Lắng nghe Đạo diễn/Nhà sản xuất phim Võ Thanh Hòa định hướng cách bắt đầu trở thành Filmmaker thực thụ

Đạo diễn/Nhà sản xuất phim Võ Thanh Hòa có lẽ là gương mặt không quá xa lạ với khán giả Việt Nam khi “cầm trịch” vô vàn các sản phẩm điện ảnh đình đám, nổi bật như Bệnh Viện Ma, Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử, Chìa Khóa Trăm Tỷ, Nghề Siêu Dễ,… Vào ngày 20/3 vừa qua, vị đạo diễn tài năng của chúng ta đã tổ chức thành công buổi Offline đầu tiên xoay quanh hành trình để trở thành một Filmmaker thực thụ, giúp các bạn trẻ có niềm đam mê làm phim “dằn túi” được nhiều kiến thức bổ ích!

Dù trẻ tuổi, nhưng Võ Thanh Hòa được biết đến là vị đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim tài năng, đạt được nhiều thành tựu nhất định trong nền điện ảnh Việt. Với mong muốn ngành làm phim tại Việt Nam luôn được phát triển mạnh mẽ, anh đã lập ra câu lạc bộ: “Học làm phim chuyên nghiệp – Be a Filmmaker” – thường xuyên chia sẻ những kiến thức và các câu chuyện làm nghề đầy thú vị, giúp các bạn trẻ học thêm được nhiều kiến thức, và hiện nay câu lạc bộ đã có hơn 1800 thành viên.

Ngoài ra, Đạo diễn/Nhà sản xuất phim Võ Thanh Hòa còn là vị ban giám khảo cực kỳ quen thuộc tại Học viện MAAC, là người chấm điểm và đem lại nhiều lời nhận xét có giá trị cho các đồ án cuối khóa của học viên.

Đạo diễn/Nhà sản xuất phim Võ Thanh Hòa thường xuyên tham dự các buổi đồ án tại Học viện MAAC, chấm điểm và đưa ra nhiều lời nhận xét hữu ích cho các học viên

Bằng những kiến thức và kinh nghiệm “thực chiến” của mình trên con đường làm phim chuyên nghiệp, anh đã có những chia sẻ đầy bổ ích cho các bạn trẻ yêu thích làm phim những yếu tố để bắt đầu trở thành một Filmmaker thực thụ. Ở buổi workshop, đối tượng tham dự là những bạn trẻ đầy năng động. Dù xuất thân từ các ngành nghề khác nhau, nhưng điểm chung của tất cả các bạn khi ngồi đây chính là có sự yêu thích đặc biệt với việc làm phim.

Theo anh Võ Thanh Hòa: “Ở thời điểm trước đây, tầm 10 đến 15 năm về trước, có rất ít nơi đào tạo làm phim, nổi bật đếm trên đầu ngón tay như trường Phát Thanh Truyền Hình, trường Sân Khấu Điện Ảnh,… khiến cho điều kiện tiếp cận nghề ở thời điểm đó khá khó khăn. Vậy nên khi bắt đầu làm phim, điều mà anh mong muốn nhất chính là mình chia sẻ được nguồn cảm hứng, niềm đam mê đến với mọi người nhiều hơn mà không nhất thiết phải đến với những ngôi trường chính quy. Đơn giản vì không phải ai cũng có đủ điều kiện và thời gian để làm chuyện này.

Đó cũng là lý do chính mà anh lập ra nhóm [Học làm phim chuyên nghiệp – Be A Fimmaker], và chúng ta có buổi offline ngày hôm nay”.

Hành trình trở thành một Filmmaker cần hội tụ những gì?

Làm phim được xem như một công cuộc tìm kiếm và nghiên cứu những điều sáng tạo, cần sự đổi mới từng ngày. Một bộ phim muốn đạt được sự thành công, thì kỹ năng, kiến thức, định hướng và tầm nhìn của Filmmaker là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong buổi Offline của mình, anh Hòa đã tóm gọn các ý chính sau đây:

1. Filmmaker là gì?

Đạo diễn của bộ phim Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử cho biết: “Filmmaker là người tạo ra một bộ phim, thiếu họ thì phim sẽ không thể hoàn thành trọn vẹn được. Trong một tổ chức làm phim có rất nhiều vị trí, Filmmaker luôn đóng vai trò chủ chốt tạo nên sự thành công của bộ phim.

Không đơn thuần làm tốt vai trò chuyên môn, Filmmaker còn phải là người cực kỳ tâm huyết và “máu chiến”, có khả năng tham gia vào mọi vị trí làm phim”.

Hiểu rõ về tầm quan trọng của một Filmmaker cũng giúp bạn biết được rằng, đây là vị trí “sinh tử”, nắm giữ sự thành công hoặc thất bại của bộ phim. Như anh Hòa đã chia sẻ, Filmmaker không là khái niệm chỉ cố định một vị trí nào trong đoàn làm phim. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ cho rằng, Đạo diễn – người cầm trịch bộ phim chính là một Filmmaker, dẫn đến việc nhiều người có xu hướng lựa chọn làm đạo diễn hơn những vị trí còn lại.

Về vấn đề này, anh Võ Thanh Hòa cho biết: “Hiện nay những bạn yêu thích nghề làm phim đều lựa chọn xuất phát điểm của mình ở vai trò Đạo Diễn. Nếu muốn trở thành một Filmmaker giỏi, anh nghĩ các bạn nên học và thử sức ở nhiều vị trí khác nhau trong đoàn như đạo diễn hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, dựng phim, nhà sản xuất,… từ đó lựa chọn được vị trí phù hợp.

Khi đảm nhiệm vị trí của mình, bạn tự cảm thấy rằng, những gì mình đem lại cho đoàn phim là cực kỳ quan trọng, nếu không có mình, phim sẽ không thể vận hành tốt, thì ngay lúc đó bạn đã chính là một nhà làm phim – Filmmaker thực thụ

2. Định hướng con đường trở thành Filmmaker

Yếu tố đầu tiên để bước chân vào con đường làm phim, và cũng là “món vũ khí” để phim của bạn sản xuất thành công đó chính là tự bản thân Filmmaker phải hiểu được mình đang làm gì. Phim đơn thuần chỉ là “kể câu chuyện bằng hình ảnh, bằng video, từ đó truyền tải cảm xúc đến cho người xem”. Vì vậy, hiểu rõ được chính bản thân mình muốn gì đó chính là định hướng cần thiết nhất khi bước chân vào ngành.

Quá trình làm nghệ thuật giúp bạn hiểu được chính mình nhiều hơn người khác hiểu bạn”, đạo diễn Võ Thanh Hòa nêu quan điểm.

Bằng những kinh nghiệm thực tiễn của mình, Đạo diễn phim Bệnh Viện Ma rút ra được các yếu tố mà người trẻ cần tìm hiểu rõ khi gia nhập vào ngành làm phim:

  • Cá tính và phong cách riêng của bản thân.
  • Xu hướng làm việc và xu hướng sáng tạo riêng: thích làm phim thương mại có doanh thu cao, hay làm phim với những câu chuyện riêng biệt ít được tiếp cận,…
  • Tố chất, sở trường và thế mạnh mà chính mình đang có.

Ngoài những yếu tố trên, trong quá trình bắt đầu làm phim, ta cần phải xác định được tầm nhìn và mục tiêu của chính mình trong nghề. Tất cả những điều này tựa như cái la bàn, sẽ giúp ta đi tiếp con đường mình chọn dễ dàng hơn, ít mông lung hơn.

Đạo diễn trẻ tài năng cho hay: “Theo kinh nghiệm của anh, những ai mới bắt đầu nghề làm phim hãy làm những điều mình biết và nắm rõ. Và hãy giữ quan điểm này khoảng 5 năm đầu tiên làm nghề. Bởi chỉ những thứ mình thật sự hiểu và có cảm xúc thì mới có thể thực hiện tốt”.

Bên cạnh đó, yếu tố không thể không nhắc đến để trở thành một Filmmaker thực thụ đó chính là thái độ. Thái độ giúp chúng ta quyết định được sự nghiêm túc, sự đầu tư để hoàn thành một bộ phim chỉn chu. “Kể từ những ngày bước chân vào con đường làm phim ở độ tuổi 20, anh đã nghĩ mình sẽ theo đuổi con đường này đến năm 60 tuổi, sẽ quyết tâm làm phim và kiếm ra tiền từ nó. Đó là sự quyết tâm và nỗ lực của anh khi làm nghề”, anh Võ Thanh Hòa chia sẻ.

3. Các nguồn lực cần có để làm phim

Theo vị đạo diễn trẻ đầy tài năng, để có thể tạo ra một bộ phim ta cần phải có 3 nguồn lực chính, đó là Trí lực – Tài lực – Nhân lực.

Về trí lực:

Nghề làm phim là thiên về những thứ trừu tượng. Tất cả mọi thứ từ ý tưởng, nguồn cảm hứng, mục tiêu, động lực, kiến thức, kỹ năng… đều gọi chung là TRÍ LỰC. Nếu một Filmmaker có cố gắng, việc nuôi dưỡng trí lực ngày càng phát triển là điều không quá khó khăn. Không cần quá cầu kỳ, những hoạt động hằng ngày cũng có thể tạo điều kiện cho chúng ta phát triển trí lực của mình, chẳng hạn như “chịu khó” quan sát, viết lại những ý tưởng mà mình tưởng tượng, đọc sách, xem phim, đi du lịch để tiếp xúc nhiều kiến thức thực tế, chơi game, chơi thể thao,…

Về tài lực:

Tài lực luôn là yếu tố thực tế nhất khi bắt đầu làm phim, không có nó sẽ chẳng có đoàn phim nào có thể hoàn thành được sản phẩm chỉn chu, vừa ý. Để có được tài lực, Filmmaker phải xác định được mục tiêu và USP của dự án, từ đó tìm ra nhà đầu tư, nhà tài trợ phù hợp. 

Về nhân lực:

Đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết: “Nhân lực với anh là yếu tố cần thiết và quan trọng nhất trong đoàn làm phim. Tất cả các máy móc hiện đại, tiên tiến nhất đều không thể sánh bằng con người. Có tất cả nhưng nếu thiếu nhân lực tốt, những người cộng sự giỏi, chắc chắn không thể tạo nên một bộ phim hay”.

Là một Filmmaker giỏi, việc sử dụng nguồn lực đúng cách, giao đúng người – đúng việc cũng giúp bộ phim đạt được sự kỳ vọng ban đầu.

Tóm lại, hành trình để trở thành một Filmmaker thực thụ có vô vàn thử thách. Song hành cùng những vinh quang được minh chứng bằng sự hài lòng của khán giả là vô vàn áp lực bủa vây nhà làm phim. Chính vì vậy, bạn hãy trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức, kỹ năng và tư duy thật tốt để bắt đầu chặng đường mà mình yêu thích.

Và cuối cùng, dành cho những ai đang đối mặt với những áp lực khi bước chân vào ngành, đạo diễn/nhà sản xuất Võ Thanh Hòa đưa ra lời khuyên: “Trong quá trình làm phim, chắc chắn sẽ có những lúc bế tắc nhất và chúng ta bắt đầu muốn bỏ cuộc. Thế nhưng ngay lúc này hãy tự dừng lại và suy nghĩ lý do vì sao mình bắt đầu, điều mong muốn khi bước chân vào ngành là gì? Nếu như sự kỳ vọng và niềm đam mê của ta đủ lớn, ta sẽ có động lực để bước tiếp và làm được những điều cao cả hơn”.

Dù điều kiện tại buổi Offline có phần khó khăn do thời tiết kém, thế nhưng chương trình vẫn được đông đảo các bạn trẻ tham dự và cho đến cuối giờ, ai nấy cũng đều hứng thú và dường như say mê với những chia sẻ đầy bổ ích của vị đạo diễn trẻ tài năng.

Bạn Trúc Ly – Sinh viên trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh cho biết: “Là một diễn viên trẻ nên em cũng cực kỳ hứng thú với việc làm phim, biết được anh Hòa tổ chức buổi workshop này em rất hào hứng. Buổi offline đem lại cho em rất nhiều thứ bổ ích trong việc làm phim. Qua những chia sẻ của anh Hòa, em cảm thấy những ai làm ra được một bộ phim hoàn mỹ thật sự rất tuyệt vời và vô cùng tâm huyết. Những chia sẻ này cũng phần nào nhóm lên ngọn lửa, giúp em vượt qua mọi rào cản mà theo đuổi nghề làm phim

Ngoài ra, anh Đinh Trí Dũng – Giám đốc Học viện MAAC còn cho biết: “Anh đánh giá cực kỳ cao cá nhân đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng như đội ngũ 89s Group khi đã tổ chức được buổi offline này. Anh cũng có theo dõi hội nhóm về chia sẻ làm phim của Hòa. Được biết nghề này cần rất nhiều nhân lực, ngoài việc chăm chỉ làm phim của mình, Hòa cũng rất nỗ lực để dẫn dắt thế hệ trẻ vào con đường làm phim bằng những kiến thức và kinh nghiệm thực chiến của mình, đây là điều vô cùng đáng quý. 

Buổi workshop này với anh là cực kỳ hữu ích, Hòa đã chia sẻ những kiến thức thực tiễn, có giá trị để các bạn trẻ làm nghề. Trong tương lai, anh nghĩ chúng ta nên có những khóa học chuyên sâu hơn nữa dành cho những ai muốn làm phim”.

Buổi offline diễn ra thành công rực rỡ, cả diễn giả lẫn người tham dự đều vô cùng phấn khích

Đạo diễn/Nhà sản xuất Võ Thanh Hòa và những chia sẻ về Kỹ xảo – 3D

Đứng dưới cương vị của một đạo diễn/nhà sản xuất trẻ đầy tài năng, đã thực hiện nhiều dự án đình đám được khán giả công nhận, Võ Thanh Hòa cũng có một số chia sẻ về vấn đề ứng dụng VFX/3D trong làm phim:

1. Dưới góc nhìn của nhà Đạo diễn, anh nhận thấy vai trò của 3D và Kỹ xảo (Visual Effects) trong điện ảnh Việt 5 năm gần đây đã có những biến chuyển đáng kể nào?

Theo anh, vai trò của kỹ xảo và 3D ở Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây ngày một tăng lên, phát triển mạnh mẽ hơn. Trong khoảng thời gian trước, nói về kỹ xảo khi làm phim ai cũng nghĩ đó là điều gì đó rất xa xỉ, khó để thực hiện được. Nhưng ở thời điểm hiện tại, với sự hiện đại của công nghệ và sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, 3D/VFX ngày càng quan trọng và có nhiều “đất diễn” trong một bộ phim.

Và đặc biệt, đội ngũ Artist thực hiện kỹ xảo/3D của Việt Nam ngày càng phát triển tốt hơn. Điều này được minh chứng qua hàng loạt các dự án nổi tiếng của Quốc tế. Vì vậy anh tin rằng ngành công nghiệp hậu kỳ này sẽ còn được tăng trưởng rất vượt trội trong tương lai.

2. Các công ty về hậu kỳ tuyển rất nhiều nguồn nhân lực để thực hiện các dự án nước ngoài, còn những dự án ở Việt Nam thì khá ít. Vậy theo anh đây có phải là hiện tượng “chảy máu chất xám” không?

Anh không gọi đây là “chảy máu chất xám”, mà anh xem là “nước chảy về chỗ trũng”. Một dự án phim nước ngoài được đầu tư rất nhiều tiền, khoảng 30, 50 hoặc thậm chí lên đến 100 triệu đô để sản xuất phim. Vậy nên họ rất thoải mái để thực hiện kỹ xảo, thuê Artist giỏi trên toàn thế giới. Và một trong những nơi được “chọn mặt gửi vàng” trong thời điểm hiện nay chính là đội ngũ Artist Việt. 

Với anh, vấn đề các Artist Việt thực hiện nhiều dự án kỹ xảo ở nước ngoài được xem là dấu hiệu tốt cho nền công nghiệp truyền thông – giải trí Việt Nam, bởi họ có thể tiếp cận được nhiều kiến thức, kinh nghiệm cũng như tư duy phóng khoáng hơn. 

3. Các nhà làm phim Việt nên tận dụng nguồn lực ngành công nghiệp Kỹ xảo và 3D như thế nào để cho sản xuất ra nhiều phim có chất lượng? Việc hiểu biết sâu sắc về kỹ xảo sẽ mang đến cho các nhà làm phim, đạo diễn lợi thế nào? 

Với câu hỏi này anh sẽ chia ra 2 phần để trả lời:

– Đầu tiên là về chính bản thân những nhà làm phim phải hiểu về kỹ xảo/3D. Có những vị trí làm phim hoàn toàn có thể ứng dụng kỹ xảo để sản xuất phim hay hơn, ví dụ như biên kịch. Nếu biên kịch hiểu kỹ xảo, có thể “xào nấu” nội dung tốt hơn, rõ ràng hơn, và bất kỳ vị trí như hình ảnh, sản xuất, đạo diễn,… cũng đều tương tự.

– Tiếp theo là về khía cạnh nhân lực trong ngành công nghiệp truyền thông – giải trí hiện nay. Theo anh thấy, nhân lực ngày càng nhiều, trình độ, kiến thức và tư duy cũng ngày càng giỏi hơn. Bên cạnh đó, công nghệ tiên tiến, máy móc phát triển cũng dễ dàng đáp ứng kỹ xảo hơn. Vì vậy, những nhà làm phim nên tận dụng tối đa các nguồn lực này để tạo ra bộ phim có nhiều hương, nhiều vị, nhiều màu sắc.

4. Là một người rất nhiệt huyết với ngành, luôn tạo điều kiện để tổ chức những hoạt động sinh hoạt cộng đồng cho người trẻ đam mê điện ảnh, Đạo diễn Võ Thanh Hòa có kỳ vọng gì với các bạn trẻ từ Học viện MAAC?

Thực tế anh khá quen thuộc với Học viện MAAC. Anh đã tiếp cận từ lúc MAAC vừa mới được hình thành cho đến nay. Trong suốt quá trình phát triển, anh cũng thường xuyên tham dự những buổi chấm điểm, giám khảo và chia sẻ thông tin, kiến thức,… thậm chí có những bạn học viên lứa đầu của MAAC hiện nay còn là đồng nghiệp của anh.

Vì vậy, bản thân anh đánh giá rất cao những nơi như học viện MAAC, đào tạo bài bản, đầy đủ và giúp cho những người kể cả từ số 0 có thể trở thành một Artist thực thụ. Đây là điều cực kỳ hữu ích cho nền công nghiệp truyền thông – giải trí Việt Nam, và anh hy vọng rằng những Học viện như MAAC ngày càng phát triển và mở rộng hơn trong tương lai.

Cám ơn đạo diễn/nhà sản xuất Võ Thanh Hòa đã dành thời gian để tổ chức ngày hội chia sẻ làm phim và tham gia trò chuyện cùng Học viện MAAC! Chúc anh nhiều sức khỏe và ngày càng tràn trề năng lượng làm nghề, đem lại cho nền điện ảnh Việt nhiều sản phẩm giá trị!

SIGN UP FOR FREE

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ