thức tỉnh. Anh dần sống chậm lại và nhìn nhận lại tư cách làm nghề của mình, cố gắng hoàn thiện bản thân sao cho chuẩn chỉnh hơn.
Đúng thật “thất bại là mẹ thành công”. Ở giai đoạn đó, nếu như bản thân anh thành công, anh nghĩ sự háo thắng và tính độc tài của mình sẽ còn tiếp tục dâng cao hơn nữa. Nhờ sự thất bại mà anh biết tiết chế hơn và đi được đến ngày hôm nay.
Về những khó khăn, liệu anh đã bao giờ cảm thấy khó khăn đến mức bỏ cuộc hay chưa? Nếu có thì điều gì đã vực dậy được anh, để cho chúng ta có được Biên kịch/Đạo diễn Trần Nam Duy như ngày hôm nay?
Nếu nói về việc bỏ nghề, chắc không dưới 10 lần anh muốn bỏ nghề (cười). Mỗi lần anh cảm thấy bản thân chán nản, anh sẽ tự tạo động lực bằng cách tìm lại sản phẩm cũ, những kỷ niệm cũ. Mỗi lần xem lại hành trình đã đi qua với đam mê làm phim, anh cảm thấy vô cùng phấn khởi, đây chính là động lực để anh tiếp tục cố gắng làm nghề.
Đặc biệt hơn, mỗi lần anh muốn bỏ nghề là “xô chậu” (show) tự động tìm tới cửa. Vì vậy mà anh rất nhanh chóng “dẹp qua một bên” suy nghĩ bỏ nghề và tiếp tục con đường của bản thân.
Trải qua ngần ấy năm, có điều gì trong ngành làm phim khiến cho anh tâm đắc nhất không?
Ngoài việc bản thân thực hiện được đam mê ngay từ khi còn bé, điều tâm đắc của anh còn là khi bản thân làm cho gia đình an tâm, hài lòng và tự hào.
Mỗi khi gia đình xem sản phẩm anh làm ra, họ không chỉ thích thú, vui mừng mà còn mang đi khoe với hàng xóm, họ hàng. Đó là điều anh cảm thấy rất trân quý, hạnh phúc và cũng là động lực để anh ngày càng tạo ra những sản phẩm chỉn chu, chất lượng hơn.
Cơ duyên nào khiến anh Nam Duy trở thành giảng viên ở MAAC?
Quay lại vấn đề “nghề chọn mình”. Có lẽ cơ duyên anh trở thành thầy giáo chính là khi anh gặp được anh Giáp (Giám đốc Đào tạo MAAC) cũng như anh Việt Anh (Giảng viên MAAC). Họ tạo điều kiện, cơ hội để anh mở mang tầm nhìn và giúp anh đảm nhiệm một vai trò mới mẻ hơn. Trước đây anh không bao giờ nghĩ mình có thể đứng để giảng dạy cho các bạn. Làm phim thì anh rất tự tin, nhưng anh không nghĩ mình tự tin để dạy làm phim.
Thời gian đầu khi giảng dạy ở MAAC, bản thân anh cảm thấy rất lo sợ. Nhưng dần dần, chính sự say mê khi học tập của các bạn học viên là ngọn lửa để anh có thể tự tin hơn mỗi ngày khi đứng trên giảng đường.
Được biết, anh Nam Duy phụ trách giảng dạy các môn làm phim ở học kỳ 1 ngành VFX & 3D Animation, học viên hầu hết là những bạn trẻ mới chập chững bước chân vào ngành. Liệu anh có gặp thuận lợi hay khó khăn gì khi đào tạo các bạn trẻ hoàn toàn mới không?
Anh cảm thấy thuận lợi nhiều. Đào tạo học viên hoàn toàn mới cho phép anh dễ dàng đặt ra những tiêu chuẩn nhất định để có thể chia sẻ và truyền đạt cho các bạn. Đồng thời, cũng có những học viên đã làm nghề ở ngoài rồi, các bạn vào đây để chỉnh đốn và nâng cao kiến thức một cách bài bản hơn, vì vậy mà giáo trình anh soạn cũng cần phải phù hợp hơn với mỗi người.
Còn nói về khó khăn, bản thân anh cảm thấy không có nhiều khó khăn khi đi dạy. Cơ bản thì làm phim là đam mê của anh, là công việc mà anh cảm thấy yêu thích. Do đó, mỗi ngày lên lớp để truyền lửa cho các bạn kiến thức từ đam mê của mình chính là hạnh phúc đối với anh. Niềm hạnh phúc này đã khiến cho những khó khăn trở nên mờ nhạt.
Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp anh Nam Duy “lăn xả” khi thị phạm cho học viên trong giờ học hoặc mỗi lần các bạn thực hiện đồ án. Đó cũng chính là lý do vì sao mà khi nhắc đến anh, các bạn thường đề cập đến hai từ “có tâm”. Anh có cảm nghĩ như thế nào khi được học trò mến mộ?
Nếu nói về sự “có tâm” thì anh nhìn nhận vấn đề một cách khá đơn giản. Nếu mình cho đi cái gì, mình sẽ nhận lại được cái đó.
Với học viên, anh dành hết tất cả những tâm huyết của mình từ những tiểu tiết nhỏ nhất cho đến tổng thể lớn nhất. Bao nhiêu kiến thức từ ruột gan của mình anh cũng dành cho tụi nhỏ. Anh nghĩ các bạn nhận được sự tâm huyết này cũng phần nào được tiếp thêm động lực, cố gắng hết sức để chinh phục giấc mơ mà các bạn đang theo đuổi.
Bên cạnh kỹ năng chuyên ngành, còn điều gì mà anh muồn chia sẻ cho học trò của mình không?
Ngoài kiến thức nền tảng mà anh đã truyền đạt cho các bạn, anh vẫn luôn nói với học trò rằng, tất cả những sản phẩm mà các bạn sẽ làm ra trong tương lai, dù lớn hay nhỏ, dù được phát sóng ở bất kỳ nền tảng nào thì cũng cần phải mang lại những giá trị cho xã hội, cho người xem, hoặc chí ít là bản thân phải cảm thấy tự hào khi làm ra được sản phẩm chất lượng.
Đó chính là quan điểm mà anh muốn truyền đạt đến học trò của mình.
Ngược lại, khi giảng dạy cho học viên, liệu anh cũng học được một số điều hay ho từ các bạn trẻ?
Điều hay ho và cũng là điều mà anh vẫn luôn cảm thấy bất ngờ khi giảng dạy chính là học trò của mình quá sức sáng tạo. Thế hệ trẻ các bạn có sự sáng tạo bất chấp, sáng tạo không giới hạn và sáng tạo một cách táo bạo.
Tuy nhiên anh cũng thường xuyên theo sát các bạn. Sự sáng tạo táo bạo của các bạn là điểm sáng nhưng cần phải được mài giũa, uốn nắn để phù hợp với xã hội hiện tại và với thị hiếu của khán giả.
Với quan điểm của anh, các bạn trẻ hoàn toàn mới cần yếu tố gì để phát triển trong lĩnh vực phim ảnh?
Yếu tố muôn đời mà khi các bạn muốn tham gia vào ngành làm phim chính là cần rèn luyện một tinh thần học hỏi không ngừng. Kiến thức luôn bao la, các bạn cần phải trau dồi thêm từ những thế hệ đi trước, đọc và xem thật nhiều về những lĩnh vực liên quan đến ngành nghề đang hoạt động. Có như vậy, các bạn mới nhanh chóng phát triển và bám trụ lâu trong ngành điện ảnh khắc nghiệt này.
Sức sáng tạo vô hạn của các bạn trẻ sẽ có sự tác động mạnh mẽ đến ngành Truyền thông & Giải trí, đó là điều chắc chắn. Chính vì điều đó, các bạn cần phải liên tục trau dồi nền tảng thật tốt, nền điện ảnh Việt Nam trong tương lai đều sẽ phụ thuộc vào thế hệ trẻ các bạn.
Một câu hỏi rất quen thuộc nhưng sẽ không có đáp án đúng sai. Theo anh Nam Duy, trong ngành phim ảnh này, các bạn trẻ có cần phải đi học bài bản hay chỉ cần tự mày mò tại nhà là được?
Với cá nhân anh, học là điều muôn đời. Bản thân anh vẫn luôn học hỏi và tiếp cận những cái mới liên tục mỗi ngày.
Anh nghĩ rằng, các bạn hoàn toàn có thể tự học, nhưng việc tự học cần phải được chọn lọc kỹ lưỡng và cần có người theo sát. Ở thời điểm hiện tại, thông tin vô cùng đại trà trên nền tảng Internet, chỉ sợ một điều nguy hiểm là các bạn đang học sai nhưng vẫn cứ nghĩ đúng. Lâu dần, cái sai tiếp nối cái sai sẽ dẫn đến hệ lụy vô cùng kinh khủng cho chính các bạn cũng như cho nền nghệ thuật trong tương lai.
Do đó, các bạn có thể tự học, nhưng cần phải có lộ trình đúng đắn và người dẫn dắt nhiều kinh nghiệm. Còn không, các bạn cần phải theo học một chương trình đào tạo bài bản để nắm vững kiến thức trước khi làm nghề chuyên nghiệp.
Một chút dự đoán về tương lai nhé, theo anh, ngành phim ảnh và kỹ xảo tại Việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian tới?
Thật ra VFX rất cần thiết trong ngành điện ảnh ở hiện tại và tương lai. Chúng ta sẽ rất dễ dàng nhìn thấy kỹ xảo điện ảnh xuất hiện trong cả những tựa phim điện ảnh có mức đầu tư lớn cho đến những dự án nhỏ. Nhu cầu của người xem ngày càng cao, thị giác của họ ngày càng nâng cấp, đó là lý do cần phải có sự đóng góp của VFX để tạo ra những sản phẩm mãn nhãn, đáp ứng mãn nhãn nhu cầu giải trí của khán giả.
Về định hướng cá nhân, anh đã có mục tiêu nào trong thời gian tới chưa? Hãy hé lộ chút nhé ạ.
Bật mí nhẹ nhàng cho mọi người biết, anh đang ấp ủ một dự án phim chiếu rạp trong thời gian sắp tới. Hy vọng, dự án của anh sẽ có những lứa học trò ở MAAC tham gia ở vị trí sản xuất VFX hoặc một số vai trò khác.
Là một người thầy cũng như là một đàn anh trong ngành, anh có muốn gửi gắm thông điệp gì đến với các bạn trẻ không?
Gửi gắm thông điệp thì anh không dám nói điều gì quá to tát, anh chỉ rút ra từ những trải nghiệm cá nhân mình.
Các bạn cần hiểu rằng, đam mê không phải một món trang sức đeo lên người, cảm thấy đẹp thì khoe với người này người kia, thấy không đẹp thì sẽ tháo ra gỡ bỏ. Đam mê phải là xương máu, là hơi thở, là tất cả những gì tồn tại song song với cuộc sống của mình. Nếu đã xác định đam mê, hãy nỗ lực và quyết tâm để theo đuổi đến cùng, chắc chắn một ngày các bạn sẽ gặt hái thành công.
Cảm ơn anh Nam Duy vì những chia sẻ chân thành. Chúc anh Duy có nhiều sức khỏe, luôn hừng hực lửa nghề để ngày càng đạt được nhiều thành công trong công việc và cuộc sống. Cũng như, chúc cho dự án phim ảnh của anh Nam Duy sẽ thắng lợi vang dội, trở thành tâm điểm phòng vé trong thời gian tới!
Phỏng vấn: Trình Thủy
Bài viết: Lê Hòa
Thiết kế: olianji
Video: Nguyên Phúc
HỌC VIỆN KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH & HOẠT HÌNH MAAC
Chi nhánh Công ty cổ phần đào tạo ứng dụng Aprotrain (TP Hà Nội)
212 – 214 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP HCM