HỌC VIỆN KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH & HOẠT HÌNH MAAC
Trải qua xuyên suốt 100 giờ hoạt động liên tục, dù đau lưng, mỏi mắt hay có những phút giây ngủ gục trước phần mềm máy tính, cuối cùng các bạn trẻ đại diện cho MAAC Vietnam đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ trên toàn cầu, giành giải Đồng cuộc thi 100hrs – Creative Marathon.
100 Hrs – Creative Marathon là cuộc thi sản xuất phim hoạt hình 3D kéo dài liên tục 100 giờ. Với hình thức thi đấu hấp dẫn và giải thưởng giá trị, cuộc thi nhanh chóng thu hút được nhiều đội thi đấu trên toàn thế giới. Trong đó, đại diện duy nhất của MAAC Vietnam đã ghi tên mình vào bảng xếp hạng những nhóm có thành tích cao nhất, xuất sắc dành được giải Đồng chung cuộc.
Sản phẩm dự thi 100hrs – Creative Marathon của team MAAC Vietnam
Xuất phát điểm khác nhau và mang trong mình những tính cách riêng biệt, thế nhưng cả 6 thành viên của đại diện MAAC Vietnam tham gia cuộc thi 100Hrs đều có một điểm chung đó là niềm đam mê cháy bỏng với thế giới hậu kỳ và mong muốn trở thành những Artist tài giỏi. Đây cũng là lý do mà các mảnh ghép rời rạc đã có thể tìm thấy nhau và cùng nhau tạo nên những điều kỳ diệu.
Ngay sau đây, chúng ta hãy cùng nhau trò chuyện với các tài năng trẻ để lắng nghe những chia sẻ thú vị về chặng đường các bạn tham gia cuộc thi 100Hrs và rinh về giải thưởng danh giá nhé.
Đây là cuộc thi nhóm và phải ở cùng nhau xuyên suốt 4 ngày 4 đêm, các bạn đã liên hệ với nhau như thế nào để có thể kết hợp thành 1 nhóm?
Gia Huy: Vì là đại diện duy nhất của MAAC Vietnam nên mình cũng muốn tìm ra những đồng đội ăn ý nhất để tham gia cuộc thi. Bắt đầu chỉ với 2 thành viên là mình và Dương Hải, tuy nhiên vì luật không bắt buộc thí sinh học cụ thể một ngành nào đó, nên mình đã quyết định tập hợp những bạn trẻ ở cả các ngành VFX-3D-Games để tham dự. Và đó là lý do có sự góp mặt của các thành viên ở đây.
Kim Ngân: Bản thân mình chỉ đang học ở học kỳ đầu tiên ngành Game, nên mình cũng đang tìm kiếm những cơ hội để có thể va chạm nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn và tích lũy được nhiều kiến thức hơn. Vì vậy khi nhóm trưởng Gia Huy ngỏ lời mình đã ngay lập tức tham dự.
Hồng Ân: Vì đang trong những giai đoạn đầu chinh phục ngành 3D, thực tế mình không có quá nhiều kiến thức cũng như các mối quan hệ với các bạn bè chung ngành. Khi trường phát động cuộc thi, mình nhận ra rằng nếu tham gia mình sẽ có thêm cơ hội được giao lưu với nhiều anh chị lớn trong ngành, từ đó có thể học hỏi thêm nhiều kiến thức quý giá. Vậy nên mình đã “say yes” ngay lập tức khi nhận được lời mời từ anh Huy.
Khi nhận được tin nhóm đạt giải Đồng cuộc thi 100hrs, vượt qua các đối thủ khác trên toàn cầu, cảm xúc của các bạn như thế nào?
Hồng Ân: Ngay từ đầu mình cũng không kỳ vọng lắm về kết quả, vì nghĩ rằng mình cố gắng hoàn thành tốt bài thi là được. Các thành viên của team có một số người cũng chỉ biết nhau hơn 4 ngày, vì vậy khi đạt giải mình vừa vui sướng nhưng cũng không khỏi bất ngờ.
Thành Nhân: Thật ra khi hoàn thành cuộc thi, team cũng đã tự tin rằng sản phẩm của mình có thể đạt giải (cười). Chính vì vậy, mình cảm thấy sự cố gắng của các đồng đội cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng.
Kim Ngân: Dù không phải giải thưởng cao nhất, nhưng cá nhân mình đã cực kỳ bất ngờ và có một chút tự hào về những người anh em trong team. Mình nghĩ rằng chính sự gắn kết đã giúp nhóm đem lại giải thưởng danh giá này, đây là điều khiến mình cực kỳ trân quý.
Gia Huy: Là team đại diện cho trường để thi đấu với các bạn bè quốc tế, bản thân mình là một leader cũng có chút đòi hỏi cao và cũng đặt mục tiêu cao hơn. Thích thì cũng thích nhưng thật ra mình cũng có đôi chút thất vọng vì đã không giành được giải thưởng cao nhất. Dù thế, khi thấy được sự hạnh phúc vỡ òa của các bạn mình cũng cảm thấy vui lây.
Khi nhận được đề bài và bắt đầu làm, nhóm có đưa ra chiến lược gì để đem lại sự chỉn chu nhất cho sản phẩm dự thi, tạo sự khác biệt với đối thủ không?
Dương Hải: Trước khi bắt đầu vào cuộc thi, team cũng vạch ra chiến lượng rõ ràng. Đó là từ 1 – 2 ngày đầu team phải làm xong phần Model, Layout để đến ngày thứ 3 hoàn thành phần Animation, ngày cuối cùng tập trung render và chỉnh sửa các bước cho hoàn thiện.
Tuy nhiên, do không tham gia nhiều các cuộc thi như thế này nên team cũng không có kinh nghiệm trong việc quản lý thời gian. Vì vậy một số rủi ro đã xảy ra ở giai đoạn render và sắp xếp xử lý file, đến khi sắp hết thời gian thì team mới có thể hoàn thành dự án.
Thể lệ của cuộc thi chính là phải hoàn thành sản phẩm trong vòng 100hrs không ngừng nghỉ. Vậy các bạn đã phân chia công việc như thế nào để cả 6 đều phát huy được tối đa khả năng của mình, tạo ra sản phẩm chất lượng nhất?
Gia Huy: Ban đầu mình có xin timeline của mọi người để thuận tiện phân chia công việc. Trên thực tế cả 6 người không hoàn toàn thực hiện xuyên suốt 100hrs, vì có một vài bạn có việc riêng nên chỉ hỗ trợ những lúc rảnh rỗi. Phụ trách chính dự án là mình và Hải, những bạn còn lại sẽ thực hiện những công đoạn nhỏ. Cụ thể, thế mạnh của Hải là Model, nên Hải sẽ phụ trách phần Model Character và Animation. Còn mình đảm nhiệm các công đoạn còn lại gồm Rigging, Lighting, Render.
Ngoài ra, để tối ưu hóa thời gian, team cũng sắp xếp để chia công đoạn thực hiện song song với nhau. Ví dụ như khi Hải làm Animation thì song song đó Huy cũng thực hiện phần Lighting và các thành viên còn lại cũng thực hiện các nhóm công việc khác.
Khó khăn của nhóm khi thực hiện bài thi là gì? Cách để mọi người vượt qua những khó khăn đó là gì?
Thành Nhân: Với mình, khó khăn nhất có lẽ là vấn đề về nhân lực. Các công đoạn chính cũng như các phân đoạn khó thì đều là anh Hải và anh Huy đảm nhiệm. Những công đoạn như Rigging thì bọn mình đều chưa được học đến nên chỉ có thể hỗ trợ các công việc đơn giản như gắn chất liệu.
Bên cạnh đó, vì đây là cuộc thi đầu tiên mà nhóm tham dự, chưa có kinh nghiệm thực chiến nên một số vấn đề về mặt kỹ thuật chuyên môn như render, quản lý file,… cũng đôi lúc gặp khó khăn.
Hồng Ân: Tiếp nối với Nhân, mình thấy khó khăn với nhóm chính là chưa nắm vững các kỹ năng cần thiết. Mỗi khi xảy ra vấn đề, team sẽ lên mạng để tra tài liệu hoặc hỏi trực tiếp mentor là thầy Võ Huy Giáp để tìm ra cách giải quyết. Có thể thấy, qua chính những khó khăn này giúp team rút ra một số kinh nghiệm quý giá và cải thiện được những kỹ năng mà mình còn thiếu sót.
Làm việc nhóm thì luôn luôn có những vấn đề không đồng nhất ý kiến với nhau. Vậy trong lúc thực hiện bài thi, nhóm đã có xích mích gì hay không? Nếu có thì các bạn đã giải quyết nó như thế nào?
Gia Huy: Thật ra thì xích mích thì không có, nhưng những tranh luận thì chắc chắn đều sẽ có khi làm việc nhóm. Bởi vì thực tế bên ngoài mỗi người đều làm việc theo những cách thức khác nhau, vậy nên khi làm chung cũng sẽ tiếp tục làm việc theo cách riêng của mình chứ không có sự đồng nhất trong tất cả các khâu. Vì vậy khi phát sinh vấn đề, team sẽ ngồi lại nói chuyện với nhau để có thể tìm ra cách thức tối ưu nhất giải quyết vấn đề.
Cùng nhau hoàn thành bài thi một cách xuất sắc và giờ đây đã đạt được thành quả, vậy kỷ niệm nào với các bạn là đáng nhớ nhất? Vì sao?
Thành Nhân: Được gắn bó với nhau chính là một kỷ niệm đáng nhớ nhất. Thật sự 4 ngày 4 đêm làm bài thi rất áp lực, nhưng nội bộ làm việc đều rất vui vẻ, mọi người đều động viên nhau để hoàn thành tốt vai trò của mình.
Dương Hải: Khá lâu rồi mình mới thức nhiều ngày đến như vậy, 3 ngày đầu gần như là thức trắng. Vì vậy nên mọi khoảnh khắc trong quá trình làm bài cùng với những người đồng đội đều là kỷ niệm mà mình muốn lưu trữ trong đầu.
Hồng Ân: Được support hết mình từ phía nhà trường, cần gì cũng có từ đồ ăn, thức uống cho đến các máy móc, thiết bị điện tử,… Đây là điểm mình ấn tượng khi tham gia cuộc thi này. Thông qua đó mình nhận thấy rằng MAAC luôn tạo điều kiện để các bạn trẻ có được tinh thần thoải mái nhất để thử sức với các cột mốc chinh phục nghề.
Gia Huy: Điều đáng nhớ của mình chính là… bị chú bảo vệ la. Hôm đó bọn mình ra ngoài mua đồ ăn khuya nhưng không báo cho chú bảo vệ biết, thế là chú la cho một trận nhớ đời (cười).
Với sản phẩm lần này, có điểm nào khiến nhóm tâm đắc và điểm nào tiếc nuối nhất không? Vì sao?
Dương Hải: Điểm tâm đắc nhất có lẽ là cả nhóm đều đã nỗ lực hết sức mình để tạo ra một thành phẩm cũng khá “gì và này nọ”. Còn điểm tiếc nuối nhất chắc có lẽ là khoảng thời gian làm việc chung với những người đồng đội ăn ý đã chấm dứt.
Gia Huy: Điểm tâm đắc nhất với riêng mình có lẽ nhờ vào cuộc thi mà mình có thể ít nhiều cải thiện được kỹ năng riêng. Khi đi học và đi làm, thực tế những công đoạn cần làm như Rigging, Lighting, Render,… mình làm khá chậm. Ngược lại, vì áp lực thời gian thi đấu tương đối lớn nên mình cũng đẩy nhanh tiến độ, điều này cũng giúp các công đoạn trên làm nhanh hơn rất nhiều.
Thành Nhân: Có lẽ tiếc nuối nhất chính là mình chưa có nhiều kỹ năng để có thể theo sát workflow mà các anh đảm nhiệm. Nhưng đó cũng đồng thời là thứ mình tâm đắc nhất vì qua cuộc thi này mình cũng phần nào học hỏi và hoàn thiện hơn khả năng chuyên môn.
Về thầy Võ Huy Giáp – được biết thầy là người hướng dẫn chuyên môn trực tiếp cho nhóm trong suốt quá trình thực hiện bài thi. Các bạn cảm nhận như thế nào về thầy?
Dương Hải: Thầy Giáp là một người thầy vừa có tâm lại vừa có tầm. Trong suốt 4 ngày 4 đêm, thầy luôn có mặt mỗi khi nhóm cần sự hỗ trợ. Một số công đoạn như Animation nhờ có thầy Giáp hướng dẫn team mới có thể hoàn thành tốt. Thật sự team rất vinh hạnh khi nhận được sự đồng hành của thầy.
Gia Huy: Mình biết là thầy Giáp có nhiều công việc riêng của mình. Thế nhưng thầy vẫn luôn theo sát và giúp đỡ team mỗi khi cần thiết, kể cả những ngày cuối tuần. Những lời góp ý của thầy giúp sản phẩm của team tốt hơn và có thể nói rằng nếu không có thầy Giáp có lẽ nhóm cũng sẽ không đạt giải thưởng trong cuộc thi.
Cuối cùng, nhóm hãy dành lời khuyên cho các bạn trẻ đam mê và đang có ý định gia nhập ngành công nghiệp hậu kỳ đang rộng cửa chào đón giới trẻ đam mê.
Hồng Ân: Gói gọn vào hai chữ “DŨNG CẢM”. Nếu có đam mê, các bạn hãy mạnh dạn hãy theo đuổi. Đừng lo sợ và ngần ngại, hãy chấp nhận bước ra khỏi vòng an toàn của mình mà sống với đam mê, mình tin rằng bạn sẽ tìm thấy con đường phù hợp với bản thân.
Gia Huy: Thật ra mình gia nhập ngành hậu kỳ này cũng không sớm so với những bạn trẻ hiện nay. Vì vậy mình luôn khao khát rằng nếu được quay trở lại mình sẽ gia nhập ngành sớm hơn để có thể “hết mình” với đam mê. Lời khuyên của mình chính là các bạn nếu yêu thích ngành hãy nhanh chóng theo đuổi, đừng ngần ngại và e dè bất kỳ điều gì.
Thành Nhân: Ngành nghề nào cũng có sự khó khăn nhất định, cả VFX-3D-Games cũng thế. Nếu bạn vì lo sợ những khó khăn sắp tới mà không dám theo đuổi đam mê thì chính bạn đã đánh mất cơ hội của mình. Hãy dám mơ và dám làm, chắc chắn các bạn sẽ làm được.
Dương Hải: Rất nhiều người vẫn còn mơ màng chưa thật sự mình thích gì và nên làm gì. Biết được đam mê của mình đã là một điều may mắn. Mình mong các bạn trẻ đam mê với ngành hậu kỳ hãy cố gắng chinh phục và biến đam mê thành sự nghiệp suốt đời, bạn sẽ không phải hối tiếc.
Cảm ơn team về buổi chia sẻ ngày hôm nay. Học viện MAAC xin chúc các bạn thành công trong những dự án sắp tới. Hãy luôn nỗ lực, cố gắng theo đuổi đam mê để nhanh chóng trở thành những Artist tài giỏi, góp phần giúp ngành công nghiệp hậu kỳ nước nhà lên một tầm cao mới.
HỌC VIỆN KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH & HOẠT HÌNH MAAC
Chi nhánh Công ty cổ phần đào tạo ứng dụng Aprotrain (TP Hà Nội)
212 – 214 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP HCM