HỌC VIỆN KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH & HOẠT HÌNH MAAC
Ở số MAAC Trainer’s Sharing đầu tiên, mời bạn cùng Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC gặp gỡ thầy Nguyễn Phương Tâm để lắng nghe những câu chuyện thú vị về hành trình trở thành anh giáo “vạn người mê” nhé!
Nếu lắng nghe hai từ “anh ba” vang lên tại Học viện MAAC thì đó chính là cách mà các MAACster gọi thầy Nguyễn Phương Tâm. Không chỉ trong những giờ học căng thẳng, chúng ta còn dễ dàng bắt gặp nhiều khoảnh khắc vui vẻ của thầy Nguyễn Phương Tâm trong những lần tụ họp cùng học viên, có thể là tán gẫu ở quán cà phê gần trường, thậm chí là ca múa hát ở sân thượng.
Vừa là một giảng viên chuyên phụ trách các môn về Thiết kế 2D, thầy Nguyễn Phương Tâm còn là một người anh lớn mang trong mình nguồn năng lượng làm nghề thú vị để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đang theo đuổi ngành Sáng tạo tại Học viện MAAC.
Xin chào anh Tâm. Đầu tiên, anh hãy giới thiệu về bản thân để mọi người cùng biết đến với nhé!
Xin chào mọi người, anh là Nguyễn Phương Tâm, 31 tuổi, hiện đang là Giảng viên tại Học viện MAAC.
Trước đây anh đã từng tham gia vào các công ty về Anime và Game như Hùng Thiên, Athena Studio,… Sau một thời gian thì anh quyết định ngưng làm việc fulltime tại công ty, trở thành Artist làm việc freelance để dành thời gian nhiều hơn cho việc giảng dạy cũng như cuộc sống cá nhân.
Anh Tâm đã hoạt động trong lĩnh vực thiết kế được bao lâu? Anh hãy tóm tắt sơ lược về những cột mốc đáng nhớ của anh khi theo đuổi ngành nghề này nhé!
Anh bắt đầu tham gia vào lĩnh vực Thiết kế – Sáng tạo từ năm 2017. Sau khi xuất ngũ, anh theo học tại một số trường đào tạo chuyên sâu về ngành thiết kế. Trong quá trình học, anh may mắn được thầy dạy 2D hướng dẫn tận tình, giới thiệu vào công ty anime và làm phim hoạt hình. Nhờ vào đó mà anh nhận ra bản thân mình thích thú với 2D, nên anh đã quyết tâm theo đuổi đến hiện nay.
Cột mốc đáng nhớ nhất đối với anh chắc là thời điểm anh mới vừa vào công ty. Dù là người mới nhưng anh đã có cơ hội làm việc qua nhiều dự án hoạt hình lớn, như Attack on Titan, Conan, Doraemon, Boruto,… Điều này đã giúp anh tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trên hành trình chinh phục đam mê của mình.
Đã có bao giờ anh cảm thấy khó khăn đến mức không thể tiếp tục theo đuổi ngành nghệ thuật này nữa hay không? Nếu có thì anh đã vượt qua như thế nào?
Chặng đường theo đuổi 2D Animation của anh thật sự đã gặp rất nhiều khó khăn. Đối với người vừa mới thực hiện xong nghĩa vụ công dân và rẽ hướng sang một lĩnh vực mới như anh thì khắp nơi đều là thử thách. Vì bản thân chưa có nhiều nền tảng kiến thức nên đôi khi có những vấn đề không thể giải quyết được khiến anh rất nản.
Tuy nhiên, anh không phải tuýp người chấp nhận từ bỏ.
Nếu gặp phải một khó khăn nào đó, thay vì trốn tránh thì anh sẽ đối mặt và làm mọi cách để tìm ra phương pháp. Có thể đó là việc anh sẽ nghiên cứu những kiến thức mới từ nhiều nguồn khác nhau, xem có điều gì hay ho mà mình có thể áp dụng để giải quyết vấn đề hay không. Đây cũng là cách mà anh “sống với nghề” cho đến hiện nay và luôn truyền đạt với học trò của mình như vậy.
Ngược lại với khó khăn, hãy chia sẻ về “thời khắc huy hoàng” của anh trên hành trình chinh phục đam mê nhé.
Cũng không có gì huy hoàng hết trơn. Khi làm việc trong các dự án thì hầu hết anh đều làm cùng với team. Các anh em cùng nhau làm ra những sản phẩm tốt nhất, nên anh cũng chỉ cố gắng làm hết sức mình chứ không nghĩ đến những gì gọi là “thời khắc huy hoàng” (cười).
Vì sao anh quyết định gia nhập Học viện MAAC để trở thành giảng viên?
Cơ duyên của mình khi đến với MAAC đơn giản chính là được sự giới thiệu của anh Giáp (Giám đốc đào tạo). Mới đầu anh cũng khá lo lắng vì tính anh cũng hơi nhút nhát vì anh ít khi giao tiếp bên ngoài, sợ bản thân sẽ không phù hợp với việc giảng dạy.
Sau khi được anh Giáp cổ vũ và thúc đẩy tinh thần nên anh đã mạnh dạn thử một lần xem sao. May mắn là anh nhanh chóng làm quen và cảm thấy khá thích thú. Vì vậy mà anh đã rất tập trung vào việc truyền tải kiến thức đến với thế hệ trẻ.
Anh có thể chia sẻ một số thuận lợi và khó khăn của anh khi dạy học ở MAAC không? Hãy đưa ra một số ví dụ cụ thể nhé ạ.
Nói về khó khăn trước nhé. Vấn đề khó khăn đầu tiên mà anh gặp đó là phải dạy theo giáo trình chứ không được “freestyle” như cách mình làm việc. Học viên đều là những bạn trẻ chưa có nhiều nền tảng trong ngành, việc tiếp thu tốt một kiến thức mới sẽ tạo thêm động lực giúp các bạn càng thêm quyết tâm theo đuổi ngành. Vì vậy anh phải bám vào giáo trình để đi từng bước, cần phải truyền đạt rõ ràng để các bạn hiểu được kiến thức mình cung cấp. Anh cho rằng trách nhiệm quan trọng nhất của mình chính là phải truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu.
Thuận lợi thì có lẽ là do anh dễ dàng hòa nhập, giúp các bạn thoải mái học tập, kéo gần khoảng cách giữa người dạy – người học. Vì đã từng là học viên, nên bản thân anh cũng biết những khó khăn mà các bạn đang gặp phải, từ đó có thể hiểu hơn và giúp các bạn tự tin khi học tập.
Trở thành giảng viên trao gửi kiến thức chuyên môn đến với các bạn trẻ, cá nhân anh có nhận lại được gì không?
Có chứ, nhiều là đằng khác.
Việc truyền đạt kiến thức và trò chuyện với các bạn trẻ sẽ mang đến những lợi ích hai chiều. Những bài giảng từ anh giúp các bạn tích lũy được nhiều kiến thức trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi. Ngược lại, chính anh cũng được học từ các bạn ở nhiều khía cạnh như tính năng động, sáng tạo, sự trẻ trung,… Tựu trung, cả hai bên đều sẽ học tập lẫn nhau chứ không phải chỉ đơn phương là anh dạy cho các bạn.
Ngoài những kiến thức chuyên môn, anh còn mong muốn truyền tải điều gì cho học viên của mình?
Điều anh muốn truyền tải đến các bạn chính là phải giữ vững ý chí học tập của mình, phải giữ được lửa đam mê. Đừng vì bất kỳ lý do gì đó mà lơ là việc học. Khi học xong trên trường, về nhà cần phải tập luyện thật nhiều để có được kiến thức vững chắc. Điều này là tiền đề để các bạn tìm kiếm được công việc tốt hơn khi ra trường.
Anh Tâm được biết đến là một trong những giảng viên được học viên cực kỳ yêu thích. Các bạn thường đánh giá cao anh cả về chuyên môn lẫn cách giao lưu và gắn kết với mọi người xung quanh. Anh cảm nghĩ như thế nào khi được học viên ưu ái như vậy?
Anh thấy rất vui khi được học viên yêu mến và được gọi là “anh ba” (cười).
Anh không thích áp đặt tư tưởng là giảng viên phải nghiêm khắc, cứng rắn, nên bản thân anh đã cố gắng tạo cảm giác thoải mái để các bạn thấy yêu thích việc học. Tất nhiên thì vui vẻ cũng sẽ có mức độ nhất định. Anh vẫn rất rõ ràng để cân bằng việc chơi và học. Vui chơi nhưng vẫn phải hoàn thành tốt việc học. Sau giờ học có thể thoải mái chơi nhưng khi bước vào tiết học thì phải nghiêm túc.
Qua nhiều lứa học viên đào tạo, anh có đặc biệt ấn tượng về bạn học viên nào không? Vì sao?
Ấn tượng tốt hay xấu nhỉ? (cười). Riêng về ấn tượng tốt thì anh thấy rằng các bạn genZ thời nay khá giỏi. Riêng ở môn 2D anh đang dạy, có một số học trò như Mai, Long, Trọng Hiếu, Thảo Quyên,… thể hiện khá tốt. Các bạn rất nghiêm túc trong việc học, tiếp thu tốt và cũng chủ động tìm hiểu thêm kiến thức để “upgrade” khả năng của mình.
Chắc chắn rằng các bạn sẽ là những hạt giống đầy tiềm năng, tương lai sẽ là đóng góp nhiều giá trị cho ngành Sáng tạo – Giải trí nước nhà càng thêm phát triển.
Đã trải qua một hành trình đầy thăng trầm với “nghề” 2D, theo anh thì đây có phải là một nghề thú vị không? Vì sao?
Đương nhiên. Nghề này với anh vô cùng thú vị. Vì anh được phát huy trí sáng tạo và cần nâng cấp kỹ thuật mỗi ngày.
Những điều mới mẻ luôn đến với anh mỗi ngày và cho anh ngày càng nhiều những trải nghiệm mới. Ngay cả anh bây giờ cũng cần phải học hỏi thêm nhiều. Có thể nói, việc đi dạy và đi làm vừa giúp anh nâng cao kỹ năng, vừa có thể truyền tải nhiều giá trị hơn cho thế hệ trẻ tiếp nối.
Theo anh, các bạn trẻ muốn theo đuổi ngành Animation/Game Art & Design có cần phải theo học bài bản và chuyên sâu trong ngành không, hay chỉ cần tự học ở nhà là được? Mặt tốt và mặt xấu của việc tự học là gì?
Theo anh nghĩ, dù theo đuổi ngành Hoạt hình 3D hay Thiết kế Game thì cũng cần có kiến thức cơ bản của mảng thiết kế 2D. Một số kiến thức nền tảng như anatomy, hình khối trên cơ thể, các nhóm cơ, vector lực,… được trang bị ở bộ môn 2D sẽ giúp cho các bạn dễ dàng diễn hoạt 3D một cách chân thật, đáp ứng được nhu cầu khắt khe của dự án.
Còn về việc tự học hay đi học, anh thấy việc học ở nhà cũng sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Trong lĩnh vực thiết kế 2D, bạn hoàn toàn có thể tự học ở nhà nếu biết cách tự học. Chỉ cần bạn cố gắng tìm hiểu để biết được những vật thể này có nguyên lý hoạt động như thế nào, tính chất ra sao,… sau đó mới tập vẽ theo những kiến thức đã được học. Thì bạn hoàn toàn có thể tự học tại nhà.
Ngược lại, nếu tự học bằng phương pháp “copy – paste”, vẽ làm sao cho giống bản thiết kế trên mạng trong khi bản thân không hiểu gì thì điều này không khác gì một con vẹt. Các bạn sẽ mãi dậm chân tại chỗ chứ không phát triển được.
Được biết, anh Tâm là Artist được đánh giá cao bởi khả năng vẽ tay lẫn vẽ máy. Vậy với anh, yếu tố vẽ tay có quan trọng khi học Animation không? Những bạn trẻ không có khả năng vẽ tay có thể theo đuổi ngành được không?
Vẽ tay là căn bản đầu tiên để tiến lên vẽ máy. Khi bước chân vào ngành thì các bạn cần phải học vẽ tay trước, sau đó sẽ chuyển đổi công cụ sang các phần mềm máy tính để phục vụ cho các sản phẩm digital. Hiểu đơn giản, việc vẽ tay sẽ cho các bạn tư duy về thiết kế cũng như nâng cao khả năng mỹ thuật, khi chuyển sang vẽ máy thì chỉ cần làm quen với công cụ mới chứ kỹ năng và tư duy của bạn đã có sẵn. Vì vậy, theo anh vẽ tay cũng đóng vai trò quan trọng để các bạn dễ dàng chinh phục ngành 3D.
Còn với những bạn chưa có khả năng vẽ tay thì cũng đừng quá lo lắng. Anh nghĩ rằng các bạn chỉ cần nắm được một số quy tắc cơ bản như khung xương, cách vận hành của cơ thể,… chứ không nhất thiết phải biết vẽ. Có thể không cần vẽ đẹp, chỉ cần hiểu nguyên lý hoạt động của thiết kế thì các bạn vẫn có thể học được, thậm chí là học tốt.
Bên cạnh đó, các bạn muốn theo đuổi ngành Animation cần có thêm những yếu tố nào?
Ngoài kỹ năng vẽ, kiến thức chuyên môn và trí sáng tạo, anh nghĩ yếu tố để các bạn dễ dàng chinh phục ngành đó chính là sự đam mê và quyết tâm. Chỉ khi có lửa nhiệt huyết thì các bạn mới nghiêm túc học hành và phát triển bản thân. Trong một số trường hợp, anh thấy nhiều bạn có tính sáng tạo rất tốt, nhưng vẫn chưa hiểu được cốt lõi ngành thì hành trình phát triển cũng sẽ gặp khó khăn.
Thật ra, trong lĩnh vực 3D Animation bất kỳ môn học nào cũng cần phải có sự kết nối đến mảng thiết kế 2D. Anh muốn các bạn cần phải nghiêm túc học hành. Không chỉ dừng lại ở việc vẽ, các bạn cũng cần phải hiểu về mọi thứ để có thể hỗ trợ cho nhiều công việc liên quan, chẳng hạn như hiểu thêm về Light & Color để biết phối như thế nào cho đẹp; tìm bố cục, tìm góc đẹp; nặng hình khối như thế nào,… tất cả đều sẽ giúp các bạn chinh phục mảng 3D dễ dàng hơn.
Và nếu là một bạn trẻ hoàn toàn mới, bạn có thể hoàn toàn yên tâm vì chương trình đào tạo tại Học viện MAAC sẽ giúp bạn hoàn thiện tất cả những gì cần thiết để gia nhập ngành.
Anh hãy chia sẻ một số dự định của bản thân trong công việc sắp tới nhé.
Tiếp theo đây thì anh vẫn sẽ đi dạy và làm freelance. Đồng thời anh cũng có một dự định mới mẻ hơn, đó chính là sẽ viết ra một cốt truyện Game cho riêng mình. Dự định này phần nào để hỗ trợ cho học viên khi làm đồ án, đồng thời cũng muốn “biến hóa” để đưa các học trò giỏi trở thành những nhân vật cho cốt truyện của anh, xem như đây là món quà dành cho các bạn (cười). Anh nghĩ rằng dự án này cũng khá lâu, mọi người chờ đón nhé!
Cuối cùng, anh hãy gửi đến các bạn trẻ đang mong muốn gia nhập ngành một số lời động viên để các bạn có thêm động lực gia nhập ngành nhé!
Chúng ta chỉ sống một lần trong đời. Nếu tìm thấy đam mê, anh hy vọng rằng các bạn luôn tự tin để theo đuổi đam mê của mình, sống một cuộc sống mà mình mong muốn. Có thể là bạn sẽ có những rào cản, như là học phí, là định hướng của gia đình,… nhưng anh tin rằng, các bạn chỉ có thể vượt qua mọi rào cản, bước chân vào ngành và phát triển sự nghiệp cả đời nếu thật sự đam mê.
Anh luôn tin rằng những điều bạn thường làm khi rảnh sẽ quyết định tương lai của bạn. Vì vậy, đối với những bạn chưa biết mình thích mình phù hợp với lĩnh vực nào, hãy để ý xem những lúc rảnh rỗi bản thân bạn hay làm điều gì, anh nghĩ đó là sở thích của bạn và bạn có thể cân nhắc khám phá hướng đi này.
Cuối cùng, đừng để đam mê của bạn vụt tắt vì bất kỳ lý do nào đó. Vì điều này sẽ làm cho bạn hối tiếc đến cả cuộc đời về sau.
Cảm ơn anh Tâm vì buổi chia sẻ này. Hi vọng anh mãi là một người thầy mang đến nguồn tri thức giá trị cho các “mầm non” ngành Sáng tạo và luôn là một “anh ba báo” để tiếp thêm lửa nhiệt huyết cho các thế hệ trẻ tiếp nối.
Phỏng vấn: Scentedsea
Bài viết: Lê Hòa
Thiết kế: Olianji
Video: Nguyên Phúc
HỌC VIỆN KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH & HOẠT HÌNH MAAC
Chi nhánh Công ty cổ phần đào tạo ứng dụng Aprotrain (TP Hà Nội)
212 – 214 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP HCM